• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/12/2005
CHÍNH PHỦ
Số: 16/2005/NQ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 8 tháng 12 năm 2005

NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2005

Ngày 05 tháng 12 năm 2005, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11, bàn và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Tờ trình về Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, giáo dục mầm non đã có bước phát triển mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của hệ thống giáo dục quốc dân. Các chỉ tiêu phát triển quy mô đến năm 2005 đều vượt mức quy định tại Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010. Chất lượng nuôi dạy trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, so với vị trí và yêu cầu phát triển, giáo dục mầm non vẫn còn một số yếu kém, bất cập. Quy mô và chất lượng giáo dục mầm non có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền trong cả nước. Một tỷ lệ lớn trẻ em trong độ tuổi mầm non chưa được chăm sóc, nuôi dạy theo phương pháp khoa học.

Giáo dục mầm non là một bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân, có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực của đất nước, cần được quan tâm thoả đáng. Phát triển giáo dục mầm non là trách nhiệm của Nhà nước và toàn dân. Thực hiện Nghị quyết số 37/2004/QH11 của Quốc hội và Luật Giáo dục năm 2005, Chính phủ xác định, cần tập trung phát triển giáo dục mầm non, tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá; nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi và dạy trẻ; mở rộng hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non trên các địa bàn dân cư, đặc biệt ở nông thôn và những vùng khó khăn. Để thực hiện được mục tiêu này, cần tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non với các chế độ chính sách hợp lý về đào tạo, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như các quyền lợi vật chất và tinh thần khác, không phân biệt giáo viên công lập hay ngoài công lập, trong biên chế hay ngoài biên chế; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp mầm non đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách phát triển giáo dục mầm non, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục mầm non theo lộ trình hợp lý; đồng thời thực hiện mạnh việc phân cấp quản lý, gắn với việc tăng cường kiểm tra, bảo đảm hiệu quả thực hiện.

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày Báo cáo kết quả kiểm tra việc thi hành Luật Đất đai.

Luật Đất đai 2003 là một trong những đạo luật thu hút sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến nay, công tác quản lý đất đai đã có bước tiến mới. Đất đai được sử dụng có hiệu quả hơn, thủ tục hành chính về đất đai minh bạch, cụ thể hơn đã tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Đến nay, đa số các tỉnh, thành phố đã hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Tuy vậy, công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn nhiều yếu kém, triển khai chậm. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đạt tiến độ đề ra. Việc thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm còn thiếu kiên quyết. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn nhiều bất cập và sai phạm. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai chưa kịp thời, thiếu hiệu quả.

Để thi hành Luật Đất đai, đưa công tác quản lý, sử dụng đất đai đi vào nền nếp, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết việc làm đối với người có đất bị thu hồi; tập trung chấn chỉnh những yếu kém, tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kiên quyết thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của Luật đất đai; làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật đất đai, qua đó phát hiện những vướng mắc để tháo gỡ kịp thời, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; xử lý tốt tình hình tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Đặc biệt, tập trung xử lý hết số đơn, thư tồn đọng và hạn chế phát sinh số đơn thư mới.

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai vì sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước là công việc quan trọng, vừa bức xúc, vừa lâu dài, cần có sự tham gia đồng bộ của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về xử lý những vấn đề đặt ra sau đợt kiểm tra thi hành Luật Đất đai.

3. Chính phủ nghe Báo cáo về các giải pháp hạn chế nhập siêu thời kỳ 2006 - 2010 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân trên 17%/năm. Nhìn chung, xuất khẩu đã thực sự trở thành động lực phát triển của nền kinh tế, nhưng nhập siêu giai đoạn 2001 - 2005 còn lớn, bằng 17,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong giai đoạn đầu phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, việc nhập khẩu công nghệ hiện đại và nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu là thực sự cần thiết đối với mỗi nước. Thêm vào đó, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực cùng với việc thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ các biện pháp phi thuế cũng tác động tới nhập khẩu theo chiều hướng tăng lên. Mặt khác, đối với nước ta, tăng trưởng xuất khẩu chưa thực sự bền vững cả về cơ cấu hàng hoá và thị trường… Trong bối cảnh ấy, tỷ lệ nhập siêu như vừa qua là khó tránh khỏi và chấp nhận được. Tỷ lệ này cũng có xu hướng giảm dần qua các thời kỳ (giai đoạn 1991 - 1995 là 32,8% và 1996 - 2000 là 19%, năm 2005 là 15,6%). Để hạn chế nhập siêu, giải pháp quan trọng và tích cực nhất là đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá trong nước.

Khi nước ta hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khi tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vai trò điều hành trực tiếp của Nhà nước sẽ giảm dần nhưng đòi hỏi hệ thống cơ chế, chính sách ngày càng đồng bộ và thông thoáng, vai trò của các doanh nghiệp cần được phát huy với tinh thần chủ động cao. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện những giải pháp thiết thực vừa đẩy mạnh xuất khẩu và vừa giảm thiểu nhập khẩu một cách hợp lý, từng bước phấn đấu cân bằng cán cân xuất nhập khẩu. Các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và điều kiện kinh doanh bình đẳng cho các nhà đầu tư, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, đầu tư và thương mại. Xây dựng kế hoạch nhập khẩu sát với nhu cầu sản xuất, trong đó khuyến khích mua sắm, sử dụng thiết bị, nguyên vật liệu trong nước có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần tính đến các biện pháp thích ứng tiêu chuẩn Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng xây dựng các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn hàng nhập khẩu cũng như các công cụ quản lý nhập khẩu phù hợp với tiêu chuẩn của WTO và sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính tiền tệ để hạn chế nhập siêu.

4. Chính phủ đã xem xét Báo cáo kết quả giao ban về sản xuất, xuất nhập khẩu, đầu tư tháng 11 và tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2005 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình, Báo cáo về tình hình thương mại tháng 11 năm 2005 và dự báo tháng 12 năm 2005 do Bộ trưởng Bộ Thương mại trình. Chính phủ nhất trí thông qua các báo cáo này.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2005 có nhiều tiến bộ, tiếp tục có xu hướng phát triển tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Thị trường nội địa phát triển ổn định. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng nhanh, tỷ lệ nhập siêu giảm. Thu hút đầu tư nước ngoài vượt kế hoạch năm, thực hiện vốn đầu tư phát triển tăng khá. Thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán. Các mặt công tác xã hội tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực.

Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của thiên tai và dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, có thể tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và gây ra đại dịch cúm ở người. Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng công tác kiểm tra, chỉ đạo sâu sát cơ sở, ngăn chặn có hiệu quả dịch cúm gia cầm và không để xảy ra đại dịch cúm ở người; khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2006; tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản, sản xuất và xuất khẩu; kiềm chế có hiệu quả tốc độ tăng giá, ổn định sản xuất và đời sống, chuẩn bị tốt các điều kiện để nhân dân đón Tết cổ truyền; giải quyết tốt hơn nữa các vấn đề văn hoá - xã hội, xoá đói giảm nghèo, trật tự an toàn xã hội và kiềm chế tai nạn giao thông./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.