Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy định về chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở ấp, khu phố thuộc tỉnh Kiên Giang

________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27 tháng 5 năm 2010 của liên tịch Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã;

Căn cứ Nghị quyết số 111/2010/NQ-HĐND ngày 10 tháng 6 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu phố thuộc tỉnh Kiên Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 170/TTr-SNV ngày 13 tháng 7 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở ấp, khu phố thuộc tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 88/2004/QĐ-UB ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành bản Quy định về bố trí các chức danh và chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Bùi Ngọc Sương

 

 

QUY ĐỊNH

 

Về chức danh số lượng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở ấp, khu phố thuộc tỉnh Kiên Giang

(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2010/QĐ-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và những người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố (sau đây gọi chung là ấp) thuộc tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ ở cấp xã (sau đây gọi chung là cán bộ cấp xã);

2. Công chức cấp xã;

3. Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã;

4. Những người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố.

Chương II

CHỨC VỤ, CHỨC DANH, SỐ LƯỢNG VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Điều 3. Cán bộ xã, phường, thị trấn có các chức vụ sau:

1. Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy;

2. Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng ban Tuyên giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy;

3. Chủ tịch Hội đồng nhân dân (đối với xã, thị trấn có Hội đồng nhân dân);

4. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (đối với xã, thị trấn có Hội đồng nhân dân);

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân;

6. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;

7. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiêm Trưởng khối vận;

8. Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

9. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

10. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với x ã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);

11. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Điều 4. Công chức cấp xã có các chức danh sau đây:

1. Trưởng Công an;

2. Chỉ huy trưởng Quân sự;

3. Văn phòng - Thống kê - Kế hoạch;

4. Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường (đối với xã);

5. Tài chính - Kế toán;

6. Tư pháp - Hộ tịch;

7. Văn hóa - Xã hội.

Điều 5. Số lượng cán bộ, công chức

Số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn được bố trí theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau:

1. Xã, phường, thị trấn loại 1: không quá 25 người;

2. Xã, phường, thị trấn loại 2: không quá 23 người;

3. Xã, phường, thị trấn loại 3: không quá 21 người.

- Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ của địa phương và trình độ, năng lực của cán bộ, công chức mà bố trí cán bộ kiêm nhiệm và bố trí những chức danh công chức tăng thêm người đảm nhiệm, đảm bảo các lĩnh vực  công tác và nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã đều có người phụ trách và chịu trách nhiệm. Đối với cán bộ cấp xã bố trí tối đa không quá 12 cán bộ (phường không quá 10 cán bộ). Riêng chức danh Văn hóa - Xã hội được bố trí ít nhất 02 người để bảo đảm có công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội, chức danh Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường (đối với xã) được bố trí 02 người để đảm bảo có công chức chuyên trách theo dõi về Nông nghiệp, Xây dựng nông thôn mới. Số công chức còn lại ưu tiên bố trí thêm cho các chức danh Tư pháp - Hộ tịch, Văn phòng - Thống kê, Tài chính - Kế toán.

- Những chức danh công chức có từ 02 người đảm nhiệm trở lên, khi ghi hồ sơ lý lịch và sổ bảo hiểm xã hội cần thống nhất theo đúng tên gọi của các chức danh công chức đã quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 6. Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức

Các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thực hiện theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ.

Chương III

CHỨC DANH, SỐ LƯỢNG NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN, ẤP, KHU PHỐ

Điều 7. Những người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn có chức danh sau:

1. Phó Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy;

2. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy;

3. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy;

4. Phó Khối vận;

5. Chánh Văn phòng Đảng ủy;

6. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ;

7. Chủ tịch Hội Người cao tuổi;

8. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

9. Phó Chủ tịch Hội Nông dân (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);

10. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh;

11. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ;

12. Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

13. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên;

14. Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ;

15. Cán bộ Giao thông - Thủy lợi - Nông - Lâm - Ngư nghiệp;

16. Cán bộ Lao động - Thương binh - Xã hội;

17. Cán bộ Truyền thanh - Văn hóa;

18. Thủ quỹ - Văn thư - Lưu trữ;

19. Cán bộ Kiểm tra;

20. Cán bộ Tổ chức;

21. Cán bộ Tuyên giáo;

22. Cán bộ Dân tộc - Tôn giáo;

Điều 8. Số lượng những người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn như sau:

1. Xã, phường, thị trấn loại 1: không quá 22 người;

2. Xã, phường, thị trấn loại 2: không quá 20 người;

3. Xã, phường, thị trấn loại 3: không quá 19 người.

Tùy theo tình hình thực tế của địa phương và số lượng những người hoạt động không chuyên trách theo loại xã, phường, thị trấn có thể bố trí cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn hoặc những người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm chức danh hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn theo hướng sau:

- Đối với xã, phường, thị trấn loại 2 phải bố trí ít nhất 02 chức danh kiêm nhiệm hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn;

- Đối với xã, phường, thị trấn loại 3 phải bố trí ít nhất 03 chức danh kiêm nhiệm hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn.

Điều 9. Chức danh, số lượng Công an xã

1. Công an xã có chức danh như sau:

a) Phó Trưởng Công an xã;

b) Công an viên xã.

2. Số lượng công an xã:

Mỗi xã được bố trí 02 Phó Trưởng Công an xã và 03 Công an viên.

Điều 10. Chức danh, số lượng quân sự xã, phường, thị trấn

1. Quân sự xã, phường, thị trấn có chức danh như sau:

a) Phó Chỉ huy Trưởng Quân sự;

b) Chiến sĩ Dân quân thường trực.

2. Số lượng Quân sự xã, phường, thị trấn:

- Đối với các xã, phường, thị trấn biên giới mỗi xã được bố trí 02 Phó Chỉ huy Trưởng Quân sự; các xã, phường, thị trấn còn lại bố trí 01 Phó Chỉ huy Trưởng Quân sự.

- Chiến sĩ Dân quân thường trực các xã, phường, thị trấn biên giới mỗi xã được bố trí 09 người; các xã, phường, thị trấn còn lại bố trí 04 người.

Giải thể chốt Dân quân thường trực Vàm Hàng, giữ lại chốt Mương Đào phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên.

Điều 11. Chức danh, số lượng những người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố sau:

1. Những người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố có chức danh

a) Bí thư ấp, khu phố;

b) Trưởng ấp, khu phố;

c) Phó Trưởng ấp, khu phố.

2. Số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở mỗi ấp, khu phố được bố trí là 03 người.

Điều 12. Chức danh, số lượng Công an ấp, Quân sự ấp, khu phố

1. Chức danh:

a) Công an ấp có chức danh là: Công an viên ấp;

b) Quân sự ấp, khu phố có chức danh là: Ấp đội, Khu đội.

2. Số lượng:

a) Công an viên mỗi ấp bố trí là 02 người;

b) Ấp đội, Khu đội mỗi ấp, khu phố bố trí là 01 người.

Điều 13. Chức danh, số lượng đoàn thể ấp, khu phố

1. Đoàn thể ấp, khu phố có các chức danh a) Trưởng Ban Công tác Mặt trận;

b) Chi Hội trưởng Hội Cựu chiến binh;

c) Chi Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ;

d) Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

đ) Chi Hội trưởng Hội Nông dân.

2. Số lượng người đứng đầu các đoàn thể ấp, khu phố

Mỗi ấp, khu phố bố trí 05 người.

Chương IV

MỨC PHỤ CẤP VÀ HỖ TRỢ ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN, ẤP, KHU PHỐ

Điều 14. Mức phụ cấp những người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố

1. Phụ cấp hệ số 1,00 mức lương tối thiểu/người/tháng gồm:

a) Phó Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy;

b) Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy;

c) Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy;

d) Phó Khối vận;

đ) Chánh Văn phòng Đảng ủy; e) Chủ tịch Hội người cao tuổi; g) Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ;

h) Bí thư, Trưởng ấp, khu phố.

2. Phụ cấp hệ số 0,95 mức lương tối thiểu/người/tháng gồm:

a) Phó Chỉ huy Trưởng Quân sự;

b) Phó Trưởng Công an;

c) Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

d) Phó Chủ tịch Hội Nông dân;

đ) Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh;

e) Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ;

g) Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

h) Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ;

i) Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên;

k) Phó Trưởng ấp, khu phố.

3. Phụ cấp hệ số 0,90 mức lương tối thiểu/người/tháng gồm:

a) Cán bộ Giao thông - Thủy lợi - Nông - Lâm - Ngư nghiệp;

b) Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Cán bộ Truyền thanh - Văn hóa;

d) Thủ quỹ - Văn thư - Lưu trữ;

đ) Cán bộ Tổ chức Đảng ủy;

e) Cán bộ Kiểm tra Đảng ủy;

g) Cán bộ Tuyên giáo Đảng ủy;

h) Cán bộ Dân tộc - Tôn giáo.

4. Phụ cấp hệ số 0,80 lương tối thiểu/người/tháng gồm:

a) Công an viên xã;

b) Chiến sĩ dân quân thường trực xã, phường, thị trấn, chốt biên giới.

5. Phụ cấp hệ số 0,44 lương tối thiểu/người/tháng.

a) Công an viên ấp;

b) Ấp đội, khu đội.

Điều 15. Mức hỗ trợ người đứng đầu các đoàn thể ấp, khu phố hệ số 0,44 mức lương tối thiểu/người/tháng gồm:

1. Trưởng Ban Công tác Mặt trận;

2. Chi Hội trưởng Hội Cựu chiến binh;

3. Chi Hội trưởng Hội Phụ nữ;

4. Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

5. Chi Hội trưởng Hội Nông dân.

Điều 16. Mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố

1. Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn được phân công kiêm nhiệm chức danh hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

2. Những người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn được phân công kiêm nhiệm chức danh hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp hiện hưởng.

3. Những người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố kiêm nhiệm chức danh hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố, chức danh Đoàn thể ấp, khu phố kiêm nhiệm chức danh Đoàn thể ấp, khu phố được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp hiện hưởng.

4. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp hiện hưởng.

Điều 17. Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế tự nguyện đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố

1. Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tỷ lệ % mức lương tối thiểu chung (theo Hướng dẫn số 1564/BHXH-BT ngày 02 tháng 6 năm 2008 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

- Đối tượng hỗ trợ:

+ Những người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn (bao gồm Công an xã, Quân sự xã, phường, thị trấn);

+ Bí thư, Trưởng, Phó ấp, khu phố.

- Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội

+ Từ tháng 01/2010 đến 12/2011 bằng 18%;

+ Từ tháng 01/2012 đến 12/2013 bằng 20%;

+ Từ tháng 01/2014 trở đi bằng 22%.

2. Hỗ trợ 2/3 mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện với mức đóng 4,5% theo mức lương tối thiểu chung cho các đối tượng như sau:

- Phó Công an, Công an viên xã;

- Phó Quân sự, chiến sĩ dân quân thường trực tại xã, phường, thị trấn, chốt biên giới;

- Bí thư, Trưởng, Phó ấp, khu phố.

Chương V

NGUỒN KINH PHÍ CHI TRẢ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐIỀU 18. NGUỒN KINH PHÍ CHI TRẢ

Nguồn kinh phí chi trả từ ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ và cân đối từ nguồn thu ngân sách hàng năm của tỉnh.

Điều 19. Thời gian thực hiện

1. Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ, thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

2. Mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố; mức hỗ trợ đối với chức danh Đoàn thể và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện thực hiện kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2010.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Giao Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 21. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào hướng dẫn của sở, ngành tỉnh lập báo cáo kết quả chuyển xếp lương cũ sang lương mới, truy nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhu cầu kinh phí tăng thêm để thực hiện chế độ chính sách theo Quyết định này đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu phố.

Điều 22. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp kết quả chuyển xếp lương của Ủy ban nhân dân cấp xã, truy nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhu cầu kinh phí tăng thêm để thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố gửi Sở Nội vụ, Sở Tài chính thẩm định.

Điều 23. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chuyển xếp lương mới và mức phụ cấp, mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ.

Điều 24. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nội vụ tổng hợp kết quả chuyển xếp lương của các huyện, thị xã, thành phố; truy nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nhu cầu kinh phí tăng thêm để thực hiện chế độ chính sách theo Quy định này trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, lập báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính theo quy định.

Điều 25. Bảo hiểm xã hội tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo Thông tư số 02/2008/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tư số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14 tháng 8 năm 2009 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính và Quy định này./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Bùi Ngọc Sương