• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/10/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 22/08/2008
BỘ Y TẾ
Số: 3238/2004/QĐ-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 16 tháng 9 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

                             Về việc phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục

          pháp luật về y tế từ năm 2004 đến năm 2007

______________________________

 

 BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ- CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ- TTg ngày 17 tháng 1 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ Y tế.

 

                       QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế từ năm 2004 đến năm 2007.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng của các Vụ thuộc Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế ngành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ

TỪ NĂM 2004 ĐẾN NĂM 2007

(Ban hành kèm theo Quyết định số  3238 /2004/QĐ- BYT

ngày  16  tháng  9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

 

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT Y TẾ TỪ NĂM 2004 ĐẾN NĂM 2007.

1. Cơ sở pháp lý để xây dựng chương trình.

a) Chỉ thị số 32 - CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Công văn số 06/BTP ngày 08 tháng 6 năm 2004 của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 - CT/TW nêu trên.

b) Quyết định số 35/2001/QĐ-TTG ngày 19 tháng 3 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010.

c) Quyết định số 13/2003/QĐ-TTG ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007.

d) Thông tư số 01/2003/TT- BTP ngày 14 tháng 3 năm 2003 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTG ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007.

2. Sự cần thiết.

ông tác phổ biến, giáo dục pháp luật giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trong việc đảm bảo hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm  pháp luật. Mỗi một văn bản quy phạm pháp luật ban hành đều có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nếu các đối tượng áp dụng không hiểu biết những quy định mà mình phải thực hiện thì văn bản quy phạm pháp luật đó không thể phát huy được hiệu lực trong thực tiễn.

 Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định :"Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội."

Nhận thức được tầm quan trọng nêu trên, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã quan tâm tới việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về y tế. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật y tế cũng đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, giới thiệu các chế độ, chính sách, pháp luật về y tế đến cán bộ, công chức trong, ngoài ngành y tế và đến cộng đồng, đáp ứng được một phần yêu cầu của việc tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế bằng pháp luật. Song công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung cũng như công tác phổ biến, giáo dục pháp luật y tế nói riêng chưa được đặt ngang tầm với yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật; chưa tiến hành thường xuyên, đồng bộ; chưa có trọng tâm, trọng điểm. Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do thiếu cơ chế, kế hoạch, thiếu sự phối hợp giữa các Vụ, Cục trong Bộ Y tế, giữa Sở Y tế với các ban, ngành có liên quan trong phạm vi địa phương. Chính vì vậy, nhu cầu thông tin về pháp luật y tế của nhân dân trong thời gian qua chưa được đáp ứng đầy đủ.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lại càng có vai trò đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đặc biệt là hiệu quả thực thi pháp luật trong cuộc sống. Do vậy, cần phải có sự đổi mới và tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về y tế nói riêng theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng, đồng thời có thể thu thập được nhiều thông tin phản hồi từ các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về y tế. Với lý do nêu trên và để những chính sách của Đảng, của Nhà nước về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đi vào  cuộc sống, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế từ năm 2004 đến năm 2007 là rất cần thiết và cấp bách.

II. MỤC TIÊU.

A. Mục tiêu chung.

Các văn bản quy phạm pháp luật về y tế phải được phổ biến, giáo dục đến các đối tượng có trách nhiệm thực hiện và phải được phổ biến rộng rãi đến cộng đồng nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi của các văn bản và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực y tế.

B. Mục tiêu cụ thể.

1. Cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế hiểu biết và nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật về y tế để thực hiện, triển khai thực hiện và kiểm tra thực hiện theo đúng quy định.

2. Đưa pháp luật về y tế đến với các tầng lớp nhân dân trong xã hội đặc biệt chú trọng tới các đối tượng có trách nhiệm thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về y tế để đảm bảo tính thực thi của pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự kỷ cương xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nhằm hạn chế và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

3. Tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp hoạt động giữa các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra của Bộ Y tế, giữa Bộ Y tế với các Bộ, Ngành, cơ quan có liên quan và giữa Sở Y tế với các ban, ngành có liên quan của địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế.

4. Thiết lập được mối quan hệ giữa cộng đồng với các cơ quan quản lý nhà nước về y tế trong việc xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về y tế.

III. YÊU CẦU.

1. Tập trung phổ biến, giáo dục các văn bản quy phạm pháp luật về y tế, ưu tiên các văn bản mang tính cấp bách, thời sự trước mắt, những văn bản liên quan đến nhiều đối tượng, những văn bản quy định về chế độ, chính sách trong lĩnh vực y tế.

2. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế phải được tiến hành thường xuyên, liên tục cho mọi đối tượng : Cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế, học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung học y, dược; đối tượng áp dụng của các văn bản quy phạm pháp luật về y tế và toàn thể nhân dân.

3. Nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế phải cụ thể, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đối tượng, đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả cao.  

4. Thực hiện việc lồng ghép hợp lý và có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế với các chương trình quốc gia, quốc tế về y tế.

5. Kết hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế với:

a) Tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

b) Tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về y tế và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế.

c) Đánh giá hiệu quả thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về y tế trong đời sống xã hội, trên cơ sở đó sẽ từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về y tế.

IV. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ.

A. Đối tượng, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế.

1. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế.

a) Đối với cán bộ, công chức của Bộ Y tế.

Phổ biến, quán triệt, học tập các quy định pháp luật về cán bộ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, phòng chống tội phạm, hội nhập kinh tế quốc tế; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Y tế ban hành theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ để ban hành theo thẩm quyền và kế hoạch triển khai thực hiện các văn bản này.

Phổ biến, quán triệt, triển khai các Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về y tế hoặc có liên quan đến y tế.

Tổ chức giới thiệu các Luật mới được Quốc Hội ban hành và các Pháp lệnh mới được Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội ban hành.

b) Đối với công chức, viên chức trong các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Phổ biến, quán triệt, học tập các quy định pháp luật về cán bộ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, phòng chống tội phạm; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan đơn vị.

Phổ biến, quán triệt, học tập kết hợp với kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách, Quy chế, Quy trình chuyên môn kỹ thuật y tế gắn với chức trách, chức năng nhiệm vụ được giao.

Phổ biến các văn bản Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về y tế hoặc có liên quan đến y tế và các văn bản khác theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế.

c) Đối với công chức, viên chức của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị trực thuộc Sở.

Phổ biến, quán triệt, học tập các quy định pháp luật về cán bộ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, phòng chống tội phạm, hội nhập kinh tế quốc tế; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Phổ biến, quán triệt gắn với việc triển khai kế hoạch thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về y tế hoặc có liên quan đến y tế mà địa phương có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại các văn bản đó.

Phổ biến các Luật, Pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo yêu cầu của Sở Tư pháp địa phương.

2. Phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế cho nhân dân.

a) Nội dung chung cho nhân dân: Tập trung phổ biến sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật về y tế gắn trực tiếp với cuộc sống của nhân dân, các chế độ, chính sách, các quy định trong lĩnh vực y tế gắn liền với quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân; quy định về nước sạch và vệ sinh môi trường; các quy định về phòng chống dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tai nạn thương tích, về vệ sinh an toàn thực phẩm...

b) Nội dung riêng cho một số đối tượng cụ thể.

Đối với nông dân: Ngoài nội dung chung, cần đặc biệt chú trọng đến việc phổ biến, giáo dục các quy định về nước sạch, về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, làng văn hoá - sức khoẻ, vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo từng mùa...

Đối với người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số: Ngoài nội dung chung và nội dung đối với nông dân, cần chú trọng đến việc phổ biến các chế độ chính sách trong khám, chữa bệnh cho người nghèo và các chính sách đặc thù khác trong chăm sóc sức khỏe với các đối tượng này.

Đối với phụ nữ: Ngoài nội dung chung và các nội dung nêu trên, cần tập trung phổ biến, giáo dục các quy định về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, về nuôi con bằng sữa mẹ, về chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em....

3. Phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế cho học sinh, sinh viên của các trường đại học, trung học, cao đẳng y, dược.

Thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật chung theo chương trình của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Phổ biến, giáo dục các văn bản Luật, Pháp lệnh về y tế và các văn bản hưóng dẫn thực hiện; các quy định về đạo đức nghề nghiệp, về y tế học đường.

4. Phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế cho các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam.

Tập trung phổ biến, giáo dục các văn bản quy phạm pháp luật về y tế gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm họ phải thực hiện, cụ thể:

Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa bệnh: Tập trung phổ biến, giáo dục các quy định về khám chữa, bệnh, các quy định về hành nghề y tế tư nhân và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản: Tập trung phổ biến, giáo dục các quy định về chăm sóc sức khoẻ sinh sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dược: Tập trung phổ biến, giáo dục các quy định về dược, các quy định về hành nghề dựơc tư nhân và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Tập trung phổ biến, giáo dục các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế dự phòng: Tập trung phổ biến, giáo dục các quy định về y tế dự phòng gắn trực tiếp với hoạt động của họ, các quy định về hành nghề vắc xin - sinh phẩm y tế tư nhân, quy chế hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; các quy định khác của pháp lụât có liên quan.

Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế: Tập trung phổ biến, giáo dục các quy định về trang thiết bị y tế, các quy định về hành nghề trang thiết bị y tế tư nhân và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực khác của y tế: Tập trung phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về y tế gắn với hoạt động trực tiếp của tổ chức, cá nhân đó và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

B. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.

1. Tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị để phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về y tế, giới thiệu các văn bản Luật, Pháp lệnh mới, các văn bản pháp luật có liên quan theo từng chuyên đề và phù hợp với từng đối tượng. Báo cáo viên là lãnh đạo, chuyên viên của các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ Y tế, lãnh đạo và chuyên viên của các Sở Y tế, lãnh đạo và công chức, viên chức của các đơn vị. Trong trường hợp cần thiết thì mời báo cáo viên của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp hoặc của các Bộ, Ngành, cơ quan có liên quan.

2. Vụ Pháp chế và các đơn vị phải tổ chức "Tủ sách pháp lý", kinh phí mua sách được trích từ kinh phí thường xuyên của đơn vị.

3. Các văn bản quy phạm pháp luật về y tế phải được in phát hành đến Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế ngành. Sở Y tế, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế ngành có trách nhiệm in phát hành đến các đơn vị trực thuộc mình và cá nhân có liên quan để thực hiện.

4. Tuỳ theo khả năng và yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị, có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật để nâng cao nhận thức của các thành viên trong cơ quan, đơn vị mình.

5. Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực y tế và có liên quan thông qua trang website của Bộ Y tế giúp các địa phương, đơn vị khai thác, thực hiện.

6. Tổ chức các buổi tọa đàm về pháp luật y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng: Truyền hình, đài phát thanh.

7. Tổ chức hình thức giải đáp pháp luật về y tế trên các báo, tạp chí... đặc biệt là các báo, tạp chí của ngành y tế.

8. Báo Sức khoẻ và Đời sống mở chuyên mục để giới thiệu "Các văn bản quy phạm pháp luật mới về y tế và chuyên mục "Giải đáp pháp luật y tế", chuyên mục "Bạn đọc với pháp luật y tế".

9. Tổ chức đường dây giải đáp pháp luật y tế thông qua điện thoại hoặc bằng văn bản; tổ chức hình thức tư vấn pháp luật y tế tuỳ theo yêu cầu của từng đối tượng và khả năng của đơn vị.

10. Thiết lập mối quan hệ giữa cộng đồng với cơ quan quản lý nhà nước  về y tế thông qua việc khảo sát điều tra hoặc thông qua hộp thư để  thu nhận thông tin phản hồi từ cộng đồng về các văn bản quy phạm pháp luật y tế.

11. Xây dựng và đưa chương trình giáo dục pháp luật y tế vào trong các trường đại học, cao đẳng, trung học y, dược.

12. Biên soạn các cuốn sách "Hỏi và Đáp" để phổ biến sâu rộng về những  lĩnh vực được đông đảo người dân quan tâm, ví dụ "Hỏi và Đáp" về chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo, về pháp luật phòng, chống HIV/AIDS, về hành nghề y dược tư nhân, về nhập khẩu thuốc, vắc xin - sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế, về quản lý giá thuốc...

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

A. Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật y tế năm 2004 - 2005.

1. Tổ chức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Dược, Dự thảo Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân (sửa đổi), Dự thảo Pháp lệnh về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và khám nghiệm tử thi, Dự thảo Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS, Dự thảo Pháp lệnh phòng chống các bệnh truyền nhiễm, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện các Luật, Pháp lệnh nêu trên.

2. Tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh, phòng chống HIV/ AIDS. Khi Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thực hiện được ban hành, các văn bản trên phải được phổ biến rộng rãi trong phạm vi cả nước.

3. Tổ chức phổ biến với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nếu có điều kiện nên biên tập các cuốn sách "Hỏi và đáp" về các quy định nhập khẩu thuốc, vắc xin - sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế, quản lý giá thuốc, sản xuất, gia công thuốc, về hành nghề y dược tư nhân để phát hành rộng rãi giúp cho người dân hiểu và thực hiện, đồng thời có các hình thức thu thập thông tin phản hồi về những quy định này.

4. Tiếp tục phổ biến các quy định về quảng cáo trong lĩnh vực y tế, chú trọng việc triển khai thực hiện ở các địa phương.

5. Các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, các Bệnh viện của địa phương, Bệnh viện của các ngành phải tiếp tục phổ biến, quán triệt, giáo dục thực hiện Quy chế bệnh viện, các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế, đạo đức nghề nghiệp, đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện, thu thập những thông tin phản hồi từ người bệnh, từ nhân dân về đạo đức của thầy thuốc, nhân viên y tế để có những hình thức biểu dương khen thưởng hoặc chấn chỉnh, kỷ luật kịp thời.

6. Tăng cường tuyên truyền về chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo, cần biên tập cuốn sách "Hỏi và đáp về chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo" để phát hành rộng rãi giúp cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách này cũng như đông đảo nhân dân biết và giám sát việc thực hiện của các cơ quan có thẩm quyền.

7. Tổ chức giới thiệu các mô hình điểm về Làng Văn hoá - Sức khoẻ để trên cơ sở đó nhân rộng việc xây dựng các mô hình này trong cộng đồng dân cư.

8. Mỗi một đơn vị phải xây dựng "Tủ sách pháp lý". Tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, Thủ trưởng đơn vị sẽ quyết định danh mục sách của tủ sách này.

9. Tiếp tục phổ biến, quán triệt, học tập các quy định pháp luật về cán bộ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, phòng chống tội phạm, hội nhập kinh tế quốc tế; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; các văn bản quy phạm pháp luật về y tế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, các Luật, Pháp lệnh mới được ban hành.

10. Tổ chức việc giải đáp pháp luật y tế thông qua điện thoại hoặc bằng văn bản. Báo Sức khoẻ và Đời sống mở chuyên mục giới thiệu "Các văn bản quy phạm pháp luật mới về y tế", mở chuyên mục "Giải đáp pháp luật y tế" và nghiên cứu để có thể mở mục "Bạn đọc với pháp luật y tế".

11. Xây dựng chương trình giảng dạy pháp luật y tế trong các trường đại học, cao đẳng, trung học y, dược.

12. Thiết lập mối quan hệ giữa cộng đồng với cơ quan quản lý nhà nước về y tế thông qua hình thức hộp thư góp ý về chế độ, chính sách, pháp luật y tế: Chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ phụ cấp đặc thù của cán bộ y tế, chính sách về y dược cổ truyền dân tộc, các biện pháp về bình ổn giá thuốc, các quy định về viện phí, về thủ tục khám, chữa bệnh tại bệnh viện, về  y đức, về phòng chống HIV/AIDS, về vệ sinh an toàn thực phẩm... Hộp thư đặt tại Vụ Pháp chế - Bộ  Y tế.

13. Tổ chức đánh giá hiệu quả thực thi Thông tư số 01/2004/TT- BYT ngày 06 tháng 01 năm 2004 của Bộ Y tế hướng dẫn về hành nghề y, dược tư nhân, Quyết định số 139/2002/QĐ- TTg ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo và Thông tư liên tịch số 14/2002/TTLT - BYT - BTC ngày 16 tháng 12 năm 2002 của liên tịch Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 139/2002/QĐ- TTg.

14. Tổ chức khảo sát, đánh giá 6 năm thực hiện Điều lệ kiểm dịch y tế biên giới được ban hành theo Nghị định của Chính phủ số 41/1998/NĐ- CP ngày 11 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Điều lệ này.

B. Trọng tâm Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2006 - 2007.

1. Tổ chức lấy ý kiến góp ý với Dự thảo Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân (sửa đổi), Luật (hoặc Pháp lệnh) về Bảo hiểm y tế.

2. Tập trung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Dược, Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS, Pháp lệnh về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và khám nghiệm tử thi, Pháp lệnh phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

3. Tổ chức đánh giá kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế giai đoạn 2004 - 2005, tiếp tục duy trì kết quả và khắc phục những tồn tại của các hoạt động này.

4. Đưa chương trình giáo dục pháp luật y tế vào chương trình đào tạo chính thức của các trường đại học, cao đẳng, trung học y dược.

5. Tổ chức khảo sát, điều tra về sự hiểu biết của nhân dân và hiệu quả thực thi đối với một số chính sách quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, về y dược học cổ truyền, về dinh dưỡng, về một số Luật, Pháp lệnh chuyên ngành về y tế; tổ chức đánh giá về hiệu quả của mô hình Làng văn hoá - Sức khoẻ...

6. Tiếp tục biên tập và phát hành sách "Hỏi và Đáp" về các lĩnh vực đặc thù mà người dân quan tâm.

C. Trách nhiệm thực hiện.    

1. Trách nhiệm của các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ Y tế.

a) Vụ Pháp chế có trách nhiệm là đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ Y tế để triển khai thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật y tế trong toàn ngành. Chủ trì và phối hợp với các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra trong việc xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế cụ thể từng năm để trình Bộ trưởng phê duyệt làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.

b) Các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế trong việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về y tế. Văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị nào được lãnh đạo Bộ phân công soạn thảo để trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng trình Chính phủ ban hành hoặc Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành thì đơn vị đó phối hợp với Vụ Pháp chế thực hiện việc phổ biến văn bản sau khi đã được cấp có thẩm quyền ký, ban hành.

c) Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm bố trí ngân sách hàng năm cho kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Y tế theo đề nghị của Vụ Pháp chế, riêng trong năm 2004 thì xem xét để có thể cân đối trong kinh phí chương trình cấp Bộ hoặc ở một nguồn kinh phí khác và trình Bộ trưởng quyết định. Đồng thời nghiên cứu để đưa vào Chương trình hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới tài khoá 2006 - 2007 và tìm kiếm nguồn viện trợ của các Tổ chức quốc tế khác để hỗ trợ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế; hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc quản lý và sử dụng kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định hiện hành.

d) Vụ Khoa học và đào tạo có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế và các Vụ, Cục có liên quan để xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế trong các trường đại học, cao đẳng, trung học y, dược để trình Bộ trưởng  phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

2. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế ngành.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, thủ trưởng Y tế ngành có trách nhiệm triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đơn vị mình theo kế hoạch hàng năm của Bộ Y tế, đảm bảo cho công chức, viên chức của đơn vị nắm vững và hiểu được các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế, các chế độ, chính sách trong lĩnh vực y tế hoặc liên quan đến y tế mà họ được hưởng hoặc họ phải thực hiện

3. Trách nhiệm của các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

a) Giám đốc Sở  Y tế có trách nhiệm.

Căn cứ vào kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế  2004 - 2007 và kế hoạch hàng năm do Bộ Y tế ban hành để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế trong phạm vi địa phương.

Thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với công chức, viên chức y tế trong phạm vi địa phương; đảm bảo cho công chức, viên chức y tế cuả địa phương nắm vững và hiểu được các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế, các chế độ, chính sách trong lĩnh vực y tế mà họ được hưởng hoặc họ phải thực hiện.

Phối hợp với Sở Tư pháp, Đài truyền hình, Đài phát thanh và các ban, ngành có liên quan của tỉnh để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật y tế cho nhân dân và các đối tượng khác trong tỉnh, đảm bảo cho nhân dân và các đối tượng có liên quan hiểu được quy định của pháp luật, chế độ, chính sách trong lĩnh vực y tế mà họ phải thực hiện hoặc được thụ hưỏng.

b) Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm :

Thực hiện việc tuyên truyền pháp luật, chế độ, chính sách trong lĩnh vực y tế đến nhân dân trong phạm vi địa phương.

Thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật y tế theo sự chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế.

4. Trách nhiệm của Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ, Báo Sức khoẻ và Đời sống, các Tạp chí của các đơn vị trực thuộc Bộ.

Thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật y tế từ năm 2004 - 2007 và kế hoạch hàng năm do Bộ Y tế ban hành; chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Vụ Pháp chế - Bộ Y tế về công tác này.

Thực hiện việc tuyên truyền pháp luật, chế độ, chính sách y tế đến nhân dân trong phạm vi cả nước.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN.

1. Các cơ quan, đơn vị được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoạt động có trách nhiệm đảm bảo kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chức năng nhiệm vụ được giao.

2. Kinh phí dành cho công tác truyền thông của các chương trình quốc gia, quốc tế về y tế.

3. Nguồn viện trợ của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước, của các Tổ chức quốc tế (nếu có).

4. Việc quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải theo đúng quy định hiện hành và quy định của Nhà tài trợ./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Thị Trung Chiến

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.