QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành "hướng dẫn chung về nội dung và
thủ tục xây dựng tiêu chuẩn cơ sở"
______________
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN
ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG
- Căn cứ Nghị định số 22/HĐBT ngày 08/02/1984 của Hội đồng Bộ trưởng về chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
- Căn cứ Quyết định số 2424/2000/QĐ-BKHCNMT ngày 12/12/2000 về việc ban hành "Quy định tạm thời về công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn";
- Theo đề nghị của các ông Trưởng Ban Tổng hợp Pháp chế, Giám đốc Trung tâm tiêu chuẩn Chất lượng;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Hướng dẫn chung về nội dung và thủ tục xây dựng tiêu chuẩn cơ sở".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3. Các ông Giám đốc Trung tâm tiêu chuẩn Chất lượng, Trưởng Ban Tổng hợp Pháp chế và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
KT/ TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
(Đã ký)
Hồ Tất Thắng
|
HƯỚNG DẪN CHUNG
Về nội dung và thủ tục xây dựng tiêu chuẩn cơ sở
(Ban hành kèm theo Quyết định số 653/2000/QĐ-TĐC của Tổng cục trưởng
Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)
_________________
1. Quy định chung
1.1. Văn bản này hướng dẫn chung về nội dung và thủ tục xây dựng tiêu chuẩn cơ sở theo mục 2.3. của "Quy định tạm thời về công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn" ban hành kèm theo Quyết định số 2424/2000/QĐ-BKHCNMT ngày 12/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Đối tượng áp dụng văn bản này là các tổ chức, các nhà sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp... thực hiện việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm hàng hoá của mình (sau đó gọi là doanh nghiệp).
1.2. Tiêu chuẩn cơ sở là tài liệu quy định các yêu cầu chung và lặp đi lặp lại đối với hàng hoá của doanh nghiệp do lãnh đạo doanh nghiệp phê duyệt để sử dụng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.
1.3. Tiêu chuẩn cơ sở được xây dựng trên các thành tựu của khoa học, công nghệ, kinh nghiệm tiên tiến và khả năng thực tiễn của cơ sở. Khuyến khích chấp nhận các Tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc nước ngoài thành tiêu chuẩn cơ sở.
1.4. Nội dung tiêu chuẩn cơ sở không được trái với các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản pháp quy, các văn bản pháp quy kỹ thuật, các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành... mà hàng hoá của cơ sở thuộc danh mục hàng hoá phải áp dụng các tiêu chuẩn đó.
1.5. Tiêu chuẩn cơ sở phải được xem xét lại định kỳ hoặc khi có yêu cầu cần thiết để đảm bảo luôn đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với các quy định hiện hành.
1.6. Căn cứ hướng dẫn chung này, doanh nghiệp xây dựng, soát xét và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; chấp nhận tiêu chuẩn khác thành tiêu chuẩn cơ sở.
2. Trình bày tiêu chuẩn cơ sở
2.1. Khuôn khổ và mẫu trình bày tiêu chuẩn cơ sở phải thống nhất trong phạm vi toàn cơ sở.
Khổ giấy thường dùng là khổ A4 (210 mm x 297 mm). Trong trường hợp đóng thành từng tập tiêu chuẩn có thể sử dụng khổ giấy khác.
2.2. Tiêu chuẩn cơ sở cần phải trình bày ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, dễ đọc, không sai lỗi, thuận tiện sử dụng, dễ sủa chữa, dễ sao chụp, đảm bảo mỹ thuật.
2.3. Tiêu chuẩn cơ sở có thể đóng rời từng tiêu chuẩn hoặc thành từng tập tiêu chuẩn theo các đối tượng khác nhau; tiêu chuẩn cơ sở có thể sử dụng tờ rơi để thuận tiện cho việc bổ sung, huỷ bỏ hoặc thay thế nội dung. Tiêu chuẩn cơ sở có thể có tờ bìa hoặc không có tờ bìa.
3. Thể hiện nội dung của tiêu chuẩn cơ sở
3.1. Một tiêu chuẩn cơ sở phải có các phần sau:
- Phần khái quát.
- Phần kỹ thuật.
3.2. Phần khái quát nêu các nội dung: tên doanh nghiệp hoặc/và biểu tượng (logo) của doanh nghiệp; cụm chữ "tiêu chuẩn cơ sở"; ký hiệu và số hiệu tiêu chuẩn; tên gọi tiêu chuẩn; ngày tháng năm phê duyệt/ban hành; người phê duyệt; lần soát xét, ký hiệu tiêu chuẩn thay thế.
Nội dụng phần khái quát phải được bố trí hợp lý và được trình bày một cách mỹ thuật, có thể sử dụng khung tiêu đề hoặc các đường nét trang trí phụ trợ, đặc biệt trong trường hợp không có tờ bìa.
3.3. Phần kỹ thuật nêu các nội dung: phạm vi áp dụng và nội dung kỹ thuật của tiêu chuẩn. Nếu tiêu chuẩn cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc nước ngoài thì phải nêu ký hiệu và số hiệu tiêu chuẩn đó. Nội dung kỹ thuật của tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá quy định các điều khoản yêu cầu đối với hàng hoá có thể bao gồm:
- Thuật ngữ và định nghĩa;
- Ký hiệu;
- Quy cách;
- Yêu cầu kỹ thuật;
- Phương pháp thử;
- Ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản;
- Các yêu cầu cầu khác.
3.4. Tiêu chuẩn cơ sở có thể có lời nói đầu, mục lục, phụ lục, chú thích, bảng, hình vẽ, sơ đồ, công thức toán học... Nội dung, cách trình bày, vị trí các nội dung này có thể tham khảo "Hướng dẫn chung về thể hiện nội dung và trình bày tiêu chuẩn" ban hành kèm theo Quyết định 138/TĐC-QĐ ngày 25/05/1995 của Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
4. Thủ tục xây dựng tiêu chuẩn cơ sở
4.1. tiêu chuẩn cơ sở được xây dựng với sự tham gia của các bộ phận, cá nhân có liên quan, khách hàng và những tổ chức, cá nhân cần thiết khác và tuân thủ nguyên tắc đồng thuận sao cho ý kiến của các bên liên quan đều được lưu ý và không có bất đồng cơ bản nào đối với nội dung tiêu chuẩn.
4.2. Thủ tục và phương pháp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở phụ thuộc vào quy mô và đặc điểm của từng doanh nghiệp, do lãnh đạo doanh nghiệp quyết định và có thể theo các bước sau:
1) Xây dựng kế hoạch: mọi bộ phận, cá nhân đề xuất; lãnh đạo doanh nghiệp phê duyệt kế hoạch;
2) Soạn thảo dự thảo sơ bộ (dự thảo 1): có thể giao cho một bộ phận, cá nhân hoặc một ban soạn thảo:
3) Lấy ý kiến góp ý cho dự thảo: gửi dự thảo đến các bộ phận, cá nhân liên quan trong doanh nghiệp và có thể cả khách hàng và những tổ chức cần thiết khác.
4) Hoàn chỉnh dự thảo tiêu chuẩn: tiếp thu ý kiến góp ý, tổ chức hội nghị chuyên đề và hoàn chỉnh dự thảo;
5) Xét duyệt và công bố tiêu chuẩn: lãnh đạo doanh nghiệp phê duyệt tiêu chuẩn; công bố tiêu chuẩn; in và phân phối tiêu chuẩn trong nội bộ.