QUYẾT ĐỊNH
Quy định việc quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
_______________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 90/TTr-STNMT ngày 01 tháng 02 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt; phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn cồng kềnh; tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải rắn nguy hại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định tại khoản 2 và khoản 6 Điều 75, khoản 4 Điều 77, điểm c khoản 5 Điều 81, khoản 3 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường. Quyết định này không áp dụng đối với việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại.
2. Đối tượng áp dụng
a) Hộ gia đình, cá nhân có phát sinh chất thải rắn từ hoạt động sinh hoạt; Các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân.
b) Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải rắn nguy hại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
c) Cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”.
Điều 2. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt
1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc được quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường.
2. Chất thải rắn sinh hoạt khác được phân loại thành 03 nhóm như sau:
a) Chất thải rắn nguy hại.
b) Chất thải rắn cồng kềnh.
c) Chất thải rắn sinh hoạt còn lại.
Điều 3. Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn cồng kềnh
1. Chất thải rắn cồng kềnh phân loại thành 02 nhóm sau:
a) Nhóm 1: thiết bị nội thất thải bỏ (tủ gỗ, bàn ghế, giường, nệm cũ hỏng, tủ sắt, khung cửa, cánh cửa,…);
b) Nhóm 2: chất thải làm vườn (cành cây, thân cây, gốc cây,…).
2. Chất thải rắn cồng kềnh được lưu giữ, bảo quản tại hộ gia đình, cá nhân và phải được tháo rời, giảm kích thước đến mức có thể lưu chứa được trong xe thu gom rác trước khi vận chuyển đến điểm tập kết. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không tự tháo rời, giảm kích thước tại nơi phát sinh chất thải thì phải tháo rời và phân loại chất thải rắn cồng kềnh tại điểm tập kết hoặc cơ sở xử lý; hoặc tự thỏa thuận với chủ cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh để thực hiện việc tháo rời và phân loại chất thải rắn cồng kềnh theo chi phí thỏa thuận. Không được tự ý tập kết chất thải rắn cồng kềnh ra vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng không đúng theo quy định.
3. Vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh
a) Phương tiện vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; đảm bảo không rơi vãi chất thải trong quá trình vận chuyển.
b) Chất thải rắn cồng kềnh sẽ được thu gom, vận chuyển định kỳ (ít nhất 01 lần/quý) theo lịch trình thu gom chung của địa phương theo chi phí thỏa thuận; hoặc chủ nguồn thải tự vận chuyển hoặc tự thỏa thuận chi phí với chủ cơ sở có chức năng vận chuyển đến nơi tập kết tập trung theo lịch tiếp nhận của đơn vị quản lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
4. Nguyên tắc xử lý chất thải rắn cồng kềnh
a) Chất thải rắn cồng kềnh sau khi tháo rời phải phân loại thành các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng và chỉ thải bỏ các thành phần không thể tái chế, tái sử dụng để giảm thiểu tối đa việc phát thải ra môi trường và tận dụng triệt để giá trị nguồn tài nguyên từ chất thải.
b) Đối với những thành phần thải bỏ do không thể tái chế, tái sử dụng thì được phân loại, xử lý theo quy định.
Điều 4. Tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải rắn nguy hại
1. Việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại phải đảm bảo tối ưu về tuyến đường và thời gian, bảo đảm an toàn giao thông và phòng ngừa, ứng phó sự cố.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định chi tiết về tuyến đường, thời gian vận chuyển phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và gửi Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý.
Điều 5. Chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải rắn nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt
1. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phân loại riêng chất thải nguy hại để tự lưu chứa tại hộ gia đình hoặc bỏ vào thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại do Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí tại mỗi xã, phường.
2. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm lưu chứa chất thải rắn nguy hại đúng quy định; định kỳ tập kết chất thải rắn nguy hại theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp huyện để chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nguy hại.
3. Hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.
Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Là cơ quan đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra và thực hiện Quyết định này.
b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong việc thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn.
c) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân liên quan.
2. Sở Giao thông vận tải
Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc theo dõi, quản lý tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải rắn nguy hại trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
Xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường liên quan đến quản lý chất thải rắn, phân loại, thu gom rác thải để tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong các cấp học trên địa bàn tỉnh.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
b) Ban hành theo thẩm quyền quy định, chương trình, kế hoạch về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Hàng năm xây dựng và triển khai kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn.
c) Tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
d) Tổ chức triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, hướng dẫn và tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm Quyết định này.
đ) Lựa chọn và công khai danh sách các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo quy định.
e) Quản lý việc xây dựng và vận hành tuyến thu gom, thời gian vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tối ưu về cự ly vận chuyển và tình hình giao thông tại khu vực; chỉ đạo sắp xếp thời gian hoạt động của các điểm tập kết, trạm trung chuyển và các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.
g) Hàng năm, bố trí ngân sách cấp huyện để thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ phân loại riêng chất thải rắn nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
h) Lựa chọn, bố trí và vận hành địa điểm tiếp nhận, tập kết chất thải rắn sau khi phân loại trên địa bàn quản lý phù hợp với điều kiện của địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường theo đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát các hành vi không tuân thủ quy định về quản lý chất thải rắn.
i) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này trên địa bàn, xử lý hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Xây dựng kế hoạch, phương án hoặc nội dung thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, bao gồm chi phí hợp đồng thu gom, xử lý chất thải rắn nguy hại phát sinh trên địa bàn.
b) Tổ chức triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn theo quy định; tuyên truyền, vận động chủ nguồn thải thu gom, tập kết chất thải rắn theo quy định; niêm yết công khai hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn để chủ nguồn thải giám sát, đánh giá.
c) Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
d) Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện tại điểm e khoản 4 Điều 6 của Quyết định này.
đ) Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc mang đến địa điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát các hành vi không tuân thủ quy định về quản lý chất thải rắn.
e) Hàng năm, tổ chức thống kê số lượng thiết bị, thùng lưu chứa chất thải rắn nguy hại cần thiết, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí ngân sách thực hiện.
g) Thông báo công khai: vị trí các điểm tiếp nhận, địa điểm tập kết chất thải, lịch chuyển giao và thu gom chất thải, thông tin liên hệ các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn cồng kềnh và chất thải rắn nguy hại trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, thực hiện đúng quy định.
6. Cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn
a) Trách nhiệm
Các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn có trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung tại Quyết định này và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường.
b) Quyền hạn
- Được thanh toán đúng và đủ giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo hợp đồng đã ký kết.
- Đề xuất các biện pháp hỗ trợ hoặc thay thế không trái với các quy định hiện hành nhằm làm giảm chi phí cũng như nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường.
7. Chủ nguồn thải
a) Thực hiện theo Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường và các quy định tại Điều 2 của Quyết định này.
b) Thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan; Chi trả chi phí dịch vụ vận chuyển và xử lý chất thải rắn cồng kềnh (khi có phát sinh).
c) Thu gom, tập kết chất thải rắn đúng nơi quy định; tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng do chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể phát động.
d) Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong công tác điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý chất thải rắn.
đ) Giám sát và phản ánh các vấn đề liên quan đến giá dịch vụ hợp đồng, đánh giá chất lượng cung ứng các dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã; phản ánh đến chính quyền địa phương đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân vi phạm những nội dung của Quyết định này, gây mất vệ sinh khu vực đất do mình sở hữu, vỉa hè trước và xung quanh nhà, cơ sở hoặc trụ sở.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.
2. Các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung Quyết định này đến các tổ chức, cá nhân và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện; Định kỳ trước ngày 15 tháng 01 năm tiếp theo, báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định này, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp báo cáo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 8. Điều khoản thi hành
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2024./.