• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2021
QUỐC HỘI
Số: 60/2020/QH14
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kon Tum, ngày 17 tháng 6 năm 2020

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU

_____________________

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 và Luật Đê điều số 79/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 15/2008/QH12, Luật số 35/2018/QH14.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai

1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:

“5. Công trình phòng, chống thiên tai là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, bao gồm trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, kè, chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai.”.

2. Bổ sung khoản 6 và khoản 7 vào sau khoản 5 Điều 5 như sau:

“6. Ưu tiên bố trí nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản, xây dựng và triển khai chương trình khoa học và công nghệ trong phòng, chống thiên tai; tăng cường giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai.

7. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai

1. Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm:

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai;

b) Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền;

c) Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền;

d) Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền;

đ) Người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

2. Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, bao gồm dân quân ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu; dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương.

3. Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã quy định tại khoản 2 Điều này.”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 như sau:

“1. Vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai và vật tư, phương tiện, trang thiết bị khác của Nhà nước; huy động của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự chuẩn bị.

Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và quy định việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai.”.

5. Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 8 như sau:

“4. Nguồn khác theo quy định của pháp luật.”.

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

“Điều 9. Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai

1. Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hằng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính.

2. Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp.

Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Dự phòng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng theo quy định sau đây:

a) Hỗ trợ cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;

b) Căn cứ vào hoạt động ứng phó, mức độ thiệt hại, nhu cầu cứu trợ và chế độ, chính sách, Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương để xử lý nhu cầu khẩn cấp cho ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ngoài dự toán chi hằng năm đã được phê duyệt;

c) Trường hợp dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của địa phương và đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với mức độ nghiêm trọng, phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.”.

7. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 10 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 như sau:

“1. Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách bao gồm Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.

2. Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai được quy định như sau:

a) Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết từ Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác;

b) Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động; điều tiết từ Quỹ phòng chống, thiên tai trung ương, giữa các Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai được quy định như sau:

a) Không vì mục đích lợi nhuận;

b) Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch;

c) Hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.”.

8. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Điều tra cơ bản, xây dựng, phê duyệt và thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng, chống thiên tai.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và khoản 6 như sau:

“5. Xây dựng, phê duyệt và thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, Quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai; rà soát, có kế hoạch di dời dân cư vùng có rủi ro thiên tai rất cao.

6. Xác định cấp độ rủi ro thiên tai; bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.”.

9. Bổ sung Điều 13a vào sau Điều 13 như sau:

“Điều 13a. Điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai

1. Điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất để thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và hoạt động phòng, chống thiên tai.

2. Nội dung điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai bao gồm:

a) Hiện trạng về số lượng, chất lượng, năng lực của công trình phòng, chống thiên tai và công trình hạ tầng có liên quan đến phòng, chống thiên tai;

b) Hiện trạng về cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách, nhân lực, tài chính, trang thiết bị trong hoạt động phòng, chống thiên tai;

c) Hiện trạng hệ thống thông tin, quan trắc, giám sát thiên tai và các dữ liệu phòng, chống thiên tai;

d) Tác động của biến đổi khí hậu đến diễn biến thiên tai; tác động của thiên tai đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; các loại hình thiên tai; hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến phòng, chống thiên tai.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện, phê duyệt, công bố, quản lý kết quả điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và gửi kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quản lý.”.

10. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 như sau:

“c) Xác định nội dung, biện pháp phòng, chống thiên tai phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, chú ý khu vực nguy hiểm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông thuộc tỉnh; kế hoạch phòng, chống bão mạnh, siêu bão; kế hoạch phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển;”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 6 như sau:

“c) Xác định nội dung, biện pháp tổng thể, chương trình, đề án, dự án phòng, chống thiên tai phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, chú ý khu vực nguy hiểm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông; kế hoạch phòng, chống bão mạnh, siêu bão; kế hoạch phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển;”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 7 như sau:

“c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương.”.

11. Bổ sung Điều 18a vào sau Điều 18 như sau:

“Điều 18a. Bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng công trình

1. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, sử dụng khu khai thác khoáng sản và khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác; khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác phải thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quy chuẩn kỹ thuật, quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình có trách nhiệm thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định chung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành quy định cụ thể bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai quy định tại khoản 1 Điều này và tổ chức kiểm tra việc thực hiện.

5. Ủy ban nhân dân các cấp kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định tại khoản 2 Điều này.

6. Quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc quản lý, vận hành, sử dụng công trình quy định tại khoản 1 Điều này phải có nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.”.

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:

“Điều 19. Bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác

1. Chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai, bao gồm:

a) Hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai;

b) Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch.

2. Người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong hồ sơ dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác trước khi phê duyệt dự án và quyết định đầu tư.

3. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng mới hoặc nâng cấp công trình, nhà ở áp dụng tiêu chuẩn có nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.

4. Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng công trình phải có nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.”.

13. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 21 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Việc thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với từng loại đối tượng, trong đó có các hình thức chủ yếu sau đây:

a) Đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng;

b) Xây dựng tài liệu chuyên đề, tạp chí, tờ rơi, trong đó có tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số;

c) Tổ chức triển lãm, hội thảo, tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai;

d) Lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các cấp học;

đ) Tổ chức diễn đàn về phòng, chống thiên tai để tham vấn rộng rãi chính sách, pháp luật, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai;

e) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phòng, chống thiên tai.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 như sau:

“d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình, đề án về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;”.

14. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 24 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, đủ độ tin cậy, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng được chuyển tải bằng Tiếng Việt, đặc biệt quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương và trong trường hợp cần thiết được chuyển tải bằng tiếng dân tộc thiểu số.”;

b) Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 2 như sau:

“c) Bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng do tự nhiên phải bảo đảm thông tin về khu vực, loại rừng, diện tích, cấp độ rủi ro cháy.”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 như sau:

“a) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai liên quan đến khí tượng, thủy văn và hải văn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng do tự nhiên;”.

15. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25 như sau:

“4. Chính phủ quy định cụ thể các cơ quan có trách nhiệm truyền tin; tần suất, thời lượng phát tin chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai; mạng lưới thông tin, trang thiết bị phục vụ hoạt động chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai; tình huống khẩn cấp về thiên tai; các loại dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng.”.

16. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 26 như sau:

“5. Đối với nắng nóng, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh trên biển, sương mù, cháy rừng do tự nhiên và các loại thiên tai khác thì căn cứ vào dự báo, cảnh báo, tính chất và diễn biến thực tế của từng loại thiên tai, chủ động triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với tình huống cụ thể.”.

17. Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 30 như sau:

“3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.

18. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 32 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Nguồn lực cho cứu trợ khẩn cấp bao gồm lương thực, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước và môi trường thuộc dự trữ quốc gia; kinh phí dự phòng hằng năm từ ngân sách nhà nước; Quỹ phòng, chống thiên tai và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ quốc tế.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 như sau:

“c) Nguồn lực cho hỗ trợ trung hạn bao gồm lương thực, hàng hóa dự trữ của Nhà nước; ngân sách nhà nước; Quỹ phòng, chống thiên tai và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ quốc tế.”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 như sau:

“c) Nguồn lực cho hỗ trợ dài hạn bao gồm ngân sách nhà nước và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ quốc tế;”.

19. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 33 như sau:

“2. Thẩm quyền huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền huy động nguồn lực của Nhà nước theo thẩm quyền để phục vụ công tác cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về dự trữ quốc gia. Việc hỗ trợ dài hạn thực hiện theo kế hoạch hằng năm;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai, ưu tiên cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật này;

c) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động quyên góp, tiếp nhận và phân bổ nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ vận động quyên góp, tiếp nhận nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn và chuyển giao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phân bổ.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ở địa phương phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tiếp nhận, phân bổ nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn;

d) Tổ chức, cá nhân được phép quyên góp từ cộng đồng theo quy định của pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn;

đ) Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm kêu gọi, tiếp nhận các khoản hỗ trợ khẩn cấp từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai và chuyển giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phân bổ.”.

20. Sửa đổi, bổ sung tên Chương IV như sau:

“Chương IV

KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI”

21. Bổ sung Điều 39a vào sau Điều 39 như sau:

“Điều 39a. Khoa học và công nghệ trong phòng, chống thiên tai

1. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, truyền tin các loại hình thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động có thể làm gia tăng rủi ro thiên tai.

2. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, vật liệu mới để nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng công trình phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn công trình đê điều, công trình phòng, chống sạt lở, sụt lún đất, hồ, đập và công trình phòng, chống thiên tai khác.”.

22. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 40 như sau:

“a) Kêu gọi quốc tế hỗ trợ cho việc ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 33 của Luật này; đồng thời là đầu mối của Việt Nam hỗ trợ các quốc gia khác theo chỉ đạo của Chính phủ;”.

23. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 44 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai làm nhiệm vụ điều phối liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai trên phạm vi toàn quốc.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; thành viên của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai bao gồm Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc đại diện lãnh đạo của một số bộ, cơ quan có liên quan và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và có cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ để tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp để giúp Ủy ban nhân dân chỉ huy và tổ chức công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.

Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh sử dụng bộ phận hiện có của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm chuyên trách để tham mưu, giúp việc.”.

24. Thay thế cụm từ “Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai” bằng cụm từ “Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai” tại khoản 1 Điều 17, khoản 4 Điều 22, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 25, Điều 26, Điều 27, khoản 2 và khoản 4 Điều 28, khoản 2 Điều 29, khoản 2 Điều 30, khoản 2 và khoản 4 Điều 31, khoản 3 Điều 42, khoản 4 Điều 44.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều

1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 19 như sau:

“19. Bãi nổi hoặc cù lao là vùng đất nổi trong phạm vi lòng sông.”;

b) Bổ sung khoản 23 vào sau khoản 22 như sau:

“23. Bờ sông là ranh giới giữa mái dốc của lòng sông với mặt đất tự nhiên của bãi sông.”.

2. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 7 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:

“5. Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông không gồm bãi nổi hoặc cù lao, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 7 như sau:

“7. Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.”;

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 10 như sau:

“10. Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác, đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều, các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý, khắc phục.”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 25 như sau:

“2. Việc cấp giấy phép cho những hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này phải căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật về đê điều, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành. Khi cấp giấy phép cho những hoạt động quy định tại các điểm a, b, c và h khoản 1 Điều này đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”.

4. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 28 như sau:

“b) Việc xây dựng cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy; an toàn đê điều theo quy định của Luật này và bảo đảm giao thông đường thủy theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; vật liệu phế thải và lán trại trong quá trình thi công không được ảnh hưởng đến dòng chảy và phải được thanh thải sau khi công trình hoàn thành.

Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê.”.

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 39 như sau:

“2. Lập biên bản vi phạm hành chính, buộc chấm dứt hành vi vi phạm và chuyển ngay đến người có thẩm quyền để tiến hành xử phạt.”.

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 42 như sau:

“4. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy điện, chỉ đạo thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vận hành hồ chứa thủy điện.”.

7. Bổ sung, thay thế một số cụm từ tại một số điều như sau:

a) Bổ sung cụm từ “, bãi nổi hoặc cù lao” vào sau cụm từ “bãi sông” tại tên Điều 26, Điều 27;

b) Thay thế cụm từ “Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão” bằng cụm từ “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” tại khoản 11 Điều 3, khoản 2 Điều 35;

c) Thay thế cụm từ “Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão trung ương” bằng cụm từ “Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai” tại khoản 2 Điều 35;

d) Thay thế cụm từ “Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương” bằng cụm từ “Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai” tại khoản 7 Điều 36.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020.

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Kim Ngân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.