• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/10/2005
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 23/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kon Tum, ngày 31 tháng 8 năm 2005

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn xếp hạng và xếp lương đối với thành viên chuyên trách

Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc,

Phó giám đốc, Kế toán trưởng công ty nhà nước

 

Thi hành khoản 3, Điều 7, Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước, liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn xếp hạng công ty và xếp lương đối với thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng như sau:

 

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN XẾP HẠNG CÔNG TY

1. Đối tượng áp dụng:

Đối tượng áp dụng là các công ty được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:

a) Công ty nhà nước độc lập;

b) Công ty thành viên (hạch toán độc lập và hạch toán phụ thuộc) của Tổng công ty nhà nước;

c) Công ty mẹ của công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Nghị định số 153/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ.

Các công ty nêu trên được gọi tắt là công ty.

2. Điều kiện áp dụng:

Các công ty có đủ 2 điều kiện sau đây thì được xếp hạng công ty:

a) Tiêu chuẩn xếp hạng công ty đã được liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành theo đề nghị của các Bộ quản lý ngành (phụ lục số 01 kèm theo);

b) Năm xếp hạng không nằm trong danh sách chuyển đổi hình thức sở hữu: (cổ phần hoá, giao, bán); thay đổi phương thức quản lý (khoán, cho thuê); tổ chức lại (sáp nhập, hợp nhất, chia tách); giải thể, phá sản.

II. CÁCH XẾP HẠNG, THỦ TỤC HỒ SƠ ĐỂ XẾP HẠNG CÔNG TY

1. Cách xếp hạng:

Việc định hạng thực hiện như sau:

a) Căn cứ tiêu chuẩn xếp hạng tại Phụ lục số 01 và hướng dẫn xếp hạng tại Phụ lục số 02 công ty thực hiện việc định hạng theo quy định:

- Đối với các công ty đã được cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng thì trong vòng 01 năm kể từ khi Thông tư này có hiệu lực phải thực hiện việc định hạng lại và trình cấp có thẩm quyền quyết định;

- Đối với các công ty đã thành lập nhưng chưa xếp hạng thì khi Thông tư này có hiệu lực phải tiến hành định hạng ngay và trình cấp có thẩm quyền quyết định;

- Đối với công ty thành lập mới thì sử dụng tiêu chuẩn xếp hạng đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành để tạm thời định vào hạng II hoặc hạng III và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Sau 01 năm kể từ ngày xếp hạng tạm thời phải thực hiện việc định hạng để xếp hạng chính thức.

b) Sau 3 năm (tròn 36 tháng) kể từ ngày có quyết định xếp hạng, công ty có trách nhiệm định lại hạng của công ty và trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Đối với công ty xếp hạng tạm thời, nếu hạng được xếp bằng hoặc nhỏ hơn khi xếp tạm thời thì thời hạn định lại hạng của công ty được tính từ khi xếp tạm thời.

c) Cách xếp hạng quy định tại tiết a, tiết b nêu trên chỉ áp dụng đối với các công ty xếp hạng I, hạng II và hạng III.

Đối với các Tổng công ty, công ty đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng đặc biệt theo tiêu chuẩn xếp hạng ban hành tại Quyết định số 185/TTg ngày 28 tháng 3 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ hoặc đã được các Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng Tổng công ty thì được giữ nguyên hạng đã được xếp.

Đối với các Tổng công ty (kể cả công ty) bảo đảm các tiêu chuẩn xếp hạng theo Quyết định số 185/TTg nêu trên thì đề nghị liên Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xếp hạng đặc biệt.

2. Thủ tục, hồ sơ xếp hạng:

a) Trách nhiệm của công ty: căn cứ quy định tại điểm 1 nêu trên, công ty thực hiện việc định hạng và có công văn kèm hồ sơ quy định dưới đây gửi cơ quan cấp trên có thẩm quyền quyết định xếp hạng (Bộ quản lý ngành; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; Hội đồng quản trị Tổng công ty thành lập theo Quyết định số 91/TTg ngày 07 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ). Trường hợp công ty xếp vào hạng I thì báo cáo để cơ quan cấp trên có thẩm quyền đăng ký với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính. Hồ sơ đề nghị xếp hạng gồm có:

- Công văn đề nghị;

- Bảng tính điểm theo các chỉ tiêu xếp hạng (Mẫu số 01); Biểu tổng hợp số lao động thực tế sử dụng bình quân (Mẫu số 03); Danh sách các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc (Mẫu số 04);

- Bản sao có công chứng Quyết định thành lập và giấy đăng ký kinh doanh;

- Bản sao báo cáo tài chính 2 năm trước liền kề và kế hoạch năm xếp hạng.

Báo cáo tài chính được lập theo quy định tại Quyết định số 167/2000/QĐ-BTC ngày 25 tháng 10 năm 2000 và Thông tư số 23/2005/TT-BTC ngày 30 tháng 03 năm 2005 của Bộ Tài chính (nếu đã kiểm toán thì gửi kèm bản sao báo cáo kiểm toán).

b) Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị Tổng công ty thành lập theo Quyết định số 91/TTg ngày 07 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm:

- Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị xếp hạng và ra quyết định xếp hạng II, hạng III đối với công ty thuộc quyền quản lý trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

- Tiếp nhận, có công văn (kèm theo hồ sơ) gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để đăng ký đối với công ty đề nghị xếp hạng I và ra quyết định xếp hạng I sau khi có văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về việc đăng ký nói trên.

- Quý IV hằng năm, tổng hợp số Tổng công ty, công ty được xếp hạng thuộc thẩm quyền quản lý (theo Mẫu số 05 và Mẫu số 06) và báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký xếp hạng I và trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phải có văn bản gửi cơ quan đề nghị.

III. XẾP LƯƠNG THEO HẠNG

1. Nguyên tắc:

Xếp lương theo hạng đối với Thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng (gọi tắt là viên chức quản lý công ty) theo nguyên tắc sau:

a) Công ty được xếp hạng nào thì tuỳ theo chức danh đảm nhận để xếp lương tương ứng với hạng đó theo bảng lương của thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị hoặc theo bảng lương của Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng. Khi hạng công ty thay đổi (nâng hạng hoặc xuống hạng) thì việc xếp lương cũng được thay đổi theo;

b) Khi viên chức quản lý không còn đảm nhận các chức danh theo hai bảng lương nói trên, thì phải xếp lương theo công việc mới đảm nhận, không bảo lưu mức lương theo hạng đã được xếp;

c) Cấp nào quyết định bổ nhiệm các chức danh theo hai bảng lương nói trên thì cấp đó quyết định xếp lương.

2. Xếp lương:

Việc xếp lương thực hiện theo quy định sau:

a) Khi hạng công ty không thay đổi, viên chức quản lý đang hưởng bậc lương tương ứng với chức danh nào thì giữ nguyên bậc lương đó.

b) Khi công ty được nâng từ hạng dưới lên hạng trên, viên chức quản lý đang hưởng bậc lương tương ứng với chức danh nào thì xếp vào chức danh đó theo quy định như sau:

- Bậc 1 hạng dưới xếp vào bậc 1 hạng trên, thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ khi có quyết định xếp lương bậc 1 hạng trên;

- Bậc 2 hạng dưới xếp vào bậc 1 hạng trên, nếu có thời gian giữ bậc 2 hạng dưới dưới 3 năm, thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ khi có quyết định xếp lương bậc 2 hạng dưới;

- Bậc 2 hạng dưới xếp vào bậc 2 hạng trên, nếu có thời gian giữ bậc 2 hạng dưới từ 3 năm trở lên hoặc hệ số lương chức vụ bậc 2 hạng dưới cộng với hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) cao hơn hệ số lương bậc 1 của hạng trên.

Trường hợp viên chức quản lý có hệ số lương chức vụ cộng với hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) cao hơn hệ số lương bậc 2 hạng trên thì được chuyển xếp vào bậc 2 hạng trên và hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu tính lại theo lương đã chuyển xếp vào hạng (nếu có).

c) Khi công ty từ hạng trên hạ xuống hạng dưới, viên chức quản lý đang hưởng bậc lương tương ứng với chức danh nào thì xếp vào chức danh đó theo quy định như sau:

- Bậc 1 hạng trên xếp vào bậc 1 hạng dưới, thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ khi xếp bậc1 hạng trên;

- Bậc 2 hạng trên xếp vào bậc 2 hạng dưới.

d) Đối với viên chức quản lý mới được bổ nhiệm, đảm nhận chức danh nào thì xếp vào chức danh đó theo hạng công ty theo quy định như sau:

- Xếp vào bậc 1, nếu hệ số lương trước khi bổ nhiệm bằng hoặc thấp hơn hệ số lương bậc 1. Thời gian nâng bậc lương tính từ khi xếp lương bậc 1. Trường hợp mức chênh lệch giữa hệ số lương trước khi bổ nhiệm và hệ số lương bậc 1 nhỏ hơn 70% khoảng chênh lệch giữa hệ số lương bậc 1 và bậc 2 thì thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ khi xếp mức lương trước khi bổ nhiệm;

- Xếp vào bậc 2 nếu hệ số lương trước khi bổ nhiệm cao hơn hệ số lương bậc 1.

đ) Đối với viên chức quản lý không còn đảm nhận các chức danh theo hai bảng lương nói trên thì xếp lại lương theo công việc, chức vụ mới, không bảo lưu hệ số lương cũ hoặc chuyển ngang sang hệ số lương mới tương đương.

Ví dụ: Ông M, đang xếp lương bậc 2, Giám đốc công ty hạng II có hệ số lương 6,31 (trước khi xếp lương chức vụ Ông M xếp lương chuyên môn bậc 4 ngạch chuyên viên chính có hệ số lương 4,10 từ tháng 12/1996). Tháng 10/2005 ông M được điều động làm Trưởng phòng kế hoạch Tổng công ty thì việc chuyển xếp lương của ông M thực hiện như sau:

Lấy hệ số lương chuyên môn của ông M trước khi xếp lương chức vụ là chuyên viên chính, bậc 4 hệ số 4,10 (quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ) chuyển xếp lương mới hệ số là 4,99 (quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ), thời gian giữ hệ số lương 4,10 đến khi thôi giữ chức vụ quản lý là 8 năm 10 tháng (tháng 12/1996 đến tháng 10/2005) nên ông M được chuyển xếp lương vào ngạch chuyên viên chính, bậc 6 có hệ số lương 5,65 và hưởng phụ cấp giữ chức vụ Trưởng phòng của Tổng công ty.

Thời gian còn lại chưa đủ xếp lên 1 bậc nữa (8 năm 10 tháng - 6 năm/2 bậc = 2 năm 10 tháng) được bảo lưu đến khi đủ 3 năm (36 tháng) thì nâng tiếp thêm 1 bậc, thời gian giữ bậc để nâng lương lần sau tính từ ngày nâng bậc lương.

3. Xếp lương đối với viên chức quản lý Tổng công ty:

a) Đối với các Tổng công ty, công ty đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng đặc biệt; được Bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng Tổng công ty trước khi Thông tư này có hiệu lực thì viên chức quản lý đang đảm nhận chức danh nào và xếp lương ở hạng nào thì chuyển xếp ngang sang bậc lương mới theo hướng dẫn xếp lương tại điểm 2 nói trên;

b) Đối với công ty nằm trong phương án tổng thể, chuyển đổi và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Nghị định số 153/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì từ khi Thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2006, viên chức quản lý được tạm thời xếp lương theo quy định tại văn bản số 4532/VPCP-VX ngày 12 tháng 8 năm 2005 của Văn phòng Chính phủ, cụ thể:

- Đối với Tổng công ty, công ty nhà nước độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập, viên chức quản lý công ty mẹ đang đảm nhận chức danh nào được xếp lương tương ứng với chức danh đó theo hạng doanh nghiệp đã xếp trước khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

- Đối với công ty nhà nước độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng Công ty hạng đặc biệt đang xếp hạng I, nếu có đủ 3 điều kiện: vốn nhà nước từ 100 tỷ đồng, hàng năm nộp ngân sách nhà nước từ 30 tỷ đồng và lợi nhuận từ 30 tỷ đồng trở lên thì báo cáo với Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng quản trị Tổng công ty thành lập theo Quyết định số 91/TTg ngày 07 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ có công văn kèm theo hồ sơ (bản sao phương án tổng thể chuyển sang hoạt động theo theo mô hình công ty mẹ - công ty con đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quyết định xếp hạng I và báo cáo tài chính 2 năm trước liền kề của công ty mẹ chưa hợp nhất báo cáo tài chính từ các công ty con) đăng ký với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xếp lương đối với viên chức quản lý theo hạng Tổng công ty và tương đương theo quy định tại tiết b, điểm 2, mục III Thông tư này.

Từ năm 2007 trở đi viên chức quản lý của các công ty nêu trên xếp lương theo hạng công ty theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 17/1998/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31 tháng 12 năm 1998 và Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 04 tháng 4 năm 2000 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn xếp hạng doanh nghiệp nhà nước.

2. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác khi vận dụng các qui định tại Thông tư này thì phải thực hiện đúng các quy định về xếp hạng và xếp lương theo quy định của Thông tư này. Riêng các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác thì không phải thực hiện thủ tục đăng ký với liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hoặc trình cơ quan nhà nước quyết định hạng theo quy định của Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, đề nghị các Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng quản trị Tổng công ty thành lập theo Quyết định số 91/TTg ngày 07 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết./.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Thị Hằng

Nguyễn Sinh Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.