• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/01/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 16/03/2004
BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
Số: 32/TCCB-BCTL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 20 tháng 1 năm 1996

 

 

 

 

THÔNG TƯ

CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
Về việc hướng dẫn nội dung và hình thức thi tuyển vào các ngạch công chức - viên chức

_________________________

Căn cứ vào Điều 14 của Nghị định 25/CP ngày 23/5/1995 của Chính phủ về quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang;

Căn cứ vào Nghị định số 181/CP ngày 9/11/1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ;

Để xây dựng một đội ngũ công chức - viên chức trung thành với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt và tận tuỵ phục vụ nhân dân đồng thời để việc tuyển dụng công chức đi vào nền nếp, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ đã ban hành. Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện việc tổ chức thi tuyển dụng công chức - viên chức hành chính, sự nghiệp như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tất cả các cơ quan hành chính, sự nghiệp của Nhà nước, từ nay khi tuyển dụng công chức - viên chức nhất thiết phải thực hiện chế độ thi tuyển. Những người không qua thi tuyển đều không được tuyển dụng vào biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp của Nhà nước.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức thi tuyển:

a) Trung ương: là các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ.

b) địa phương: là Uỷ ban nhân dân tỉnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh).

3. Nếu một ngạch công chức mà nhiều cơ quan sử dụng có yêu cầu thì Bộ, ngành, tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển chung. Kết quả trúng tuyển sẽ được công bố công khai và phân bổ theo yêu cầu của cơ quan sử dụng.

II. ĐIỀU KIỆN TUYỂN DỤNG

1. Việc tuyển dụng công chức - viên chức vào cơ quan phải thuộc chỉ tiêu biên chế hàng năm được cơ quan có thẩm quyền thông báo; căn cứ vào nhu cầu, công việc và có vị trí việc làm; người được tuyển dụng thông qua thi tuyển theo tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch cần tuyển.

2. Hàng năm cơ quan tuyển dụng công chức phải lập kế hoạch tuyển dụng, cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức - viên chức theo quy định tại điểm 2, phần I của Thông tư này xem xét, phê duyệt trong chỉ tiêu biên chế được thông báo.

3. Người xin dự tuyển vào một ngành công chức phải có đủ các điều kiện sau:

Là công dân nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt nam.

Từ 18 tuổi trở lên.

Có phẩm chất, đạo đức, tư cách tốt.

Có đơn xin dự tuyển, có lý lịch rõ ràng và có đủ các văn bằng chứng chỉ quy định trong tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch đã được Nhà nước ban hành.

Có đủ sức khoẻ để đảm nhận nhiệm vụ.

Không trong thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang thi hành án.

III. HỒ SƠ CỦA NGƯỜI XIN THI TUYỂN GỒM

1- Đơn xin dự thi vào ngạch công chức.

2- Giấy khai sinh

3- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã, phường hoặc cơ quan bố, mẹ đang làm việc.

4- Các văn bằng, chứng chỉ ( không sử dụng bản sao bằng photocopy) theo yêu cầu trong tiêu chuẩn của ngạch dự tuyển.

5- Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp (bệnh viện thuộc huyện, quận trở lên).

IV. HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG THI TUYỂN

1. Hình thức thi tuyển gồm hai phần

Phần thi viết

Phần thi vấn đáp hoặc thực hành và vấn đáp

2. Nội dung thi tuyển do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành chuyên môn căn cứ vào tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch công chức chuyên ngành để biên soạn nội dung thi tuyển. Sau khi thống nhất với Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ bằng văn bản mới hướng dẫn việc tổ chức thi, nội dung thi, chấm thi, ...để các Bộ, ngành và tỉnh thống nhất thực hiện.

Cụ thể việc soạn thảo nội dung thi tuyển vào các ngạch thuộc chuyên ngành của các Bộ, ngành như sau:

Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ: cán sự, chuyên viên, kỹ thuật viên lưu trữ, lưu trữ viên trung cấp lưu trữ viên.

Bộ tài chính: kế toán viên sơ cấp, kế toán viên trung cấp, kế toán viên, nhân viên thuế, kiểm thu viên thuế, kiểm soát viên thuế, kiểm toán viên, thủ quỹ.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: kỹ thuật viên chẩn đoán động vật, chẩn đoán viên bệnh động động vật, kỹ thuất viên bảo vệ thực vật, dự báo viên bảo vệ thực vật, kỹ thuật viên giám định thuốc bảo vệ thực vật - thú y; giám định viên thuốc bảo vệ thực vật - thú y, kỹ thuật viên kiểm dịch động thực vật, kiểm dịch viên động thực vật, kỹ thuật viên kiểm nghiệm giống cây trồng, kiểm nghiệm viên giống cây trồng, kỹ thuật viên khử trùng thực vật, khử trùng viên thực vật, kiểm lâm viên sơ cấp, kiểm lâm viên, kiểm soát viên đê điều sơ cấp, kiểm soát viên đê điều.

Tổng cục hải quan: nhân viên hải quan, kiểm tra viên trung cấp hải quan, kiểm tra viên hải quan.

Ngân hàng: thủ kho tiền, vàng bạc, đá quý, kiểm ngân viên, kiểm soát viên ngân hàng.

Cục Dự trữ quốc gia: bảo vệ tuần tra canh gác, thủ kho, kỹ thuật viên kiểm nghiệm.

Tổng cục khí tượng thuỷ văn: quan trắc viên sơ cấp, quan trắc viên, dự báo viên.

Bộ Xây dựng: thẩm kế viên.

Bộ Khoa học công nghệ và môi trường: kỹ thuật viên, kỹ sư, nghiên cứu viên.

Bộ Giáo dục và đào tạo: giảng viên, giáo viên phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non.

Bộ Y tế: bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, y tá, y tá chính, y tá cao cấp, nữ hộ sinh, nữ hộ sinh chính, nữ hộ sinh cao cấp, kỹ thuật viên y, kỹ thuật viên y chính, kỹ thuật viên cao cấp, dược sĩ trung cấp, kỹ thuật viên chính dược.

Bộ Văn hoá thông tin: Biên tập viên, biên dịch viên, phóng viên, phát thanh viên, đạo diễn, quay phim, dựng phim, âm thanh, bảo tàng viên, thư viện viên, thư viện viên trung cấp, kỹ thuật viên bảo tàng - bảo tồn, hoạ sĩ, phương pháp viên, hướng dẫn viên, tuyên truyền viên, tuyên truyền viên chính.

Tổng cục thể dục thể thao: hướng dẫn viên, huấn luyện viên.

Thanh tra Nhà nước: thanh tra viên.

V. TỔ CHỨC THI TUYỂN

1. Cơ quan quản lý công chức có thẩm quyền (theo quy định tại điểm 2, phần I của Thông tư này) có thể tổ chức thi chung cho nhiều cơ quan hoặc ra quyết định thành lập Hội đồng thi cho các ngạch chuyên ngành như hướng dẫn của các Bộ, ngành có sự thoả thuận của ban tổ chức - cán bộ Chính phủ và tổ chức thi tuyển theo quy chế thống nhất do Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ ban hành.

2. Hội đồng thi tuyển:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển và quy định cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng thi tuyển. Hội đồng thi tuyển phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về tổ chức thi tuyển theo đúng quy chế.

b) Thành phần Hội đồng thi tuyển gồm:

Chủ tịch Hội đồng: ở Trung ương là đại diện lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. tỉnh là đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Phó Chủ tịch thường trực: ở Trung ương là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. tỉnh là Trưởng ban Tổ chức chính quyền.

Các Uỷ viên:

Một đại diện cơ quan sử dụng công chức.

Một công chức ở cùng ngạch.

Các công chức ở ngạch cao hơn ngạch thi tuyển.

Khi thi tuyển các ngạch công chức chuyên ngành thành phần Hội đồng thi được thành lập như công văn hướng dẫn của các Bộ, ngành (có sự thoả thuận của Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ) đã quy định.

c) Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi tuyển:

Hướng dẫn thể lệ, quy chế thi, nội dung thi, các tài liệu tham khảo cho người dự thi.

Xét duyệt hồ sơ cần thiết của người dự thi theo đúng yêu cầu phần III Thông tư này.

Lập danh sách người tham gia thi tuyển.

Tổ chức việc ra đề thi, chọn đề thi bảo đảm đúng nội dung hướng dẫn của các Bộ, ngành và yêu cầu nghiệp vụ tiêu chuẩn của ngạch công chức cần tuyển.

Tổ chức việc coi thi, chấm thi đảm bảo đúng quy chế, nghiêm túc, khách quan, công bằng, công khai và dân chủ.

Lập danh sách kết quả điểm thi theo thứ tự từ cao xuống thấp và công bố kết quả thi.

Báo cáo kết quả trúng tuyển trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét và báo cáo về Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ thoả thuận để ra quyết định tuyển dụng.

3. Một số quy định cụ thể về tổ chức thi tuyển:

a) Chủ tịch Hội đồng thi tuyển có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc ra đề thi (mỗi ngạch thi phải có tối thiểu 20 đề, thời gian làm bài từ 90 phút đến 120 phút), đáp án và thang điểm cho bài thi. Đề thi phải sát, phù hợp với nội dung của ngạch công chức thi tuyển. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chọn một đề chính thức, một đề dự bị. Đề thi được Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chuẩn bị, niêm phong, bảo quản và phát hành trước giờ thi 30 phút. Đáp án, thang điểm cho bài thi được giữ lại và khi chấm thi mới đưa ra.

b) Đề thi phải được giữ bí mật tuyệt đối, phải làm đầy đủ và đúng các thủ tục quy định về tổ chức thi, coi thi, chấm thi,...

c) Chủ tịch Hội đồng thi tuyển tổ chức việc chấm thi bao gồm: róc phách, bảo quản phách, cử người chấm thi, ghép phách, lên bảng điểm....

Mỗi phần thi phải được 2 giám khảo chấm ( theo thang điểm 10) điểm phần thi viết = (điểm giám khảo 1 + điểm giám khảo 2):2 .

Phần thi vấn đáp hoặc thực hành và vấn đáp: các câu hỏi thi vấn đáp cần được chuẩn bị trước. Nội dung câu hỏi thi vấn đáp theo hướng dẫn của các Bộ, ngành quản lý ngạch chuyên môn. Mỗi bàn thi gồm 2 giám khảo. Các giám khảo là thành viên của Hội đồng thi và một số công chức chuyên môn có đủ năng lực, trình độ để đánh giá, được Hội đồng tuyển dụng chọn và có quyết định chính thức trong ban giám khảo.

Thời gian thi vấn đáp hoặc thực hành và vấn đáp tối đa không quá 30 phút. Từng giám khảo cho điểm riêng. Điểm thi vấn đáp hoặc thực hành và vấn đáp tính như sau: Điểm thi vấn đáp (hoặc thực hành và vấn đáp) = ( Điểm giám khảo 1 + điểm giám khảo 2): 2.

Trường hợp điểm chấm của hai giám khảo (cả thi viết hoặc vấn đáp) nếu chênh nhau dưới 1 điểm thì cộng lại chia đôi. Nếu chênh nhau trên 1 điểm thì 2 giám khảo cần trao đổi để thống nhất. Trường hợp nếu hai giám khảo vẫn không nhất trí thì Chủ tịch Hội đồng thi sẽ xem xét và quyết định.

Kết quả thi tuyển là tổng số điểm của phần thi viết, thi vấn đáp (hoặc thực hành và vấn đáp) và điểm ưu tiên chính sách theo quy định tại điểm d dưới đây.

d) Một số quy định về điểm ưu tiên:

Đối với con liệt sĩ, con thương binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên được cộng thêm 2 điểm trong thi kết quả.

Đối với con thương binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 21% đến dưới 81% hoặc bản thân là thương binh, bệnh binh được cộng thêm 1 điểm vào kết quả thi.

Người dân tộc thiểu số được cộng thêm 1 điểm vào kết quả thi.

Những người học ở các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại hoặc học có bằng thi tốt nghiệp đạt từ loại giỏi trở lên được cộng thêm 1 điểm vào kết quả thi.

VI. TUYỂN DỤNG, NHẬN NHIỆM VỤ

1. Sau khi có kết quả thi tuyển trong vòng 15 ngày, cơ quan có thẩm quyền quản lý và tổ chức thi tuyển công chức - viên chức quy định tại điểm 2, phần I của thông tư này ra quyết định tuyển dụng và báo cáo danh sách về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ theo quy định. Người được tuyển dụng phải nằm trong chỉ tiêu biên chế của cơ quan, đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo và phải có số điểm mỗi phần thi đạt từ 5 điểm trở lên (thang điểm 10 bậc) và lấy theo thứ tự từ tổng số điểm cao nhất đến điểm thấp nhất.

Trường hợp những người có trúng tuyển kỳ thi, nhưng số lượng chỉ tiêu biên chế có hạn mà chưa được quyết định tuyển dụng thì cơ quan tổ chức thi tuyển báo cho đương sự biết. Kết quả thi tuyển được, bảo lưu trong thời hạn 1 năm; quá thời hạn một năm mà không có cơ quan sử dụng nào yêu cầu thì kết quả thi không còn hiệu lực.

2. Trong thời hạn 1 tháng kể từ khi có quyết định tuyển dụng, người được tuyển dụng phải đến cơ quan nhận việc. Trường hợp có khó khăn về gia đình và bản thân thì người được tuyển dụng có thể đề nghị gia hạn nhận việc nhưng phải được cơ quan sử dụng đồng ý. Trường hợp người tuyển dụng đến nhận việc chậm quá thời hạn nói trên, nếu không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền quyết định huỷ hoặc thu hồi quyết định tuyển dụng.

VII. TẬP SỰ, BỔ NHIỆM VÀO NGẠCH CÔNG CHỨC

1. Người được tuyển dụng vào công chức phải qua thời gian tập sự. Thời gian tập sự của ngạch thực hiện theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

2. Hết thời gian tập sự, cơ quan sử dụng công chức phải thành lập Hội đồng đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực và hiệu quả công tác của người đó, nếu đạt yêu cầu thì đề nghị cấp có thẩm quyền quản lý công chức theo quy định ở phần I của thông tư này để ra quyết định bổ nhiệm chính thức vào ngạch hoặc được uỷ quyền bổ nhiệm theo quy định của Chính phủ.

Người tập sự sau khi được đánh giá nếu không đạt yêu cầu thì không được bổ nhiệm và cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức ra quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định tuyển dụng. Thời gian công tác được tính từ ngày có quyết định tuyển dụng.

Người tập sự được hưởng mức lương tập sự của ngạch theo quy định của Chính phủ và các quyền lợi khác như công chức.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Việc tổ chức thi tuyển dụng công chức Nhà nước là làm thay đổi cơ bản về nhận thức, quan điểm, nguyên tắc về công tác tuyển dụng và bổ nhiệm công chức vào ngạch, làm cơ sở để thực hiện đúng chế độ trả lương theo lao động và thực hiện cải cách hành chính Nhà nước. Vì vậy, đề nghị các Bộ, ngành và tỉnh cần thực hiện tốt những việc sau đây:

1. Các bộ, ngành, tỉnh, cơ quan cần tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, xác định cụ thể các ngạch công chức cần có của từng tổ chức (tăng hoặc giảm). Trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch biên chế cho từng ngạch và gửi về Ban tổ chức - cán bộ Chính phủ chậm nhất là 15/9 hàng năm. Ban tổ chức - cán bộ Chính phủ xem xét, cân đối chung và sẽ giao chỉ tiêu biên chế theo từng ngạch cho các Bộ, ngành, tỉnh vào quý IV hàng năm.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngạch chuyên môn nói tại điểm 2 phần IV của Thông tư này xây dựng, biên soạn nội dung thi tuyển của ngạch công chức chuyên ngành, các câu hỏi giúp các Hội đồng thi tham khảo, lựa chọn khi ra đề thi và sau khi trao đổi thống nhất với Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ bằng văn bản sẽ hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.

3. Vụ tổ chức cán bộ các bộ, ngành Trung ương và Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc thi tuyển công chức Nhà nước, chấm dứt việc xét tuyển (trừ một số tỉnh, huyện vùng cao, vùng sâu, hải đảo, vùng xa xôi hẻo lánh chưa thể tổ chức thi tuyển được mà phải thực hiện việc xét tuyển thì tỉnh cần báo cáo về Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ danh sách xét tuyển để Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ xem xét trả lời trước khi ra quyết định tuyển dụng).

4. Cơ quan nào tổ chức không đúng quy trình, nội dung thi tuyển dụng công chức, không đảm bảo nguyên tắc chung sẽ bị huỷ bỏ quyết định tuyển dụng. Những người vi phạm quy chế thi tuyển hoặc có những hành động tiêu cực trong quá trình tổ chức thi tuyển thì tuỳ theo lỗi nhẹ, nặng mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Thông tư này thay thế các văn bản số 1138/TCCP-VC; số 166/TCCP-VC và số 99/TCCP-VC của Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ.

Trong quá trình tổ chức thực hiện có gì vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, tỉnh phản ảnh về Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ để nghiên cứu giải quyết.

 

Bộ trưởng (Trưởng ban)

(Đã ký)

 

Phan Ngọc Tường

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.