Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Kiên Giang

giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020

_______________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

 KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI CHÍN

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 125/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 71/BC-BVHXH ngày 01 tháng 12 năm 2010 của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành Tờ trình số 125/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung cụ thể sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52% trở lên, trong đó lao động qua đào tạo nghề 43%; năm 2020 đạt 66% trở lên, trong đó lao động qua đào tạo nghề 58%. Đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, cơ cấu kinh tế đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực và giải quyết các vần đề về an sinh xã hội.

Hàng năm toàn tỉnh tổ chức đào tạo cho khoảng 32.000 người trở lên, trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 30.000 người, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức xã khoảng 2.000 người trở lên.

2. Mục tiêu cụ thể

* Giai đoạn 2011 - 2015 dạy nghề cho 173.882 lao động, trong đó:

- Học nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp: 92.991 lao động;

- Học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp: 70.891 lao động;

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã: 10.000 lượt người trở lên.

* Giai đoạn 2016 - 2020 dạy nghề cho: 195.257 lao động, trong đó:

- Học nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp: 84.257 lao động;

- Học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp: 75.000 lao động;

- Học nghề làm việc tại các khu đô thị và khu công nghiệp: 26.000 lao động;

- Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức xã: 10.000 lượt người trở lên.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, trong đó các đối tượng ưu tiên học nghề:

- Lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa là 03 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định); hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên;

- Lao động nông thôn thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo (hộ cận nghèo) được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa là 2,5 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định); hỗ trợ tiền ăn 10.000 đồng/người/ngày thực học;

- Lao động nông thôn khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa là 02 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định);

- Cán bộ chuyên trách Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền và công chức chuyên môn xã; cán bộ nguồn bổ sung thay thế cho cán bộ, công chức xã đến tuổi nghỉ công tác hoặc thiếu hụt do cơ học có độ tuổi phù hợp với quy hoạch cán bộ đến năm 2015 và đến năm 2020.

III. NGHỀ ĐÀO TẠO

1. Nghề nông nghiệp

- Các nghề kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi như: trồng lúa chất lượng cao, lúa cao sản, vườn ao chuồng, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc - gia cầm, nuôi cá nước ngọt - nước lợ - nước mặn, nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm công nghiệp, trồng nấm rơm - nấm bào ngư, trồng cây hoa kiểng, chăn nuôi thú y, bảo quản lương thực - thực phẩm,...

- Các nghề đan lát như: đan lục bình, dây nhựa, cọng dừa, bó chổi, đan cỏ bàng, dệt chiếu và một số nghề nông nghiệp truyền thống khác...

2. Nghề phi nông nghiệp

Kỹ thuật hàn, cắt gọt kim loại, điện tử, điện dân dụng, điện công nghiệp, sửa chữa các loại máy thủy công suất nhỏ, xây dựng - cầu đường, giao thông vận tải, dịch vụ - du lịch, chế biến thủy sản và một số nghề phục vụ khu công nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh,…nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khi không tham gia làm nông nghiệp.

3. Đối với công chức xã

Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế-xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ; đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

IV. CƠ SỞ THAM GIA DẠY NGHỀ NÔNG THÔN

- Các trường cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục đại học.

- Các Trường, Trung tâm Dạy nghề thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý;

- Các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên thuộc ngành giáo dục và đào tạo quản lý;

- Các Trường, Trung tâm cơ sở thuộc hệ thống của tổ chức đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các sở, ban ngành; hệ thống cơ sở công lập, tư thục, các doanh nghiệp và hợp tác xã có chức năng tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

- Cơ sở tham gia đào tạo, bồi dưỡng công chức xã gồm: Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các bộ, ngành và các trường đại học, cao đẳng đáp ứng với chương trình, nội dung giảng dạy do Sở Nội vụ hợp đồng.

V. KINH PHÍ CỦA ĐỀ ÁN

Tổng số kinh phí thực hiện đến năm 2020 là 975,893 tỷ đồng, chia ra:

* Giai đoạn 2011 - 2015: 514,393 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 374,350 tỷ đồng;

- Ngân sách địa phương: 140,043 tỷ đồng.

* Giai đoạn 2016 - 2020: 461,500 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 356,750 tỷ đồng;

- Ngân sách địa phương: 104,750 tỷ đồng.

Điều 2. Thời gian thực hiện: Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời ban hành quyết định phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang Khóa VII, Kỳ họp thứ hai mươi chín thông qua./.

Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đào Nghĩa Nghiêm