CHỈ THỊ
Về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng,
hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới
____________________________
Ngày 09 tháng 4 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Trong thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị này đã được các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cấp Hội Luật gia triển khai một cách nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi để kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vị trí và vai trò tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của Hội Luật gia, góp phần đoàn kết, tập hợp rộng rãi đội ngũ luật gia tự nguyện tham gia tổ chức Hội, hoạt động vì mục đích bảo vệ lẽ phải, công bằng và tiến bộ xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, quyền tự do dân chủ của công dân; bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ đường lối, chính sách đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước trên diễn đàn pháp lý quốc tế, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc hỗ trợ, tạo điều kiện để thành lập và kiện toàn tổ chức cán bộ Hội Luật gia ở một số Bộ, ngành và địa phương còn hạn chế và chưa phù hợp với tính chất của Hội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc thù. Việc phối hợp quản lý hoạt động của các luật gia, đặc biệt là những hội viên hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, thực hành quyền công tố, xét xử, điều tra... cũng như bồi dưỡng nghiệp vụ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên chưa được quan tâm đúng mức trong điều kiện cải cách tư pháp. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị chưa được thực hiện định kỳ, thường xuyên nên chưa kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia các cấp.
Nguyên nhân của những hạn chế nói trên là do một số Bộ, ngành, đơn vị và địa phương chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam; điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính hỗ trợ cho hoạt động của Hội Luật gia còn hạn hẹp.
Thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18 tháng 8 năm 2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam và Kết luận số 19-KL/TW ngày 23 tháng 5 năm 2012 của Ban Bí thư về tổng kết Chỉ thị số 56-CT/TW của Bộ Chính trị, để tiếp tục phát huy vai trò và khả năng của giới luật gia trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để củng cố và phát triển tổ chức của Hội Luật gia Việt Nam, cụ thể là:
a) Tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội Luật gia đã được thành lập kiện toàn tổ chức, phát triển hội viên; hỗ trợ việc thành lập tổ chức Hội Luật gia ở những nơi có đủ điều kiện thành lập tổ chức Hội mà chưa thành lập Hội theo đúng tôn chỉ, mục đích của Hội;
b) Lựa chọn, bố trí các luật gia có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, nhiệt tình và có đủ tiêu chuẩn làm cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công tác Hội. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ và hội viên;
c) Đảm bảo kinh phí để thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước giao và hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động để Hội Luật gia phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc thù.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tạo điều kiện để Hội Luật gia phát huy tốt hơn nữa vai trò và khả năng của Hội trong các hoạt động sau đây:
a) Xây dựng chính sách pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia các hoạt động cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng, chống tội phạm;
b) Tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, giám sát việc thi hành pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tư vấn, giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế nhà nước;
c) Nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Hội; xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý phù hợp với chủ trương xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Đảng và Nhà nước;
d) Tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn một số chức danh tư pháp, hội thẩm nhân dân và các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật;
đ) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ của các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại nhân dân; vận động luật gia là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết, góp phần xây dựng đất nước.
3. Trách nhiệm cụ thể của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Bộ Tư pháp đề xuất và thực hiện các biện pháp để phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong các hoạt động xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, giải quyết tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế nhà nước, giám sát việc thi hành pháp luật; tạo điều kiện để Hội Luật gia tham gia tích cực trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và các hoạt động khác được giao;
b) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn Hội Luật gia Việt Nam trong việc bố trí biên chế, cán bộ chuyên trách làm công tác hội; nghiên cứu, hướng dẫn việc thành lập, kiện toàn tổ chức và việc thống nhất thực hiện Điều lệ chung của Hội Luật gia phù hợp với tính chất là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và hội đặc thù theo quy định của pháp luật;
c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào chức năng, quyền hạn của mình có biện pháp cụ thể để đảm bảo, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, trụ sở, phương tiện hoạt động và tạo các điều kiện thuận lợi khác cho Hội Luật gia các cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các chế độ hiện hành của Nhà nước, tương xứng với vị trí, vai trò của Hội trong giai đoạn mới;
d) Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, tạo điều kiện để Hội Luật gia tham gia nghiên cứu khoa học pháp lý, thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội;
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn, tạo điều kiện để Hội Luật gia tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật theo quy định của pháp luật;
e) Thanh tra Chính phủ đề xuất và thực hiện các biện pháp để phát huy năng lực của các cấp Hội Luật gia trong việc tham gia vào các hoạt động tư vấn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật;
g) Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các biện pháp để phát huy vai trò của Hội Luật gia trong việc thực hiện đường lối đối ngoại nhân dân; tăng cường vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong Hiệp hội luật gia các nước ASEAN (ALA), Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) và các tổ chức luật gia dân chủ, tiến bộ trên thế giới; tăng cường các hoạt động nghiên cứu, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và học thuật trong lĩnh vực pháp luật, góp phần bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, nâng cao vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chỉ thị này; hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.