• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 05/09/2017
CHÍNH PHỦ
Số: 85/2017/2017/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 19 tháng 7 năm 2017

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
---------------

Số: 85/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2017

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CƠ CẤU, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỆ THỐNG TỔ CHỨC THỐNG KÊ TẬP TRUNG VÀ THỐNG KÊ BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thng kê tập trung và thng kê bộ, cơ quan ngang bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thống kê tập trung và thống kê bộ, cơ quan ngang bộ.

2. Nghị định này áp dụng đối với bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã).

Chương II

CƠ CẤU, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỆ THỐNG TỔ CHỨC THỐNG KÊ TẬP TRUNG

Điều 2. Hệ thống tổ chức thống kê tập trung

Hệ thống tổ chức thống kê tập trung gồm cơ quan thống kê trung ương và cơ quan thống kê địa phương.

Cơ quan thống kê địa phương gồm cơ quan thống kê cấp tỉnh và cơ quan thống kê cấp huyện.

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lĩnh vực thống kê trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ:

a) Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin thống kê quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện.

b) Hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và chương trình điều tra thống kê quốc gia.

c) Tổ chức, điều phối các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến; phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; kết nối, cung cấp dữ liệu, thông tin giữa các hệ thống thông tin thống kê nhà nước; tham khảo ý kiến người sử dụng thông tin thống kê và hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê nhà nước.

3. Thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê, phân loại thống kê, phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê, số liệu thống kê theo quy định của pháp luật.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện các cuộc tổng điều tra và các cuộc điều tra thống kê khác; thực hiện quy chế phối hợp, quản lý, sử dụng dữ liệu hành chính vào hoạt động thống kê nhà nước; thực hiện chế độ báo cáo thống kê, biên soạn chỉ tiêu thống kê theo quy định của pháp luật.

5. Tiếp nhận báo cáo kết quả điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

6. Phân tích, dự báo và công bố thông tin thống kê kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật.

7. Thanh tra chuyên ngành thống kê theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỐNG KÊ BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ

Điều 4. Vị trí và chức năng

1. Thống kê bộ, cơ quan ngang bộ là tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước về thống kê, tổ chức hoạt động thống kê thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật.

2. Thống kê bộ, cơ quan ngang bộ chịu sự hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ thống kê của cơ quan thống kê trung ương,

Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xem xét, quyết định:

a) Chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, chính sách, chiến lược, các văn bản có liên quan về thống kê của bộ, cơ quan ngang bộ và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách sau khi được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê.

c) Tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và quản lý chất lượng thống kê trong lĩnh vực quản lý của bộ, ngành phù hợp với với quy định của pháp luật.

d) Tiến hành điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia; điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia.

đ) Quy chế phối hợp giữa bộ, cơ quan ngang bộ với cơ quan thống kê trung ương trong việc sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước.

e) Lịch phổ biến thông tin thống kê bộ, cơ quan ngang bộ; quy chế phổ biến thông tin thống kê nhà nước áp dụng thống nhất trong bộ, cơ quan ngang bộ.

g) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thống kê của cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; kiến nghị các biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thống kê.

2. Phối hợp với các đơn vị của bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về thống kê của cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật.

3. Trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành chỉ tiêu thống kê, phân loại thống kê ngành, lĩnh vực, chế độ báo cáo thống kê của cơ quan thuộc Chính phủ được phân công.

4. Xây dựng, phát triển, quản lý vận hành hệ thống thông tin thống kê bộ, cơ quan ngang bộ.

5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thu thập, tổng hợp, biên soạn chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; phân tích, dự báo thống kê; biên soạn niên giám, ấn phẩm thống kê theo quy định của pháp luật.

6. Thu thập, tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra thống kê do bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện.

7. Lập hồ sơ thẩm định về hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; phương án điều tra thống kê; chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành; số liệu thống kê của bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia gửi cơ quan thống kê trung ương thẩm định, công bố theo quy định.

8. Có ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung chương trình điều tra thống kê quốc gia và tổng điều tra thống kê quốc gia.

9. Phối hợp với cơ quan thống kê trung ương kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được cấp có thẩm quyền công bố.

10. Tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ thống kê đối với người làm công tác thống kê của bộ, cơ quan ngang bộ.

11. Tổ chức nghiên cứu và triển khai các đề tài khoa học về lĩnh vực thống kê; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào công tác thống kê của bộ, cơ quan ngang bộ.

12. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác về thống kê do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ giao.

Điều 6. Tổ chức thống kê bộ, cơ quan ngang bộ

Tổ chức thống kê bộ, cơ quan ngang bộ là Phòng Thống kê thuộc Vụ Kế hoạch tài chính hoặc tổ chức hành chính khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

Điều 7. Người làm công tác thống kê của bộ, cơ quan ngang bộ

1. Người làm công tác thống kê của bộ, cơ quan ngang bộ đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật thống kê.

2. Người làm công tác thống kê của bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về thống kê; thực hiện và chịu trách nhiệm về các hoạt động thống kê được phân công.

3. Người làm công tác thống kê của bộ, cơ quan ngang bộ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin, ngoại ngữ và kiến thức thuộc các lĩnh vực khác nhằm phục vụ công tác thống kê; được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 9 năm 2017.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 03/2010/NĐ-CP">03/2010/NĐ-CP ngày 13 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Tổng cục Thống kê;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (2b).PC

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

 

(Đã ký)

Nguyễn Xuân Phúc

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.