• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/06/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 07/10/2007
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 64/2002/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 23 tháng 5 năm 2002

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp

 Việt Nam đến năm 2010

____________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp tại công văn số 4938/CV-KHĐT ngày 20 tháng 11 năm 2001.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam đến năm 2010 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp đến năm 2010:

Vật liệu nổ công nghiệp là sản phẩm hàng hoá đặc biệt; là loại hình sản xuất, kinh doanh có điều kiện do Nhà nước thống nhất quản lý.

Phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp phải đảm bảo tính đồng bộ cao từ khâu nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất đến khâu cung ứng, dịch vụ nổ; nhanh chóng tiếp thu công nghệ, tiên tiến của thế giới, kết hợp với công nghệ và thiết bị hiện có trong nước để sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp đạt trình độ công nghệ cao, trở thành một ngành công nghiệp hoàn chỉnh, nhằm phục vụ tốt yêu cầu của các ngành kinh tế và tiến tới xuất khẩu; có tính đến phục vụ cho quốc phòng, an ninh. Trong quá trình sản xuất, dự trữ, vận chuyển, sử dụng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo vệ môi trường, môi sinh.

2. Mục tiêu cơ bản của quy hoạch phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp đến năm 2010:

- Đầu tư sản xuất Nitratamôn (NH4NO3), là một trong những nguyên liệu cơ bản sản xuất thuốc nổ, đảm bảo độ xốp và độ tinh khiết > 99,5% để chủ động cung ứng cho các cơ sở sản xuất thuốc nổ, đồng thời đầu tư cho nghiên cứu nguyên liệu khác phục vụ sản xuất phụ kiện nổ.

- Hoàn thiện, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương hiện có, từng bước loại bỏ dần để sau năm 2005 chỉ sử dụng không quá 5 - 10% và chỉ được sử dụng ở những nơi có điều kiện cho phép các loại thuốc nổ truyền thống, kể cả tận dụng số thuốc nổ tái chế từ thuốc nổ phế thải quốc phòng (trong thành phần có TNT).

- Nghiên cứu đầu tư sản xuất thuốc nổ nhũ tương an toàn chịu nước, sức công phá mạnh cho các mỏ hầm lò có khí Metan và bụi nổ; phát triển và hoàn thiện phương pháp sản xuất thuốc nổ nhũ tương rời, năng lượng cao trên xe chuyên dùng tại bãi nổ.

- Nghiên cứu đầu tư sản xuất một số chủng loại thuốc nổ và phụ kiện nổ phục vụ ngành Dầu khí.

- Đồng bộ, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất phụ kiện nổ: các loại mồi nổ có năng lượng cao, kíp nổ và dây phi điện để thay thế hàng nhập khẩu.

- Hoàn thiện công tác tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, mạng lưới cung ứng dịch vụ nổ có chuyên môn hoá cao đáp ứng kịp thời đối với các hộ tiêu thụ đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; chỉ duy trì hai đầu mối doanh nghiệp nhà nước sản xuất và cung ứng vật liệu nổ công nghiệp như hiện nay.

- Chú trọng phát triển công tác dịch vụ nổ trọn gói, trước hết tại các vùng công nghiệp có nhu cầu lớn; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước đối với ngành vật liệu nổ công nghiệp.

3. Mức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp:

Đáp ứng đủ về số lượng và chủng loại vật liệu nổ công nghiệp với giá cả hợp lý. Dự kiến mức sản xuất và tiêu thụ thuốc nổ các loại và phụ kiện nổ (phụ lục số 1):

- Đến năm 2005 khoảng 30.240 tấn thuốc nổ.

- Giai đoạn năm 2006 - 2010 khoảng 35.910 tấn thuốc nổ.

4. Kế hoạch phát triển:

- Giai đoạn 2002 - 2005 (phụ lục số 2): cần sớm triển khai lập báo cáo tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án sản xuất nguyên liệu Nitratamôn, thuốc nổ nhũ tương an toàn hầm lò, nhũ tương rời có năng lượng cao, vật liệu nổ cho ngành Dầu khí, nâng cấp các loại thuốc nổ và phụ kiện nổ hiện có.

- Giai đoạn 2006 - 2010 (phụ lục số 3): quy mô và tiến độ tuỳ theo tình hình thực tế của giai đoạn 2002 - 2005 sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

5. Nhu cầu vốn đầu tư:

a) Tổng vốn đầu tư phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp trong 10 năm ước tính khoảng 355 tỷ đồng, trong đó:

- Giai đoạn 2002 - 2005 khoảng 212 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 143 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn đầu tư:

- Vốn vay và huy động các nguồn vốn khác để đầu tư theo danh mục các dự án được duyệt.

- Hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước cho các công tác: nghiên cứu khoa học, công nghệ (gồm nghiên cứu ứng dụng, chế tạo thử nghiệm) và dự trữ quốc gia, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công nghiệp, với chức năng quản lý Nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành vật liệu nổ công nghiệp phục vụ cho nền kinh tế quốc dân, tổ chức đánh giá định kỳ việc thực hiện quy hoạch và đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách để phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp theo quy hoạch được duyệt.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ, cân đối, bố trí nguồn vốn cho việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học của ngành vật liệu nổ công nghiệp và dự trữ quốc gia bảo quản vật liệu nổ công nghiệp.

3. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Công nghiệp, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, nhằm tiếp thu và tổ chức triển khai ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến của khu vực và thế giới; ban hành các quy định về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường có liên quan đến công tác quản lý, phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp.

4. Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Than Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sản xuất các loại thuốc nổ, phụ kiện nổ công nghiệp đáp ứng đầy đủ cho các ngành kinh tế quốc dân; nghiên cứu, tiếp thu công nghệ để sản xuất thuốc nổ, phụ kiện nổ phục vụ cho ngành Dầu khí thay thế thuốc nổ, phụ kiện nổ phải nhập khẩu hiện nay và hướng tới xuất khẩu.

5. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trong nước nghiên cứu, thử nghiệm để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đạt tiêu chuẩn, đáp ứng cho việc thăm dò và khai thác dầu khí để thay thế cho việc nhập khẩu.

6. Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hoàn chỉnh các quy định về quản lý vật liệu nổ công nghiệp, kể cả xuất, nhập khẩu và chống buôn bán trái phép vật liệu nổ công nghiệp.

7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi các chế độ chính sách đối với người lao động trong ngành vật liệu nổ công nghiệp; thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động tại các cơ sở sản xuất, bảo quản, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 3. Các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý sản xuất, dự trữ, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định hiện hành.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.