• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/04/2006

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành bản quy định về quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu

 nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

___________________

                                                                                                                      

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

 

   - Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

   - Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;

   - Căn cứ nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ "Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng";

   - Căn cứ Thông tư số 13/2005/TT-BXD ngày 05/8/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 của Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng;

   Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang tại Tờ trình số 1388/TT-SXD ngày 03/11/2005,

 

QUYẾT ĐỊNH

 

   Điều 1. Nay ban hành Quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

 

   Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục Thuế triển khai thực hiện Quyết định này.

 

   Điều 3. Ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cùng các ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

   - Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

   - Quyết định này thay thế quyết định số 1462/2001/QĐ-UB, ngày 17/7/2001, của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành bản quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, quyền sử dụng đất tại đô thị; Quyết định số 47/2002/QĐ-UB, ngày 27/6/2002, của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thay đổi Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của bản quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, quyền sử dụng đất tại đô thị ban hành kèm theo Quyết định số 1462/2001/QĐ-UB, ngày 17/7/2001, của Ủy ban nhân dân tỉnh; Quyết định số 60/2004/QĐ-UB, ngày 23/9/2004, của Ủy ban nhân dân tỉnh thay đổi Điều 10, Điều 12 và Điều 13 bản quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, quyền sử dụng đất tại đô thị kèm theo Quyết định số 1462/2001/QĐ-UB, ngày 17/7/2001, của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang./.

 

TM.UBND TỈNH KIÊN GIANG

CHỦ TỊCH

 

Bùi Ngọc Sương

 

 

 

 

     QUY TRÌNH

Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu

công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 12/2006/QĐ-UBND

ngày 24  tháng 03  năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

 

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

 

           

   Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy trình này áp dụng cho việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Trừ một số nhà ở, công trình xây dựng sau đây:

1. Nhà tạm (nhà cấp V tại Quyết định số 104/2004/QĐ-UB ngày 30/12/2004 của UBND tỉnh); nhà ở, công trình xây dựng thuộc sở hữu toàn dân (trừ các công trình xây dựng thuộc sở hữu toàn dân của các doanh nghiệp đã được nhà nước giao vốn để quản lý).

2. Nhà ở, công trình xây dựng đã có quyết định hoặc thông báo giải toả, phá dỡ hoặc đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Nhà ở, công trình xây dựng nằm trong khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng.

4. Nhà ở, công trình xây dựng còn đang tranh chấp về quyền sở hữu.

5. Nhà ở, công trình xây dựng mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế có cam kết khác.

 

 

   Điều 2. Đối tượng áp dụng:

   Aùp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước ; người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhà ở, công trình xây dựng được tạo lập hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

 

 

   Điều 3. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng:

   1. Mẫu giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng do Bộ Xây dựng phát hành và được sử dụng thống nhất trong cả nước.

2. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng được cấp cho chủ sở hữu bản chính và sao 01 bản để lưu tại cơ quan cấp giấy chứng nhận.

 

   Điều 4. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận:

   1. Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng cho tổ chức (bao gồm tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài).

2. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng cho cá nhân (bao gồm cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài).

 

 

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ HỒ SƠ, TRÌNH TỰ THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN

 

   Điều 5. Hồ sơ áp dụng đối với cá nhân trong nước :

Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng của cá nhân trong nước gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng (theo mẫu).

2. Bản sao một trong các giấy tờ sau :

a) Giấy phép xây dựng đối với nhà ở, công trình xây dựng thuộc diện phải xin phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng ;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính đối với nhà ở, công trình xây dựng trước khi Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2003);

c) Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở hoặc giấy tờ thanh lý, hoá giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước từ trước ngày 05/7/1994;

d) Giấy tờ về giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;

đ) Giấy tờ về nhà đất do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ nhưng nhà đất đó không thuộc diện nhà nước quản lý;

e) Giấy tờ về mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở, công trình xây dựng đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân từ cấp xã trở lên; giấy tờ của Toà án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết vấn đề sở hữu nhà ở, công trình xây dựng có hiệu lực pháp luật; trường hợp mua nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở đã được hai bên ký kết ;

f) Trường hợp người đề nghị cấp giấy chứng nhận có một trong những  giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng không đứng tên trong các giấy tờ đó thì trong đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) về việc tạo lập nhà ở, công trình xây dựng do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc thông qua các hình thức khác theo quy định của pháp luật ;

g) Trường hợp người đề nghị cấp giấy chứng nhận không có một trong những  giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, công trình xây dựng không có tranh chấp về sở hữu và được xây dựng trước khi có quy hoạch xây dựng đối với trường hợp đã có quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật về xây dựng;

 

3. Bản vẽ nhà ở, công trình xây dựng theo quy định sau đây:

a) Đối với nhà ở, bản vẽ sơ đồ phải thể hiện được vị trí trên khuôn viên đất, hình dáng mặt bằng nhà ở. Trong trường hợp nhà có nhiều tầng thì vẽ sơ đồ hình dáng mặt bằng các tầng và ghi diện tích sàn xây dựng của từng tầng. Đối với căn hộ trong nhà chung cư thì chỉ vẽ sơ đồ mặt bằng của căn hộ, tầng có căn hộ đề nghị cấp giấy và ghi rõ vị trí, diện tích căn hộ đó.

Đối với nhà ở thuộc các dự án nhà ở hoặc dự án khu đô thị mới thì người đề nghị cấp giấy chứng nhận sử dụng bản vẽ do chủ đầu tư cung cấp. Nếu nhà ở không thuộc các dự án quy định tại điểm này thì do cơ quan cấp giấy chứng nhận thực hiện đo vẽ; trường hợp nhà ở tại khu vực nông thôn cho phép chủ nhà  tự đo vẽ hoặc thuê đơn vị có tư cách pháp nhân đo vẽ và được Ủy ban nhân dân xã xác nhận vào bản vẽ đó;

b) Đối với công trình xây dựng, bản vẽ sơ đồ phải thể hiện được vị trí trên thửa đất, hình dáng và ghi tên cấp công trình, diện tích, công suất của từng hạng mục công trình. Trong trường hợp có những hạng mục xây dựng nhiều tầng thì vẽ sơ đồ mặt bằng các tầng và ghi diện tích sàn xây dựng của từng tầng. Bản vẽ sơ đồ công trình xây dựng phải do các tổ chức có tư cách pháp nhân về hoạt động xây dựng thực hiện .

Trường hợp trong các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này đã có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng và trên thực tế không có thay đổi thì không phải đo vẽ lại.

 

   Điều 6. Hồ sơ áp dụng đối với cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài :

Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng của cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng (theo mẫu).

 

2. Bản sao các giấy tờ sau đây :

a) Giấy chứng minh đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 121 của Luật Đất đai năm 2003 hoặc thuộc diện được tạo lập hợp pháp nhà ở, công trình xây dựng tại Việt nam theo quy định của pháp luật.

b) Đối với người Việt Nam ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu hợp lệ của Việt Nam hoặc hộ chiếu hợp lệ của nước ngoài. Trong trường hợp sử dụng hộ chiếu hợp lệ của nước ngoài thì phải kèm theo giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận đăng ký công dân. Đối với người nước ngoài thì phải có hộ chiếu hợp lệ của nước ngoài kèm theo visa lưu trú tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp.

c) Hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, giấy tờ về thừa kế nhà ở, công trình xây dựng hoặc các giấy tờ tạo lập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Bản vẽ sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 5 quy trình này.

 

 

   Điều 7. Hồ sơ áp dụng đối với tổ chức :

Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng của tổ chức trong nước và ngoài nước gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng (theo mẫu).

2. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập tổ chức hoặc giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền cấp.

b) Quyết định phê duyệt, Quyết định đầu tư dự án theo quy định của pháp luật hoặc giấy phép xây dựng nhà ở, công trình xây dựng.

c) Biên lai nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

 

3. Bản vẽ sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 5 quy trình này.

 

 

   Điều 8. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với cá nhân:

Cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài.

1. Khu vực nông thôn:

Bước 1: Chủ sở hữu nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng tới Ủy ban nhân dân xã nơi có nhà ở, công trình xây dựng.

 

Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân xã đối chiếu các bản sao trong hồ sơ với giấy tờ gốc về nhà ở, công trình xây dựng và ký xác nhận vào bản vẽ sơ đồ nhà ở hoặc công trình xây dựng do chủ nhà tự đo vẽ, chuyển hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện.

 

Bước 3: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải kiểm tra hồ sơ, kết quả đo vẽ nhà ở hoặc công trình xây dựng, thể hiện các nội dung trên giấy chứng nhận, ký giấy chứng nhận.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển hồ sơ giấy chứng nhận đã ký và thông báo cho chủ sở hữu biết về việc nộp nghĩa vụ tài chính cho Ủy ban nhân dân cấp xã để chuyển cho chủ sở hữu. Chủ sở hữu nộp nghĩa vụ tài chính tại Đội thuế xã được Ủy nhiệm thu trên cơ sở của Chi Cục thuế.

 

Bước 4: Chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định , chủ sở hữu phải nộp nghĩa vụ tài chính để được nhận giấy chứng nhận.

Trước khi nhận giấy chứng nhận chủ sở hữu nộp biên lai thu các khoản lệ phí và các giấy tờ gốc về nhà ở hoặc công trình xây dựng cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển toàn bộ hồ sơ gốc đã cấp giấy chứng nhận cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để lưu.

 

2. Khu vực đô thị: 

Bước 1: Chủ sở hữu nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng tới Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà ở, công trình xây dựng.

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo cụ thể thời gian thực hiện đo vẽ nhà ở, công trình xây dựng (trường hợp chưa có bản vẽ nhà ở, công trình xây dựng) hoặc kiểm tra kết quả đo vẽ nhà ở, công trình xây dựng, thể hiện các nội dung trên giấy chứng nhận, ký giấy chứng nhận.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo cho chủ sở hữu biết về việc nộp nghĩa vụ tài chính tại Chi Cục thuế.

 

Bước 3: Chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định , chủ sở hữu phải nộp nghĩa vụ tài chính để được nhận giấy chứng nhận.

Trước khi nhận giấy chứng nhận chủ sở hữu nộp biên lai thu các khoản lệ phí và các giấy tờ gốc về nhà ở hoặc công trình xây dựng cho Ủy ban nhân dân cấp huyện .

 

 

   Điều 8. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với tổ chức:

Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài.

Bước 1: Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận tại Sở Xây dựng.

 

Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Xây dựng thông báo cụ thể thời gian thực hiện đo vẽ nhà ở, công trình xây dựng (trường hợp chưa có bản vẽ nhà ở, công trình xây dựng) hoặc kiểm tra kết quả đo vẽ nhà ở, công trình xây dựng, thể hiện các nội dung trên giấy chứng nhận, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ký giấy chứng nhận.

 

Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Xây dựng chuyển đến, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ký giấy chứng nhận và chuyển lại cho Sở Xây dựng  để giao cho chủ thể.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận do Ủy ban nhân dân tỉnh ký, Sở Xây dựng thông báo cho chủ thể nộp nghĩa vụ tài chính tại Chi Cục thuế.

 

Bước 4: Chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định , chủ thể phải nộp nghĩa vụ tài chính để được nhận giấy chứng nhận.

Trước khi nhận giấy chứng nhận chủ thể nộp biên lai thu các khoản lệ phí và các giấy tờ gốc về nhà ở hoặc công trình xây dựng cho Sở Xây dựng .

 

   Điều 9. Quy định kinh phí cấp giấy chứng nhận:

1. Thu phí cấp giấy chứng nhận:

a) Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở lần đầu cho cá nhân thu 100.000 đồng/giấy. Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở lần đầu cho tổ chức thu 500.000 đồng/giấy

b) Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng lần đầu cho cá nhân và tổ chức thu 500.000 đồng/giấy

c) Đối với việc cấp đổi, cấp lại, xác nhận thay đổi trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng và các trường hợp khác khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng  thu 50.000 đồng/giấy.

2. Phần phí để lại cho đơn vị tổ chức thu :

   a) Đơn vị, tổ chức trích nộp ngân sách từ thu phí 10%.

b) Để lại đơn vị, tổ chức 90% để sử dụng trang trải phục vụ cho công tác cấp giấy chứng nhận, những công việc cụ thể như sau:

Chi phí kiểm tra hiện trạng, công tác phí, chi phí văn phòng phẩm, công cụ, sửa chữa thiết bị, chi phí mua mẫu giấy chứng nhận của Bộ Xây dựng ban hành, chi phí lương, tiền công hợp đồng, chi phí khen thưởng.

Các khoản chi trên sẽ quyết toán theo đúng quy định hiện hành.

 

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

   Điều 10. Trách nhiệm của Sở Xây dựng:

1. Lập chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, tổ chức tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cấp giấy chứng nhận cho cán bộ chuyên môn của các huyện, thị xã, thành phố và sở.

2. Lập và quản lý sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở, sổ đăng ký quyền sở hữu công trình xây dựng đối với những trường hợp do Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Sở Xây dựng  cấp giấy chứng nhận.

3. Lưu trữ các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến vấn đề sở hữu nhà ở, sở hữu công trình xây dựng do Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Sở Xây dựng cấp giấy chứng nhận.

4. Cung cấp số liệu về nhà ở, công trình xây dựng cho các cơ quan liên quan khi có yêu cầu.

5. Thực hiện các công việc có liên quan khi được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho.

 

 

   Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố :

 1. Phối hợp với cơ quan báo chí, tuyên truyền phổ biến để nhân dân biết và thực hiện tốt quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng.

2. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan trực thuộc có liên quan, bố trí đủ lực lượng và trang thiết bị cần thiết đáp ứng nhu cầu về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng theo nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

3. Tổ chức triển khai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng trên địa bàn theo đúng quy định này.

4. Lập và quản lý sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở, sổ đăng ký quyền sở hữu công trình xây dựng đối với những trường hợp do Ủy ban nhân dân huyện thị xã, thành phố cấp giấy chứng nhận.

5. Lưu trữ các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến vấn đề sở hữu nhà ở, sở hữu công trình xây dựng do Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố cấp giấy chứng nhận.

6. Cung cấp số liệu về nhà ở, công trình xây dựng cho các cơ quan liên quan khi có yêu cầu.

7. Thực hiện các công việc có liên quan được giao.

 

 

   Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

Tiếp nhận, xác nhận hồ sơ và chuyển hồ sơ cấp giấy chứng nhận của cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 của Chính phủ.

 

 

   Điều 13. Hiệu lực thi hành:

Quy định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo đúng quy trình này. Những điều chưa có trong quy trình thì thực hiện theo Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 của Chính phủ và Thông tư số 13/2005/TT-BXD ngày 5/8/2005, Quyết định số 1626/QĐ-BXD ngày 23/08/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 của Chính phủ.

 

Trong quá trình thực hiện các đơn vị và địa phương, nếu có vướng mắc thì  đề xuất ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh để hướng dẫn giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.