• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 30/11/2007
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 168/2007/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 5 tháng 11 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 01/QĐ-HĐTĐKTTW ngày 03 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Điều 3. Các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 168 /2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 11  năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG

Điều 1. Chức năng của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội đồng) là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.

Điều 2. Nhiệm vụ của Hội đồng

1. Thực hiện sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp trong việc tham mưu đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức các phong trào thi đua trong phạm vi cả nước.

2. Định kỳ đánh giá tình hình phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kiến nghị, đề xuất với Đảng và Chính phủ đề ra các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua trong từng năm và trong từng giai đoạn, tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước về tổng kết lý luận và thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng.

3. Đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng đối với các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Xét chọn các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu tỉnh Anh hùng, thành phố Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Chương 2:

THÀNH PHẦN, SỐ LƯỢNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG

Điều 3. Chủ tịch Hội đồng

Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng.

Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo mọi hoạt động của Hội đồng, chủ trì và kết luận các phiên họp của Hội đồng.

Điều 4. Các Phó Chủ tịch Hội đồng

1. Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng do Phó Chủ tịch nước đảm nhận, chịu trách nhiệm chủ trì, kết luận các phiên họp của Hội đồng nếu Chủ tịch Hội đồng đi vắng và ủy quyền, thay mặt Chủ tịch Hội đồng ký các văn bản của Hội đồng, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy chế và các quyết định về chủ trương công tác của Hội đồng.

2. Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng do Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đảm nhận, chịu trách nhiệm thường trực giải quyết các công việc của Hội đồng, ký các văn bản của Hội đồng theo sự ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng.

3. Một Phó Chủ tịch Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đảm nhận, chịu trách nhiệm phụ trách phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phong trào thi đua trong các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng phân công.

4. Một Phó Chủ tịch Hội đồng do Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đảm nhận, chịu trách nhiệm phụ trách phong trào thi đua trong công nhân viên chức và lao động thuộc các thành phần kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng phân công.

Điều 5. Các thành viên Hội đồng

Ngoài Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Hội đồng có các thành viên sau:

1. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước;

2. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

3. Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương;

4. Đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương;

5. Đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương;

6. Đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

7. Đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ;

8. Đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng;

9. Đại diện lãnh đạo Bộ Công an;

10. Đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

11. Đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam;

12. Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam;

13. Đại diện lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

14. Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Hội đồng

Thành viên Hội đồng là người đại diện cho cơ quan, đoàn thể tham gia với tư cách đại diện cho một tổ chức, được sử dụng bộ máy của cơ quan mình để thực hiện những nhiệm vụ theo quy định của Quy chế này. Thành viên Hội đồng có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Theo dõi chỉ đạo hoạt động của các cụm, khối thi đua và phong trào thi đua thuộc phạm vi ngành, đoàn thể mình phụ trách.

2. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương công tác của Hội đồng theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng và Thường trực Hội đồng, định kỳ 06 tháng và 01 năm báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng.

3. Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng theo quy định. Trường hợp vắng mặt không tham dự cuộc họp của Hội đồng, thành viên Hội đồng phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng.

4. Thực hiện việc xem xét, bỏ phiếu đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Điều 7. Cơ cấu, nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng

1. Thường trực Hội đồng gồm có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng.

2. Thường trực Hội đồng có các nhiệm vụ sau đây:

a) Lập kế hoạch và chương trình công tác của Hội đồng;

b) Thông qua dự thảo chương trình nội dung công tác trình Hội đồng thảo luận tại các kỳ họp, thông báo kết luận các kỳ họp của Hội đồng;

c) Xử lý những vấn đề phát sinh đột xuất cần có ý kiến của tập thể do không thể chờ đến kỳ họp của Hội đồng hoặc không tổ chức họp Hội đồng đột xuất, sau đó phải báo cáo lại với Hội đồng trong phiên họp Hội đồng gần nhất;

d) Thông qua dự thảo các văn bản để triển khai các chủ trương công tác và các kết luận của Chủ tịch Hội đồng;

đ) Đề nghị tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc theo đề nghị của cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng.

3. Thường trực Hội đồng họp thường kỳ 03 tháng một lần. Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng và Phó Chủ tịch thường trực thường xuyên xem xét, kiểm tra tiến độ việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng.

Điều 8. Cơ quan thường trực, giúp việc cho Hội đồng

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng, có nhiệm vụ:

1. Dự thảo nội dung các văn bản theo quy định tại Điều 7 Quy chế này.

2. Tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng về việc đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng (quy định tại Điều 2 Quy chế này); báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng đối với các trường hợp (được các Bộ, ngành, địa phương đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng) có số phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng từ 70% trở lên so với tổng số thành viên Hội đồng để xin ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị Chủ tịch nước quyết định theo đúng quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

3. Xem xét, tổng hợp hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, báo cáo Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Tổ chức triển khai các kết luận của Hội đồng, thường trực giải quyết các công việc nghiệp vụ của Hội đồng, xử lý các thông tin, ý kiến đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương; tổng hợp báo cáo công tác của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

5. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết và dự trù kinh phí hoạt động của Hội đồng.

Chương 3:

PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 9. Phiên họp thường kỳ của Hội đồng

Hội đồng họp định kỳ 06 tháng 1 lần để đánh giá công tác của Hội đồng, tổng hợp tình hình phong trào thi đua và công tác khen thưởng của cả nước, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng tiếp theo và cho ý kiến giải quyết những vấn đề cần thiết khác. Hội đồng có thể họp bất thường do Chủ tịch Hội đồng triệu tập.

Điều 10. Công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng

Hội đồng thực hiện việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng ở các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương.

Điều 11. Quan hệ với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp

Quan hệ làm việc giữa Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các địa phương là quan hệ chỉ đạo và phối hợp. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Điều 12. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng

Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, biểu quyết theo đa số, các ý kiến khác nhau của các thành viên Hội đồng về việc đề xuất các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng đều được báo cáo với Đảng, nhà nước để xem xét, quyết định.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Khen thưởng

Các thành viên Hội đồng có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ được Thường trực Hội đồng đề xuất để Hội đồng xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước khen thưởng.

Điều 14. Điều khoản thi hành

Quy chế này làm căn cứ hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./. 

Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.