• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/09/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 04/08/2014
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 52/2011/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 28 tháng 7 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi

___________________

 

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28/11/2008 của Chính phủ v/v sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi, cụ thể như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi (bao gồm tôm giống và tôm nuôi thương phẩm) và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi.

2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm và nuôi tôm trên lãnh thổ Việt Nam và cơ quan quản lý có liên quan trên phạm vi cả nước.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Ổ dịch là một ao/đầm trong một trang trại hoặc một cụm nông hộ nuôi tôm xảy ra hiện tượng tôm chết nhiều mà nguyên nhân được xác định là do các vi sinh vật gây nên.

2. Truyền ngang là phương thức truyền một tác nhân gây bệnh từ sinh vật này sang sinh vật khác qua môi trường nước.

3. Truyền dọc là phương thức truyền một tác nhân gây bệnh từ bố mẹ sang con.

Điều 3. Một số bệnh nguy hiểm gây chết hàng loạt và lây lan trên diện rộng ở tôm nuôi

1. Bệnh đốm trắng (White Spot Disease - WSD) Đây là bệnh thường gặp và gây thiệt hại lớn nhất cho tôm nuôi .

a) Tên gọi khác: Penaeid Acute Viremia (PAV);

b) Tác nhân gây bệnh: White Spot Syndrome Virus (WSSV);

c) Loài cảm nhiễm: Tôm sú (Penaeus monodon), tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) và các loài giáp xác khác ở mọi giai đoạn sinh trưởng;

d) Phân bố, mùa vụ, lan truyền:

Bệnh đốm trắng xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1992 sau đó lan nhanh sang các nước khác như Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia. Ở Việt Nam, bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1993.

Bệnh đốm trắng thường xuất hiện vào giai đoạn chuyển mùa giữa mùa mưa hoặc cuối mùa mưa đầu mùa khô, khi tôm nuôi được khoảng 45-60 ngày tuổi.

Bệnh lan truyền theo đường truyền ngang và đường truyền dọc;

đ) Đặc điểm bệnh lý: Tôm bị bệnh có màu hồng đến hồng đỏ, xuất hiện những đốm màu trắng có đường kính từ 0,5-3 mm ở mặt trong lớp vỏ kitin vùng đầu ngực và đốt bụng thứ 5, 6 sau đó lan ra toàn thân. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% trong vòng 3-5 ngày.

2. Bệnh đầu vàng (Yellowhead Disease - YHD)

a) Tác nhân gây bệnh: Yellowhead complex virus (YHCV);

b) Loài cảm nhiễm: Tôm sú (Penaeus monodon), tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei);

c) Phân bố và lan truyền: Bệnh tìm thấy đầu tiên tại Thái Lan vào đầu những năm 1990 sau đó lan ra các nước khu vực Đông Nam Á như Philipine, Indonesia, Trung Quốc. Bệnh đầu vàng lan truyền theo đường truyền ngang;

d) Đặc điểm bệnh lý: Tôm bị bệnh có biểu hiện ăn nhiều một cách khác thường, sau đó ngừng ăn, với sự xuất hiện màu vàng ở phần đầu ngực và sự nhạt màu của toàn cơ thể, tôm bơi lờ đờ trên mặt nước và ven bờ rồi chết với mức độ tăng dần trong vòng 2-4 ngày, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%;

3. Hội chứng Taura (Taura Syndrome – TS)

a) Tác nhân gây bệnh: Taura Syndrome Virus (TSV);

b) Loài cảm nhiễm: tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) ở giai đoạn 14-40 ngày tuổi;

c) Phân bố và lan truyền: Bệnh xuất hiện lần đầu tiên ở Ecuador năm 1991 trên tôm chân trắng và nhanh chóng lây lan sang các nước ở khu vực Châu Mỹ La tinh như: Hawaii, Colombia, Peru… và một số nước Châu Á như Trung Quốc, Đài Loan…Ở Việt Nam chưa có báo cáo chính thức về dịch bệnh này.

Hội chứng Taura có thể lan truyền theo đường truyền ngang và đường truyền dọc;

d) Đặc điểm bệnh lý:

Thể cấp tính: đuôi tôm phồng lên và chuyển sang màu đỏ. Tỷ lệ chết từ 40-90% trong vòng 5-20 ngày.

Giai đoạn chuyển tiếp: xuất hiện các đốm đen trên biểu bì, phồng đuôi và chuyển màu đỏ (người ta thường gọi là bệnh đỏ đuôi).

Nếu bệnh chuyển sang thể mạn tính xuất hiện nhiều đốm nhiễm melanin.

4. Bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu ở tôm (Infectious Hypodermal and Haematopoetic Necrosis - IHHNV)

a) Tác nhân gây bệnh: Do vi rút Infection Hypodermal and Haematopoietic Necrosis Virus (IHHNV) gây ra.

b) Loài cảm nhiễm: Tôm sú (Penaeus monodon), tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) ở tất cả các giai đoạn.

c) Phân bố và lan truyền: Bệnh được thấy nhiều trên đàn tôm chân trắng ở châu Mỹ và Châu Á như: Thái Lan, Indonesia, Việt Nam,...

Bệnh lan truyền theo cả đường truyền ngang và đường truyền dọc.

d) Đặc điểm bệnh lý: Tôm có biểu hiện hôn mê, hoạt động yếu, chùy biến dạng, lúc sắp chết thường chuyển màu xanh, cơ phần bụng màu đục. Tôm chân trắng thể hiện hội chứng dị hình, an-ten quăn queo, vỏ kitin xù xì hoặc biến dạng. Hệ số còi cọc trong đàn tôm giống chân trắng bị bệnh IHHNV thường từ 10-30%, khi bị bệnh nặng có thể tới 50%.

5. Bệnh vi rút gan tụy (Hepatopancreatic Parvovirus Disease)

a) Tác nhân gây bệnh: Hepatopancreas Parvovirus (HPV).

b) Loài cảm nhiễm: Tôm he ở giai đoạn tôm giống.

c) Phân bố và lan truyền: Bệnh phân bố rộng rãi ở các nước Châu Á, Châu Úc, Châu Phi và Châu Mỹ. Ở nước ta bệnh được phát hiện lần đầu trên tôm sú nuôi ở Quảng Ninh năm 2002. Bệnh lan truyền theo đường truyền ngang.

d) Đặc điểm bệnh lý: Tôm bị bệnh có triệu chứng không đặc trưng, chậm lớn, ít hoạt động, đục thân, vỏ và phụ bộ thường có nhiều sinh vật bám. Gan tụy bị phá hủy và có màu trắng. Tỷ lệ chết có thể từ 50-100% trong 4 tuần.

6. Vi khuẩn gây hoại tử gan tụy (Necrotizing Hepatopancreatitis – NHP)

a) Tác nhân gây bệnh: Là loại vi khuẩn Gram âm có cấu trúc giống như vi khuẩn Ricketsia. Gọi là vi khuẩn gây hoại tử gan tụy (NHPB).

b) Loài cảm nhiễm: Tôm chân trắng (Penaeus vannamei), Tôm xanh châu Á Thái Bình Dương (P. stylirostris), tôm sú (P.monodon) ở giai đoạn hậu ấu trùng, tôm giống và tôm trưởng thành.

c) Phân bố lan truyền: Chủ yếu ở phía Tây bán cầu gồm các nước Mỹ, Mexico, Panama, Belize, Guatemala, Colombia, Ecuador, Nicaragua, Costa Rica, Brazil, Peru và Venezuela.

d) Đặc điểm bệnh lý:

Các dấu hiệu bệnh lý không rõ ràng, bao gồm: tôm bơi lờ đờ, giảm ăn, tăng trưởng chậm, vỏ mềm và gan tụy teo. Kiểm tra ở các góc ao/đầm, tôm mắc bệnh ruột bị rỗng, bẩn, biểu mô bề mặt ruột tăng sinh hoặc bị nhiễm khuẩn thứ phát cùng với sự xuất hiện các chấm đen ở gan tụy. Tỷ lệ chết lên tới 95% ở những đàn tôm nuôi không được điều trị bệnh.

7. Bệnh Hoại tử cơ hay còn gọi bệnh đục cơ do vi rút (IMNV)

a) Tác nhân gây bệnh: Infectious myonecrosis virus.

b) Loài cảm nhiễm: tôm chân trắng (cảm nhiễm nhất), tôm sú ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng;

c) Phân bố và lan truyền: Bệnh IMNV được phát hiện lần đầu trên đàn tôm chân trắng tại Mexico năm 2004. Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đưa vào danh sách các bệnh phải theo dõi ở khu vực châu Á.

Bệnh lan truyền theo cả đường truyền ngang và đường truyền dọc.

d) Đặc điểm bệnh lý:

Bệnh đặc trưng bởi hiện tượng hoại tử từ những điểm nhỏ sau đó lan dần ra, thường phần đuôi tôm xuất hiện màu trắng đục. Tôm chân trắng nhiễm bệnh hoại tử cơ có tỷ lệ chết từ 35 - 55%, thậm chí còn cao hơn. Nồng độ muối và nhiệt độ môi trường cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh IMNV bùng phát. Bệnh hoại tử cơ có khả năng cảm nhiễm sang một số loài tôm khác, kể cả tôm sú.

8. Một số bệnh mới xuất hiện

a) Hội chứng hoại tử gan tụy:

- Tác nhân: Chưa xác định rõ được tác nhân gây bệnh.

- Loài nhiễm bệnh: Xuất hiện nhiều ở tôm sú ở giai đoạn 20-30 ngày sau khi thả nuôi và ở tôm chân trắng sau 30-35 ngày thả nuôi.

- Phân bố và lan truyền: Tháng 4/2011 bệnh diễn ra nghiệm trọng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Sóc Trăng và Bạc Liêu gây tỷ lệ chết tới trên 80%.

- Đặc điểm bệnh lý: Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh chưa rõ ràng. Tôm chậm lớn và thường chết ở đáy ao/đầm. Ở giai đoạn tiếp theo, tôm bệnh có hiện tượng vỏ mềm, biến màu. Giải phẫu thấy gan mềm, sưng to hoặc gan tụy bị teo. Kiểm tra mô bệnh học, phát hiện có các đốm đen trên gan tụy hoại tử, có vi khuẩn trong nguyên sinh chất và mô liên kết của các tế bào.

b) Đối với những bệnh mới khác chưa xác định được tác nhân gây bệnh nhưng có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tổ chức, cá nhân nuôi tôm, Cục Thú y trực tiếp chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Chương II

PHÒNG DỊCH BỆNH

Điều 4. Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên tôm

1. Cục Thú y xây dựng nội dung và chương trình tuyên truyền phòng, chống các bệnh thường gặp, các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi. Hướng dẫn Chi cục Thú y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chi cục Thú y) hoặc Cơ quan được phân công nhiệm vụ quản lý Thú y Thủy sản (sau đây gọi là Cơ quan quản lý TYTS địa phương) triển khai thực hiện.

2. Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể thực hiện thông tin tuyên truyền tại địa phương theo nội dung tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tới tổ chức, cá nhân nuôi tôm; sản xuất, kinh doanh và vận chuyển, tiêu thụ tôm trong từng thôn, ấp, xã, phường, thị trấn, thị xã và thành phố. Công tác thông tin tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, liên tục, đầy đủ để các đối tượng trên hiểu đúng, đầy đủ và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm:

a) Khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) trong nuôi tôm theo khuyến cáo của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản hoặc Chi cục Thủy sản;

b) Sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch, đạt tiêu chuẩn chất lượng;

c) Tuyên truyền để tổ chức, cá nhân nuôi tôm, sản xuất, kinh doanh tôm cam kết thực hiện “3 không”: không giấu dịch; không xả thải nước bể, ao/đầm nuôi tôm, sản xuất tôm giống bị bệnh chưa qua xử lý mầm bệnh ra môi trường; không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường;

d) Tuyên truyền để tổ chức, cá nhân nuôi tôm từng bước thay đổi phương thức nuôi, chuyển từ nuôi tôm nhỏ lẻ, phân tán, quảng canh sang nuôi theo hướng tập trung, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Điều 5. Áp dụng nuôi tôm, sản xuất tôm giống theo phương pháp an toàn sinh học

1. Tổ chức, cá nhân nuôi tôm, sản xuất tôm giống phải thực hiện đúng các yêu cầu sau:

a) Bể, ao/đầm nuôi tôm, sản xuất tôm giống phải nằm trong khu vực quy hoạch nuôi tôm của cơ quan có thẩm quyền;

b) Chuẩn bị bể, ao/đầm nuôi, sản xuất tôm giống theo đúng quy trình: tẩy dọn bể, ao/đầm, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy và nước nuôi tôm đảm bảo môi trường nước phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của tôm;

c) Có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt. Nước trước khi lấy vào ao/đầm nuôi, cơ sở sản xuất giống phải được kiểm tra chất lượng. Và trước khi xả thải ra môi trường, nước ao/đầm nuôi tôm, cơ sở sản xuất giống tôm phải được xử lý;

d) Tôm giống thả nuôi, tôm bố mẹ tham gia sinh sản phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch do Cục Thú y hoặc Chi cục Thú y cấp; tôm giống có kích cỡ đồng đều, kích thước phù hợp với lứa tuổi quy định để thả nuôi;

đ) Tuân thủ lịch mùa vụ thả giống của địa phương;

e) Sử dụng thức ăn rõ nguồn gốc xuất xứ, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và bảo quản đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất;

g) Công nhân phải vệ sinh sạch sẽ trước khi tiếp xúc với bể, ao/đầm nuôi và khi chuẩn bị thức ăn và cho ăn;

h) Sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong danh mục được phép lưu hành trong nuôi trồng thủy sản để xử lý môi trường, phòng, chữa bệnh, quản lý sức khỏe tôm nuôi. Sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc các Cơ quan quản lý thủy sản ở địa phương;

i) Thường xuyên theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước trong bể, ao/đầm nuôi (pH, ô xy hòa tan, độ kiềm, khí độc) theo hướng dẫn của Chi cục Nuôi trồng thủy sản địa phương;

k) Các bể, ao/đầm nuôi, cơ sở sản xuất giống phải có dụng cụ riêng, trước và sau khi sử dụng phải được vệ sinh sạch sẽ, bảo quản đúng nơi quy định;

l) Áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tôm của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản.

2. Vùng quy hoạch nuôi tôm đảm bảo:

a) Có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, hệ thống ao/đầm lắng để xử lý nước trước và sau khi nuôi với thiết kế đảm bảo đủ cung cấp cho vùng nuôi;

b) Có bố trí vùng đệm đảm bảo sự cách biệt giữa các vùng nuôi;

c) Giao thông thuận tiện.

3. UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các ban, ngành hữu quan hướng dẫn tổ chức, cá nhân nuôi tôm tại địa phương thực hiện các quy trình nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Điều 6. Giám sát, phát hiện bệnh

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất tôm giống phải thực hiện chương trình giám sát dịch bệnh:

a) Kiểm tra, xét nghiệm mầm bệnh đối với tôm bố mẹ khi nhập vào cơ sở sản xuất giống và định kỳ xét nghiệm bệnh trong quá trình sử dụng sản xuất giống; xét nghiệm mầm bệnh đối với tôm giống trước khi xuất bán;

b) Đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y và các điều kiện sản xuất tại cơ sở sản xuất giống.

2. Tổ chức, cá nhân nuôi tôm phải thực hiện giám sát dịch bệnh:

a) Hàng ngày, kiểm tra hoạt động bơi lội của tôm (đặc biệt khi thời tiết thay đổi); quan sát hình dáng bên ngoài (màu sắc, mảng bám trên tôm, thức ăn trong ruột); nhận diện các dấu hiệu bệnh lý (nổi đầu, tấp bờ, bơi lờ đờ, dạt vào bờ, bỏ ăn, màu sắc thay đổi, mềm vỏ, đen mang) để có các biện pháp xử lý phù hợp (điều chỉnh các chỉ tiêu môi trường nước, thức ăn);

b) Lấy mẫu kiểm tra sự sinh trưởng và xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi để có biện pháp xử lý thích hợp (nếu có điều kiện).

3. Chi cục Thú y: xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát dịch bệnh (theo dõi tình hình sức khỏe tôm, tiến hành thu mẫu định kỳ hoặc đột xuất làm xét nghiệm) theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm phát hiện bệnh sớm, kịp thời.

Điều 7. Kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển

1. Kiểm dịch nhập khẩu và kiểm soát vận chuyển qua biên giới:

a) Tôm giống, tôm bố mẹ nhập khẩu phải được nuôi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Cục Thú y;

b) Chủ tịch UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý tôm giống, tôm bố mẹ nhập lậu;

c) Trạm kiểm dịch biên giới thường xuyên thực hiện khử trùng, tiêu độc mọi phương tiện vận chuyển tôm giống, tôm bố mẹ và tôm thương phẩm qua cửa khẩu.

2. Chi cục Thú y thực hiện:

a) Giám sát dịch bệnh toàn bộ các lô tôm giống, tôm bố mẹ nhập khẩu sau thời gian cách ly kiểm dịch;

b) Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch các lô tôm giống xuất phát từ các cơ sở sản xuất giống có áp dụng chương trình giám sát dịch bệnh; lấy mẫu xét nghiệm các bệnh có trong danh mục các bệnh phải công bố dịch đối với tất cả các lô tôm giống xuất phát từ các cơ sở sản xuất giống không thực hiện chương trình giám sát dịch bệnh;

c) Kiểm soát chặt chẽ tôm giống nhập vào địa bàn tỉnh, chỉ cho phép thả nuôi đối với tôm giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

d) Phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản hướng dẫn, giám sát người nuôi, cơ sở sơ chế, xử lý, chế biến tôm thương phẩm bị nhiễm bệnh;

3. Khi các tỉnh liền kề có dịch, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là UBND cấp tỉnh) quyết định thành lập trạm, chốt kiểm dịch tạm thời tại đầu mối giao thông theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiểm soát việc vận chuyển tôm giống, tôm thương phẩm từ vùng có dịch và xử lý các trường hợp vi phạm.

4. Xử l‎ý các trường hợp vi phạm.

a) Tiêu huỷ hoặc xử l‎ý đối với tôm mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch, các bệnh mới xuất hiện và tôm nhập lậu không xác định được chủ hàng theo quy định tại điểm b, c, d khoản 3 Điều 11 Thông tư này;

b) Thực hiện kiểm dịch và xử phạt với các trường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định hiện hành. Buộc chủ hàng thực hiện nuôi cách ly lô tôm giống để theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm bệnh;

c) Đối với lô tôm có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất phát nhưng không hợp lệ thì tạm giữ để chủ hàng bổ sung hồ sơ. Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc đánh tráo, cơ quan kiểm dịch thực hiện kiểm dịch lại;

d) Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về kiểm dịch phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, phải chịu mọi chi phí cho việc kiểm dịch, xử lý tiêu huỷ tôm và các hình thức xử lý khác.

Chương III

CHỐNG DỊCH

Điều 8. Khai báo khi có dịch xảy ra

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm và nuôi tôm khi phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường hoặc chết phải báo ngay cho nhân viên thú y xã hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất; đồng thời báo ngay cho các tổ chức, cá nhân nuôi, sản xuất tôm xung quanh biết để có biện pháp phòng, chống dịch.

2. Khi nhận được thông báo, nhân viên thú y xã phải thông báo ngay đến Trạm Thú y huyện, ngay sau đó phải báo cáo bằng văn bản ghi rõ tên, địa chỉ cơ sở, dấu hiệu bệnh lý và các nội dung khác có liên quan gửi cho UBND xã và cơ quan thú y cấp trên trực tiếp.

3. Trạm Thú y huyện trong vòng 24 giờ khi nhận được thông báo của nhân viên thú y xã hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm và nuôi tôm, phải nhanh chóng đến kiểm tra, xác minh dịch bệnh; hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm và nuôi tôm thực hiện ngay các biện pháp quản lý bể, ao/đầm nuôi có bệnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

4. Chi cục Thú y lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, đồng thời báo ngay cho cơ quan thú y cấp trên. Kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản mẫu bệnh phẩm phải tuân thủ theo hướng dẫn của Cục Thú y.

5. Trong trường hợp cần thiết, Chi cục Thú y đề xuất với UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện được ủy quyền ra quyết định tiêu hủy tôm nuôi trong bể, ao/đầm có tôm mắc bệnh mà không cần chờ kết quả xét nghiệm theo quy định tại điểm c, d khoản 3 Điều 11 của Thông tư này.

Điều 9. Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh

1. Lấy mẫu chẩn đoán: Yêu cầu lấy bệnh phẩm thích hợp, gửi phòng thử nghiệm được chỉ định để xét nghiệm, chẩn đoán. Việc chẩn đoán phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời để giúp phòng, chống bệnh có hiệu quả.

2. Bảo quản và gửi mẫu bệnh phẩm: Mẫu cần được gửi đến phòng thử nghiệm chậm nhất là 02 (hai) ngày kể từ lúc lấy mẫu. Phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm được thực hiện theo hướng dẫn của Cục thú y.

3. Xét nghiệm, chẩn đoán:

a) Chẩn đoán dựa theo quy luật dịch, tính chất dịch tễ, triệu chứng, bệnh tích, chẩn đoán bằng trị liệu, chẩn đoán phân biệt với một số bệnh thường gặp;

b) Để xác định bệnh cần căn cứ vào kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trong phòng thí nghiệm. Trong vòng 02 (hai) ngày kể từ khi nhận được mẫu, nơi tiến hành xét nghiệm mẫu phải trả lời kết quả để có căn cứ xác định bệnh;

c) Đối với bệnh mới, phải báo cáo Cục thú y để liên hệ với các chuyên gia, phòng thử nghiệm trong và ngoài nước xác định tác nhân gây bệnh.

Điều 10. Công bố dịch

1. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố dịch bệnh, vùng uy hiếp dịch bệnh trên tôm khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Dịch bệnh thuộc danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch (sau đây gọi chung là danh mục) xảy ra trong tỉnh có khả năng lây lan rộng;

b) Có báo cáo bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện về diễn biến tình hình dịch bệnh;

c) Kết quả xét nghiệm của phòng thử nghiệm thuộc Cơ quan Thú y vùng hoặc phòng thử nghiệm được Cục Thú y chỉ định, khẳng định bệnh thuộc danh mục và có văn bản đề nghị công bố dịch của Chi cục Thú y hoặc Cục Thú y.

2. Phạm vi công bố dịch

a) Khi xảy ra 03 (ba) ổ dịch trở lên ở trong cùng một trang trại hoặc một cụm nông hộ nuôi tôm có chung nguồn cấp nước trên địa bàn một xã thì công bố xã có dịch;

b) Khi có từ 03 (ba) xã có dịch trở lên trong một huyện thì công bố dịch trên địa bàn toàn huyện;

c) Khi có từ 03 (ba) huyện có dịch trở lên trong một tỉnh thì công bố dịch trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Trường hợp bệnh mới (chưa có trong danh mục) nhưng có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng, gây chết tôm hàng loạt, Cục Thú y gửi văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công bố vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp.

Điều 11. Các biện pháp chống dịch

1. Khoanh vùng dịch: Xã có dịch được xác định là vùng dịch; các xã tiếp giáp với xã có dịch được xác định là vùng bị dịch uy hiếp.

2. Chủ tịch UBND huyện huy động các lực lượng thú y, công an, quản lý thị trường và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan lập các trạm kiểm dịch, chốt kiểm dịch ở các trục giao thông chính xung quanh vùng có dịch và vùng bị dịch uy hiếp theo uỷ quyền của Chủ tịch UBND tỉnh;

3. Chủ tịch UBND cấp xã huy động các lực lượng thú y, công an và các tổ chức đoàn thể của địa phương tham gia chống dịch. Các biện pháp chống dịch cần tập trung vào những nội dung sau:

a) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm và nuôi tôm khoanh vùng, dập dịch, nghiêm cấm xả nước, chất thải từ ổ dịch ra ngoài môi trường;

b) Đối với tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm mà bị bệnh, cần tiến hành thu hoạch ngay. Khi thu hoạch, tuyệt đối không tháo nước để thu tôm. Tôm phải được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, đảm bảo không làm rơi vãi nước trên đường đi; phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi rời khỏi cơ sở nuôi và từ cơ sở chế biến trở về. Hoạt động thu hoạch, chế biến phải tuân thủ theo các quy định, hướng dẫn của Cơ quan quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản;

c) Đối với tôm nhỏ không thể sử dụng để làm thực phẩm thì phải dùng hóa chất tiêu hủy theo hướng dẫn của Chi cục Thú y;

d) Các bể, ao/đầm nuôi tôm sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy phải khử trùng nước trong bể, ao/đầm; tẩy trùng, sát khuẩn, xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh trong bể, ao/đầm nuôi. Những người tham gia quá trình xử lý, tiêu huỷ tôm phải thực hiện việc vệ sinh cá nhân để tiêu diệt mầm bệnh, tránh làm phát tán mầm bệnh ra các địa điểm khác;

đ) Tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm, nuôi tôm trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp nhằm phát hiện các trường hợp tôm bị bệnh; trong vòng 1-3 ngày tại phạm vi xã có dịch và các xã liền kề xung quanh cần lập danh sách thống kê các cơ sở nuôi tôm và các cơ sở có tôm bị bệnh để giám sát và thông báo cơ quan quản lý thú y và nuôi trồng thủy sản địa phương.

4. Biện pháp xử lý đối với các bể, ao/đầm nuôi chưa có bệnh trong vùng dịch:

a) Áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học và thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực nuôi tôm;

b) Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi;

c) Không thay nước, không thả tôm giống bổ sung vào bể, ao/đầm nuôi trong thời gian có dịch bệnh.

5. Chế độ hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh thủy sản gây ra thực hiện theo Thông tư số 39/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ theo Quyết định 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chính phủ cấp hỗ trợ hóa chất từ Quỹ dự trữ Quốc gia cho địa phương để dập dịch theo quy định hiện hành.

6. Cục Thú y hướng dẫn loại hoá chất, liều lượng, phương pháp sử dụng trong công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý dịch bệnh trên tôm nuôi.

Điều 12. Công bố hết dịch

1. Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định công bố hết dịch khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Sau 21 ngày kể từ khi đã xử lý xong ổ dịch cuối cùng theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này;

b) Không phát sinh ổ dịch mới;

c) Chi cục Thú y có văn bản báo cáo, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định công bố hết dịch và vùng hết bị dịch uy hiếp.

2. Căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương hướng dẫn cơ sở tiếp tục nuôi hay tạm dừng nuôi.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở Trung ương

1. Cục Thú y

a) Xây dựng Chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh trên tôm, để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình ở các địa phương;

b) Tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm ở các địa phương;

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra trên phạm vi toàn quốc về công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm;

d) Chủ trì, phối hợp với các chuyên gia, phòng thử nghiệm trong và ngoài nước trong việc chẩn đoán, xét nghiệm tác nhân gây bệnh đối với các bệnh mới xuất hiện, gây thiệt hại và lây lan trên diện rộng vùng nuôi tôm. Ban hành hướng dẫn phòng, trị bệnh kịp thời để hạn chế thiệt hại cho tổ chức, cá nhân nuôi tôm khi xảy ra bệnh mới.

2. Tổng cục Thủy sản

a) Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn xử lý môi trường và phục hồi môi trường sau dịch bệnh trên tôm nuôi;

b) Phối hợp với Cục Thú y trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên tôm

Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân ở địa phương

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Chỉ đạo hệ thống quản lý thú y địa phương, các cấp, các ngành có liên quan xây dựng Chương trình phòng, chống dịch bệnh và xây dựng cơ sở an toàn bệnh trên tôm tại địa phương; triển khai công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi;

b) Củng cố, tăng cường cho hệ thống quản lý thú y cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt là mạng lưới thú y xã, phường để thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh theo Thông tư liên tịch số 37/2011/TTLT-BNN-BNV ngày 23/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Thú y trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các địa phương chưa có mạng lưới thú y xã, phường thì thực hiện Công văn số 1569/TTg - NN ngày 19/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ phụ cấp cho thú y xã, phường;

c) Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch, công bố hết dịch trên địa bàn của tỉnh theo quy định; quyết định tiêu hủy tôm nuôi trong bể, ao/đầm có tôm mắc bệnh hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định tiêu hủy.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng chương trình phòng, chống dịch bệnh trên tôm của tỉnh và kế hoạch hàng năm trên cơ sở Chương trình phòng, chống dịch bệnh trên tôm cấp quốc gia;

b) Chỉ đạo Chi cục Thú y xác định vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng có nguy cơ cao với các bệnh trên tôm có trong danh mục các bệnh phải công bố dịch, bệnh mới;

c) Tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác phòng, chống bệnh trên tôm của tỉnh.

3. Chi cục Thú y

a) Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm trong địa bàn tỉnh, thành phố;

b) Hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng chống bệnh, tổ chức triển khai giám sát dịch bệnh trên tôm, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất khi có dịch xảy ra theo quy định;

c) Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với UBND cấp tỉnh phê duyệt: Chương trình giám sát dịch bệnh đối với tôm nuôi, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất giống, vùng nuôi tôm tập trung, khu vực có nguy cơ cao, có ổ dịch cũ; dự trù kinh phí mua hóa chất, vật tư, thuốc thú y thủy sản nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trên tôm tại địa phương;

d) Trình cấp có thẩm quyền đề nghị Chính phủ cấp hóa chất dập dịch từ Quỹ dự trữ Quốc gia cho địa phương.

4. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản hoặc Chi cục Thủy sản

a) Hướng dẫn người nuôi, sản xuất, kinh doanh tôm phục hồi môi trường sau dịch bệnh và quản lý chất lượng môi trường trong nuôi tôm theo quy định;

b) Phối hợp với Chi cục Thú y trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên tôm.

5. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Thành lập đội chuyên trách phòng chống dịch bệnh trên tôm;

b) Phối hợp với Chi cục Thú y chỉ đạo các Trạm Thú y huyện, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm trong địa bàn huyện;

c) Huy động lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt công tác tiêu hủy, xử lý tôm mắc bệnh;

d) Cấp ngân sách địa phương cho công tác phòng chống dịch bệnh của huyện.

6. Trạm Thú y hoặc Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế huyện

a) Trực tiếp tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm tại huyện;

b) Hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh đến tận xã, thôn/ấp;

c) Báo cáo kịp thời nhu cầu về kinh phí, vật tư hóa chất, lao động cho Ủy ban nhân dân huyện và Chi cục Thú y;

d) Hàng tháng báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm về Chi cục Thú y với các nội dung: diện tích thả nuôi, tình hình bệnh trên tôm (nếu có) của các huyện.

7. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Bố trí cán bộ có chuyên môn để hướng dẫn kỹ thuật nuôi an toàn dịch bệnh, thường trực và tổng hợp tình hình dịch bệnh;

b) Chỉ đạo trưởng thôn/ấp trực tiếp kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức đoàn thể khác) vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch;

c) Thành lập đội xung kích chống dịch, gồm: Dân quân tự vệ, thanh niên, cán bộ thú y, công an để tiêu hủy, xử lý tôm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, giám sát người ra vào ổ dịch, trực gác tại các chốt kiểm dịch động vật.

8. Nhân viên thú y xã

a) Giám sát phát hiện bệnh trên tôm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, bể, ao/đầm nuôi trên địa bàn xã và báo cáo kịp thời cho UBND xã và Trạm Thú y huyện;

b) Trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch bệnh.

Điều 15. Trách nhiệm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm, nuôi tôm

Chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm quy định đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm và nuôi tôm tại Thông tư này.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần bổ sung, sửa đổi, đề nghị báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Xuân Thu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.