THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 14/2001/NĐ-CP ngày 25/4/2001 của Chính phủ
về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ
______________
Ngày 25 tháng 4 năm 2001 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2001/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ, để thi hành thống nhất Nghị định nêu trên, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện như sau:
I. VỀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA NGHỊ ĐỊNH
1. Hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo quy định của Nghị định số 14/2001/NĐ-CP bao gồm các lĩnh vực sau đây:
a) Bảo vệ con người bao gồm các hoạt động bảo vệ sự an toàn về tính mạng sức khoẻ, danh dự nhân phẩm của người được thuê bảo vệ theo hợp đồng;
b) Bảo vệ tài sản và hàng hoá là việc thực hiện các hoạt động bảo vệ nhằm bảo đảm sự an toàn cho tài sản, hàng hoá hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được thuê bảo vệ theo hợp đồng;
c) Sản xuất, sửa chữa phương tiện, hệ thống thiết bị kỹ thuật đặc biệt chuyên dùng cho hoạt động dịch vụ bảo vệ.
2. Những đối tượng, mục tiêu thuộc danh mục Nhà nước quy định do lực lượng Quân đội và công an nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác, bảo vệ và những đối tượng mà Chính phủ quy định do lực lượng bảo vệ của các cơ quan, doanh nghiệp đảm nhiệm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 14/2001/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn này, mà thực hiện thep quy định của pháp luật đối với từng đối tượng đó.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 4 Nghị định số 14/2001/NĐ-CP bao gồm:
a) Trang bị các loại vũ khí, các loại công cụ hỗ trợ đã được quy định tại Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Thông tư số 05/TT-BNV (C13) ngày 29 tháng 9 năm 1996 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 47/CP của Chính phủ để hoạt động dịch vụ bảo vệ;
b) Thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động điều tra bí mật (sử dụng người hoặc phương tiện kỹ thuật để bí mật theo dõi, thu thập các tin tức, tình hình có liên quan đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân); các hoạt động điều tra bí mật đó có thể là bí mật với cả đối tượng đang được điều tra và những người khác hoặc chỉ bí mật với đối tượng được điều tra, còn với người khác thì công khai.
c) Lợi dụng các hoạt động dịch vụ bảo vệ để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo vệ các việc làm trái pháp luật; đe doạ, ngăn cản người khác tố cáo các việc làm trái pháp luật hoặc cản trở, chống lại người thi hành công vụ.
II. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP VÀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ
1. Chỉ những doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của Nghị định số 14/2001/NĐ-CP, Thông tư hướng dẫn này và các quy định của pháp luật khác có liên quan mới được tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
2. Theo quy định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp và khoản 2 Điều 2 Nghị định số 14/2001/NĐ-CP, thì những cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây không được thành lập, quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản của Nhà nước hoặc công quỹ để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Người đang là cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
c) Người đang là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sỹ, công nhân viên Công an nhân dân trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người thành niên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
e) Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Hợp đồng thành viên của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập doanh nghiệp, không được làm người quản lý doanh nghiệp trong thời hạn từ một năm đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, trừ các trường hợp quy định tại Luật Phá sản doanh nghiệp;
g) Tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, hoặc của người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
h) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành các hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, người được hưởng án treo nhưng đang trong thời gian thử thách hoặc người bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
i) Người đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản chế hành chính; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; đưa vào trường giáo dưỡng;
k) Người có tiền án về các tội do lỗi cố ý mà chưa được xoá án tích; người đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác mà theo quy định của pháp luật chưa được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.
3. Những cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nêu tại điểm 2 Mục II của Thông tư này không được trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ bảo vệ.
4. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện một số hoạt động trực tiếp sản xuất, sửa chữa các phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc biệt chuyên dùng cho hoạt động dịch vụ bảo vệ (làm chuyên gia, công nhân kỹ thuật hoặc các hoạt động trực tiếp sản xuất khác), nhưng không được làm nhân viên bảo vệ để thực hiện các hoạt động bảo vệ con người, tài sản và hàng hoá theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 14/2001/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.
III. HỒ SƠ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ, BỔ SUNG NGÀNH NGHỀ KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ
1. Việc thành lập, đăng ký kinh doanh, bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ hoặc mở chi nhánh, văn phòng đại diện, mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, Nghị định số 14/2001/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" để hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ do Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc cho phép bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ khi trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ có "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" để hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ do Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.
IV. HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ (theo mẫu BV1 ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đề nghị bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được phép hoạt động trước khi ban hành Nghị định số 14/2001/NĐ-CP, thì phải có bản sao Giấy phép đầu tư, bản sao Điều lệ công ty đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (khi nộp bản sao phải xuất trình bản gốc để kiểm tra);
c) Quy chế về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, trong đó phải quy định rõ về tổ chức bộ máy của doanh nghiệp, phạm vi, địa bàn, phương thức, biện pháp tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ; việc tuyển dụng, đào tạo và quản lý nhân viên bảo vệ;
d) Danh sách và lý lịch (có ảnh và xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú) của sáng lập viên và những người dự kiến giữ các chức vụ chủ chốt của doanh nghiệp (Chủ tịch Hội đồng quản trị; Tổng giám đốc, Phó tổng Giám đốc; Giám đốc, Phó giám đốc).
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được phép hoạt động từ trước khi ban hành Nghị định số 14/2001/NĐ-CP, thì trong hồ sơ phải có bản khai nhân sự (mẫu BV2 ban hành kèm theo Thông tư này), bản photo Hộ chiếu (khi nộp bản photo phải xuất trình hộ chiếu để kiểm tra) của người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó. Nếu là doanh nghiệp liên doanh thì trong hồ sơ phải có thêm lý lịch (có ảnh và xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú) của những người Việt Nam giữ các chức vụ chủ chốt của doanh nghiệp.
2. Thẩm quyền, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự:
a) Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ và xem xét, cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" để hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ cho doanh nghiệp có trụ sở chính tại địa phương mình (trừ trường hợp hướng dẫn tại điểm 14 Mục V Thông tư này).
Trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phải phối hợp với các phòng nghiệp vụ có liên quan của Công an tỉnh, thành phố để đảm bảo cho việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được chặt chẽ, đúng pháp luật.
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ, xem xét thực tế một cách toàn diện, đầy đủ các điều kiện về an ninh, trật tự có liên quan đến con người và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp xin đăng ký kinh doanh hoặc xin bổ sung ngành nghệ kinh doanh dịch vụ bảo vệ để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho người nộp hồ sơ (theo mẫu BV3 ban hành kèm theo Thông tư này).
"Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" để hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ được cấp làm hai bản (một bản để đưa vào hồ sơ xin đăng ký kinh doanh, một bản lưu tại doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện để xuất trình khi được kiểm tra).
Trường hợp không đủ điều kiện về an ninh, trật tự hoặc hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan Công an tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ biết rõ lý do hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ.
c) Người xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ
1. Chậm nhất là 10 ngày trước khi chính thức hoạt động, người đứng đầu doanh nghiệp, đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện phải thông báo bằng văn bản cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện biết nơi đặt trụ sở, địa bàn và thời gian chính thức hoạt động. Đồng thời, phải gửi kèm theo các loại giấy tờ sau:
a) Đối với doanh nghiệp, phải gửi kèm theo bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ (có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền), danh sách những người trong ban lãnh đạo và nhân viên của doanh nghiệp (trong đó phải ghi rõ họ tên, năm sinh, Quốc tịch, quê quán và nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của những người đó).
b) Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, phải gửi kèm theo bản sao "giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" để hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ của doanh nghiệp; bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện (bản sao các loại giấy tờ nêu trên phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền), danh sách những người trong ban lãnh đạo và nhân viên của chi nhánh, văn phòng đại diện (trong đó phải ghi rõ họ tên, năm sinh, Quốc tịch, quê quán và nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của những người đó).
2. Người đứng đầu doanh nghiệp phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp mình; có trách nhiệm thông báo về số chi nhánh, văn phòng đại diện, nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý về tình hình hoạt động bảo vệ có liên quan đến an ninh, trật tự cho cơ quan Công an nơi đã cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" để hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ; chấp hành sự kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện các yêu cầu của cơ quan Công an có thẩm quyền.
3. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc (Tổng giám đốc) doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện do mình phụ tránh; có trách nhiệm báo cáo với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh, thành phố nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện về tình hình hoạt động của doanh nghiệp có liên quan đến an ninh, trật tự; chấp hành sự kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện các yêu cầu của cơ quan Công an có thẩm quyền.
4. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở tỉnh, thành phố này mà đưa nhân viên đến tỉnh, thành phố khác để thường xuyên hoạt động dịch vụ bảo vệ, thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hoạt động phải thông báo bằng văn bản về địa điểm, thời gian, phương thức hoạt động dịch vụ bảo vệ, đồng thời gửi kèm theo danh sách những nhân viên sẽ đến làm việc tại tỉnh, thành phố đó cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an cấp tỉnh nơi đến biết.
5. Trường hợp doanh nghiệp có sự thay đổi về người đứng đầu doanh nghiệp (Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị), thì người được thay thế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Nghị định số 14/2001/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này. Đồng thời, chậm nhất là 15 ngày sau khi có quyết định thay đổi người đứng đầu, doanh nghiệp phải sao gửi Quyết định bổ nhiệm, kèm theo lý lịch (có ảnh và xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú) của người được bổ nhiệm cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an cấp tỉnh nơi đã cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" để hoạt động kinh doanh dịch vụ biết.
6. Trường hợp mất "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" thì phải làm đơn gửi cơ quan Công an nơi đã cấp giấy chứng nhận đó để được cấp lại.
Trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hoặc không kinh doanh dịch vụ bảo vệ nữa, thì phải nộp lại "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" để kinh doanh dịch vụ bảo vệ cho cơ quan Công an đã cấp giấy chứng nhận đó.
7. Khi thay đổi trụ sở doanh nghiệp hoặc thay đổi nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, thì chậm nhất là 15 ngày sau khi thay đổi, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an cấp tỉnh nơi có trụ sở doanh nghiệp hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện biết.
8. Nhân viên bảo vệ trong khi thực hiện nhiệm vụ phải đeo biển hiệu ở trước ngực phía bên trái và phải mang theo "Giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ" do Giám đốc doanh nghiệp cấp để xuất trình khi cần thiết. Đồng thời có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản các giấy tờ đó, không được cho người khác mượn. Khi thôi làm nhân viên bảo vệ phải nộp trả doanh nghiệp biển hiệu và giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ.
9. Mẫu biển hiệu và giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ được quy định như sau:
Tên doanh nghiệp
Họ và tên
Số:
.
|
|
a) Biển hiệu nhân viên bảo vệ:
Kích thước 9 x 6 cm, nền màu trắng,
chữ mầu đen dòng trên cùng ghi
tên, doanh nghiệp, phía dưới ghi họ,
tên và dán ảnh của người được
cấp biển, dưới cùng là số biển
|
ảnh
(3x4cm)
|
b) Giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ: Kích thước 10 x6 cm, mặt trước nền mầu xanh da trời, chữ mầu đỏ; mặt sau nền màu trắng, chữ mầu đen và theo mẫu sau:
Giám đốc (Tổng giám đốc ).......
CHỨNG NHẬN:
Họ và tên:.............
......
Năm sinh: ................
..
Nơi đăng ký hộ khẩu thường
trú:........................................
là nhân viên bảo vệ của công ty.
...., ngày... tháng... năm.....
Giám đốc (Tổng giám đốc)......
(ký tên đóng dấu)
|
Mặt sau
|
ảnh
(3x4cm)
|
(TÊN DOANH NGHIỆP)
GIẤY CHỨNG NHẬN
NHÂN VIÊN BẢO VỆ
Số:
..
|
Mặt trước
|
10. Người đứng đầu doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ biển hiệu, giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng các loại giấy tờ đó của nhân viên doanh nghiệp mình.
11. Nhân viên bảo vệ trong khi thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện các vụ việc có liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra trong khu vực bảo vệ như: cháy, nổ, tai nạn gây thương tích hoặc chết người; gây rối trật tự công cộng hoặc những hành vi vi phạm pháp luật khác có dấu hiệu phạm tội, thì phải báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất, đồng thời có trách nhiệm tổ chức bảo vệ và giữ nguyên hiện trường, cấp cứu nạn nhân (nếu có) và tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.
12. Việc nhập khẩu, xuất khẩu các phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc biệt chuyên dùng cho hoạt động dịch vụ bảo vệ phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tổng cục Cảnh sát trước khi làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhập khẩu, xuất khẩu phương tiện, thiết bị kỹ thuật đó.
13. Doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc biệt chuyên dùng cho hoạt động dịch vụ bảo vệ phải ghi rõ tên, địa chỉ cơ sở sản xuất trên sản phẩm và phải đăng ký, lưu mẫu tại cơ quan Công an nơi đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trước khi cung cấp cho thị trường.
14. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ từ trước ngày ban hành Nghị định số 14/2001/NĐ-CP.
a) Phải làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo hướng dẫn tại điểm 1 Mục IV Thông tư này, gửi vể Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an để được xem xét, cấp giấy chứng nhận đó.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" để hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo đúng quy định của Nghị định số 14/2001/NĐ-CP và trình tự, thủ tục chung hướng dẫn tại Thông tư này.
b) Được tiếp tục hoạt động bình thường đến hết thời hạn ghi trong giấy phép theo đúng ngành nghề kinh doanh, phạm vi, địa bàn hoạt động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trong Giấy phép đầu tư và Điều lệ công ty;
c) Không được gia hạn Giấy phép đầu tư, không được bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ, không được mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động so với Giấy phép đầu tư hoặc Điều lệ công ty đã quy định.
d) Phải thực hiện đúng các quy định của Nghị định số 14/2001/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, cũng như quy định của pháp luật khác có liên quan; chấp hành nghiêm chỉnh sự kiểm tra, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
VI. KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM TRONG VIỆC CHẤP HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ AN NINH, TRẬT TỰ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ
1. Nội dung kiểm tra: cơ quan Công an có thẩm quyền chỉ được kiểm tra các vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự trong quá trình tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ, cụ thể như sau:
a) Kiểm tra các điều kiện về an ninh, trật tự trong quá trình tổ chức, hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
b) Kiểm tra các thủ tục, giấy tờ có liên quan đến an ninh, trật tự trong tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp.
c) Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và nhân viên bảo vệ.
d) Kiểm tra nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên bảo vệ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ và các cơ sở khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện chức năng đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên bảo vệ dịch vụ;
2. Thẩm quyền kiểm tra:
a) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ trên phạm vi cả nước và trực tiếp tiến hành việc kiểm tra khi cần thiết.
b) Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ trong phạm vi địa phương mình.
Việc kiểm tra được tiến hành theo định kỳ mỗi năm một lần và phải có kế hoạch, nội dung cụ thể để thông báo cho người đứng đầu doanh nghiệp biết trước khi tiến hành kiểm tra.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì được tiến hành kiểm tra đột xuất, nhưng sau khi kiểm tra xong phải có thông báo kết quả kiểm tra cho người đứng đầu doanh nghiệp biết và báo cáo Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả kiểm tra đó.
Nghiêm cấm việc lợi dụng công tác kiểm tra để gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát khi tiến hành kiểm tra phải mặc trang phục đúng Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân.
3. Xử lý vi phạm: mọi hành vi vi phạm các quy định về an ninh, trật tự trong tổ chức, hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ đều phải được kịp thời phát hiện, đình chỉ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp vi phạm nghiêm trọng các điều kiện về an ninh, trật tự trong tổ chức và hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ, thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn có thể bị thu hồi "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự".
Việc thu hồi "Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự" do cơ quan Công an đã cấp giấy chứng nhận đó hoặc cơ quan Công an cấp trên ra quyết định thu hồi.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định số 14/2001/NĐ-CP và Thông tư này; quy định thống nhất các loại biểu mẫu, hồ sơ nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát nhân dân để quản lý về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
2. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp và phối hợp với các cơ quan có liên quan nhằm quản lý tốt hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ trên địa bàn tỉnh, thành phố, chỉ đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt việc quản lý về an ninh, trật tự đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
3. Căn cứ vào quy định của Nghị định số 14/2001/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện đúng quy định của pháp luật về tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ trên địa phương mình.
4. Đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Công an trong việc quản lý kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
5. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
6. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục trực thuộc Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cần báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời.