• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/02/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 30/06/2017
UBND TỈNH KIÊN GIANG
Số: 14/2014/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 12 tháng 2 năm 2014

QUYẾT ĐỊNH

Về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2010 – 2015

 _____________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị quyết số 48/2013/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2010 - 2015;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 33/TTr-STNMT, ngày 22 tháng 01 năm 2014 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2010 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2010 - 2015 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Điều chỉnh quy hoạch 39 mỏ: Tăng độ sâu khai thác 06 mỏ; loại bỏ khỏi quy hoạch 31 mỏ; giảm diện tích khai thác 02 mỏ.

2. Bổ sung quy hoạch 08 mỏ than bùn.

(Có Phụ lục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kèm theo).

Điều 2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh:

a) Công bố và tổ chức thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; công bố danh mục các mỏ khoáng sản được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác;

b) Phối hợp với chính quyền các địa phương khoanh định và công bố rộng rãi các diện tích phân bố khoáng sản được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác nhằm bảo vệ tài nguyên và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thăm dò, khai thác khi có nhu cầu;

c) Các khu vực khai thác khoáng sản khi rà soát giấy phép đã hết hạn về trữ lượng, môi trường, năng lực của doanh nghiệp.…hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép cho từng trường hợp cụ thể;

d) Đối với các khu vực đã thăm dò, rà soát lại các vấn đề pháp lý liên quan, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định;

đ) Phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm đối với các trường hợp hoạt động khoáng sản vi phạm pháp luật;

e) Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để triển khai việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định;

g) Thường xuyên theo dõi hoạt động khai thác khoáng sản để kịp thời thực hiện việc điều chỉnh diện tích thăm dò, khai thác, công suất khai thác cho phù hợp với điều kiện thực tế; đặc biệt chuẩn bị lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản giai đoạn 2015 - 2020 theo quy định.

2. Sở Xây dựng

a) Phối hợp với các ngành trong kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn vệ sinh lao động, giám sát định kỳ các hoạt động khai thác khoáng sản. Đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển ổn định và bền vững ngành khai thác khoáng sản;

b) Hướng dẫn các thủ tục về lập và thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác các mỏ khoáng sản;

c) Thẩm định nội dung thiết kế cơ sở các dự án đầu tư khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng;

d) Cập nhật, bổ sung các mỏ khoáng sản để đưa vào hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Kiên Giang đến năm 2020;

đ) Theo dõi, tổng hợp tình hình đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

a) Phối hợp với các ngành chức năng và địa phương thông báo các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, trồng rừng và bảo vệ rừng… về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản;

b) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thăm dò, khai thác; cập nhật, trao đổi thông tin hoạt động khoáng sản ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất các dự án nông lâm nghiệp;

c) Phối hợp các ngành trong kiểm tra, giám sát định kỳ các hoạt động khai thác khoáng sản.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Tiếp nhận hồ sơ, phối hợp thẩm định năng lực nhà đầu tư, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư;

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

5. Sở Công thương

a) Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển ngành khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, quy định an toàn trong khai thác mỏ và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh;

b) Phối hợp các ngành trong kiểm tra, giám sát định kỳ các hoạt động khai thác khoáng sản;

c) Tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng); tham gia ý kiến về nội dung báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình mỏ và thiết kế bản vẽ thi công đối với dự án mỏ không phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình mà chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình mỏ và không lập thiết kế cơ sở.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

Nghiên cứu áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến và phát triển việc chế tạo thiết bị máy móc thăm dò, khai thác phù hợp với những điều kiện của tỉnh.

7. Công an tỉnh

Chỉ đạo lực lượng công an (đặc biệt là cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường) phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan, nhất là đối với lực lượng quản lý thị trường, cơ quan thuế, tăng cường đấu tranh và ngăn chặn các loại tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại trong khai thác và kinh doanh khoáng sản; tăng cường kiểm tra hàng hóa vận chuyển và các vấn đề môi trường liên quan đến khai thác khoáng sản.

8. Sở Tài chính

Hướng dẫn việc sử dụng kinh phí thực hiện dự án trong từng thời gian, cùng với các ngành có liên quan và các thành viên trong Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh tổ chức kiểm tra và có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn việc gian lận thương mại trong khai thác khoáng sản; hướng dẫn việc xử lý phương tiện và khoáng sản bị thu giữ.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị và thành phố

a) Tổ chức quản lý, giám sát việc thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản, phục hồi môi trường, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo với các quy hoạch khác trên địa bàn;

b) Tổ chức quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; ngăn ngừa tình trạng khai thác trái phép;

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm liên quan trên địa bàn;

d) Đưa các nội dung quy hoạch trong từng giai đoạn vào kế hoạch hàng năm, 5 năm và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương để triển khai thực hiện;

đ) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, đặc biệt đối với những nơi có khoáng sản và hoạt động khoáng sản;

e) Tổ chức thực hiện tốt Điều 5 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

10. Tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản

a) Chủ đầu tư các dự án khai thác khoáng sản chưa lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc dự án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung theo quy định (tại Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản và Thông tư số 34/2009/TT-BTNMT ngày 31/12/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về lập, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận dự án cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản) hoặc đã lập dự án ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường nhưng chưa tiến hành ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ Môi trường tỉnh Kiên Giang thì phải nhanh chóng lập và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định;

b) Thực hiện trách nhiệm đối với địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo Điều 5 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 bao gồm:

- Hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật;

- Kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật;

- Ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan;

- Cùng với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các nội dung khác về thăm dò, khai thác khoáng sản mà trong Quyết định này không đề cập thì thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 11/02/2011 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2010 - 2020 và dự báo đến năm 2025./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Văn Thi

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.