NGHỊ QUYẾT
Về thông qua đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh kon tum giai đoạn 2011-2015
_______________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002 và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của Liên Bộ: Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh Kon Tum;
Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/4/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015;
Sau khi xem xét Tờ trình số 53/TTr-UBND ngày 01/7/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc đề nghị thông qua Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh; ý kiến tham gia của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu Đề án
1.1. Mục tiêu chung
- Xây dựng nông thôn mới Kon Tum có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn xây dựng nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của nông dân ngày càng được nâng cao.
- Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với 22 xã được chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 của tỉnh phấn đấu mỗi năm đạt được ít nhất từ 2 đến 3 tiêu chí về nông thôn mới, đối với các xã còn lại mỗi năm đạt được ít nhất là 1 tiêu chí. Phấn đấu trong năm 2011 toàn tỉnh có 01 xã đạt xã nông thôn mới.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Về quy hoạch: Trong năm 2011 có 100% số xã hoàn thành Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới. Từng bước lập quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã, các điểm dân cư thôn, bản, các khu xây dựng mới và khu tái định cư nông thôn mới khi cần thiết.
- Về hạ tầng kinh tế - xã hội: Có trên 20% số xã đạt chuẩn theo tiêu chí. 100% số xã đạt chuẩn theo tiêu chí về: Hệ thống điện sinh hoạt; xóa nhà tạm, dột nát; tỷ lệ đường trục xã được cứng hóa đạt chuẩn; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh và có điểm phục vụ bưu chính viễn thông đạt chuẩn.
- Về kinh tế và tổ chức sản xuất: Có trên 20% số xã đạt chuẩn theo tiêu chí (về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; hình thức tổ chức sản xuất).
- Văn hóa - xã hội - môi trường: Có trên 20% số xã đạt chuẩn theo tiêu chí; có 100% số xã đạt chuẩn về: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia, các cơ sở sản xuất-kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp.
- Về hệ thống chính trị: Có trên 80% số xã đạt chuẩn về hệ thống chính trị (Trình độ cán bộ xã đạt chuẩn; có đủ số lượng các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo qui định; các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đạt danh hiệu tiên tiến trở lên);
- Về an ninh, trật tự xã hội: 100% số xã tiếp tục duy trì và đảm bảo về tình hình An ninh, trật tự xã hội.
2. Nhu cầu vốn và nguồn vốn đầu tư
Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án giai đoạn 2011-2015 là 3.674.030 triệu đồng. Trong đó:
- Vốn ngân sách nhà nước (vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án đang đầu tư trên địa bàn; ngân sách Trung ương đầu tư trực tiếp và ngân sách địa phương) 1.880.530 triệu đồng, khoảng 51%.
- Vốn huy động nhân dân đóng góp 268.000 triệu đồng, khoảng 7,3%.
- Vốn đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp, Hợp tác xã và các tổ chức hợp pháp khác 707.000 triệu đồng, khoảng 19%.
- Vốn tín dụng 818.000 triệu đồng, khoảng 22%.
3. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
(1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động;
(2) Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch nông thôn;
(3) Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn;
(4) Đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng;
(5) Củng cố, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất;
(6) Củng cố nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở;
(7) Tăng cường huy động các nguồn vốn để triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khoá X, kỳ họp thứ 2 thông qua./.