QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng
Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2020
____________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại tờ trình số 15/TTr-BXD ngày 13 tháng 5 năm 2005 và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định tại tờ trình số 19/TT-UB ngày 08 tháng 4 năm 2005.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi quy hoạch: Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định thuộc bán đảo Phương Mai, tỉnh Bình Định, bao gồm các xã: Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải, khu vực 9 phường Hải Cảng thành phố Quy Nhơn; một phần xã Phước Hòa, Phước Sơn, huyện Tuy Phước; một phần xã Cát Tiến, Cát Hải, Cát Chánh, huyện Phù Cát, được giới hạn như sau:
- Phía Bắc giáp Núi Bà, xã Cát Hải, huyện Phù Cát.
- Phía Nam giáp biển Đông.
- Phía Tây giáp đầm Thị Nại.
- Phía Đông giáp biển Đông.
2. Tính chất:
- Là Khu kinh tế có quy chế hoạt động riêng, bao gồm: Khu phi thuế quan, Khu công nghiệp, kinh tế cảng biển, thương mại dịch vụ, du lịch, Khu đô thị mới, vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định và của khu vực miền Trung.
- Là khu vực phát triển mới của thành phố Quy Nhơn với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ, môi trường trong sạch gắn với thiên nhiên.
3. Quy mô dân số và đất đai:
- Tổng diện tích quy hoạch khoảng 12.000 ha.
- Tổng dân số đến năm 2020 khoảng 150.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 130.000 người; dân số nông thôn khoảng 20.000 người.
4. Các hướng phát triển chủ yếu:
a) Khu vực phía Tây Nam bán đảo Phương Mai (phía Đông đầm Thị Nại và phía Tây núi Phương Mai): phát triển Khu công nghiệp gắn với cảng biển Nhơn Hội và Khu phi thuế quan.
b) Khu vực giữa bán đảo Phương Mai (phía Đông đầm Thị Nại và phía Tây núi Phương Mai): phát triển các khu du lịch, dịch vụ và khu đô thị.
c) Khu vực phía Bắc bán đảo Phương Mai: cải tạo chỉnh trang các làng đô thị hóa, phát triển Khu công nghiệp phong điện và du lịch nghỉ dưỡng biển.
5. Tổ chức không gian:
Khu kinh tế Nhơn Hội gồm hai khu chức năng chính là Khu phi thuế quan và Khu thuế quan.
a) Khu phi thuế quan (diện tích xây dựng khoảng 545 ha) là khu vực có hàng rào cứng, ra vào có kiểm tra liên ngành, được bố trí tại xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, bao gồm Khu cảng và hậu cảng (55 ha), Khu trung tâm (90 ha), Khu chế xuất (300 ha) và Khu kho tàng (100 ha).
b) Khu thuế quan (diện tích xây dựng khoảng 4.720 ha), trong đó:
- Các khu công nghiệp (tổng diện tích khoảng 1.395 ha) gồm: Khu công nghiệp Nhơn Hội (khoảng 1.050 ha); Khu phong điện (khoảng 300 ha) được bố trí từ Phú Hậu đến Khe Đá Sứ; công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền (khoảng 45 ha), được bố trí phía Nam cảng biển Nhơn Hội.
- Các khu du lịch (diện tích khoảng 1.585 ha) gồm: du lịch sinh thái đầm, biển, rừng ngập mặn và du lịch núi được bố trí tại đầm Thị Nại, núi Phương Mai - Nhơn Lý, Núi Bà - Cát Hải.
- Các khu dân cư đô thị (tổng diện tích khoảng 1.105 ha) gồm: Khu đô thị mới Nhơn Hội (quy mô dân số khoảng 84.000 người, diện tích khoảng 750 ha); Khu dân cư dịch vụ du lịch Cát Tiến (quy mô dân số khoảng 32.000 người, diện tích khoảng 230 ha); Khu dân cư dịch vụ du lịch Nhơn Lý (quy mô dân số khoảng 8.000 người, diện tích khoảng 65 ha); Khu dân cư dịch vụ du lịch Cát Hải (quy mô dân số khoảng 6.000 người, diện tích khoảng 60 ha).
- Dân cư nông thôn: giai đoạn đầu giữ nguyên các khu dân cư nông thôn hiện có và xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội. Đến năm 2020 diện tích các khu dân cư nông thôn còn khoảng 60 ha.
- Hệ thống trung tâm: trung tâm đào tạo đặt tại trung tâm Khu công nghiệp (khoảng 15 ha); trung tâm quản lý, điều hành Khu kinh tế Nhơn Hội (khoảng 10 ha) và các khu trung tâm đô thị đặt tại Khu đô thị mới Nhơn Hội và Cát Tiến.
- Hệ thống công viên cây xanh gồm: cây xanh trong các đơn vị ở (khoảng 130 ha); cây xanh công viên thể dục thể thao phía Bắc Khu đô thị mới Nhơn Hội (khoảng 140 ha); cây xanh sinh thái tại khu vực quanh đầm Thị Nại có chức năng cách ly giữa Khu công nghiệp với Khu sinh thái đầm Thị Nại và Khu dân cư đô thị (khoảng 175 ha).
6. Quy hoạch kiến trúc và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên:
a) Đối với các khu vực cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa:
- Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên đối với các cồn cát, đồi cao, mặt nước, sông ngòi, đầm. Bảo tồn hệ sinh thái biển, đầm. Cải tạo bổ sung các loại cây trồng phù hợp cảnh quan đô thị và phục vụ du lịch.
- Giữ gìn tôn tạo các di tích, chứng tích lịch sử.
- Khai thác các bãi tắm biển, vùng ngập trũng, đồi núi cao, ven sông ngòi, kênh rạch tạo thành các vùng cây xanh, không gian du lịch hấp dẫn.
- Cây xanh mặt nước kết thành hệ thống liên tục và trải đều bán đảo để bảo vệ sinh thái môi trường cho toàn Khu kinh tế Nhơn Hội.
b) Đối với các khu đô thị:
- Khu vực xây dựng mới xác định cơ cấu và hình thái không gian đô thị sinh thái với những trục không gian chủ đạo hướng ra đầm Thị Nại và ra biển.
- Khu đô thị mới Nhơn Hội là khu vực trọng điểm về không gian của Khu kinh tế Nhơn Hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại với các công trình cao tầng. Trục không gian chủ đạo theo hướng đầm Thị Nại - núi Phương Mai.
- Tại Khu du lịch biển chủ yếu xây dựng các công trình thấp tầng, gắn kết với hệ thống cây xanh sinh thái, phát triển các cụm du lịch riêng biệt với trục không gian hướng ra biển.
- Tại các khu công nghiệp xây dựng các công trình công cộng dịch vụ, tạo cảnh quan và môi trường vi khí hậu trong Khu công nghiệp.
7. Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
a) Về giao thông:
- Giao thông đối ngoại:
+ Đường bộ: xây dựng mới tuyến đường nối giữa Khu trung tâm thành phố Quy Nhơn với cảng Nhơn Hội và Khu công nghiệp; xây dựng mới tuyến đường đối ngoại phía Tây bán đảo Phương Mai, mặt cắt ngang 65 m. Xây dựng bến xe khách đối ngoại phía Bắc (khoảng 3 ha) và phía Nam (khoảng 4 ha); bến xe tải đối ngoại (khoảng 3 ha) và kho bãi (khoảng 5 ha).
+ Đường thủy: cảng Nhơn Hội có công suất khoảng 12 triệu tấn/năm; tổng diện tích khu vực cảng khoảng 210 ha, trong đó cảng tự do 55 ha, cảng thuế quan 110 ha và Khu sửa chữa đóng tàu 45 ha.
+ Đường sắt: sử dụng ga mới tại Nhơn Bình là ga đường sắt đầu mối phục vụ vận tải đường sắt đối ngoại của Khu kinh tế Nhơn Hội.
+ Đường hàng không: sử dụng sân bay Phú Cát là sân bay đối ngoại của Khu kinh tế Nhơn Hội.
- Giao thông nội bộ:
Hệ thống tuyến giao thông chính gồm: các trục chính Bắc - Nam có mặt cắt ngang từ 40 m đến 80 m; các trục chính Đông - Tây có mặt cắt ngang từ 45 m đến 65 m; hai bến xe khách đối ngoại tại Cát Tiến và Khu đô thị mới Nhơn Hội; hai bến xe tải đối ngoại tại Khu đô thị mới Nhơn Hội và khu vực gần các khu công nghiệp.
b) San nền:
- Khu dân cư chọn cao độ san nền xây dựng lớn hơn hoặc bằng 3,0 m.
- Khu công nghiệp chọn cao độ san nền xây dựng lớn hơn hoặc bằng 3,5 m.
- Khu du lịch sinh thái đầm Thị Nại chọn cao độ san nền xây dựng lớn hơn hoặc bằng 2,5 m.
- Ven các sườn núi, khi xây dựng chỉ san gạt cục bộ cho từng công trình, không san gạt lớn, ảnh hưởng cảnh quan môi trường.
c) Cấp nước:
- Tổng nhu cầu sử dụng nước: giai đoạn đợt đầu khoảng 24.000 m3/ ngày đêm; giai đoạn dài hạn khoảng 64.000 m3/ngày đêm.
- Nguồn nước: chủ yếu sử dụng nguồn nước từ hệ thống sông Côn, hồ Định Bình, một phần lưu vực sông Hà Thanh và hồ Mỹ Thuận (ở phía Nam núi Bà).
d) Thoát nước mưa:
Chọn hệ thống thoát nước mưa riêng, các tuyến thoát chính sử dụng cống tròn, các tuyến nhánh ngoài đô thị sử dụng mạng lưới mương có nắp đan.
đ) Cấp điện:
- Nguồn điện: sử dụng lưới 220 KV kéo tiếp từ Phú Tài tới; xây dựng trạm 220/110 KV-2 x 125 MVA tại khu vực Phương Mai. Ngoài ra có Nhà máy phong điện công suất khoảng 50 MW.
- Lưới điện:
+ Các trạm 110 KV: toàn khu vực đặt 4 trạm 110/22 KV (trạm Nhơn Hội, trạm Nhơn Hội 1, trạm Nhơn Hội 2, trạm Nhơn Hội 3).
+ Lưới điện 110 KV: từ trạm 220 KV có 3 tuyến 110 KV mạch kép, đến các trạm 110 KV. Lưới 22 KV trong các khu dân dụng dùng cáp ngầm, trong Khu công nghiệp tùy điều kiện kinh tế sẽ dùng cáp ngầm hoặc dây nổi.
e) Thoát nước thải:
Nước thải: nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý riêng cho từng Khu đô thị, đạt cấp B tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN-5942-1995); nước thải công nghiệp tổ chức thu gom và xử lý riêng, đạt cấp B tiêu chuẩn Việt Nam.
g) Vệ sinh môi trường:
- Xử lý chất thải rắn: sử dụng công nghệ xử lý sản xuất phân hữu cơ, tái chế chất vô cơ và chôn lấp hợp vệ sinh.
- Nghĩa trang: áp dụng công nghệ chôn một lần hoặc hỏa táng để tiết kiệm đất và bảo đảm vệ sinh môi trường.
8. Các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng:
- Dự án tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa đền bù khi tiến hành xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội.
- Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Nhơn Hội, bao gồm hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy (cảng biển Nhơn Hội giai đoạn I), san nền, cấp điện, cấp thoát nước.
- Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Hội giai đoạn I.
- Dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại các khu dân cư.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định công bố và tổ chức quản lý xây dựng theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.