• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/03/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 15/09/2012
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 13/2005/QĐ-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 2 tháng 2 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành "Quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm thường xảy ra

tai nạn giao thông trên đường bộ đang khai thác"

_________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Cãn cứ Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ;

Cãn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm thường xảy ra tai nạn giao thông (gọi tắt là điểm đen) trên đường bộ đang khai thác".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng giám đốc các Khu Quản lý đường bộ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH

 

Về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm thường xảy ra tai nạn giao thông

trên đường bộ đang khai thác

(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2005/QĐ-BGTVT ngày 02/02/2005

của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải).

Chương I

NHƯNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Điểm đen

Điểm đen là vị trí nguy hiểm mà tại đó thường xảy ra tai nạn giao thông. Từ "điểm" ở đây được hiểu là một vị trí hoặc một đoạn đường hoặc trong khu vực nút giao.

Điều 2. Tiêu chí xác định điểm đen

Tiêu chí để xác định điểm đen phải căn cứ vào tình hình tai nạn giao thông xảy ra trong một năm về số vụ, mức độ thiệt hại:

1. 02 vụ tai nạn nghiêm trọng (tai nạn có người chết) hoặc

2. 03 vụ tai nạn trở lên, trong đó có 01 vụ nghiêm trọng hoặc

3. 04 vụ tai nạn trở lên, nhưng chỉ có người bị thương.

Điều 3. Hồ sơ điểm đen

1. Hồ sơ các vụ tai nạn giao thông được lưu giữ tại đơn vị quản lý đường bộ;

2. Bảng thống kê tai nạn có ghi lý trình, số vụ tai nạn, thiệt hại, đánh giá nguyên nhân kèm kiến nghị sơ bộ giải pháp khắc phục;

3. Hồ sơ các vụ tai nạn giao thông do cảnh sát giao thông cung cấp;

4. Bản vẽ sơ đồ khu vực điểm đen, ảnh chụp khu vực điểm đen và các tài liệu liên quan.

Điều 4. Trách nhiệm xử lý điểm đen

1. Công ty, Đoạn quản lý đường bộ (gọi chung là đơn vị quản lý đường bộ) có trách nhiệm:

a) Phát hiện, thống kê tai nạn và lập hồ sơ điểm đen như quy định tại Điều 3 của Quy định này;

b) Từ các số liệu, tình hình thu thập được đối chiếu với tiêu chí điểm đen để tổng hợp thành hồ sơ báo cáo về Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính, Khu Quản lý đường bộ.

2. Khu Quản lý đường bộ (đối với điểm đen trên Quốc lộ), Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính (đối với điểm đen trên đoạn Quốc lộ được ủy quyền quản lý), căn cứ báo cáo của đơn vị quản lý đường bộ trực thuộc tiến hành thẩm định bước đầu, lập hồ sơ có phân loại ưu tiên và giải pháp xử lý trình Cục Đường bộ Việt Nam. Sau khi được Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt cho phép đầu tư, phải khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo quy định tại Chương II của Quy định này.

3. Cục Đường bộ Việt Nam căn cứ báo cáo tình hình điểm đen của Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính, Khu Quản lý đường bộ tiến hành việc cho phép đầu tư theo thứ tự ưu tiên.

4. Đối với các điểm đen trên đường địa phương: Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính căn cứ báo cáo của đơn vị quản lý đường bộ trực thuộc tiến hành thẩm định bước đầu, lập hồ sơ có phân loại ưu tiên và giải pháp xử lý trình ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt cho phép đầu tư, phải khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo quy định tại Chương II của Quy định này.

5. Đối với các điểm đen trên đường BOT, đường chuyên dùng do chủ quản lý chịu trách nhiệm xử lý.

6. Đối với các điểm đen trên đường bộ đang khai thác có dự án xây dựng, cải tạo nâng cấp, đơn vị quản lý đường bộ bàn giao hồ sơ điểm đen cho chủ đấu tư để đưa vào dự án xem xét, xử lý. Trường hợp dự án chưa triển khai ngay, cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đối với đường có điểm đen đó thực hiện các biện pháp xử lý tạm thời để đảm bảo an toàn giao thông trước khi bàn giao đường cho chủ đầu tư.

7. Trường hợp khi thẩm định xác định nguyên nhân gây tai nạn giao thông không thuộc trách nhiệm xử lý, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính, Khu Quản lý đường bộ có văn bản kiến nghị gửi chính quyền địa phương, ngành có liên quan để xử lý theo chức năng, nhiệm vụ.

Chương II

TRÌNH TỰ XỬ LÝ ĐIỂM ĐEN

Điều 5. Trình tự xử lý

1. Trình tự xử lý điểm đen gồm 08 bước

Bước 1: Xác định và sơ bộ xếp hạng ưu tiên;

Bước 2: Thị sát hiện trường lần đầu;

Bước 3: Thu thập thêm dữ liệu và tiến hành phân tích;

Bước 4: Nghiên cứu hiện trường lần hai để xác định nguyên nhân;

Bước 5: Lựa chọn biện pháp khắc phục;

Bước 6: Tránh nhiệm của cơ quan xử lý điểm đen;

Bước 7: Thực hiện xử lý điểm đen;

Bước 8: Theo dõi và đánh giá kết quả.

2. Quy định các bước trong trình tự xử lý điểm đen được Quy định cụ thể tại các điều từ Điều 6 đến Điều 13 của Quy định này.

Điều 6. Xác định và sơ bộ xếp hạng ưu tiên

1. Đơn vị quản lý đường bộ phải cập nhật đầy đủ hồ sơ tai nạn giao thông. Hồ sơ tai nạn giao thông được thống kê làm cơ sở xác định điểm đen.

2. Căn cứ vào số vụ tai nạn giao thông trong một năm, mức độ nghiêm trọng về số người chết, số người bị thương, giá trị tài sản hư hỏng để sắp xếp sơ bộ thứ tự ưu tiên xử lý.

Điều 7. Thị sát hiện trường lần đầu

Sau khi xác định điểm đen, phải tiến hành thị sát hiện trường để đối chiếu bổ sung các đặc trưng của hiện trường: nút giao thông, hiện trạng hành lang, tổ chức giao thông và các đặc trưng khác (tầm nhìn, bán kính đường cong, độ bám mặt đường...).

Phác họa sơ đồ, chụp ảnh hiện trường.

Xác định lưu lượng, thành phần xe, tình trạng giao thông và người đi bộ.

Điều 8. Thu thập thêm dữ liệu và tiến hành phân tích

Căn cứ kết quả thị sát và hồ sơ tai nạn giao thông đã thu thập được, tiến hành xây dựng bản sơ đồ mặt bằng các vụ tai nạn theo tỷ lệ 1:200 thể hiện các đặc điểm chính của hiện trường: nút giao, tổ chức giao thông, nhà cửa, cây xanh và sơ đồ các vụ tai nạn. Tiến hành phân tích từng vị trí tai nạn để xác định sơ bộ nguyên nhân.

Điều 9. Nghiên cứu hiện trường lần hai để xác định nguyên nhân

Căn cứ vào hồ sơ đã thực hiện ở Điều 8, tổ chức nghiên cứu hiện trường lần 2 để xác định nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông tại hiện trường do tình trạng cầu đường, tình hình tổ chức giao thông, môi trường hai bên đường, tầm nhìn, chiếu sáng ban đêm, thời tiết khi xảy ra tai nạn hoặc tình hình điều khiển giao thông.

Phải tiến hành thị sát và nghiên cứu hiện trường tại nhiều thời điểm và thời tiết khác nhau.

Điều 10. Lựa chọn biện pháp khắc phục

Căn cứ vào các nguyên nhân đã xác định tại Điều 9, tiến hành đề xuất biện pháp khắc phục theo nguyên tắc:

1. Phải giảm hoặc làm mất hẳn nguyên nhân đã gây ra tai nạn giao thông.

2. Không được phát sinh nguyên nhân khác gây ra tai nạn giao thông.

3. Không gây ảnh hưởng xấu đến bảo đảm giao thông và môi trường xung quanh

Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan xử lý điểm đen

1. Trường hợp nguyên nhân và giải pháp khắc phục có liên quan đến cầu đường cơ quan quản lý đường bộ phải xử lý kịp thời.

2. Trường hợp nguyên nhân và giải pháp khắc phục khác thì cơ quan quản lý đường bộ kiến nghị cơ quan có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền.

Điều 12. Thực hiện xử lý điểm đen

1. Hồ sơ thiết kế xử lý điểm đen phải do đơn vị tư vấn thiết kế có kinh nghiệm về quản lý đường bộ thực hiện. Trong quá trình thực hiện điều tra, phân tích và đưa ra giải pháp, đơn vị thiết kế xử lý điểm đen phải duy trì sự tham gia của nhóm điều tra nghiên cứu của đơn vị quản lý đường bộ cũng như cơ quan cảnh sát giao thông phụ trách đoạn đường có điểm đen.

2. Trong quá trình thi công xử lý điểm đen, đơn vị thi công phải tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế xử lý điểm đen cũng như các quy định khác để đảm bảo an toàn giao thông trong khi thi công và khai thác.

3. Việc thực hiện xử lý điểm đen phải tuân theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

Điều 13. Theo dõi và đánh giá kết quả

Sau khi tiến hành các bước trên, đơn vi quản lý đường bộ phải tiếp tục tổ chức việc theo dõi và đánh giá kết quả về an toàn giao thông.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện Quy định này.

Điều 15. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị, cá nhân kịp thời báo cáo về Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Đình Bình

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.