• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/1993
CHÍNH PHỦ
Số: 43-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 22 tháng 6 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

Quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 thàng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội;

NGHỊ ĐỊNH:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Nghị định này quy định các chế độ bảo hiểm xã hội:

1. Chế độ trợ cấp ốm đau;

2. Chế độ trợ cấp thai sản;

3. Chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

4. Chế độ hưu trí;

5. Chế độ tử tuất.

Điều 2.- Các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại điều 1 Nghị định này được áp dụng dưới 2 hình thức: bắt buộc và tự nguyện.

1. Hình thức bắt buộc áp dụng tất cả 5 chế độ đối với:

Công nhân, viên chức thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức Đảng, Đoàn thể;

Người lao động làm việc hưởng lương hoặc tiền công ở những doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên;

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và trong các tổ chức khác của nước ngoài tại Việt Nam;

Người lao động Việt Nam làm việc trong khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt.

2. Hình thức tự nguyện áp dụng từ 1 đến 5 chế độ đối với những người lao động Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài những đối tượng nêu ở điểm 1, điều 2 Nghị định này.

Điều 3.- Điều kiện để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là thời gian đóng góp bảo hiểm xã hội, tuổi đời hoặc bị suy giảm khả năng lao động.

Đối với công nhân, viên chức thuộc khu vực Nhà nước thì thời gian công tác thực tế trước ngày ban hành Nghị định này được coi là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Người đóng bảo hiểm xã hội được tổ chức bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp sổ bảo hiểm xã hội.

Điều 4.- Quyền hưởng bảo hiểm xã hội bị tạm thời đình chỉ hoặc huỷ bỏ:

Trong thời gian bị tù giam;

Khi có hành vi gian dối để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;

Khi ra nước ngoài không hợp pháp.

II. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ỐM ĐAU

Điều 5.- Người lao động bị ốm đau, bị tai nạn (không phải tai nạn lao động) có xác nhận của y tế phải nghỉ việc thì được hưởng trợ cấp ốm đau thay tiền lương hoặc tiền công (dưới đây gọi chung là tiền lương) được quy định như sau:

1. Thời gian được hưởng trợ cấp ốm đau trong 1 năm:

a) Người lao động thuộc ngành, nghề bình thường:

30 ngày hưởng trợ cấp, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm;

45 ngày trợ cấp, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm trở lên.

b) Người lao động thuộc ngành, nghề nặng nhọc, độc hại:

40 ngày hưởng trợ cấp, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm;

60 ngày hưởng trợ cấp, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm trở lên;

c) 180 ngày hưởng trợ cấp đối với người lao động bị bệnh nặng phải điều trị dài ngày tại bệnh viện (danh mục các bệnh này do Bộ y tế quy định).

2. Mức trợ cấp ốm đau trả thay tiền lương bằng 75% mức tiền lương.

Điều 6.- Lao động nữ có con thứ nhất, thứ 2 (trường hợp đặc biệt có hướng dẫn riêng), nếu con bị ốm đau có xác nhận của y tế phải nghỉ việc thì được hưởng trợ cấp thay tiền lương như sau:

1. Thời gian được hưởng trợ cấp khi con ốm đau trong 1 năm:

15 ngày đối với con dưới 36 tháng tuổi;

12 ngày đối với con từ 36 tháng tuổi đến 72 tháng tuổi.

2. Mức trợ cấp trả thay tiền lương bằng 75% mức tiền lương.

Trường hợp đặc biệt, người bố phải nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau thì cũng được hưởng trợ cấp như đối với người mẹ.

III. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP THAI SẢN

Điều 7.- Lao động nữ có thai sinh con thứ nhất, con thứ 2 (trường hợp đặc biệt có hướng dẫn riêng) được hưởng chế độ thai sản thay tiền lương như sau:

1. Thời gian hưởng trợ cấp thai sản:

a) Được nghỉ việc đi khám thai 3 lần, mỗi lần một ngày, trường hợp đặc biệt được nghỉ 2 ngày.

b) Xẩy thai được nghỉ 20 ngày, nếu thai dưới 3 tháng; 30 ngày, nếu thai từ 3 tháng trở lên.

c) Trước và sau khi sinh được nghỉ 120 ngày đối với người làm việc trong điều kiện bình thường, 150 ngày đối với người làm việc nặng nhọc, độc hại.

Nếu một lần sinh nhiều con thì tính từ con thứ hai trở đi, mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày.

Hết thời gian nghỉ sinh con theo quy định trên, nếu có nhu cầu thì có thể nghỉ thêm nhưng tối đa không quá 180 ngày, và phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động. Trong thời gian nghỉ thêm không được hưởng trợ cấp thai sản.

d) Trường hợp nuôi con nuôi sơ sinh hợp pháp được nghỉ việc (đến khi con đủ 120 ngày tuổi) và hưởng trợ cấp thay tiền lương.

2. Mức trợ cấp thai sản bằng 100% mức tiền lương.

Ngoài ra, khi sinh con còn được trợ cấp thêm một tháng tiền lương.

3. Lao động nữ thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá dân số có quy định riêng.

IV. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP TAI NẠN LAO ĐỘNG HOẶC BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 8.- Người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp bằng 100% tiền lương trong thời gian điều trị. Trợ cấp và chi phí khám, chữa bệnh do người sử dụng lao động trả.

Điều 9.- Sau thời gian điều trị mà thương tật hoặc bệnh tật ổn định người lao động được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp từ quỹ bảo hiểm xã hội như sau:

1. Tuỳ theo mức độ thương tật hoặc bệnh tật được trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng, mức trợ cấp này được tính trên cơ sở tiền lương trung bình của viên chức Nhà nước:

a) Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 60% thì được trợ cấp một lần theo mức sau:

 

Mức suy giảm khả năng lao động

Mức trợ cấp 1 lần

Từ 05% đến 20%

2 tháng tiền lương

Từ 21% đến 30%

4 tháng tiền lương

Từ 31% đến 40%

6 tháng tiền lương

Từ 41% đến 50%

9 tháng tiền lương

Từ 51% đến 60%

12 tháng tiền lương ³

 

b) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 100% thì được xếp vào hạng và được trợ cấp hàng tháng như sau:

 

Mức suy giảm khả năng lao động

Xếp hạng

Mức trợ cấp hàng tháng

Từ 61% đến 70% ³

4 ³

50% mức tiền lương

Từ 71% đến 80% ³

3 ³

60% mức tiền lương

Từ 81% đến 90% ³

2 ³

70% mức tiền lương

Từ 91% đến 100% ³

1 ³

80% mức tiền lương

 

Người được xếp hạng 1 và hạng 2 mà không tự bảo đảm được sinh hoạt cá nhân thì còn được hưởng phụ cấp phục vụ.

2. Người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp được cấp một lần phương tiện để khắc phục một phần chức năng bị tổn thương. Khi thương tật hoặc bệnh tật tái pháp được điều trị và giám định lại khả năng lao động.

Điều 10.- Người hưởng trợ cấp hàng tháng do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp được tổ chức bảo hiểm xã hội đài thọ về bảo hiểm y tế.

Điều 11.- Trong thời gian làm việc, nếu người lao động bị chết do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp thì gia đình được hưởng chế độ tử tuất quy định tại Điều 18 và Điều 19 Nghị định này và được trợ cấp thêm một lần bằng 12 tháng tiền lương trung bình của viên chức Nhà nước.

Điều 12.- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định điều kiện được xác định là tai nạn lao động và danh mục bệnh nghề nghiệp.

V. CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

Điều 13.- Người lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi đã đóng góp bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên và tuổi đời nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. (Những trường hợp đặc biệt đơn vị có nhu cầu và người lao động tự nguyện tiếp tục làm việc thì tuổi đời không quá 65 với nam, 60 đối với nữ).

Những trường hợp sau đây được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi tuổi đời của nam đủ 55, của nữ đủ 50:

a) Có 20 năm làm nghề nặng nhọc, độc hại;

b) Có 10 năm công tác ở miền Nam, Lào, Campuchia trước tháng 5 năm 1975;

c) Có thời gian công tác từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Điều 14.- Người thuộc diện chế độ hưu trí hàng tháng được hưởng:

Một khoản trợ cấp trước khi nghỉ hưu tuỳ theo thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội;

Lương hưu hàng tháng thấp nhất không dưới mức lương tối thiểu của viên chức Nhà nước, cao nhất bằng 75% mức lương bình quân của 10 năm trước khi người đó nghỉ hưu;

Được tổ chức bảo hiểm xã hội đài thọ về bảo hiểm y tế.

Điều 15.- Những người chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hàng tháng thì được hưởng chế độ trợ cấp hưu một lần:

Đủ tuổi đời nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Chưa đủ tuổi đời nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên (không phải do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp).

Điều 16.- Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định cụ thể các mức lương hưu hàng tháng, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu và trợ cấp một lần đối với những người chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Điều 17.- Những người hưởng chế độ hưu trí, chế độ trợ cấp mất sức lao động, chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, chế độ tuất trước ngày ban hành Nghị định này thì vẫn được hưởng các chế độ đó theo quy định trước đây, nhưng các mức lương hưu và trợ cấp được điều chỉnh phù hợp với chế độ bảo hiểm xã hội mới.

VI. CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

Điều 18.- Người đương nhiệm có đóng bảo hiểm xã hội, người hưởng chế độ hưu trí, chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp hàng tháng, khi chết thì người lo mai táng được nhận tiền trợ cấp bằng bẩy tháng tiền lương tối thiểu của viên chức Nhà nước.

Điều 19.- Người lao động do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, người đã đóng bảo hiểm xã hội 15 năm trở lên, người hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp hàng tháng, khi chết nếu có con chưa đủ 16 tuổi, vợ (hoặc chồng), bố, mẹ đã hết tuổi lao động mà khi còn sống người đó đã trực tiếp nuôi dưởng thì những thân nhân này được hưởng chế độ tiền tuất hàng tháng. Mức trợ cấp do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định.

Trường hợp người chết không có thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ tuất hàng tháng hoặc chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm thì gia đình được hưởng chế độ tuất một lần nhưng không quá 12 tháng lương hoặc trợ cấp đang hưởng.

Điều 20.- Người hưởng chế độ hưu trí chế độ trợ cấp mất sức lao động, chế độ trợ cấp tai nạn lao động hạng 1, hạng 2 hoặc bệnh nghề nghiệp hạng 1, hạng 2 trước ngày ban hành Nghị định này thực hiện chế độ tử tuất theo các Điều 18, Điều 19 Nghị định này.

VII. QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 21.- Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ sự đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước được quy định như sau:

1. Đối với hình thức bắt buộc, quy định tại điểm 1, Điều 2 Nghị định này:

a) Người sử dụng lao động, hàng tháng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội bằng 15% tổng quỹ tiền lương. Trong đó 10% để thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất, 5% để thực hiện chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

b) Người lao động hàng tháng đóng 5% tiền lương vào quỹ bảo hiểm xã hội để thực hiện chế độ hưu trí, chế độ tử tuất.

2. Đối với hình thức tự nguyện, quy định tại điểm 2, Điều 2 Nghị định này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức đóng góp sau khi đã thảo luận nhất trí với các cơ quan hữu quan.

3. Ngân sách Nhà nước bảo đảm thực hiện các chế độ hưu trí, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động, bảo hiểm y tế, tử tuất đối với những người đang hưởng bảo hiểm xã hội trước ngày ban hành Nghị định này và hỗ trợ để chi cho công nhân, viên chức nghỉ hưu sau ngày ban hành Nghị định này.

Điều 22.

1. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý thống nhất theo chế độ tài chính của Nhà nước, hạch toán độc lập và được Nhà nước bảo hộ.

2. Quỹ bảo hiểm xã hội được sử dụng chi cho các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 1 Nghị định này, chi phí quản lý hành chính về sự nghiệp bảo hiểm theo quy định của Chính phủ và trên cơ sở cân đối được nguồn quỹ dành một tỷ lệ chi cho việc dưỡng sức của người tham gia bảo hiểm xã hội.

VIII. HỆ THỐNG TỔ CHỨC BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 23.- Chính phủ thành lập hệ thống tổ chức bảo hiểm xã hội Việt Nam để quản lý thống nhất quỹ và sự nghiệp bảo hiểm xã hội quy định tại Nghị định này trên cơ sở thống nhất tổ chức bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 24.- Thành lập Hội đồng quản trị bảo hiểm xã hội Trung ương gồm đại diện chủ yếu của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Tổng Liên doàn Lao động Việt Nam, Bộ tài chính.

Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình Chính phủ thành lập hệ thống tổ chức bảo hiểm xã hội Việt Nam và quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và quy chế hoạt động của tổ chức bảo hiểm xã hội Việt Nam.

IX. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25.

1. Người sử dụng lao động, người lao động vi phạm các quy định về bảo hiểm xã hội thì tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Những nơi đã giao kết hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể mà mức đóng bảo hiểm xã hội chưa đúng theo quy định tại Nghị định này thì phải điều chỉnh lại.

Điều 26.- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 1993.

Những quy định trước đây trái với quy định của Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 27.- Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính phối hợp với Tổng Liên doan Lao động Việt Nam hướng dẫn chi tiết và tổ chức thực hiện Nghị định này.

Điều 28.- Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ trình Chính phủ chính sách bảo hiểm xã hội với lực lượng vũ trang.

Điều 29.- Bộ Tài chính cấp kinh phí ban đầu cho tổ chức bảo hiểm xã hội Việt Nam hoạt động.

Điều 30.- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.