• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 17/02/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 22/10/2012
BỘ Y TẾ
Số: 48/2008/QĐ-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 30 tháng 12 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế

_____________________

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18/7/2008 của Chính phủ quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm là Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đã thành thực phẩm có nguồn gốc sản xuất trong nước và nhập khẩu lưu thông trên thị trường trong phạm vi cả nước.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội. Kinh phí hoạt động của Cục do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Xây dựng, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện.

2. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng, vệ sinh an toàn đối với thực phẩm và thuốc lá điếu.

3. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành:

a) Danh mục thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và vi chất dinh dưỡng bổ sung vào thực phẩm;

b) Quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm và vệ sinh ăn uống đối với nhà ăn, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố;

c) Tiêu chí phòng kiểm nghiệm đủ điều kiện thử nghiệm, thực hiện các phép thử liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức thẩm định, thừa nhận, chỉ định phòng kiểm nghiệm này theo phân cấp của Bộ Y tế;

d) Tiêu chí tổ chức đủ điều kiện chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm thực phẩm; tổ chức thẩm định, thừa nhận, chỉ định tổ chức này theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;

đ) Giới hạn các chất gây ô nhiễm sản phẩm thực phẩm, bao bì và vật chứa đựng thực phẩm.

4. Ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản khác theo thẩm quyền.

5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc quản lý thực phẩm nhập khẩu, các sản phẩm liên quan đến thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế và tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định cơ quan kiểm tra nhà nước đối với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu.

6. Cấp, đình chỉ và thu hồi: Đăng ký lưu hành sản phẩm, chứng nhận y tế (Health Certificate), chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale), chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; chứng nhận tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền được phân cấp của Bộ Y tế.

7. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và theo dõi, kiểm tra:

a) Việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm thực hành (Code of Practice) về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đã được ban hành;

b) Việc áp dụng, thừa nhận, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hành tốt vệ sinh (GHP), thực hành tốt sản xuất (GMP), và thực hành tốt phòng kiểm nghiệm (GLP); hướng dẫn triển khai áp dụng phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP);

c) Phân tích, đánh giá, giám sát, phòng ngừa, khắc phục nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm;

d) Công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về việc bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;

đ) Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho mạng lưới;

e) Xây dựng dữ liệu quốc gia và thống kê, báo cáo định kỳ, đột xuất với Bộ Y tế về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;

g) Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; là điểm hỏi đáp và thông báo liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

8. Thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong phạm vi cả nước; chỉ đạo hoạt động thanh tra về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho mạng lưới; phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị xử phạt hành chính của các tổ chức và cá nhân liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp.

9. Là bộ phận thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm và Ủy ban Luật thực phẩm quốc tế của Việt Nam (Codex Alimentarius Commission, Ủy ban Codex Việt Nam).

10. Quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, tài sản và kinh phí được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Y tế.

11. Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 3. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động

1. Lãnh đạo Cục

Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm và miễn nhiệm. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế và trước pháp luật về mọi hoạt động của Cục. Các Phó Cục trưởng giúp việc Cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

2. Tổ chức bộ máy của Cục

a) Các tổ chức giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước:

- Văn phòng Cục;

- Phòng Kế hoạch - Tài chính;

- Phòng Pháp chế - Hội nhập;

- Phòng Quản lý tiêu chuẩn và kiểm nghiệm;

- Phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm;

- Phòng Đăng ký và Chứng nhận sản phẩm;

- Phòng Thông tin, Giáo dục và Truyền thông;

- Thanh tra Cục;

- Phòng đại diện tại phía Nam (nằm trong cơ quan đại diện phía Nam của Bộ Y tế).

b) Các tổ chức sự nghiệp:

- Văn phòng Codex Việt Nam;

- Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Cơ chế hoạt động

a) Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoạt động theo chế độ Thủ trưởng;

b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của Thanh tra Cục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;

c) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Cục và các Phòng thuộc Cục do Cục trưởng quy định trên cơ sở nhiệm vụ của Cục được Bộ Y tế giao. Mối quan hệ giữa các phòng trong Cục và các đơn vị trực thuộc Cục do Cục trưởng quy định;

d) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo Văn phòng Cục, lãnh đạo các phòng thuộc Cục thực hiện theo quy định hiện hành;

đ) Các chức danh lãnh đạo Cục, lãnh đạo Văn phòng Cục, lãnh đạo các phòng thuộc Cục được hưởng phụ cấp theo quy định hiện hành.

4. Biên chế

Biên chế của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm được xác định theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế và được điều chỉnh hàng năm theo nhu cầu công tác trên cơ sở đề xuất của Cục trưởng.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Các ông bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, các Cục trưởng, Tổng cục trưởng thuộc Bộ Y tế và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Triệu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.