• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2010
CHÍNH PHỦ
Số: 46/2010/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 27 tháng 4 năm 2010

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức nêu tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định những người là công chức.

2. Công chức thôi việc, nghỉ hưu do sắp xếp tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện thôi việc, nghỉ hưu

1. Công khai, minh bạch.

2. Tuân thủ thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

3. Bảo đảm quyền của công chức yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định thôi việc, nghỉ hưu.

Chương 2.

QUY ĐỊNH VỀ THÔI VIỆC

Điều 3. Trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc

Công chức được hưởng chế độ thôi việc quy định tại Nghị định này trong các trường hợp sau:

1. Theo nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý.

2. Do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức.

Điều 4. Thủ tục giải quyết thôi việc

1. Trường hợp thôi việc theo nguyện vọng:

a) Công chức phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho công chức thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc bằng văn bản; nếu không đồng ý cho công chức thôi việc thì trả lời công chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định tại điểm c khoản này;

c) Các lý do không giải quyết thôi việc:

Công chức đang trong thời gian thực hiện việc luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Công chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan, tổ chức, đơn vị khi được xét tuyển;

Công chức chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Do yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc chưa bố trí được người thay thế.

2. Trường hợp thôi việc do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ:

a) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có kết quả phân loại đánh giá công chức, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thông báo bằng văn bản đến công chức về việc giải quyết thôi việc, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Cán bộ, công chức.

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có thông báo bằng văn bản, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định thôi việc được ban hành, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải thanh toán trợ cấp thôi việc đối với công chức.

Điều 5. Trợ cấp thôi việc

Công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng.

Điều 6. Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc

1. Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian tính theo năm có đóng bảo hiểm xã hội (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp phục viên, bao gồm:

a) Thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;

b) Thời gian làm việc trong quân đội nhân dân và công an nhân dân;

c) Thời gian làm việc trong công ty nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

d) Thời gian làm việc theo chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

đ) Thời gian được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi đào tạo, bồi dưỡng;

e) Thời gian nghỉ được hưởng lương theo pháp luật về lao động;

g) Thời gian nghỉ được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

h) Thời gian bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự mà đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận là oan, sai;

i) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác theo quy định tại Điều 81 của Luật Cán bộ, công chức;

k) Thời gian được bố trí làm việc khi hưởng án treo, cải tạo không giam giữ theo bản án hoặc quyết định của Tòa án.

2. Thời gian làm việc quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có tháng lẻ thì được tính như sau:

a) Dưới 03 (ba) tháng thì không tính;

b) Từ đủ 03 (ba) tháng đến đủ 06 (sáu) tháng thì được tính bằng 1/2 (một phần hai) năm làm việc;

c) Từ trên 06 (sáu) tháng đến 12 (mười hai) tháng thì được tính bằng 01 (một) năm làm việc.

Điều 7. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc

1. Đối với công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân thì nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được bố trí trong dự toán chi hoạt động thường xuyên được cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm.

2. Đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được thực hiện như sau:

a) Trường hợp thuộc đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên: nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc lấy từ kinh phí bảo đảm hoạt động thường xuyên được cấp có thẩm quyền giao hàng năm và từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên: nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc lấy từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Chế độ khác

Công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc quy định tại Điều 5 Nghị định này và chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Chương 3.

QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC NGHỈ HƯU

Điều 9. Xác định thời điểm nghỉ hưu

1. Thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 của tháng liền kề sau tháng công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Trường hợp trong hồ sơ của công chức không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

2. Thời điểm nghỉ hưu được lùi theo một trong các trường hợp sau:

a) Không quá 01 tháng đối với một trong các trường hợp: thời điểm nghỉ hưu trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán; công chức có vợ hoặc chồng, bố, mẹ (vợ hoặc chồng), con bị từ trần, bị Tòa án tuyên bố mất tích; bản thân và gia đình công chức bị thiệt hại do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn;

b) Không quá 03 tháng đối với một trong các trường hợp: bị bệnh nặng hoặc bị tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện;

c) Không quá 06 tháng đối với trường hợp đang điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, có giấy xác nhận của bệnh viện.

3. Công chức được lùi thời điểm nghỉ hưu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì chỉ được thực hiện theo quy định đối với một trường hợp có thời gian lùi thời điểm nghỉ hưu nhiều nhất.

4. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức quyết định việc lùi thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều này, trừ trường hợp công chức không có nguyện vọng lùi thời điểm nghỉ hưu.

Điều 10. Thông báo nghỉ hưu

Trước 06 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Điều 9 Nghị định này, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức phải ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu để công chức biết theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chuẩn bị người thay thế.

Điều 11. Quyết định nghỉ hưu

1. Trước 03 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Điều 9 Nghị định này, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức phải ra quyết định nghỉ hưu theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Căn cứ quyết định nghỉ hưu quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức phối hợp với tổ chức bảo hiểm xã hội tiến hành các thủ tục theo quy định để công chức được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ hưu.

3. Công chức được nghỉ hưu có trách nhiệm bàn giao hồ sơ tài liệu và những công việc đang làm cho người được phân công tiếp nhận trước thời điểm nghỉ hưu ghi trong quyết định nghỉ hưu.

4. Kể từ thời điểm nghỉ hưu ghi trong quyết định nghỉ hưu, công chức được nghỉ hưu và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

5. Đối với công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập có trình độ đào tạo của ngành chuyên môn, đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Điều 9 Nghị định này được thực hiện như sau:

a) Nếu có nguyện vọng và đủ tiêu chuẩn, điều kiện về kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với viên chức thì trước 03 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Điều 9 Nghị định này, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức ra quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo, quản lý để chuyển sang viên chức và thực hiện các thủ tục kéo dài thời gian công tác theo quy định của pháp luật về viên chức. Thời điểm thôi giữ chức vụ quản lý kể từ thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu.

b) Nếu không có nguyện vọng kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu thì cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức thực hiện thủ tục nghỉ hưu theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 11 Nghị định này.

 

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010.

Trợ cấp thôi việc quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

2. Nghị định này thay thế các quy định sau:

a) Quy định về thôi việc đối với công chức tại Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức;

b) Quy định về thủ tục thực hiện nghỉ hưu đối với công chức tại Nghị định số 143/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định về thủ tục thực hiện nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu.

3. Những người được Đảng, Nhà nước điều động, phân công và những người được tuyển dụng, bổ nhiệm theo chỉ tiêu biên chế được giao làm việc trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được áp dụng Nghị định này.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.