QUYẾT ĐỊNH
Quy định nội dung chi, mức chi và nguồn kinh phí thực hiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum
________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 2919/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động;
Căn cứ Thông tư số 137/2013/TT-BTC ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp;
Theo đề nghị của Liên ngành: Ban An toàn giao thông - Sở Tài chính - Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 2762/LN:STC-SGTVT ngày 18 tháng 12 năm 2014 và Công văn số 32/LN:BATGT-TC-SGTVT ngày 07 tháng 4 năm 2015; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 299/BC-STP ngày 11 tháng 12 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định nội dung chi, mức chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo quy định Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 137/2013/TT-BTC ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính như sau:
1. Nội dung chi:
a) Chi hoạt động bộ máy của Ban An toàn giao thông cấp tỉnh, cấp huyện và bồi dưỡng cho lực lượng cấp xã (bao gồm công an xã) trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông bao gồm: chi thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, in ấn tài liệu phục vụ cho hoạt động các lực lượng xử phạt an toàn giao thông; chi bồi dưỡng kiêm nhiệm cho các thành viên của Ban An toàn giao thông các cấp; chi trả hợp đồng lao động phục vụ trực tiếp công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông các cấp;
b) Chi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn giao thông cho các đối tượng trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông của địa phương;
c) Chi mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, phương tiện, nhiên liệu, phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông;
d) Chi sửa chữa, đầu tư trang thiết bị hạ tầng phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (lắp đặt các loại biển báo, biển chỉ dẫn về an toàn giao thông,...) theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
2. Mức chi
a) Mức chi bồi dưỡng cho lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra tải trọng xe lưu động trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông ban đêm: tối đa 100.000 đồng/người/ca.
b) Chi thăm hỏi gia đình nạn nhân bị chết, nạn nhân bị thương trong các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn:
- Hỗ trợ nạn nhân bị chết 2.000.000 đồng/nạn nhân, gia đình nạn nhân;
- Hỗ trợ nạn nhân bị thương tối đa 1.000.000 đồng/nạn nhân. Tùy theo mức độ, hoàn cảnh kinh tế của nạn nhân bị thương, các đơn vị được giao nhiệm vụ quyết định mức chi hỗ trợ cho phù hợp.
c) Chi bồi dưỡng cho các lực lượng trực tiếp tham gia thường xuyên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (bao gồm cả lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra tải trọng xe hoạt động, trừ lực lượng công an thực hiện theo quy định của Trung ương) mức chi: tối đa 1.000.000 đồng/người/tháng
d) Chi bồi dưỡng kiêm nhiệm cho các thành viên Ban An toàn giao thông các cấp:
- Đối với Ban An toàn giao thông cấp tỉnh: Trưởng ban là 700.000 đồng/tháng; Phó Trưởng ban là 500.000 đồng/tháng; các thành viên Ban An toàn giao thông, công chức, viên chức tham mưu giúp việc cho Ban An toàn giao thông 300.000 đồng/tháng.
- Đối với Ban An toàn giao thông cấp huyện: Trưởng ban là 500.000 đồng/tháng; Phó Trưởng ban là 300.000 đồng/tháng; các thành viên Ban An toàn giao thông, cán bộ, nhân viên tham mưu giúp việc cho Ban An toàn giao thông 300.000 đồng/tháng.
e) Hỗ trợ, bồi dưỡng cho công an xã (trừ công an phường, thị trấn), các lực lượng khác của cấp xã trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng.
Ủy ban nhân cấp xã, căn cứ khả năng cân đối ngân sách cấp xã, nguồn thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông được để lại theo phân cấp, kinh phí ngân sách cấp huyện bổ sung hỗ trợ để điều động, tổ chức lực lượng đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn xã và quyết định mức chi bồi dưỡng cho lực lượng này phù hợp, đảm bảo hiệu quả và theo đúng quy định hiện hành.
3. Các nội dung chi và mức chi khác: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2013/TT-BTC ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính.
4. Nguồn kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Kinh phí ngân sách nhà nước cấp từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành do các địa phương thực hiện; các khoản hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
5. Nhiệm vụ chi đảm bảo an toàn giao thông thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó đảm bảo kinh phí thực hiện theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.
Điều 2. Giao Sở Tài chính hướng dẫn cho các đơn vị triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tư pháp, Tài chính, Giao thông vận tải, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày ký kể từ ngày ban hành và thay thế Quyết định số 1017/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc quy định mức chi, sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; Quyết định số 334/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc điều chỉnh Quyết định số 1017/QĐ-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum quy định mức chi, sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông./.