Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt dự án lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên

Khu Pù Mát, tỉnh Nghệ An (do EU tài trợ)

_______________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị định số 42-CP ngày 16-7-1996 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Công văn số 2732-NN/HTQT/CV ngày 14-8-1996); và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 5664-BKH/VPTĐ ngày 31-10-1996),

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án Lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên khu Pù Mát, tỉnh Nghệ An gồm các nội dung sau đây:

1. Tên Dự án: Lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên khu Pù Mát, tỉnh Nghệ An, mã hiệu của Dự án là ALA/94/24.

2. Địa bàn thực hiện Dự án và đối tượng hưởng lợi:

Vùng Dự án nằm trên địa bàn 3 huyện (Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn) bao gồm trên 90.000 ha rừng nguyên sinh và trên 100.000 ha vùng đệm nằm ở phía hữu ngạn sông Cả, trong đó có 12.000 ha rừng sản xuất, 16.000 ha rừng đầu nguồn và khoảng trên 60.000 ha đất trống có cây bụi, trảng cỏ, phần còn lại là đất thổ cư.

Đối tượng hưởng lợi: gồm trên 8.000 hộ gia đình nông dân, với khoảng 45.000 người, trong đó dân tộc Thái chiếm 62%, dân tộc Kinh chiếm 34%, còn lại là các dân tộc ít người khác. Đặc biệt Dự án hỗ trợ cho trên 120 hộ gia đình thuộc dân tộc Đan Lai là các hộ gia đình đặc biệt khó khăn.

3. Mục tiêu của Dự án: Đặt khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát trong một chương trình quản lý bảo tồn thích hợp, để bảo tồn bền vững 90.000 ha rừng nguyên sinh, tạo thế bền vững về môi trường sinh thái của vùng Bắc Khu 4 (cũ) và hoà đồng vào môi trường sinh thái chung của cả nước. Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình trên khu vực 100.000 ha vùng đệm, khai thác tiềm năng thế mạnh của khí hậu nhiệt đới, chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy, hướng dẫn nhân dân vùng đệm tham gia quản lý tài nguyên rừng và phục hồi, sử dụng đất đai lâu bền, phát triển các vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản và chăn nuôi đại gia súc, theo hướng sản xuất nông lâm kết hợp để tạo ra sản phẩm hàng hoá, cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng.

4. Nội dung hoạt động và các giải pháp chủ yếu:

- Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, trên cơ sở hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hoá;

- Dịch vụ phổ cập khuyến nông, khuyến lâm;

- Cải tạo nâng cấp đường giao thông, chủ yếu là đường từ huyện đến xã, cụm xã;

- Hỗ trợ kế hoạch hoá gia đình;

- Tái định cư các bản của đồng bào dân tộc Đan Lai;

- Tổ chức quản lý, bảo vệ và xây dựng khu bảo tồn (xây dựng khu văn phòng làm việc, trang bị phương tiện làm việc, lập hệ thống các trạm gác bảo vệ rừng...);

- Hỗ trợ các lâm trường quốc doanh chuyển đổi sang cơ chế quản lý mới;

- Nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo của cán bộ các cấp huyện, xã, thôn, bản, đồng thời đóng góp vào cải tiến chính sách, tổ chức và luật pháp về lâm nghiệp.

5. Nguồn vốn của Dự án: Nguồn vốn do EU viện trợ không hoàn lại 17,5 triệu ECU. Vốn đối ứng trong nước, 1,944 triệu ECU (tương đương với 28.451 triệu đồng Việt Nam, trong đó vốn đóng góp của dân 11.022 triệu đồng, vốn ngân sách cấp 17.429 triệu đồng).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ngành có liên quan chi tiết hoá phần vốn trong Hiệp định tài chính của Dự án viện trợ không hoàn lại của EU và nguồn vốn đối ứng trong nước phù hợp với mục tiêu hạng mục đầu tư để đảm bảo thực hiện đúng và có hiệu quả những mục tiêu Dự án đã đề ra.

Điều 2. Về tổ chức thực hiện Dự án:

1. Thời gian thực thi Dự án: 6 năm, từ năm 1996 đến 2001,

2. Cơ quan tài trợ: Liên minh châu Âu (EU),

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ quản đầu tư của Dự án,

4. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ đầu tư Dự án.

5. Thành lập Ban Điều hành Dự án:

- Ở Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì có sự tham gia của đại diện tỉnh Nghệ An và các cơ quan tổng hợp của Chính phủ.

- Ở cấp tỉnh, do đại diện lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban và đại diện của các Sở, Uỷ ban Nhân dân các huyện có liên quan là thành viên. Các hoạt động tác nghiệp dựa vào hệ thống lâm trường, kiểm lâm, khuyến nông hiện có trong vùng Dự án, có sự tăng cường hỗ trợ kinh phí của cả hai phía để chỉ đạo triển khai những nội dung của Dự án trên địa bàn của các huyện Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn đảm bảo tiến độ và có hiệu quả cao.

Điều 3. Các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải