• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/05/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
CHÍNH PHỦ
Số: 12/2016/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 19 tháng 2 năm 2016

NGHỊ ĐỊNH

Về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

______________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;

Theo đnghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng chịu phí

1. Nghị định này quy định về đối tượng chịu phí, người nộp phí, mức thu, phương pháp tính phí và quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

2. Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này là dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Chương II

DANH MỤC, MỨC PHÍ, PHƯƠNG PHÁP TÍNH VÀ QUẢN LÝ

SỬ DỤNG PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Điều 3. Mc phí

1. Mức phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô: 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than: 50 đồng/m3. Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành): 35 đồng/m3.

2. Khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản khác theo Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Căn cứ mức phí quy định tại Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định này, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) quyết định cụ thể mức thu phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.

Điều 4. Phương pháp tính phí

1. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau:

F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2 )] x K

Trong đó:

- F là số phí bảo vệ môi trường phải nộp trong kỳ;

- Q1 là số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí (m3);

- Q2 là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (tấn hoặc m3);

- f1 là mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra: 200 đ/m3;

- f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3);

- K là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác, trong đó:

+ Khai thác lộ thiên (bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác titan, cát, sỏi lòng sông): K = 1,05;

+ Khai thác hầm lò và các hình thức khai thác khác (khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, nước khoáng thiên nhiên và các trường hợp còn lại): K = 1.

2. Đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác than, không thu phí đến hết năm 2017.

3. Số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí được xác định căn cứ vào tài liệu dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ, báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực tế đất đá bốc xúc thải ra.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xác định số lượng đất đá bốc xúc thải ra (Q1) quy định tại Khoản 1 Điều này.

4. Số lượng khoáng sản khai thác trong kỳ để xác định số phí bảo vệ môi trường phải nộp là số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác thực tế trong kỳ nộp phí (Q2). Trường hợp khoáng sản khai thác phải qua sàng, tuyển, phân loại, làm giàu trước khi bán ra và các trường hợp khác mà cần thiết phải quy đổi, căn cứ điều kiện thực tế khai thác và công nghệ chế biến khoáng sản trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục thuế địa phương để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Điều 5. Quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

1. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước, theo các nội dung cụ thể sau đây:

a) Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản;

b) Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra;

c) Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

2. Phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường thu được cho công tác bảo vệ môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

4. Hằng năm, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường có trách nhiệm công khai số phí bảo vệ môi trường do các doanh nghiệp đã nộp.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2016 và thay thế Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành mức phí mới theo quy định tại Phụ lục Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định này thì tiếp tục áp dụng mức phí đã ban hành; riêng đối với quặng nhôm, quặng bô-xít (bauxite); fenspat, serecit và graphit, trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành mức phí mới thì áp dụng mức tối đa quy định tại Phụ lục Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp, quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định tại Nghị định này và chỉ đạo cơ quan Thuế phối hợp với cơ quan quản lý Tài nguyên và Môi trường ở địa phương tổ chức quản lý thu phí theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật quản lý thuế.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý Tài nguyên và Môi trường ở địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu về các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản tại địa phương cho cơ quan Thuế và phối hợp với cơ quan Thuế quản lý chặt chẽ các đối tượng nộp phí quy định tại Nghị định này.

3. Chậm nhất đến ngày 31 tháng 7 năm 2016, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản áp dụng tại địa phương theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.