Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

____________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22/12/2011 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị “về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 05/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 26/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND tỉnh Kon Tum khóa X, kỳ họp thứ 9 về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 1774/TTr-SCT ngày 16/12/2014 của Sở Công Thương về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch khoáng sản) với các nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm quy hoạch:

- Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Kon Tum phải phù hợp với Luật Khoáng sản và các văn bản quy định có liên quan; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành có liên quan và chiến lược, quy hoạch khoáng sản của cả nước gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội;

- Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò;

- Khai thác, sử dụng khoáng sản bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến; thu hồi tối đa khoáng sản; gắn khai thác với chế biến sâu.

II. Mục tiêu quy hoạch:

- Định hướng cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội;

- Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản là cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng quản lý cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản nhằm sử dụng một cách có hiệu quả, đúng mục đích và phát triển bền vững;

- Phân kỳ công tác thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản theo từng thời kỳ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

- Từng bước tăng dần giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng trong giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 chiếm tỷ trọng từ 4% đến 6% và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm, đến năm 2030 là 12%/năm.

III. Nội dung quy hoạch

1. Phạm vi quy hoạch: Trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

2. Đối tượng quy hoạch: Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn; khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ giao địa phương quản lý, cấp phép; một số khoáng sản ở khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố, cụ thể:

2.1. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn (chi tiết có phụ lục 1 kèm theo)

Tổng số điểm quy hoạch 177, tổng diện tích đất sử dụng 4.379,8 ha, cụ thể:

TT

Loại khoáng sản

Số điểm QH

Tổng các kỳ QH

Giai đoạn đến 2020

Giai đoạn 2021-2030

Dự trữ

Diện tích (ha)

Trữ Iượng (ngàn m3)

Diện tích (ha)

Trữ Iượng (ngàn m3)

Diện tích (ha)

Trữ Iượng (ngàn m3)

Diện tích (ha)

Trữ Iượng (ngàn m3)

01

Đá xây dựng

63

1.129,6

95.611,9

422,5

33.578,2

394,5

33.427

312,6

28.606,7

02

Đất làm VLXDTT

9

136,0

8.160,0

42,1

2.526,0

93,9

5.634,0

-

-

03

Cát xây dựng

88

2.799,7

27.643,8

592,2

6.511,0

668,6

7.507,3

1.538,9

13.625,5

04

Sét gạch ngói

14

288,6

7.920,8

81,1

2.720,0

160,0

4.085,3

47,5

1.115,5

05

Than bùn

3

25,9

311,3

22,0

262,5

3,9

48,8

-

-

 

Tổng cộng

177

4.379,8

139.647,8

1.159,9

45.597,7

1.320,9

50.702,4

1.899,0

43.347,7

2.2. Khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ giao địa phương quản lý cấp phép: 01 điểm quặng sắt, xã Mô Rai (nay là xã Ia Đal), huyện Sa Thầy, cụ thể:

TT

Loại khoáng sản

Địa điểm

Diện tích (ha)

Trữ lượng (ngàn tấn)

Quy hoạch khai thác

1

Quặng sắt

Xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (nay là xã Ia Đal, huyện Sa Thầy)

26

803,436

Đến 20/6/2015

2.3. Khoáng sản phân tán nhỏ lẻ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định, công bố: Gồm 22 điểm, tổng diện tích 535 ha, cụ thể (chi tiết có phụ lục 2 kèm theo):

TT

Loại khoáng sản

Số điểm QH

Tổng các kỳ QH

Giai đoạn đến 2020

Giai đoạn 2021-2030

Diện tích (ha)

Tài nguyên (tấn)

Diện tích (ha)

Tài nguyên (tấn)

Diện tích (ha)

Tài nguyên (tấn)

1

Vàng

13

321,6

4,68

94,7

1,62

226,9

3,063

2

Sắt*

6

138,9

28.760

34

8.328,1

104,9

20.432

3

Chì

1

35,1

18,8

5

2,7

30,1

16,1

4

Secpentin

2

39,4

957.420

11

267.300

28,4

690.120

 

Tổng

22

535

986.203,5

144,7

275.632,4

390,3

710.571,1

* Riêng đối với 03 điểm quặng sắt tại xã Đăk Uy, huyện Đăk Hà thực hiện theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 05/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

2.4. Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh (chi tiết có phụ lục 3 kèm theo):

- Khu vực cấm hoạt động khoáng sản: 1.111 vị trí, khu vực, tuyến; tổng diện tích 297.421,31 ha.

- Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản: 732 vị trí; tổng diện tích 335,96 ha.

- Nhu cầu kinh phí: Tổng nhu cầu kinh phí dự kiến thực hiện Quy hoạch 3.064,4 tỷ đồng.

- Nguồn vốn thực hiện: Bao gồm vốn ngân sách nhà nước (lập quy hoạch; hỗ trợ một phần bằng vốn vay ưu đãi); vốn xã hội hóa (các doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản) và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

- Phân kỳ đầu tư:

+ Giai đoạn 1: Từ nay đến năm 2015: 358,5 tỷ đồng;

+ Giai đoạn 2: Từ 2016 - 2020: 1.314,6 tỷ đồng;

+ Giai đoạn 3: Từ 2021 - 2030: 1.391,3 tỷ đồng.

IV. Một số giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch

1. Về công tác quản lý quy hoạch, khai thác và sử dụng khoáng sản:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, nhất là đối với những khu vực có mỏ khoáng sản được quy hoạch và hoạt động khai thác khoáng sản. Thực hiện công bố, công khai quy hoạch; công khai minh bạch việc quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản.

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản có sự phân công cụ thể trách nhiệm của các ngành, địa phương. Công bố, quản lý các khu vực cấm, tạm thời cấm, khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản và các khu vực nhạy cảm: Di tích văn hóa, lịch sử, vườn quốc gia, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống...

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản tại địa phương. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp đối với hoạt động khoáng sản; đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch, dự án được phê duyệt. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, đơn vị vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản. Tăng cường công tác quản lý thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại thuế.

- Thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, ngăn chặn nguy cơ tái diễn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản; kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, nhất là lãnh đạo cấp xã đã để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài hoặc tái diễn.

2. Về cơ chế, chính sách

- Xây dựng cụ thể các giải pháp huy động vốn đầu tư, thu hút các nhà đầu tư tham gia hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản nhất là đối với một số loại khoáng sản là thế mạnh của tỉnh, nhu cầu của thị trường

- Xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư đối với các dự án khai thác, chế biến tại chỗ khoáng sản ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hay những dự án có áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, bảo đảm vệ sinh môi trường, các sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

- Thực hiện đấu giá quyền thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có năng lực, có công nghệ tiên tiến tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản.

- Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công nhân trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản.

3. Về bảo vệ môi trường và an toàn lao động:

- Các đơn vị thăm dò, khai thác khoáng sản phải chấp hành và thực hiện đầy đủ cam kết về bảo vệ môi trường; sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; hoàn trả mặt bằng, phục hồi môi trường, môi sinh sau khai thác theo phương án đã được phê duyệt.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát các quy trình, quy định về an toàn, vệ sinh công nghiệp trong quá trình sản xuất; trang bị bảo hộ lao động phù hợp với điều kiện, môi trường sản xuất tại các mỏ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trong quá trình sản xuất.

4. Về sử dụng hợp lý tài nguyên:

- Tăng cường và nâng cao chất lượng thẩm định đối với các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật; giám sát chặt chẽ việc khai thác theo đúng nội dung đã được thẩm định nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh.

- Yêu cầu các đơn vị khai thác đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến, công nghệ sạch trong khai thác; đầu tư dây chuyền chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị sản phẩm; tiếp cận công nghệ tiên tiến, quy trình công nghệ trong khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng sản xuất, chế biến sâu.

5. Về phát huy trách nhiệm của nhà đầu tư khai thác khoáng sản đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương:

Tăng cường trách nhiệm của nhà đầu tư khai thác khoáng sản đối với nghĩa vụ đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, có trách nhiệm trong việc cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư vùng mỏ; ưu tiên sử dụng lao động người địa phương; tích cực tham gia cải thiện môi trường xã hội.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương: Có trách nhiệm công bố quy hoạch này; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch; định kỳ hàng năm theo dõi, tham mưu điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả tỉnh; đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển ổn định và bền vững trong hoạt động khoáng sản của tỉnh.

2. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị khác có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ trì và phối hợp với Sở Công Thương triển khai cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp nêu trong quyết định này.

3. UBND các huyện, thành phố:

- Chấp hành nghiêm việc quản lý hoạt động khoáng sản theo quy hoạch đã phê duyệt; quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác, đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn quản lý; hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu hoạt động khoáng sản thực hiện theo Quy hoạch này, Luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành chức năng trong công tác kiểm tra, hậu kiểm; tăng cường công tác giám sát các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản về việc chấp hành quy trình công nghệ khai thác, chế biến, về bảo vệ môi trường đã được thẩm định và các nghĩa vụ đối với nhà nước, địa phương.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế:

- Quyết định số 47/2008/QĐ-UBND ngày 03/10/2008 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến 2015;

- Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND ngày 21/4/2010 của UBND tỉnh Kon Tum về việc Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXDTT trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015 và xét đến năm 2020;

- Quyết định số 25/2010/QĐ-UBND ngày 09/6/2010 của UBND tỉnh Kon Tum về việc Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015 và xét đến năm 2020;

- Quyết định số 40/2010/QĐ-UBND ngày 24/11/2010 của UBND tỉnh Kon Tum Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015;

- Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND ngày 30/6/2011 của UBND tỉnh Kon Tum về việc Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015;

- Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 27/10/2011 của UBND tỉnh Kon Tum về việc Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015 và xét đến năm 2020;

- Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND tỉnh Kon Tum về việc Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015 và xét đến năm 2020./

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Hùng