NGHỊ ĐỊNH
Về điều kiện kinh doanh dịch vụ hàng hải
_______________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 9 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 3 năm 1996;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Nghị định này quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ hàng hải đối với những loại hình dịch vụ hàng hải dưới đây:
1. Dịch vụ đại lý tầu biển;
2. Dịch vụ đại lý vận tải đường biển;
3. Dịch vụ môi giới hàng hải;
4. Dịch vụ cung ứng tầu biển;
5. Dịch vụ kiểm đếm hàng hoá;
6. Dịch vụ lai dắt tầu biển;
7. Dịch vụ sửa chữa tầu biển tại cảng;
8. Dịch vụ vệ sinh tầu biển;
9. Dịch vụ bốc dỡ hàng hoá tại cảng biển.
Điều 2. Doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ hàng hải tại Việt Nam
Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có đủ các điều kiện theo quy định của Nghị định này được phép kinh doanh các loại dịch vụ hàng hải nêu tại Điều 1 trên đây. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì vốn góp của Bên Việt Nam không dưới 51%, riêng đối với 2 loại dịch vụ: Dịch vụ đại lý tầu biển và Dịch vụ lai dắt tầu biển, chỉ các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước được phép kinh doanh.
Điều 3. Áp dụng pháp luật và điều ước quốc tế
1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hải phải tuân theo quy định của Nghị định này, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Chương II
HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ HÀNG HẢI
Điều 4. Dịch vụ đại lý tầu biển
Dịch vụ đại lý tầu biển là dịch vụ thực hiện các công việc sau đây theo ủy thác của chủ tầu:
1. Làm thủ tục cho tầu vào và ra cảng với các cơ quan có thẩm quyền;
2. Thu xếp tầu lai dắt, thu xếp hoa tiêu dẫn tầu, bố trí cầu bến, nơi neo đậu tầu để thực hiện việc bốc, dỡ hàng hoá, đưa, đón hành khách lên, xuống tầu;
3. Thông báo những thông tin cần thiết cho các bên có liên quan đến tầu, hàng hoá và hành khách, chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ về hàng hoá và hành khách, thu xếp giao hàng cho người nhận hàng;
4. Làm các thủ tục hải quan, biên phòng có liên quan đến tầu và các thủ tục về bốc dỡ hàng hoá, hành khách lên, xuống tầu;
5. Thực hiện việc thu hộ, trả hộ tiền cước, tiền bồi thường, thanh toán tiền thưởng, phạt giải phóng tầu và các khoản tiền khác;
6. Thu xếp việc cung ứng cho tầu biển tại cảng;
7. Ký kết hợp đồng thuê tầu, làm thủ tục giao nhận tầu và thuyền viên;
8. Ký kết hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bốc dỡ hàng hoá;
9. Thực hiện các thủ tục có liên quan đến tranh chấp hàng hải;
10. Giải quyết các công việc khác theo ủy quyền.
Điều 5. Dịch vụ đại lý vận tải đường biển
Dịch vụ đại lý vận tải đường biển là dịch vụ thực hiện các công việc sau đây theo ủy thác của chủ hàng:
1. Tổ chức và tiến hành các công việc phục vụ quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hoá, vận chuyển hành khách và hành lý trên cơ sở hợp đồng vận chuyển bằng đường biển hoặc hợp đồng vận tải đa phương thức;
2. Cho thuê, nhận thuê hộ phương tiện vận tải biển, thiết bị bốc dỡ, kho tàng, bến bãi, cầu tầu và các thiết bị chuyên dùng hàng hải khác;
3. Làm đại lý công-te-nơ (container).
4. Giải quyết các công việc khác theo ủy quyền.
Điều 6. Dịch vụ môi giới hàng hải
Dịch vụ môi giới hàng hải là dịch vụ thực hiện các công việc sau:
1. Làm trung gian trong việc ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hoá, hành khách và hành lý;
2. Làm trung gian trong việc ký kết hợp đồng bảo hiểm hàng hải;
3. Làm trung gian trong việc ký kết hợp đồng cho thuê tầu, hợp đồng mua bán tầu, hợp đồng lai dắt, hợp đồng thuê và cho thuê thuyền viên;
4. Làm trung gian trong việc ký kết các hợp đồng khác có liên quan đến hoạt động hàng hải do người ủy thác yêu cầu theo từng hợp đồng cụ thể.
Điều 7. Dịch vụ cung ứng tầu biển
Dịch vụ cung ứng tầu biển là dịch vụ thực hiện các công việc sau đây liên quan đến tầu biển:
1. Cung cấp cho tầu biển lương thực, thực phẩm, nước ngọt, vật tư, thiết bị, nhiên liệu, dầu nhờn, vật liệu chèn, lót, ngăn cách hàng;
2. Cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu về đời sống, chăm sóc y tế, vui chơi, giải trí của hành khách và thuyền viên, tổ chức đưa đón, xuất nhập cảnh, chuyển đổi thuyền viên.
Điều 8. Dịch vụ kiểm đếm hàng hoá
Dịch vụ kiểm đếm hàng hoá là dịch vụ thực hiện kiểm đếm số lượng hàng hoá thực tế khi giao hoặc nhận với tầu biển hoặc các phương tiện khác theo ủy thác của người giao hàng, người nhận hàng hoặc người vận chuyển.
Điều 9. Dịch vụ lai dắt tầu biển
Dịch vụ lai dắt tầu biển là dịch vụ thực hiện các tác nghiệp lai, kéo, đẩy hoặc hỗ trợ tầu biển và các phương tiện nổi khác trên biển hoặc tại vùng nước liên quan đến cảng biển mà tầu biển được phép vào, ra hoạt động.
Điều 10. Dịch vụ sửa chữa tầu biển tại cảng
Dịch vụ sửa chữa tầu biển tại cảng là dịch vụ thực hiện các công việc sửa chữa và bảo dưỡng tầu biển khi tầu đỗ tại cảng.
Điều 11. Dịch vụ vệ sinh tầu biển
Dịch vụ vệ sinh tầu biển là dịch vụ thực hiện các công việc thu gom và xử lý rác thải, dầu thải, chất thải khác từ tầu biển khi tầu neo, đậu tại cảng.
Điều 12. Dịch vụ bốc dỡ hàng hoá tại cảng biển
Dịch vụ bốc dỡ hàng hoá tại cảng biển là dịch vụ thực hiện các công việc bốc, dỡ hàng hoá tại cảng theo quy trình công nghệ bốc, dỡ từng loại hàng.
Chương III
ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ HÀNG HẢI
Điều 13. Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý tầu biển
Doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ đại lý tầu biển khi có đủ các điều kiện sau:
1. Giám đốc doanh nghiệp có thời gian công tác tối thiểu 02 (hai) năm trực tiếp đảm nhiệm nghiệp vụ đại lý tầu biển;
2. Đại lý viên có đủ các điều kiện sau:
a) Tốt nghiệp Đại học Hàng hải hoặc Đại học Ngoại thương hoặc có thời gian thực hiện nghiệp vụ liên quan đến đại lý tầu biển tối thiểu 03 (ba) năm;
b) Có giấy xác nhận về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đại lý tầu biển của Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải;
3. Doanh nghiệp có số dư thường xuyên tài khoản tiền gửi tại ngân hàng được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam tối thiểu là 01 (một) tỷ đồng Việt Nam hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đại lý tầu biển.
Điều 14. Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải đường biển
Doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải đường biển khi có đủ các điều kiện sau:
1. Giám đốc doanh nghiệp có thời gian công tác tối thiểu 02 (hai) năm trực tiếp đảm nhiệm nghiệp vụ đại lý vận tải đường biển;
2. Đại lý viên có đủ các điều kiện sau:
a) Tốt nghiệp Đại học Hàng hải hoặc Đại học Ngoại thương hoặc có thời gian thực hiện nghiệp vụ liên quan đến đại lý vận tải đường biển tối thiểu 03 (ba) năm;
b) Có giấy xác nhận về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đại lý vận tải đường biển của Hiệp hội Giao nhận kho vận;
3. Doanh nghiệp có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đại lý vận tải đường biển.
Điều 15. Điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới hàng hải
Doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ môi giới hàng hải khi có đủ các điều kiện sau:
1. Giám đốc doanh nghiệp có thời gian công tác tối thiểu 02 (hai) năm trực tiếp đảm nhiệm nghiệp vụ hàng hải;
2. Nhân viên môi giới hàng hải tốt nghiệp Đại học Hàng hải hoặc Đại học Ngoại thương hoặc có thời gian thực hiện nghiệp vụ hàng hải tối thiểu 03 (ba) năm.
Điều 16. Điều kiện kinh doanh dịch vụ cung ứng tầu biển
Doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ cung ứng tầu biển khi có đủ các điều kiện sau:
1. Giám đốc doanh nghiệp có thời gian trực tiếp đảm nhiệm nghiệp vụ cung ứng tầu biển tối thiểu 02 (hai) năm;
2. Nhân viên cung ứng tầu biển tốt nghiệp Trung cấp Hàng hải hoặc Trung cấp Thương mại trở lên, hoặc có thời gian công tác tối thiểu 03 (ba) năm thực hiện nghiệp vụ hàng hải;
3. Các mặt hàng cung ứng cho tầu biển phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm đếm hàng hoá
Doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ kiểm đếm hàng hoá khi có đủ các điều kiện sau:
1. Giám đốc doanh nghiệp có thời gian công tác tối thiểu 02 (hai) năm trực tiếp đảm nhiệm nghiệp vụ kiểm đếm hàng hoá;
2. Nhân viên kiểm đếm tốt nghiệp trung cấp trở lên, hoặc có thời gian công tác tối thiểu 03 (ba) năm thực hiện nghiệp vụ hàng hải.
Điều 18. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tầu biển
Doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ lai dắt tầu biển khi có đủ các điều kiện sau:
1. Giám đốc doanh nghiệp có thời gian công tác tối thiểu 02 (hai) năm trực tiếp đảm nhiệm nghiệp vụ lai dắt tầu biển;
2. Thuyền viên làm việc trên tầu lai dắt có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ hàng hải theo quy định của pháp luật;
3. Doanh nghiệp có tầu lai dắt được đăng ký tại Việt Nam và đảm bảo yêu cầu an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật;
4. Doanh nghiệp có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tầu lai dắt và bảo hiểm thuyền viên.
Điều 19. Điều kiện kinh doanh dịch vụ sửa chữa tầu biển tại cảng
Doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ sửa chữa tầu biển tại cảng khi có đủ các điều kiện sau:
1. Giám đốc doanh nghiệp có thời gian công tác tối thiểu 02 (hai) năm trực tiếp đảm nhiệm nghiệp vụ sửa chữa tầu biển;
2. Có đủ phương tiện, thiết bị và nhân lực đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Điều kiện kinh doanh dịch vụ vệ sinh tầu biển
Doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ vệ sinh tầu biển khi có đủ các điều kiện sau:
1. Giám đốc doanh nghiệp có thời gian công tác tối thiểu 02 (hai) năm trực tiếp đảm nhiệm nghiệp vụ vệ sinh tầu biển;
2. Có đủ phương tiện, thiết bị và nhân lực đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật.
3. Có phương án xử lý rác thải, dầu thải, chất thải và có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Điều 21. Điều kiện kinh doanh dịch vụ bốc dỡ hàng hoá
Doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ bốc dỡ hàng hoá khi có đủ các điều kiện sau:
1. Giám đốc doanh nghiệp có thời gian công tác tối thiểu 02 (hai) năm trực tiếp đảm nhiệm nghiệp vụ bốc dỡ hàng hoá;
2. Có phương tiện, thiết bị, công cụ bốc dỡ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và có đội ngũ công nhân bốc dỡ đáp ứng với yêu cầu theo quy định.
Chương IV
KIỂM TRA, THANH TRA, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 22. Kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng hải
1. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng hải và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.
2. Nội dung kiểm tra, thanh tra bao gồm việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ hàng hải và việc thực hiện các đăng ký đã cam kết với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Việc tiến hành kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp về kinh doanh dịch vụ hàng hải phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Khiếu nại, tố cáo
Doanh nghiệp có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của pháp luật về việc cơ quan nhà nước, cá nhân có hành vi vi phạm các quyền của doanh nghiệp theo luật định.
Điều 24. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Những quy định trước đây trái với các quy định của Nghị định này đều bãi bỏ.
2. Các doanh nghiệp đang tiến hành kinh doanh dịch vụ hàng hải từ trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động, nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh theo quy định trong vòng 180 (một trăm tám mươi) ngày, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.