• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/12/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 25/12/2022
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 47/2015/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 5 tháng 10 năm 2015

QUYẾT ĐỊNH

Về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông

vận tải đường thủy nội địa

__________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, đào tạo, quản lý, khai thác trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa gồm đường thủy nội địa; hành lang bảo vệ luồng; cảng, bến thủy nội địa; khu neo đậu ngoài cảng; kè, đập giao thông, báo hiệu đường thủy nội địa và các công trình phụ trợ khác.

2. Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

3. Phương tiện thủy nội địa là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa.

4. Tàu khách cao tốc là tàu, thuyền có tốc độ lớn nhất được tính bằng mét/giây (m/s) hoặc hải lý/giờ (kt) bằng hoặc lớn hơn trị số tính theo công thức sau đây:

V ³ 3,7 Δ0,1667 (m/s)

hoặc V ³ 7,1992 Δ0,1667 (kt)

Trong đó:

Δ: Thể tích lượng chiếm nước tương ứng với đường nước thiết kế cao nhất (m3).

5. Hoạt động vận tải công-ten-nơ trên đường thủy nội địa là việc sử dụng phương tiện thủy nội địa để chở công-ten-nơ trên các tuyến đường thủy nội địa.

6. Hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa là việc sử dụng phương tiện thủy nội địa để chở khách trên các tuyến đường thủy nội địa.

7. Xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu là các xã có tiêu chí được quy định tại Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và có hoạt động giao thông đường thủy nội địa.

Điều 4. Cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư phát triển, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

1. Cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, gồm:

a) Ưu tiên bố trí đủ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác điều chỉnh và thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước;

b) Ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi: Vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách, vận tải công-ten-nơ;

c) Đối với thu nhập của doanh nghiệp phát sinh từ việc thực hiện các dự án đầu tư mới kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được áp dụng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Căn cứ nguồn lực địa phương ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng bến khách ngang sông tại những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa được đầu tư kết cấu hạ tầng bến khách ngang sông và chưa có điều kiện phát triển các loại hình giao thông khác;

b) Căn cứ vào quy định hiện hành xem xét miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với đầu tư xây dựng mới cảng thủy nội địa, cải tạo hệ thống kho, bãi, cầu tàu, hệ thống thoát nước và đường nội bộ của cảng thủy nội địa; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền;

c) Căn cứ vào nguồn lực địa phương xem xét hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

3. Về quản lý, bảo trì đường thủy nội địa: Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, ưu tiên bố trí vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì đường thủy nội địa theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với mức tăng tối thiểu hàng năm bằng 1,3 lần so với nguồn vốn đã bố trí cho năm trước đó để đảm bảo duy trì kết cấu hạ tầng và tăng cường công tác bảo đảm an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

Khuyến khích áp dụng hình thức xã hội hóa thực hiện các dự án nạo vét các tuyến đường thủy nội địa không sử dụng ngân sách nhà nước; việc kết hợp tận thu sản phẩm nạo vét được thực hiện theo quy định hiện hành.

4. Thí điểm thực hiện cơ chế quản lý, bảo trì đường thủy nội địa trong khoảng thời gian 03 (ba) năm, từ năm 2016 đến hết năm 2018; kinh phí thực hiện được sử dụng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường thủy nội địa quốc gia theo định mức kinh tế - kỹ thuật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể như sau:

a) Áp dụng phương thức đấu thầu hạn chế để lựa chọn nhà thầu thực hiện quản lý, bảo trì đường thủy nội địa trên các tuyến lòng hồ Sơn La (dài 175 km) từ thượng lưu đập thủy điện Sơn La đến hạ lưu đập thủy điện Lai Châu, tuyến sông Vàm Cỏ Đông (dài 131 km) từ ngã ba sông Vàm Cỏ Đông - Tây đến cảng Bến Kéo và tuyến sông Hồng từ Ba Lạt (phao số 0) đến ngã ba Việt Trì (dài 253 km); trong đó, mỗi tuyến luồng gồm có 01 (một) gói thầu;

b) Áp dụng phương thức đặt hàng và lập phương án, thiết kế bản vẽ thi công khi triển khai công trình nạo vét đảm bảo giao thông luồng đường thủy nội địa trên các sông: Sông Đào Hạ Lý, sông Nghèn, sông Lèn, sông Lam, tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm; trong đó, việc đánh giá tác động môi trường chỉ thực hiện 01 (một) lần trên 01 (một) tuyến luồng;

c) Áp dụng phương thức đặt hàng chống va trôi các cầu: Cầu Đuống, cầu Bình, cầu Hồ, cầu Việt Trì, cầu Hàm Rồng, cầu Yên Xuân, cầu đường sắt Kỳ Lam trong mùa lũ và điều tiết khống chế đảm bảo giao thông tại các vị trí: Km 19 sông Kinh Thầy, cầu Ghềnh sông Đồng Nai, cầu Hồng Ngự kênh Hồng Ngự, cầu An Long kênh Tháp Mười số 1, khu vực bãi cạn Đông Lạnh sông Hiếu, kênh Quần Liêu, sông Đào Hạ Lý, sông Móng Cái, Thác Đền Hàn sông Lèn;

d) Áp dụng phương thức đấu thầu theo quy định hiện hành để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa đối với các tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia còn lại.

Điều 5. Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện thủy nội địa

1. Miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện thủy nội địa chở khách tốc độ cao và phương tiện thủy nội địa vận tải công-ten-nơ.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương:

a) Hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu đóng mới phương tiện thủy nội địa đẩy, kéo có trọng tải 1.500 tấn và công suất máy 250 sức ngựa trở lên; phương tiện thủy nội địa tự hành và phương tiện thủy nội địa chuyên dụng có trọng tải 800 tấn trở lên vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa, phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến đường thủy nội địa;

b) Hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với việc đóng mới phương tiện thủy chở khách ngang sông tại những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa có điều kiện phát triển hình thức giao thông khác.

Điều 6. Cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải và dịch vụ vận tải thủy nội địa

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương:

1. Trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa.

2. Miễn tiền vé đối với trẻ em dưới 6 tuổi.

3. Giảm giá vé đối với người có công với cách mạng, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi, học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam.

Điều 7. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo người lái phương tiện thủy nội địa

Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, hướng dẫn người điều khiển phương tiện thủy nội địa thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 8. Điều kiện được hưởng cơ chế, chính sách

1. Các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.

2. Các dự án về đầu tư phương tiện thủy nội địa, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải có quy hoạch được duyệt.

3. Trong trường hợp cùng thời gian, một số nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giao thông vận tải

a) Chủ trì đánh giá việc thực hiện Quyết định này và hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện;

b) Chủ trì triển khai thực hiện việc thí điểm quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quy định tại Khoản 4 Điều 4 Quyết định này đảm bảo thủ tục đơn giản, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tăng cường vai trò, trách nhiệm và hiệu quả quản lý nhà nước; tổ chức sơ kết đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục khuyến khích thực hiện xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước;

d) Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí ngân sách hàng năm thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa;

đ) Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa quy định tại Quyết định này.

2. Bộ Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan hướng dẫn việc miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện thủy nội địa chở khách tốc độ cao và phương tiện thủy nội địa vận tải công-ten-nơ;

b) Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc thực hiện chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng mới cảng thủy nội địa, cải tạo hệ thống kho, bãi, cầu tàu, hệ thống thoát nước và đường nội bộ của cảng thủy nội địa;

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thu nhập của doanh nghiệp phát sinh từ thực hiện các dự án đầu tư mới kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được áp dụng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện bố trí vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì đường thủy nội địa giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 theo quy định tại Quyết định này.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải cân đối ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa cho đến năm 2020.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Hướng dẫn việc bố trí quỹ đất cho các dự án đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hướng dẫn hồ sơ đăng ký khối lượng cát thu hồi trong quá trình thực hiện dự án nạo vét theo hình thức tận thu sản phẩm;

b) Chủ trì, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nạo vét luồng đường thủy nội địa.

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Tổ chức thực hiện đúng quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa đã được duyệt;

b) Ban hành cụ thể mức hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng để đầu tư phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa và mức hỗ trợ giá vé cho người sử dụng trên địa bàn;

c) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường bố trí quỹ đất cho các dự án đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương;

d) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cân đối ngân sách hàng năm để phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2015.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.