• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/1994
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 12/TT-NH7
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 5 tháng 9 năm 1994

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Hướng dẫn thi hành quyết định số 396/TTg ngày 4/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về viẹc bổ sungm sửa đổi một số điểm về quản lý ngoại tệ trong tình hình mới

 

Thực hiện Quyết định số 396/TTg ngày 4-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi một số điểm về quản lý ngoại tệ trong tình hình mới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Các tổ chức, đơn vị nói trong Quyết định số 396/TTg ngày 4-8-1994 là các doanh nghiệp (kể cả các Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam), các tổ chức, đoàn thể, hiệp hội thành lập và hoạt động theo pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Các tổ chức, đơn vị phải gửi toàn bộ số ngoại tệ thu được ở trong và ngoài nước vào tài khoản ngoại tệ của mình mở tại các ngân hàng được phép hoạt động kinh doanh ngoại tệ ở Việt Nam (Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh với nước ngoài và Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dưới đây gọi tắt là Ngân hàng) theo quy định sau:

Các tổ chức, đơn vị được phép kinh doanh xuất nhập khẩu và làm dịch vụ với nước ngoài khi thu được ngoại tệ đều phải gửi toàn bộ số ngoại tệ đó vào tài khoản ngoại tệ của mình mở tại Ngân hàng theo thời hạn quy định tại hợp đồng.

Các tổ chức, đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thu ngoại tệ thông qua hoạt động bán hàng, làm dịch vụ và các tổ chức, đơn vị có ngoại tệ từ nguồn thu khác ở trong nước như viện trợ, quà tặng, quảng cáo, triển lãm... hoặc thu ở nước ngoài đều phải gửi ngay số ngoại tệ thu được vào tài khoản ngoại tệ của mình mở tại Ngân hàng.

1.1. Các Ngân hàng, Công ty tài chính chưa được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài, nay có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài cần có đủ các điều kiện và gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước (vụ Quản lý ngoại hối) để xin cấp giấy phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo quy định dưới đây:

1.1.1. Điều kiện:

a) Có giấy phép kinh doanh ngoại tệ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp;

b) Có mức vốn điều lệ tối thiểu 50 tỷ đồng Việt Nam;

c) Có thời gian hoạt động ít nhất 2 năm, hoạt động có hiệu quả;

d) Có quan hệ đại lý với Ngân hàng nước ngoài;

e) Có cán bộ đủ trình độ và có khả năng thiệc hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế.

1.1.2. Hồ sơ:

a) Đơn xin mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài (theo mẫu đính kèm - phụ lục 1);

b) Quyết định thành lập và giấy phép hoạt động của Ngân hàng;

c) Giấy đăng ký kinh doanh;

d) Báo cáo kết quả hoạt động của Ngân hành năm gần nhất kèm theo ý kiến bằng văn bản của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa bàn về khả năng thực hiện nghiệp vụ kinh doanh đối ngoại của Ngân hàng.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét cấp giấy phép mở tài khoản hoặc trả lời bằng văn bản lý do không được cấp giấy phép cho Ngân hàng, công ty tài chính.

Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền cho các Ngân hàng, công ty tài chính đã được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh ngoại tệ và mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài chủ động thực hiện việc đóng các tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài phù hợp với tình hình kinh doanh.

1.2. Đối với các đơn vị thuộc ngành Hàng không, Hàng hải, Bưu điện, bảo hiểm.

Khi có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài gửi đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) bộ hồ sơ sau:

a) Đơn xin mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài (theo mẫu đính kèm);

b) Quyết định thành lập doanh nghiệp;

c) Giấy đăng ký kinh doanh;

d) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của bên nước ngoài cho phép bên Việt Nam trực tiếp bán vé vận chuyển tại nước sở tại (đối với ngành Hàng không, Hàng hải);

e) Hợp đồng ký với nước ngoài về thanh toán bù trừ (đối với ngành Bưu điện và ngành bảo hiểm).

1.3. Đối với các Xí nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thực hiện theo Quy định trong thông tư số 06/TT-NH7 ngày 18-9-1993 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành chương X Nghị định 18-CP ngày 16-4-1993 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

1.4. Các đơn vị kinh tế của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ cho phép đặt trụ sở ở nước ngoài để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài việc gửi hồ sơ gồm các loại giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c thuộc mục 1.2. trên đây cùng Quyết định của Chính phủ và văn bản của bên nước ngoài cho phép đặt trụ sở ở nước ngoài để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hồ sơ xin phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của các tổ chức, đơn vị nói tại điểm 1.2, 1.3, 1.4 chỉ áp dụng đối với lần đầu xin mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài (những lần tiếp theo khi có nhu cầu mở thêm tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài thì chỉ cần gửi đơn xin mở tài khoản ở nước ngoài).

Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu các tổ chức, đơn vị bổ sung hồ sơ nếu xét thấy có những vấn đề thay đổi về nội dung và mục đích hoạt động.

Những giấy phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp trước đây cho các Ngân hàng, Công ty tài chính, các tổ chức, đơn vị vẫn còn có giá trị thi hành.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét cấp giấy phép mở tài khoản Ngoại tệ ở nước ngoài cho các tổ chức, đơn vị hoặc trả lời bằng văn bản lý do không được cấp giấy phép.

Việc sử dụng ngoại tệ gửi ở nước ngoài của các tổ chức, đơn vị thuộc điểm 1.2, 1.3, 1.4 Thông tư này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể trong giấy phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài.

Các Ngân hàng, Công ty tài chính, các tổ chức, đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ thu chi ngoại tệ theo nội dung quy định tại giấy phép và có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm về tình hình hoạt động thu chi ngoại tệ trên các tài khoản ngoại tệ mở ở nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý ngoại hối) và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn biết để quản lý và theo dõi.

1.5. Các tổ chức, đơn vị có ngoại tệ gửi tại Ngân hàng được sử dụng vào các mục đích sau:

1.5.1. Thanh toán tiền hàng nhập khẩu và các khoản dịch vụ cho nước ngoài;

1.5.2. Trả nợ vay Ngân hàng hoặc nợ vay nước ngoài;

1.5.3. Góp vốn thực hiện dự án theo các hình thức đầu tư của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

1.5.4. Bán cho Ngân hàng, Công ty tài chính được phép kinh doanh ngoại tệ;

1.5.5. Mua kỳ phiếu Ngân hàng bằng ngoại tệ;

1.5.6. Chuyển ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài;

1.5.7. Chuyển ra nước ngoài những khoản tiền theo quy định tại điều 83, Chương 10, Nghị định 18-CP ngày 16-4-1993 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đầu tư (phụ lục 3 đính kèm);

1.5.8. Thanh toán cho các tổ chức Việt Nam trong một số trường hợp quy định tại điểm 3 Thông tư này;

1.5.9. Rút ngoại tệ (tiền mặt hoặc chuyển khoản) cho cán bộ nhân viên của tổ chức, đơn vị khi được cử ra nước ngoài công tác, học tập, khảo sát, hội thảo, hoặc chi các khoản lương, thưởng và các phụ cấp khác cho người nước ngoài, người Việt Nam làm việc trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc trong các Xí nghiệp đầu tư nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Khi thực hiện các lệnh chi ngoại tệ, các Ngân hàng cần kiểm tra hồ sơ liên quan theo quy định tại Thông tư số 203/NH-TT ngày 31-10-1991 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Quyết định số 337/HĐBT ngày 25-10-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về một số biện pháp quản lý ngoại tệ trong thời gian trước mắt; Thông tư số 06/TT-NH7 ngày 18-9-1993 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Chương X Nghị định 18-CP ngày 16-4-1993 của Chính phủ quy định chi tiết về việc thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các hồ sơ liên quan đến các khoản chi quy định tại điểm 7 Thông tư này.

2. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố cùng với Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng trên địa bàn (bao gồm cả Giám đốc Hội sở các Ngân hàng thương mại) tính toán, xác định số ngoại tệ cần giữ lại trong quý để sử dụng và số ngoại tệ tạm thời chưa sử dụng trong quý của các tổ chức đơn vị (không kể các Xí nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) và thông báo cho các Ngân hàng, Công ty tài chính trên địa bàn để mua số ngoại tệ nói trên.

2.1. Việc tính toán, xác định số ngoại tệ đơn vị cần giữ lại để sử dụng trong quý và số ngoại tệ tạm thời chưa sử dụng đến trong quý dựa trên kế hoạch thu chi ngoại tệ của quý (có tham khảo kế hoạch thực tế thu chi ngoại tệ đã thực hiện ở quý trước).

Trong từng quý nếu số ngoại tệ thu được vượt quá mức chi ngoại tệ của tổ chức, đơn vị theo kế hoạch thì Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức, đơn vị bán số ngoại tệ vượt đó cho Ngân hàng (trước mắt áp dụng đối với các tổ chức, đơn vị có thu vượt chi từ một triệu đôla Mỹ trở lên hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương).

Các tổ chức, đơn vị khác có số dư các ngoại tệ tương đương dưới một triệu đôla Mỹ có nhu cầu mua bán ngoại tệ với Ngân hàng, Công ty tài chính vẫn thực hiện theo cơ chế mua bán ngoại tệ hiện hành.

2.2. Hàng quý trước ngày mùng 5 tháng đầu của quý sau, các Ngân hàng có trách nhiệm báo cáo số dư ngoại tệ cuối quý của các tổ chức, đơn vị mở tài khoản ngoại tệ tại Ngân hàng mình cho chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố biết. Trường hợp một đơn vị mở tài khoản ngoại tệ ở nhiều Ngân hàng thì số dư ngoại tệ cuối quý là tổng của các số dư đó.

Sau khi tổng hợp được số ngoại tệ tạm thời chưa sử dụng trong quý của các tổ chức, đơn vị phải bán cho Ngân hàng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố cùng với Giám đốc các Ngân hàng trên địa bàn triển khai ngay việc mua số ngoại tệ này cho quỹ ngoại tệ dự trữ của Nhà nước hoặc cho các Ngân hàng.

3. Các tổ chức, đơn vị (trừ các Ngân hàng, Công ty tài chính) không được mua bán, thanh toán, chuyển nhượng và cho vay bằng ngoại tệ với nhau dưới bất kỳ hình thức nào.

Những trường hợp dưới đây được thanh toán với nhau bằng ngoại tệ qua Ngân hàng:

3.1. Thanh toán tiền hàng, dịch vụ uỷ thác xuất nhập khẩu giữa hai đơn vị uỷ thác và nhận uỷ thác;

3.2. Điều chuyển ngoại tệ trong một đơn vị có tư cách pháp nhân với các đơn vị hạch toán phụ thuộc thuộc pháp nhân đó và ngược lại;

3.3. Mua các loại bảo hiểm về xuất nhập khẩu hàng hoá, vận chuyển hàng không, hàng hải, dầu khí, các dự án đầu tư nước ngoài và mua bảo hiểm cho các đối tượng là các tổ chức, cá nhân nước ngoài;

3.4. Thanh toán tiền vé, cước phí vận chuyển hàng hoá, hành lý quốc tế cho các tổ chức, đơn vị làm đại lý bán vé cho các hãng hàng không, hàng hải nước ngoài;

3.5. Thanh toán cước phí bưu điện quốc tế cho các tổ chức đơn vị được phép làm dịch vụ bưu chính quốc tế.

4. Kể từ ngày 1-10-1994 trở đi, những tổ chức và đơn vị có các cửa hàng bán hàng và làm dịch vụ thu ngoại tệ ở trong nước theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước đã cấp trước đây đều phải chuyển sang thu bằng đồng Việt Nam (các loại hàng hoá và các loại phí dịch vụ đều phải niêm yết giá bằng đồng Việt Nam và thu bằng đồng Việt Nam).

Đối với những tổ chức và đơn vị được phép tổ chức bán hàng miễn thuế và các cửa hàng dịch vụ phục vụ người nước ngoài ở các sân bay, hải cảng và ở những nơi được Thủ tướng Chính phủ cho phép vẫn được tiếp tục thu ngoại tệ trực tiếp của khách hàng và phải làm các thủ tục xin cấp giấy phép hoặc đổi giấy phép theo quy định dưới đây:

4.1. Tổ chức, đơn vị chưa có giấy phép bán hàng và dịch vụ thu ngoại tệ phải gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý ngoại hối) để xin cấp giấy phép. Hồ sơ gồm:

a) Đơn xin bán hàng và làm dịch vụ thu ngoại tệ (theo mẫu đính kèm-phụ lục 2) có ý kiến của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.

b) Quyết định thành lập cửa hàng miễn thuế và làm dịch vụ phục vụ người nước ngoài tại các cửa khẩu, sân bay, hải cảng.

4.2. Tổ chức và đơn vị đã có giấy phép bán hàng và dịch vụ thu ngoại tệ đã cấp trước đây phải đổi lại giấy phép mới. Hồ sơ xin đổi giấy phép bao gồm các loại giấy tờ a, b, tại điểm 4.1 nói trên kèm theo giấy phép cũ đã cấp trước đây (bản chính). Hồ sơ gửi đến Ngân hàng Nhà nước để xin đổi giấy phép chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Trong lúc chờ giấy phép mới, các tổ chức, đơn vị có các cửa hàng bán hàng miễn thuế và cửa hàng dịch vụ phục vụ người nước ngoài ở sân bay, hải cảng vẫn tiếp tục duy trì thu ngoại tệ trực tiếp của khách hàng cho đến khi có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ các hồ sơ nói trên Ngân hàng Nhà nước cấp và đổi giấy phép bán hàng và dịch vụ thu ngoại tệ cho các tổ chức, đơn vị.

4.3. Các Ngân hàng và Công ty tài chính phải triển khai nhanh các mạng lưới các bàn thu đổi ngoại tệ tại những nơi cần thiết ở các cửa khẩu (sân bay, hải cảng, đường bộ), các trung tâm du lịch, trung tâm thương mại, các khách sạn có khách nước ngoài.

Các bàn thu đổi ngoại tệ đặt ở các nơi ngoài hội sở Ngân hàng chỉ được dùng đồng Việt Nam đổi lấy ngoại tệ của khách hàng, không được dùng ngoại tệ để đổi lấy đồng Việt Nam. Những bàn thu đổi ngoại tệ đặt tại các cửa khẩu sân bay, hải cảng thì được phép đổi lại ngoại tệ cho người nước ngoài đã đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam để chi tiêu trong thời gian ở Việt Nam nhưng chi tiêu không hết.

Việc bán ngoại tệ cho các đối tượng được phép xuất cảnh theo chế độ quy định hiện hành chỉ thực hiện tại các hội sở Ngân hàng.

Việc thu đổi ngoại tệ phải đảm bảo thuận lợi, an toàn và nhanh chóng cho khách hàng. Tại các bàn thu đổi ngoại tệ phải niêm yết công khai tỷ giá thu đổi ngoại tệ và giấy phép hoạt động thu đổi ngoại tệ.

4.4. Các Ngân hàng có thể uỷ nhiệm cho một số doanh nghiệp có đủ tín nhiệm và có đủ các điều kiện theo yêu cầu của mình thực hiện làm đại lý thu đổi ngoại tệ. Hợp đồng uỷ nhiệm thu đổi ngoại tệ giữa các Ngân hàng và các doanh nghiệp làm đại lý thực hiện theo mẫu thống nhất của Ngân hàng Nhà nước (phụ lục 4). Các Ngân hàng có trách nhiệm gửi các hợp đồng uỷ nhiệm thu đổi ngoại tệ đã ký với các doanh nghiệp cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa bàn biết để quản lý và theo dõi.

Các bàn đại lý thu đổi ngoại tệ của các tổ chức, đơn vị phải chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Ngân hàng uỷ nhiệm và chịu sự kiểm tra, giám sát về các hoạt động liên quan đến ngoại tệ nói trong Thông tư này của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa bàn.

Mức hoa hồng đại lý thu đổi ngoại tệ được xác định trên cơ sở thoả thuận giữa tổ chức, đơn vị và Ngân hàng, Công ty tài chính.

4.5. Các Ngân hàng uỷ nhiệm đổi ngoại tệ cho các tổ chức, đơn vị quy định cụ thể hoạt động của các bàn thu đổi ngoại tệ phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn và chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ về quản lý ngoại tệ hiện hành.

5. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có trách nhiệm giám sát, kiểm tra các Ngân hàng, Công ty tài chính và các tổ chức, đơn vị trên địa bàn thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này.

5.1. Ngân hàng, Công ty tài chính, các tổ chức, đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện các nghiệp vụ có liên quan đến ngoại tệ nói trong thông tư này có trách nhiệm báo cáo cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố về tình hình hoạt động có liên quan đến ngoại tệ của mình theo quy định:

Báo cáo quý chậm nhất trước ngày 5 của tháng đầu quý sau.

Báo cáo năm chậm nhất trước ngày 20 tháng 1 năm sau.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố tổng hợp báo cáo nói trên để báo cáo Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ quản lý ngoại hối) theo quy định sau:

Báo cáo quý chậm nhất trước ngày 20 của tháng đầu quý sau.

Báo cáo năm chậm nhất trước ngày 30 của tháng đầu năm sau.

5.2. Các Ngân hàng, Công ty tài chính của các tổ chức, đơn vị không thực hiện đúng các quy định trong Thông tư này, không chấp hành chế độ báo cáo theo thời hạn quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo Pháp lệnh xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-10-1994. Các nội dung tại Thông tư này bổ sung, sửa đổi điểm 5 Thông tư 33/NH-TT ngày 15-3-1989; điểm 1, 2 và 5 Thông tư 222/NH-TT ngày 20-10-1990; điểm 1, 2, 3 và 5 Thông tư 203/NH-TT ngày 31-10-1991 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Điều lệ quản lý ngoại hối theo Nghị định 161/HĐBT ngày 18-10-1988; Chỉ thị 330/CT ngày 13-9-1990 và Quyết định 337/HĐBT ngày 25-10-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; những quy định khác trong các văn bản trên không trái với Thông tư này đều được tiếp tục thực hiện.

6. Các Bộ, Ngành, Cơ quan trực thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình cùng phối hợp thực hiện Thông tư này./.

 

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Lê Văn Châu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.