• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/03/2024
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 02/2024/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 2 tháng 2 năm 2024

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ

của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa

_____________________

 

Căn cứ Luật Giao thông đư­ờng thuỷ nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đư­ờng thuỷ nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT ngày 22 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (sau đây viết tắt là Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT), Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm (sau đây viết tắt là Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT) và Thông tư số 27/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và tàu biển (sau đây viết tắt là Thông tư số 27/2023/TT-BGTVT)

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 3 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

“4. Đăng kiểm viên thực hiện công tác thẩm định thiết kế (sau đây gọi là đăng kiểm viên thẩm định thiết kế) là đăng kiểm viên thực hiện thẩm định các loại hồ sơ thiết kế được thiết lập theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia nhằm phục vụ cho đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi, nhập khẩu và khai thác phương tiện thủy nội địa và thực hiện thẩm định tài liệu hướng dẫn.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

“1. Tốt nghiệp trung cấp trở lên.”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1, khoản 2 Điều 9 của Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT) như sau:

Điều 5. Tiêu chuẩn đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III

1. Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.

2. Đã hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III theo quy định tại điểm 1.2 Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đã thực tập nghiệp vụ đăng kiểm tối thiểu 12 (mười hai) tháng tại đơn vị đăng kiểm theo chương trình thực tập nghiệp vụ đối với các phương tiện thuộc nhiệm vụ của đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III theo quy định tại điểm 2.2 Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

5. Đạt yêu cầu về kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III trước khi công nhận lần đầu.”.

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

 “Điều 6. Tiêu chuẩn đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II

1. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.

2. Đã hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II theo quy định tại điểm 1.3 Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Là đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III có tổng thời gian giữ hạng đủ 12 (mười hai) tháng.

4. Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

5. Đã thực tập nghiệp vụ đăng kiểm tại đơn vị đăng kiểm theo chương trình thực tập nghiệp vụ đối với các phương tiện thuộc nhiệm vụ của đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II theo quy định tại điểm 2.2 Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Đạt yêu cầu về kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II trước khi công nhận lần đầu.”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 7. Tiêu chuẩn đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I

1. Là đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II có tổng thời gian giữ hạng đủ 24 tháng.

2. Đã hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I theo quy định tại điểm 1.4 Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

4. Đã thực tập nghiệp vụ đăng kiểm tại đơn vị đăng kiểm theo chương trình thực tập nghiệp vụ đối với các phương tiện thuộc nhiệm vụ của đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I theo quy định tại điểm 2.2 Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Đạt yêu cầu về kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I trước khi công nhận lần đầu.”.

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

 “Điều 8. Tiêu chuẩn đăng kiểm viên thẩm định thiết kế

1. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.

2. Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

3. Đã hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa theo quy định tại điểm 1.5 Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Đã thực tập nghiệp vụ thẩm định thiết kế tối thiểu 06 (sáu) tháng đối với các phương tiện thuộc nhiệm vụ của đăng kiểm viên thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa theo quy định tại điểm 2.3 Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Đạt yêu cầu về kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ đăng kiểm viên thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa trước khi công nhận lần đầu.”.

 

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 9. Tiêu chuẩn lãnh đạo đơn vị đăng kiểm

1. Đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm hạng I, hạng II phải có trình độ đại học trở lên; là đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa hoặc đăng kiểm viên tàu biển.

3. Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm hạng III phải có trình độ cao đẳng trở lên; là đăng kiểm viên phương tiện thuỷ nội địa hoặc đăng kiểm viên tàu biển.”.

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 11. Nhiệm vụ, phạm vi thực hiện của đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III

1. Nhiệm vụ

a) Kiểm tra lần đầu, chu kỳ, bất thường, hoán cải phương tiện;

b) Sao và thẩm định mẫu định hình;

c) Lập và cấp hồ sơ đăng kiểm cho các đối tượng kiểm tra;

d) Hướng dẫn thực tập nghiệp vụ cho đăng kiểm viên thực tập hạng III;

đ) Kiểm tra chất lượng sản phẩm công nghiệp sử dụng trong đóng mới, hoán cải, lắp đặt trên phương tiện;

e) Giám định trạng thái kỹ thuật, tham gia điều tra tai nạn đối với phương tiện thủy nội địa trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

g) Kiểm tra năng lực kỹ thuật của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa theo quy định;

h) Tính giá dịch vụ, lệ phí đăng kiểm cho đối tượng kiểm tra theo quy định;

i) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị.

2. Phạm vi thực hiện

a) Thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này theo chuyên ngành đào tạo đối với phương tiện thủy nội địa có tổng dung tích dưới 500 GT, phương tiện thủy nội địa có động cơ tổng công suất máy chính dưới 300 sức ngựa, phương tiện thủy nội địa có sức chở dưới 50 người (trừ tàu cấp VR-SB, tàu nhiều thân, tàu chở công te nơ, tàu cao tốc chở khách, tàu đệm khí, tàu cánh ngầm, tàu dầu, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm);

b) Trường hợp đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III chuyên ngành vỏ tàu được đào tạo bổ sung chương trình 2 tại Mục III Phụ lục I hoặc là đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III chuyên ngành máy tàu được đào tạo bổ sung chương trình 1 tại Mục III Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và được tập huấn, thực tập nghiệp vụ với hạng mục tương ứng, đạt yêu cầu về kiểm tra thực tế năng lực thực hành thì được thực hiện kiểm tra chu kỳ, bất thường theo chuyên ngành đào tạo bổ sung đối với phương tiện nêu tại điểm a khoản này.”.

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

 “Điều 12. Nhiệm vụ, phạm vi thực hiện của đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II

1. Nhiệm vụ

a) Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này;

b) Tham gia tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên hạng III và hạng II;

c) Hướng dẫn thực tập nghiệp vụ cho đăng kiểm viên thực tập hạng II;

d) Kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ để công nhận đăng kiểm viên hạng III và hạng II.

2. Phạm vi thực hiện

a) Thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này theo chuyên ngành đào tạo đối với các loại phương tiện thủy nội địa (trừ tàu dầu có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên, tàu hàng cấp VR-SB có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên hoặc tàu khách cấp VR-SB có sức chở từ 100 người trở lên, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm);

b) Trường hợp đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II chuyên ngành vỏ tàu được đào tạo bổ sung chương trình 2 tại Mục III Phụ lục I hoặc là đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II chuyên ngành máy tàu được đào tạo bổ sung chương trình 1 tại Mục III Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và được tập huấn, thực tập nghiệp vụ với hạng mục tương ứng, đạt yêu cầu về kiểm tra thực tế năng lực thực hành thì được thực hiện kiểm tra chu kỳ, bất thường theo chuyên ngành đào tạo bổ sung đối với phương tiện nêu tại điểm a khoản này.”.

10. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 13. Nhiệm vụ, phạm vi thực hiện của đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I

  1. Nhiệm vụ

a) Thực hiện các nhiệm vụ nêu tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư này;

b) Tham gia tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên hạng I;

c) Hướng dẫn thực tập nghiệp vụ cho đăng kiểm viên thực tập hạng I;

d) Kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ để công nhận đăng kiểm viên hạng I.

  1. Phạm vi thực hiện
  1. Thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này theo chuyên ngành đào tạo đối với tất cả các loại phương tiện thủy nội địa;

b) Trường hợp đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I chuyên ngành vỏ tàu được đào tạo bổ sung chương trình 2 tại Mục III Phụ lục I hoặc là đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I chuyên ngành máy tàu được đào tạo bổ sung chương trình 1 tại Mục III Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và được tập huấn, thực tập nghiệp vụ với hạng mục tương ứng, đạt yêu cầu về kiểm tra thực tế năng lực thực hành thì được thực hiện kiểm tra chu kỳ, bất thường theo chuyên ngành đào tạo bổ sung đối với phương tiện nêu tại điểm a khoản này.”.

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 14. Nhiệm vụ, phạm vi thực hiện của đăng kiểm viên thẩm định thiết kế

1. Nhiệm vụ

a) Thẩm định hồ sơ thiết kế, tài liệu hướng dẫn quy định tại Điều 3 Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 16/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa);

b) Lập hồ sơ liên quan đến việc thẩm định thiết kế;

c) Tính giá dịch vụ, lệ phí thẩm định thiết kế theo quy định;

d) Hướng dẫn thực tập nghiệp vụ cho đăng kiểm viên thực tập nghiệp vụ thẩm định thiết kế;

đ) Kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ để công nhận đăng kiểm viên thẩm định thiết kế.

2. Phạm vi thực hiện: theo nội dung thực tập và đạt yêu cầu về kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ đăng kiểm viên thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa.”.

12. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 16 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

“a) Từ chối cấp hồ sơ đăng kiểm, hồ sơ thẩm định thiết kế khi tổ chức, cá nhân không nộp giá dịch vụ và lệ phí đăng kiểm theo quy định;”.

13. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

“1. Được ký hồ sơ thẩm định thiết kế, hồ sơ đăng kiểm theo quy định.”.

14. Sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 21. Thẩm quyền công nhận đăng kiểm viên, thu hồi Giấy chứng nhận đăng kiểm viên

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam quyết định công nhận đăng kiểm viên và thu hồi Giấy chứng nhận đăng kiểm viên theo quy định tại Thông tư này.”.

15. Sửa đổi khoản 2 Điều 22 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

“2. Thành phần hội đồng gồm: Đại diện lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam là Chủ tịch hội đồng, thư ký hội đồng và các ủy viên.”.

16. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 23. Hồ sơ đề nghị công nhận đăng kiểm viên

1. Hồ sơ công nhận đăng kiểm viên lần đầu

a) Giấy đề nghị của đơn vị đăng kiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính);

b) Lý lịch chuyên môn của đăng kiểm viên theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính);

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính các văn bằng chứng chỉ chuyên môn;

d) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính báo cáo thực tập nghiệp vụ của người được đề nghị công nhận đăng kiểm viên theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hồ sơ công nhận lại đăng kiểm viên

a) Giấy đề nghị của đơn vị đăng kiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính);

b) Lý lịch chuyên môn của đăng kiểm viên theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính) nếu có thay đổi so với Hồ sơ công nhận đăng kiểm viên lần đầu.

3. Hồ sơ công nhận nâng hạng đăng kiểm viên

a) Giấy đề nghị của đơn vị đăng kiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính);

b) Lý lịch chuyên môn của người được đề nghị nâng hạng đăng kiểm viên theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính);

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính các văn bằng chứng chỉ chuyên môn nếu có thay đổi so với Hồ sơ công nhận đăng kiểm viên lần đầu;

d) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính báo cáo thực tập nghiệp vụ của người được đề nghị nâng hạng đăng kiểm viên theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.”.

17. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 24. Công nhận đăng kiểm viên lần đầu

1. Đơn vị đăng kiểm gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến đến Cục Đăng kiểm Việt Nam 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Thông tư này. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ; trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu thành phần hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn cho đơn vị đăng kiểm để bổ sung theo quy định.

2. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất với đơn vị đăng kiểm về thời gian, địa điểm và phân công đăng kiểm viên để tiến hành kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ đối với người được đề nghị công nhận đăng kiểm viên. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc sau khi hoàn thành kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ của người được đề nghị công nhận đăng kiểm viên, đăng kiểm viên và đơn vị đăng kiểm phải hoàn thành biên bản kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ đăng kiểm viên theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian hoàn thành việc kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ tối đa 03 (ba) tháng, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

3. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc sau khi Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được biên bản kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều này, Hội đồng công nhận đăng kiểm viên căn cứ tiêu chuẩn đăng kiểm viên quy định tại Thông tư này và kết quả kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ: nếu đạt yêu cầu thì đề nghị Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam quyết định công nhận đăng kiểm viên, cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên; nếu không đạt yêu cầu thì thông báo bằng văn bản cho đơn vị đăng kiểm đề nghị công nhận đăng kiểm viên. Giấy chứng nhận đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa có thời hạn 05 (năm) năm theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Đơn vị đăng kiểm được quyền đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra lại năng lực thực hành nghiệp vụ đối với người được đề nghị công nhận đăng kiểm viên sau thời gian tối thiểu 01 (một) tháng kể từ ngày kiểm tra không đạt. Đơn vị đăng kiểm gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến đến Cục Đăng kiểm Việt Nam 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 của Thông tư này. Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện trình tự, thủ tục công nhận đăng kiểm viên theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

5. Kết quả công nhận đăng kiểm viên được trả cho đơn vị đăng kiểm và người được đề nghị công nhận đăng kiểm viên trực tiếp tại trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến.”.

18. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 25. Công nhận lại đăng kiểm viên

1. Đơn vị đăng kiểm gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến đến Cục Đăng kiểm Việt Nam 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Thông tư này. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ; trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu thành phần hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn cho đơn vị đăng kiểm để bổ sung theo quy định.

2. Trường hợp Giấy chứng nhận của đăng kiểm viên đã hết hiệu lực nhưng tối đa không quá 12 (mười hai) tháng, thì trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Hội đồng công nhận đăng kiểm viên đề nghị Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam quyết định công nhận lại đăng kiểm viên, cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên với thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 24 của Thông tư này. Trường hợp Giấy chứng nhận của đăng kiểm viên đã hết hiệu lực quá 12 (mười hai) tháng, thủ tục công nhận lại thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 24 của Thông tư này.

3. Trường hợp công nhận lại cho đăng kiểm viên đề nghị bổ sung phạm vi và loại hình kiểm tra nhưng không thay đổi hạng đăng kiểm viên hoặc đăng kiểm viên bị thu hồi Giấy chứng nhận, thủ tục công nhận lại thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 24 của Thông tư này.

4. Kết quả công nhận lại đăng kiểm viên được trả cho đơn vị đăng kiểm và người được đề nghị công nhận đăng kiểm viên trực tiếp tại trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến.”.

19. Sửa đổi, bổ sung Điều 26 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 26. Công nhận nâng hạng đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra

1. Đơn vị đăng kiểm gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến đến Cục Đăng kiểm Việt Nam 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Thông tư này. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ; trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu thành phần hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn cho đơn vị đăng kiểm để bổ sung theo quy định.

2. Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện trình tự, thủ tục nâng hạng đăng kiểm viên theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 24 của Thông tư này.”.

20. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 27. Công nhận đăng kiểm viên trong trường hợp đặc biệt

1. Đăng kiểm viên tàu biển đã được công nhận theo quy định của pháp luật và còn thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên tàu biển hoặc đăng kiểm viên của tổ chức đăng kiểm quốc tế là thành viên của Hiệp hội các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS), sau khi được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra phương tiện thủy nội địa sẽ được công nhận là đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra phương tiện thủy nội địa với các hạng mục tương ứng với Phụ lục của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên tàu biển thực hiện công tác kiểm tra tàu (đăng kiểm viên tàu biển bậc cao được công nhận tương ứng đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa hạng I, đăng kiểm viên tàu biển được công nhận tương ứng đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa hạng II); sau thời gian 06 (sáu) tháng kể từ ngày công nhận đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II, nếu được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I và được kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ đạt yêu cầu sẽ được công nhận nâng hạng đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I.

2. Người đã có từ 01 (một) đến 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc vận hành tàu thủy, công trình biển và có thời gian thực tập nghiệp vụ tối thiểu 06 (sáu) tháng, sau khi được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra phương tiện thủy nội địa sẽ được kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ để công nhận đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III.

3. Người đã có trên 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc vận hành tàu thủy, công trình biển và có thời gian thực tập nghiệp vụ tối thiểu 03 (ba) tháng, sau khi được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra phương tiện thủy nội địa sẽ được kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ để công nhận đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III.

4. Đăng kiểm viên tàu biển đã được công nhận thực hiện công tác thẩm định thiết kế tàu biển theo quy định của pháp luật và còn thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên, sau khi được tập huấn nghiệp vụ thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa sẽ được công nhận đăng kiểm viên thực hiện công tác thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa với nhiệm vụ, phạm vi thực hiện tương ứng.

5. Người có thời gian thực hiện nhiệm vụ thiết kế tàu thủy tại các đơn vị thiết kế tàu thủy tối thiểu 02 (hai) năm hoặc đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra, đáp ứng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 của Thông tư này, sau khi được tập huấn nghiệp vụ thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa, có thời gian thực tập nghiệp vụ tối thiểu 03 (ba) tháng, sẽ được kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ để công nhận đăng kiểm viên thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa.

6. Hồ sơ và thủ tục đề nghị công nhận đăng kiểm viên

a) Trường hợp đề nghị công nhận đăng kiểm viên nêu tại các khoản 1, khoản 4 Điều này: Đơn vị đăng kiểm gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến đến Cục Đăng kiểm Việt Nam 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 23 của Thông tư này. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Hội đồng công nhận đăng kiểm viên căn cứ tiêu chuẩn đăng kiểm viên quy định tại Thông tư này để đề nghị Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam quyết định công nhận đăng kiểm viên, cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên;

b) Trường hợp đề nghị công nhận đăng kiểm viên nêu tại các khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều này: Hồ sơ đề nghị công nhận đăng kiểm viên thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Thông tư này. Thủ tục công nhận đăng kiểm viên thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Thông tư này.”.

21. Sửa đổi, bổ sung Điều 28 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 28. Cấp lại Giấy chứng nhận đăng kiểm viên

Trường hợp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên còn hiệu lực nhưng bị mất, hư hỏng, đơn vị đăng kiểm có văn bản đề nghị cấp lại theo mẫu tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này. Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cấp lại Giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, trường hợp không cấp lại có văn bản nêu rõ lý do. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên được cấp lại bằng thời hạn hiệu lực còn lại của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên bị mất, bị hư hỏng.”.

22. Sửa đổi, bổ sung Điều 29 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

“Điều 29. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng kiểm viên

Đăng kiểm viên bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong các trường hợp sau:

1. Làm sai lệch kết quả đăng kiểm phương tiện hoặc không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác đăng kiểm phương tiện mà gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến an toàn phương tiện đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận.

2. Làm giả các hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

3. Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

4. Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”.

23. Bổ sung Điều 31a vào sau Điều 31 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT như sau:

Điều 31a. Trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm

1. Tổ chức phân công nhiệm vụ cho đăng kiểm viên tại đơn vị phù hợp với năng lực được nêu trên Giấy chứng nhận đăng kiểm viên và phù hợp với thẩm quyền, nhiệm vụ của đơn vị.

2. Đảm bảo về nguồn nhân lực phục vụ công tác đăng kiểm tại đơn vị theo quy định.

3. Chịu trách nhiệm về các nội dung trong báo cáo thực tập nghiệp vụ của người được đề nghị thuộc đơn vị mình theo quy định tại Thông tư này.”.

Điều 2. Bổ sung, thay thế một số phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 27/2023/TT-BGTVT)

1. Bổ sung Phụ lục VIII vào Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT bằng Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Thay thế Phụ lục I, Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT tương ứng bằng Phụ lục I, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Thay thế Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT (đã được thay thế bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 27/2023/TT-BGTVT) bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đăng kiểm viên có Giấy chứng nhận đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa hạng III cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến hết thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên mà không cần phải cấp lại Giấy chứng nhận đăng kiểm viên, cụ thể như sau:

a) Đối với đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra theo phạm vi tại điểm b khoản 2 Điều 11 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đối tượng và loại hình kiểm tra tại Phụ lục Giấy chứng nhận;

b) Đối với đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra theo phạm vi tại điểm a khoản 2 Điều 11 của Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT được thực hiện nhiệm vụ cho đối tượng và loại hình kiểm tra tại Phụ lục Giấy chứng nhận theo phạm vi thực hiện tại khoản 8 Điều 1 của Thông tư này.

2. Đăng kiểm viên có Giấy chứng nhận đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa hạng II cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến hết thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên cho đối tượng và loại hình kiểm tra tại Phụ lục Giấy chứng nhận theo phạm vi thực hiện tại khoản 9 Điều 1 của Thông tư này mà không cần phải cấp lại Giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

3. Đăng kiểm viên có Giấy chứng nhận đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa hạng I cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến hết thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

4. Đăng kiểm viên có Giấy chứng nhận đăng kiểm viên phương tiện thuỷ nội địa thực hiện công tác thẩm định thiết kế cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến hết thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

5. Đăng kiểm viên đã thực tập trước ngày Thông tư này có hiệu lực, nếu đủ thời gian thực tập, đủ hạng mục quy định tại Thông tư này và đạt yêu cầu về kiểm tra thực tế năng lực thực hành thì được cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên tương ứng theo quy định tại Thông tư này.

6. Trong thời hạn 05 (năm) năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm hạng III, đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III theo quy định tại Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT phải đáp ứng các tiêu chuẩn của lãnh đạo đơn vị đăng kiểm hạng III, đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III theo quy định tại Thông tư này.  

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Sang

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.