• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/07/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 05/04/2003
CHÍNH PHỦ
Số: 36/2001/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kon Tum, ngày 10 tháng 7 năm 2001

 

 

 

 

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

và trật tự an toàn giao thông đô thị

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này "Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị"; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, y ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Điều 2. Cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và mọi cá nhân có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Điều 3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia, giáo dục, động viên nhân dân và giám sát việc thi hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Điều 4.

1. Mọi hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị phải được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật. Khi xử lý, phải căn cứ vào lỗi của người vi phạm không được phân biệt đối tượng là người đi bộ, người điều khiển phương tiện thô sơ hay cơ giới. Thực hiện mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Đối với phương tiện tham gia giao thông thuê người lái xe, cần phân biệt trách nhiệm của người lái và của chủ sở hữu phương tiện.

2. Những người lợi dụng xảy ra tai nạn mà xúi giục, gây sức ép, làm cản trở cho việc xử lý cũng bị xử lý theo pháp luật.

3. Những người thi hành công vụ về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị như tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, cấp Giấy phép lái xe, kiểm tra an toàn kỹ thuật, đăng ký phương tiện không làm tròn trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

 

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Điều 5. Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải

1. Ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật các công trình giao thông đường bộ và các quy định sử dụng nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường bộ; định kỳ kiểm tra các công trình giao thông và có thông báo kịp thời để người sử dụng được an toàn.

2. Quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng kỹ thuật các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cấp chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo định kỳ.

3. Quy định điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục để cấp phép hành nghề cho các cơ sở kiểm tra kỹ thuật định kỳ đối với phương tiện giao thông đường bộ.

4. Quản lý việc đào tạo lái xe, cấp Giấy phép lái xe cho những người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

5. Tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra hệ thống Thanh tra giao thông đường bộ trong toàn quốc. Xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với những vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

6. Phối hợp với Bộ Công an theo dõi, phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, đề ra các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tai nạn xảy ra.

7. Chủ trì cùng với các Bộ liên quan soạn thảo tài liệu và các văn bản về luật lệ giao thông để phổ biến cho mọi đối tượng trong xã hội.

8. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an đặt biển báo, đèn tín hiệu, phân luồng, phân tuyến, chỗ qua đường, các điểm cấm dừng, cấm đỗ, được dừng, được đỗ trên đường bộ và đường đô thị.

9. Phối hợp với Bộ Công nghiệp chỉ đạo thực hiện bảo vệ an toàn lưới điện và an toàn hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại những khu vực có công trình giao thông.

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Công an

1. Tổ chức kiểm tra, đăng ký, quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc ngành Công an; tổ chức đăng ký và cấp biển số các loại phương tiện giao thông đường bộ (kể cả phương tiện cơ giới đường bộ của các doanh nghiệp kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng đã được thành lập theo Nghị định số 388/HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng, chỉ trừ những phương tiện dùng vào mục đích quân sự). Thông báo kịp thời cho ngành giao thông biết để tiện theo dõi quản lý.

2. Tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

3. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc soạn thảo tài liệu và tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

4. Tổ chức, chỉ huy điều khiển giao thông ở các đô thị và các đầu mối giao thông quan trọng, khi có tình huống đột xuất, được phép phân luồng, phân tuyến và quy định các điểm cấm đỗ, cấm dừng tạm thời.

5. Tổ chức kiểm tra, xử lý các tai nạn giao thông. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thống kê, theo dõi, phân tích và kết luận nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, đề xuất, tổ chức và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông.

6. Quy định tiêu chuẩn kỹ thuật và cấp giấy phép chuyên chở hàng độc hại, hàng dễ cháy, nổ.

7. Tổ chức kiểm tra việc thi hành nhiệm vụ của các lực lượng công an làm công tác trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

8. Tham gia ý kiến về an toàn giao thông đối với các dự án xây dựng mới và nâng cấp đường quốc lộ theo thẩm quyền.

Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Quốc phòng

1. Tổ chức kiểm tra, đăng ký, quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc Bộ Quốc phòng (trừ phương tiện sử dụng vào hoạt động kinh tế do Bộ Công an đăng ký và cấp biển số).

2. Mọi phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc Bộ Quốc phòng khi hoạt động trên đường phải chấp hành luật lệ giao thông và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành có liên quan hướng dẫn và tổ chức việc thu tiền xử phạt vi phạm hành chính. Thống nhất phát hành và quản lý biên lai thu phạt, chứng từ thu tiền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

2. Đảm bảo kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và y ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi lập dự án ngân sách hàng năm.

3. Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền phạt. Toàn bộ các khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông được sử dụng cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo kế hoạch được duyệt.

4. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng khoản tiền thu phạt theo đúng quy định.

Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Thương mại

1. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công nghiệp trong việc quản lý nhập khẩu phương tiện vận tải về số lượng, chủng loại phương tiện được nhập trên cơ sở tiêu chuẩn, kỹ thuật và căn cứ vào tình hình cầu đường hiện tại.

2. Ban hành quy định về việc nhập khẩu và lưu thông xăng pha chì.

Điều 10. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Văn hoá - Thông tin

Chỉ đạo các cơ quan văn hoá thông tin, báo chí Trung ương và địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Điều 11. Nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan thông tin đại chúng.

Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương phải có chuyên mục tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông và không thu phí.

Điều 12. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an biên soạn sách giáo khoa về luật lệ an toàn giao thông, đưa vào giảng dạy chính khoá từ mẫu giáo đến đại học và sách phổ biến kiến thức về luật lệ an toàn giao thông.

2. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quản lý chương trình đào tạo lái xe.

3. Phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan liên quan và ủy ban nhân dân các cấp xử lý nghiêm khắc những học sinh, sinh viên cố tình vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông như: đua xe trái phép, sử dụng mô tô, xe gắn máy trái quy định.

Điều 13. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Xây dựng

1. Hướng dẫn lập và xét duyệt các đề án quy hoạch và xây dựng đô thị, khu dân cư bảo đảm bố trí đủ diện tích mặt bằng cần thiết cho công trình giao thông và các công trình phụ trợ khác để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đô thị.

2. Hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng các khu nhà ở, khách sạn, trung tâm thương mại, trụ sở cơ quan, và các công trình công cộng khác phải bố trí khu vực để xe phù hợp với nhu cầu của từng công trình, nghiêm cấm việc tùy tiện sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe.

Điều 14. Nhiệm vụ và quyền hạn của y ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Chỉ đạo và tiến hành mọi biện pháp cần thiết để lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông ở địa phương mình.

2. Giải toả lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng. Phải đảm bảo vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường chỉ dành cho các loại phương tiện tham gia giao thông. Quy định cụ thể việc sử dụng một phần bên trong vỉa hè của một số đường phố đặc biệt để bán hàng hóa nhưng không được ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

3. Cùng với Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch khẩn trương xây dựng và mở rộng đường ở những nút giao thông quá hẹp thường gây ùn tắc giao thông.

4. Chỉ đạo y ban nhân dân cấp dưới có kế hoạch sắp xếp nơi họp chợ, buôn bán thuận lợi cho nhân dân nhưng tuyệt đối không được vi phạm trật tự an toàn giao thông.

5. Nghiêm cấm các việc cho thuê vỉa hè, lòng đường để kinh doanh dưới mọi hình thức.

 

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Nghị định số 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ và Nghị định số 75/1998/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Điều 16. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch y ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Nghị định này./.

 

ĐIỀU LỆ

TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

(Ban hành kèm theo Nghị định số 36/2001/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2001 của Chính phủ) 

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Điều lệ này quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị nhằm đảm bảo an toàn về người, phương tiện, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

2. Điều lệ này áp dụng cho người, phương tiện hoạt động và sử dụng các công trình giao thông đường bộ và giao thông đô thị (dưới đây gọi tắt là người và phương tiện tham gia giao thông) trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Người, phương tiện tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Điều lệ này.

4. Người điều khiển phương tiện và chủ sở hữu phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về phương tiện tham gia giao thông.

Điều 2. Các thuật ngữ dùng trong Điều lệ này được hiểu như sau:

1. Người tham gia giao thông là người điều khiển và sử dụng các loại phương tiện giao thông; người dẫn, dắt, cưỡi súc vật; người đi bộ; người làm các công việc khác trên đường bộ, đường đô thị.

2. Phương tiện tham gia giao thông là các loại xe cơ giới, xe thô sơ và các thiết bị chuyên dùng lưu thông trên đường bộ, đường đô thị.

3. Công trình giao thông đường bộ bao gồm: đường, cầu, cống, hầm, vỉa hè, đường đô thị, bến phà, bến xe, hệ thống thoát nước, cọc tiêu, biển báo, nơi dừng xe, nơi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác.

4. Khu đông dân cư là những thành phố, tỉnh lỵ, huyện lỵ, thị xã, thị trấn, làng, phố, nơi tập trung đông dân cư có đường bộ đi qua.

5. Mô tô là xe cơ giới có hai bánh hoặc ba bánh chuyển động bằng động cơ.

6. Xe gắn máy là xe cơ giới có hai bánh chuyển động bằng động cơ và khi tắt máy thì đạp xe đi được.

7. Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp có tham gia giao thông đường bộ.

8. Xe thô sơ là loại xe không di chuyển bằng sức động cơ như xe đạp, xe xích lô, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

9. Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông; biển báo hiệu, vạch kẻ đường; cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, hàng rào chắn.

10. Nút giao thông đường bộ là nơi đường bộ giao nhau trên cùng một mặt phẳng.

11. Nút giao thông có vòng xuyến là nút giao thông đường bộ mà tại đó có báo hiệu quy định các loại phương tiện tham gia giao thông muốn chuyển hướng phải chạy theo chỉ dẫn.

12. Chiều dài cơ sở của xe là khoảng cách từ tâm trục trước đến tâm trục sau của xe.

Điều 3. Khi xảy ra tai nạn giao thông phải tuân theo các quy định sau:

1. Giữ nguyên hiện trường, các dấu vết phải được bảo vệ. Người bị thương phải được đưa đi cấp cứu kịp thời.

2. Người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn có nghĩa vụ giúp đỡ, cứu chữa người bị thương và tìm cách báo cho cơ quan nhà nước hoặc chính quyền địa phương gần nhất, có trách nhiệm cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho Cảnh sát giao thông để xử lý đúng pháp luật.

3. Người điều khiển các xe khác khi qua nơi xảy ra tai nạn có nghĩa vụ chở người bị thương đến nơi cấp cứu gần nhất. Các xe ưu tiên không bắt buộc phải chở người bị thương đến nơi cấp cứu.

4. Xe, đồ vật, hành lý, hàng hoá của người bị tai nạn phải được bảo vệ chu đáo. Cấm mọi hành vi gây nguy hại cho người, xe, tài sản của người bị tai nạn và người gây tai nạn.

5. Người có liên quan trực tiếp đến tai nạn phải có mặt tại hiện trường khi nhà chức trách tiến hành lập biên bản.

6. Người trốn tránh nghĩa vụ cứu trợ tai nạn sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

7. y ban nhân dân các địa phương nơi tai nạn xảy ra phải tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường và kịp thời thông báo cho Cảnh sát giao thông đến lập biên bản, xử lý hậu quả. Trường hợp nạn nhân bị chết, sau khi cơ quan Công an đã hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất thì y ban nhân dân địa phương có trách nhiệm tổ chức chôn cất người bị nạn.

 

Chương II

CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Điều 4. Đơn vị quản lý công trình giao thông đường bộ có trách nhiệm bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình, phải bảo đảm đầy đủ hệ thống cọc tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn... liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông. Khi phát hiện công trình giao thông đường bộ có hư hỏng đe dọa an toàn giao thông phải có biện pháp xử lý kịp thời, có biện pháp hướng dẫn giao thông, ngăn ngừa tai nạn và phải chịu trách nhiệm đối với tai nạn giao thông xảy ra nếu vì chất lượng của công trình không đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Điều 5. Trên đèo dốc nguy hiểm, tại các đoạn đường dễ xảy ra tai nạn, các đoạn đường thường bị ngập lụt, đơn vị quản lý giao thông đường bộ có biện pháp đặc biệt đảm bảo an toàn giao thông. Trong mùa mưa bão, lũ lụt phải tổ chức hướng dẫn giao thông hoặc đình chỉ giao thông kịp thời theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 6.

1. Người tham gia giao thông khi phát hiện công trình giao thông đường bộ có biểu hiện không đảm bảo an toàn giao thông, phải có nghĩa vụ đặt báo hiệu tạm thời và tìm cách báo cho đơn vị quản lý giao thông đường bộ hoặc cơ quan nhà nước có trụ sở gần nhất; các cơ quan nhà nước khi nhận được tin báo phải có trách nhiệm thông báo ngay đến cơ quan quản lý giao thông đường bộ để khắc phục kịp thời.

2. Khi nhận được tin, đơn vị quản lý giao thông đường bộ phải có biện pháp khắc phục nhanh chóng để đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt.

Điều 7.

1. Nghiêm cấm mọi hành vi làm hư hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất các báo hiệu đường bộ, che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

2. Việc trồng cây ven đường bộ, trên giải phân cách và hè phố phải theo đúng quy định, không làm hạn chế tầm nhìn, che khuất các biển báo hiệu đường bộ. Cây trồng trên đất thuộc hành lang bảo vệ đường bộ phải là loại cây ngắn ngày, thân thấp. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết việc trồng cây bên đường bộ và đường đô thị.

Điều 8.

1. Các đơn vị thi công các loại công trình trên đường bộ, trong phạm vi hành lang bảo vệ đường bộ phải được cơ quan quản lý giao thông đường bộ cấp phép và phải báo cáo cho đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường bộ.

2. Các đơn vị thi công chỉ được khởi công các công trình trên đường bộ sau khi đã thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Điều 9.

1. Trường hợp thi công trên đường đang khai thác nếu phải đình chỉ giao thông thì đơn vị thi công phải làm đường tránh để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

2. Tại những đoạn không có đường tránh thì chỉ được thi công trên một phần đường, phải dành một phần đường cho xe, người đi lại an toàn.

3. Khi sửa chữa đường xuống bến phà cũng phải để lại một phần mặt đường cho xe lên, xuống phà an toàn.

4. Tại những nơi đường hẹp không đủ bề rộng phải vừa làm vừa cho xe đi; hoặc ở hai đầu cầu, cống, đường ngầm đang thi công thì phải bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt.

Điều 10.

1. Tại hai đầu đoạn đường phải đình chỉ giao thông, đơn vị thi công phải cắm đủ các biển báo hiệu theo quy định của điều lệ báo hiệu đường bộ, phải đặt rào chắn, ban đêm đặt đèn đỏ.

2. Trường hợp có công nhân đang thi công trên mặt đường, có công trình dở dang, có chướng ngại vật trên mặt đường có thể gây tai nạn cho xe và người, đơn vị thi công phải đặt biển báo hiệu, cọc tiêu di động. Khi thi công xong đã hết nguy hiểm cho xe và người qua lại phải thu dọn ngay các báo hiệu, rào chắn, đảm bảo cho phương tiện, người qua lại thông suốt; phải báo cho cơ quan quản lý đường bộ đến kiểm tra và chấp nhận cho thông xe.

Điều 11.

1. Những xe, máy chuyên dùng để thi công trên đường bộ phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật khi thi công và khi di chuyển địa điểm thi công, phải đăng ký biển số, kiểm định kỹ thuật định kỳ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

2. Những công nhân đang duy tu bảo dưỡng trên mặt đường bộ phải mặc quần áo bảo hộ lao động có màu sắc đặc trưng theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 12. Xe, máy, vật liệu, đất đá thi công phải để trong phạm vi công trường; không để vật liệu, đất đá vương vãi, ngổn ngang lan ra mặt đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Những nơi đường hẹp không đủ 2 xe tránh nhau thì cấm để vật liệu trên đường.

 

Chương III

PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG

Điều 13. Các loại xe tham gia giao thông phải đảm bảo các điều kiện kỹ thuật an toàn:

1. Đối với các loại xe cơ giới (kể cả moóc kéo theo xe cơ giới)

a) Có đủ hệ thống hãm (chân và tay) có hiệu lực theo quy định.

b) Có đủ đèn chiếu sáng (gần và xa), đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu các loại theo tiêu chuẩn quy định.

c) Có đủ còi với âm lượng tiêu chuẩn.

d) Có bộ phận giảm thanh, giảm khói theo tiêu chuẩn quy định.

đ) Bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển. Kính chắn gió phải trong suốt, có gương chiếu hậu, có gạt nước mưa.

e) Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực.

g) Có bánh lốp đúng kích cỡ, tiêu chuẩn kỹ thuật và áp lực hơi theo quy định cho từng loại xe.

h) Kính cửa, kính chắn gió ôtô khách phải là loại kính an toàn.

2. Đối với các loại xe thô sơ.

a) Đúng kích thước, quy cách, kiểu mẫu, vật liệu, cấu tạo theo thiết kế được duyệt.

b) Có bộ phận hãm có hiệu lực. Cấm dùng bộ phận hãm cọ sát vào mặt đường.

c) Có càng điều khiển đủ độ bền, đảm bảo điều khiển chính xác.

3. Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và thời hạn sử dụng cụ thể đối với từng loại xe.

Điều 14.

1. Các phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ, đường đô thị phải được đăng ký và gắn biển số quốc gia theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.

Chủ phương tiện cơ giới chịu trách nhiệm trước pháp luật về giấy tờ tài liệu hợp lệ, hợp pháp về quyền sở hữu đối với chiếc xe xin đăng ký cấp biển số.

2. Bộ Công an quy định cụ thể việc đăng ký, cấp biển số, sản xuất biển số cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

3. Tuỳ theo yêu cầu quản lý của địa phương, y ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là ủy ban nhân dân tỉnh) quy định việc đăng ký và gắn biển số đăng ký địa phương cho xe thô sơ.

Điều 15.

1. Các loại phương tiện giao thông đường bộ được sản xuất chế tạo, lắp ráp trong nước phải đúng với thiết kế được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và phải tuân thủ quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm.

2. Các cơ sở sản xuất, chế tạo, lắp ráp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chỉ được hoạt động khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Điều 16.

1. Khi có nhu cầu thay đổi tính chất sử dụng xe cơ giới, thay đổi kết cấu của xe cơ giới, thay thế các tổng thành cơ bản khác nhãn hiệu các thông số kỹ thuật so với xe cơ giới nguyên thuỷ thì chủ xe cơ giới phải thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế, chế tạo do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

2. Các cơ sở cải tạo, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chỉ được hoạt động khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Điều 17.

1. Các phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ và đường đô thị phải thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, sửa chữa thường xuyên và định kỳ kiểm tra kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

2. Giữa hai kỳ kiểm định chủ xe cơ giới và người lái xe cơ giới phải giữ cho xe luôn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật hoạt động trên đường bộ và phải chịu trách nhiệm về tai nạn xảy ra do xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

3. Cấm lưu hành các xe cơ giới, thiết bị chuyên dùng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật trên đường bộ.

4. Nghiêm cấm hành vi thuê, cho thuê tổng thành, linh phụ kiện nhằm khắc phục tạm thời để đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật của xe cơ giới khi kiểm định kỹ thuật.

Điều 18.

1. Các cơ sở kiểm định kỹ thuật xe cơ giới phải có đủ điều kiện mới được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải cấp phép hành nghề, phải thực hiện việc kiểm định kỹ thuật theo quy trình, tiêu chuẩn do Bộ Giao thông vận tải ban hành, được thu phí kiểm định xe theo quy định của Nhà nước, chịu trách nhiệm về độ chuẩn xác của thiết bị và kết quả đo kiểm.

2. Người đứng đầu cơ sở kiểm định kỹ thuật xe và cán bộ trực tiếp kiểm kiểm định kỹ thuật chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm định.

Điều 19.

1. Xe bánh xích, xe quá khổ, quá tải khi cần thiết hoạt động trên đường giao thông công cộng phải được cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về đường bộ cấp phép lưu hành đặc biệt, phải theo đúng thời hạn, tuyến đường và các quy định khác ghi trong giấy phép.

2. Chủ xe và người lái xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ chịu sự kiểm soát về tải trọng và khổ giới hạn chất tải của cơ quan quản lý đường bộ và chịu phí tổn gia cố, bảo vệ công trình giao thông đường bộ theo quy định.

3. Trường hợp xe bị phát hiện quá tải, quá khổ theo quy định, người lái xe phải chịu trách nhiệm hạ tải, xếp lại hàng hoá, bảo quản hàng hoá đã bị dỡ xuống và nộp phạt theo quy định trước lúc tiếp tục hành trình.

4. Nghiêm cấm việc chuyển tải hoặc các thủ đoạn khác để trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá khổ.

Điều 20.

1. Cấm các xe chở hàng hoá, chở người (khách, hành lý) vượt quá trọng tải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

2. Nghiêm cấm các xe chất xếp hàng quá khung giới hạn cho phép đối với từng loại xe theo quy định tại điều 26, 60, 61 của Điều lệ này. 

Điều 21.

1. Các xe chở hàng độc hại, dễ cháy, nổ hoặc các chất nguy hiểm khác phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyên chở trên đường bộ, đường đô thị và có phù hiệu hoặc ký hiệu riêng để mọi người dễ nhận biết, phải chấp hành đúng các quy định về chống độc hại, chống cháy nổ.

2. Các xe chở loại hàng độc hại, dễ cháy, nổ hoặc các chất nguy hiểm khác phải theo đúng chỉ dẫn ghi trong giấy phép và không được dừng, đỗ nơi đông người.

3. Cấm chở trên xe khách cùng với hành khách các chất độc hại, dễ nổ, dễ bắt cháy, các chất nguy hiểm khác, súc vật và vật có mùi hôi thối hoặc những chất có ảnh hưởng đến sức khoẻ của hành khách.

Điều 22.

1. Tín hiệu đèn, còi, cờ của các phương tiện cơ giới đường bộ ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ khẩn cấp quy định như sau:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ: đèn quay trên nóc xe phát sáng màu đỏ, phát còi liên tục.

b) Xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp: cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe phía bên phải người lái.

c) Xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp đèn quay trên nóc xe phát sáng màu xanh, đỏ, cờ hiệu công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái.

d) Xe cứu thương đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu: đèn quay trên nóc xe phát sáng màu đỏ, trên thành xe có dấu chữ thập màu đỏ, phát còi liên tục.

đ) Xe đảm bảo giao thông khẩn cấp: phù hiệu gắn phía đầu xe, cờ hiệu giao thông cắm ở đầu xe phía bên phải người lái xe.

e) Xe kiểm tra đê, xe hộ đê đi làm nhiệm vụ khẩn cấp: phải có giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp dán ở đầu xe.

2. Các xe làm nhiệm vụ cấp cứu (cứu nạn, cứu nguy, cứu thương, cứu hoả, cứu hộ đê...), xe công an, quân đội, giao thông đi làm nhiệm vụ khẩn cấp phải có ký hiệu, tín hiệu riêng và phải phát tín hiệu liên tục trên đường đi.

3. Mọi người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ khi nghe thấy tín hiệu của các xe quy định ở khoản 1 Điều này thì phải nhanh chóng nhường đường. Nếu vì không nhường đường mà gây chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp hoặc để xảy ra tai nạn giao thông thì người đi bộ hoặc lái xe không nhường đường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

4. Cấm các loại phương tiện cơ giới đường bộ không phải loại xe ưu tiên sử dụng còi, đèn ưu tiên quy định ở khoản 1 của Điều này.

Điều 23. Xe hoạt động kinh doanh vận tải thuộc các thành phần kinh tế kể cả xe của quân đội và công an phải theo đúng quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hiện hành.

Điều 24. Quy định về kinh doanh vận tải hành khách.

1. Xe phải chạy đúng tuyến đường quy định, chỉ được dừng xe để đón và trả khách ở các bến xe, trạm đỗ xe quy định.

2. Việc mở bến xe, trạm đỗ xe phải được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

3. Không được chở hành khách, hành lý, hàng hoá quá tải trọng xe cho phép.

4. Hàng hoá, hành lý không được xếp nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe khách.

5. Cấm chở người trên mui và trên thùng xe.

6. Xe chỉ được chuyển bánh khi hành khách trong xe đã ổn định chỗ ngồi, các cửa lên xuống đã đóng chắc chắn, không được để người đứng hoặc ngồi ở bậc lên xuống (kể cả nhân viên phục vụ trên xe), không được thò đầu hoặc thò tay ra ngoài cửa sổ xe.

7. Cấm mở cửa hoặc để bất cứ vật gì nhô ra hai bên thành xe khi xe đang lăn bánh.

8. Xe môtô hai bánh, xe gắn máy hai bánh, người lái xe chỉ được chở một người lớn và một trẻ em dưới 7 tuổi do người lớn bế hoặc có ghế ngồi riêng; khi chở người bệnh đi cấp cứu hoặc áp giải người phạm tội thì được chở hai người lớn, nhưng phải bảo đảm an toàn.

Điều 25. Cấm các loại xe vận tải hàng hoá chở người trừ các trường hợp sau đây:

1. Trong trường hợp cần thiết đã được Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) cho phép.

2. Xe quân sự, xe công an khi chở cán bộ, chiến sỹ đi làm nhiệm vụ, xe chở công nhân duy tu bảo dưỡng đường bộ. Các xe vận tải này phải có kết cấu chở người theo thiết kế được duyệt.

3. Xe vận tải hàng hoá chở cấp cứu người bị nạn, xe phục vụ chống thiên tai, địch họa.

Điều 26.

1. Hàng hoá xếp trên xe cơ giới phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê trên mặt đường và không gây cản trở cho việc điều khiển xe. Không được xếp hàng quá bề rộng thùng xe, chiều dài hàng không được xếp thừa ra sau và trước thùng xe trên 10% chiều dài toàn bộ xe.

Môtô, xe gắn máy, xe đạp không được xếp hàng hoá, hành lý vượt quá bề rộng đèo hàng về mỗi bên 0,30 mét, vượt quá chiều cao tính từ mặt đất là 2 mét, vượt quá phía sau đèo hàng là 0,50 mét; khi chuyên chở các loại bình khí nén, bình ga bằng môtô, xe gắn máy và xe đạp phải chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn.

2. Bộ Giao thông vận tải quy định giới hạn chiều cao xếp hàng cho từng loại xe.

 

Chương IV

NGƯỜI THAM GIA GIAO THÔNG

Điều 27.

1. Mọi người phải có trách nhiệm, nghĩa vụ giữ vệ sinh và đảm bảo an toàn giao thông trên đường bộ.

2. Mọi người không được chiếm dụng mặt đường làm sân phơi, bãi chứa nguyên vật liệu, sân chơi, bãi tập, đá bóng, đua xe,... các hành vi khác gây cản trở giao thông, không được tự ý đặt chắn đường, đặt vật cản trên đường gây ùn tắc giao thông. Trường hợp cần thiết phải được cơ quan quản lý giao thông cấp phép.

3. Cấm đổ tràn lên mặt đường các chất dầu trơn, bùn lầy gây nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại. Khi để chất dầu trơn, bùn lầy đổ lên mặt đường thì người gây ra phải kịp thời xử lý để đảm bảo an toàn giao thông.

4. Cấm các phương tiện chở rác, chở vật liệu xây dựng làm rơi vãi trên đường.

5. Nghiêm cấm đặt, rải bàn chông hoặc các vật sắc nhọn khác trên đường giao thông.

Điều 28.

1. Người điều khiển xe thô sơ phải thông hiểu các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị. Cá nhân, tổ chức sử dụng xe thô sơ (xe bò, xe trâu, xe ngựa, xe xích lô...) kinh doanh vận tải phải thực hiện đúng các quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

2. Người điều khiển môtô, xe gắn máy có dung tích xi lanh trên 50 cm3 và các loại xe cơ giới khác phải có Giấy phép lái xe theo quy định hiện hành.

3. Người điều khiển và người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm khi đi trên tuyến đường quy định phải đội mũ bảo hiểm.

4. Người dưới 16 tuổi không được điều khiển các loại xe cơ giới.

Điều 29. Nghiêm cấm người điều khiển các loại xe trong các trường hợp sau đây:

1. Do tình trạng sức khoẻ không tự chủ điều khiển được tốc độ xe.

2. Người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn, rượu, bia vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 40mg/1lít khí thở và các chất kích thích khác.

3. Không có đủ các loại giấy tờ:

a) Giấy chứng nhận đăng ký xe.

b) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển.

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu loại xe yêu cầu phải có).

Điều 30. Trường hợp làm mất hoặc hư hỏng Giấy phép lái xe mà có đủ chứng cứ là bị mất, bị hư hỏng, không bị tước, không bị tạm giữ sẽ được xét cấp lại.

Điều 31.

1. Bộ Giao thông vận tải chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở đào tạo dạy lái xe có đủ điều kiện vật chất kỹ thuật và đội ngũ giáo viên theo quy định.

2. Việc kiểm tra sát hạch, cấp mới hoặc đổi Giấy phép lái xe thực hiện thống nhất trong cả nước theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

 

Chương V

QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 32. Khi điều khiển xe, người lái xe phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định sau đây:

1. Người lái xe và người ngồi ghế bên cùng hàng ngang với người lái xe phải thắt dây an toàn nếu xe đó có thiết kế và trang bị dây an toàn.

2. Trước khi cho xe chuyển bánh, chuyển hướng, dừng hoặc đỗ phải kịp thời báo hiệu bằng còi, đèn hoặc bằng tay cho các xe khác và mọi người trên đường biết, bảo đảm an toàn cho người và hàng hoá trên xe.

3. Phải luôn luôn chú ý đến tình trạng mặt đường, các báo hiệu giao thông, tình hình mật độ giao thông và các chướng ngại vật trên đường để điều khiển tốc độ xe chạy phù hợp với điều kiện xe của mình (phanh, hãm, trọng lượng xe, người hoặc hàng hoá trên xe) đề phòng mọi nguy hiểm có thể xảy ra.

4. Các loại xe (có động cơ hay không có động cơ) chạy trên đường giao thông đều phải đi về phía bên phải chiều đi của phần đường quy định cho loại xe mình đang điều khiển.

Nếu trên đường có chia thành nhiều làn xe thì các loại xe phải chấp hành nghiêm chỉnh việc đi trên từng làn xe đã quy định cho loại xe đó.

Điều 33. Người lái xe phải giảm tốc độ đến mức không nguy hiểm trong các trường hợp sau đây:

1. Khi có báo hiệu hạn chế tốc độ hoặc có chướng ngại vật trên đường.

2. Khi tầm nhìn bị hạn chế.

3. Khi qua đường giao nhau, đường sắt, đường vòng, đoạn đường ghồ ghề, trơn trượt, cát bụi.

4. Khi qua cầu cống hẹp, khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc.

5. Khi qua trường học, nơi tập trung đông người, nơi đông dân, có nhà cửa gần đường.

6. Khi vượt đoàn bộ hành, đoàn xe đang đỗ, súc vật đi trên đường hoặc ở gần đường.

7. Khi tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi đã cho xe sau vượt.

8. Khi đến gần bến xe điện, xe buýt có hành khách đang lên xuống.

9. Khi gặp xe quá tải, quá khổ đi ngược chiều trên đường không có giải phân cách chiều đi.

10. Khi chuyển hướng xe chạy.

Điều 34. Người lái xe phải thực hiện việc giới hạn tốc độ như sau:

1. Tốc độ tối đa

a) Theo chỉ dẫn của biển báo hiệu hạn chế tốc độ.

b) Trong thành phố, thị xã, thị trấn (khi không có biển báo hiệu hạn chế tốc độ) không được cho xe chạy quá tốc độ sau đây:

Các loại xe con, xe taxi đến 9 chỗ ngồi: 50km/h.

Xe môtô 2 - 3 bánh, xe vận tải dưới 3,5 tấn: 40km/h.

Xe vận tải từ 3,5 tấn trở lên, xe chở khách có 10 chỗ ngồi trở lên: 35 km/h.

Xích lô máy, xe gắn máy: 30km/h.

Xe ôtô chở hàng quá tải, quá khổ, xe kéo moóc hay kéo xe khác bị hỏng: 20km/h.

c) Ngoài vùng đông dân cư khi không có biển báo hạn chế tốc độ không được cho xe chạy quá tốc độ sau đây (trừ đường cao tốc, đường cao cấp dành riêng cho xe cơ giới):

Các loại xe con, xe taxi đến 9 chỗ ngồi: 80km/h.

Xe môtô 2 - 3 bánh, xe vận tải dưới 3,5 tấn: 60km/h.

Xe vận tải từ 3,5 tấn trở lên, xe chở khách có 10 chỗ ngồi trở lên, xe chở hàng quá dài, xe kéo rơ moóc hay kéo xe khác bị hỏng máy: 50km/h.

Xe gắn máy: 40km/h.

Xích lô máy: 30km/h.

d) Tốc độ tối đa đối với xe xích, xe quá khổ, quá tải do Bộ Giao thông vận tải quy định.

2. Tốc độ tối thiểu.

Khi trên đường có biển báo hiệu "Tốc độ tối thiểu" thì lái xe không được để xe chạy với tốc độ thấp hơn tốc độ tối thiểu đã quy định.

Điều 35.

1. Khi muốn cho xe chuyển hướng người lái xe phải:

a) Giảm tốc độ, có tín hiệu báo hướng rẽ, chuyển dần về hướng định rẽ và chỉ được rẽ khi thấy không gây trở ngại hoặc gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác;

b) Trong khi chuyển hướng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ hoặc người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho xe đi ngược chiều.

2. Trong các khu vực đông dân, người lái xe chỉ được cho xe quay đầu ở đường giao nhau và những chỗ có biển cho phép quay đầu xe.

3. Cấm quay đầu xe trong các trường hợp sau đây:

a) Trên phần đường dành riêng cho người đi bộ qua đường;

b) Trên cầu, gầm cầu vượt, đường ngầm hay trong khu vực đường sắt ngang qua;

c) Nơi có biển cấm quay đầu xe.

Điều 36. Khi lùi xe, người lái xe phải:

1. Quan sát phía sau và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.

Phải phát tín hiệu (còi, đèn) cần thiết để mọi người phía sau xe nhận biết.

2. Cấm lùi xe trong các trường hợp sau đây:

a) khu vực đã cấm dừng và trên phần đường dành riêng cho người đi bộ qua đường;

b) Trong khu vực đường giao nhau, đường sắt ngang qua đường bộ;

c) Nơi tầm nhìn bị che khuất;

d) Trên cầu, gầm cầu vượt, trên bờ rãnh, trên lề đường không chắc chắn.

Điều 37.

1. Xe chạy sau chỉ được phép vượt xe chạy trước khi:

a) Không có chướng ngại vật ở phía trước.

b) Không có xe chạy ngược chiều đến.

c) Xe chạy trước không có báo hiệu định vượt xe khác.

d) Người lái xe phải báo hiệu bằng còi hoặc đèn khi xin vượt xe chạy trước. Khi xe chạy trước đã tránh về bên phải và làm tín hiệu cho phép vượt thì người lái xe chạy sau mới được cho xe mình vượt lên về phía bên trái của xe chạy trước.

2. Khi biết có xe sau xin vượt, người lái xe phải thực hiện:

a) Cho xe tránh về bên tay phải mình, giảm tốc độ và ra hiệu cho xe sau vượt. Nếu có chướng ngại vật phía trước hoặc thiếu điều kiện an toàn chưa thể cho vượt được phải ra hiệu cho xe sau biết.

b) Không gây trở ngại cho xe xin vượt.

3. Người lái xe có thể vượt bên phải xe khác đang chạy phía trước trong các trường hợp sau đây:

a) Khi xe đó rẽ trái hoặc đã ra hiệu rẽ trái.

b) Trên đường có phân chia làm hai hay nhiều làn xe cho mỗi chiều xe chạy.

c) Khi xe điện chạy giữa lòng đường có hệ thống dây điện giữa đường.

d) Khi xe chuyên dùng đang hoạt động thi công giữa lòng đường.

4. Cấm xe vượt nhau trong các trường hợp:

a) Có biển báo hiệu cấm vượt.

b) Trên cầu hẹp (có 1 làn xe)

c) Dưới gầm cầu vượt, đường vòng, đầu dốc và những nơi tầm nhìn bị hạn chế.

d) Khi có xe chạy ngược chiều đến.

đ) Khi xe phía trước đang ra tín hiệu xin vượt xe khác.

e) Khi điều kiện an toàn về thời tiết hoặc đường sá không bảo đảm.

g) đường sắt ngang qua, đường giao nhau.

h) Khi gặp đoàn xe hành quân mà phía sau có cắm cờ đỏ hoặc đoàn xe có cảnh sát đi hộ tống.

i) Khi xe điện, xe buýt có người lên xuống. 

Điều 38. Khi hai xe đi ngược chiều gặp nhau thì cả hai người lái xe phải điều khiển xe tránh nhau về phía bên phải chiều xe chạy của mình.

chỗ đường hẹp phải giảm tốc độ, nếu cần thì một xe phải dừng lại để cho xe kia đi.

Nếu chỗ đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh thì xe nào ở gần hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi.

Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe lên dốc.

Ban đêm các xe cơ giới đi ngược chiều nhau phải chuyển từ đèn chiếu xa sang đèn chiếu gần và trong khu đông dân cư chỉ được dùng đèn chiếu gần.

Điều 39.

1. Khi muốn dừng xe và đỗ xe, người lái xe phải ra hiệu kịp thời cho xe dừng hay đỗ sát theo lề đường hoặc vỉa hè bên phải, bánh xe gần nhất không được cách xa vỉa hè lề đường quá 0,25 mét và không gây trở ngại hay nguy hiểm giao thông.

2. Những nơi có biển "Cấm đỗ" người lái xe có thể dừng lại theo quy định của khoản 1 Điều này nhưng người lái xe phải giữ tay lái và không được tắt máy.

3. y ban nhân dân tỉnh quy định cấm hoặc giới hạn việc dừng đỗ xe trên những đoạn đường cần thiết trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh, thành phố.

4. Những xe vận tải muốn dừng hay đỗ ở trong khu vực cấm để xếp dỡ hàng hoá thì phải có giấy phép của cơ quan Công an.

5. Khi đỗ xe người lái xe phải quan sát phía trước và phía sau cẩn thận mới được mở cửa để không gây nguy hiểm cho người và xe khác.

6. Sau khi đỗ xe, người lái xe phải tiến hành các biện pháp an toàn cho xe mới được rời khỏi xe.

7. Cấm dừng, đỗ xe trong các trường hợp sau đây:

a) Bên trái của đường một chiều.

b) Khi phần mặt đường chỉ đủ cho một làn xe đi.

c) Gần các biển báo hiệu đường bộ có thể che khuất các báo hiệu đó.

d) Trên những đoạn đường cong và gần đầu dốc nếu tầm nhìn cả hai phía bị che khuất trong vòng 50 mét.

đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường.

e) Trên đường sắt và cách chắn đường sắt dưới 10 mét hoặc cách ray ngoài cùng dưới 20 mét nơi không có rào chắn (trừ trường hợp phải dừng hoặc đỗ xe khi chờ đoàn tàu qua).

g) Trong khoảng 5 mét cách đường vào cơ quan, xí nghiệp và khoảng cách 15m cách các điểm nút giao nhau của đường bộ.

h) Trên các ô kẻ trên mặt đường dành làm chỗ đậu cho xe chở khách công cộng.

i) Trên miệng các cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, các chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.

k) Trên cầu, trong khoảng 5 mét đường đầu cầu, trong đường hầm, dưới cầu vượt.

l) Song song với một xe khác đang dừng hoặc đỗ, ở những đường phố hẹp phải dừng hoặc đỗ cách xe bên kia đường tối thiểu là 20 mét.

m) Trường hợp buộc phải dừng, đỗ trên các điểm cấm dừng, cấm đỗ trên đây để thi hành công vụ phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

8. Các loại xe cơ giới khi dừng (máy vẫn nổ) người lái xe không được rời khỏi xe.

9. Khi xe bị hỏng hoặc để rơi hàng hoá xuống đường ảnh hưởng đến đường giao thông thì người điều khiển phải tìm mọi biện pháp đưa xe vào sát lề đường bên phải và thu dọn ngay hàng hoá rơi vãi.

Điều 40. Khi gần đến đường giao nhau người lái xe phải giảm bớt tốc độ và báo hiệu cho các xe phải nhường đường cho xe từ bên phải đến, trừ các trường hợp sau đây:

1. Khi đến đường giao nhau có vòng xuyến, quyền ưu tiên dành cho xe đi ở bên trái.

2. Khi gặp các báo hiệu "Dừng lại" (Stop) người lái xe phải dừng lại về phía bên phải đường của mình trước vạch "Dừng lại" hoặc trước vạch sơn hay hàng đinh thứ nhất của phần đường dành cho người đi bộ, không được dừng trên phần vạch dành cho người đi bộ sang ngang đường.

3. Tại những đường giao nhau giữa một đường ưu tiên với một đường không ưu tiên hoặc một đường chính với một đường phụ thì quyền ưu tiên dành cho các xe đang chạy bất kỳ trên "Đường ưu tiên" và trên "Đường chính" bất kỳ hướng nào tới.

4. Những xe cơ giới có quyền ưu tiên (quy định ở Điều 42 dưới đây) được quyền ưu tiên khi qua đường giao nhau bất kể đi từ hướng nào tới.

Điều 41. Qua nơi đường sắt cắt ngang đường bộ

1. Tại các nơi đường sắt cắt ngang qua, quyền ưu tiên thuộc về các phương tiện vận tải chạy trên đường sắt.

2. Trên các nơi đường sắt cắt ngang có rào chắn, khi đèn tín hiệu đã bật sáng màu đỏ hoặc rào chắn đường sắt đã đóng thì tất cả các loại phương tiện giao thông kể cả những xe có quyền ưu tiên đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và cách rào chắn tối thiểu là 3 mét.

3. các nơi đường sắt cắt ngang đường bộ không có rào chắn, người điều khiển phương tiện giao thông phải tự chịu trách nhiệm quan sát nếu thấy xe lửa sắp tới đường cắt ngang thì phải dừng lại về bên phải đường của mình, cách đường ray ngoài cùng tối thiểu là 5 mét.

Điều 42.

1. Quyền ưu tiên của một số xe khi tham gia giao thông được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Xe chữa cháy đi đến nơi cháy để làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;

c) Xe cứu thương đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe thực hiện nhiệm vụ chống lụt bão khẩn cấp;

đ) Đoàn xe có cảnh sát đi trước dẫn đường;

e) Xe đảm bảo giao thông khẩn cấp;

g) Đoàn xe tang;

2. Những loại xe quy định ở điểm a, b, c, d, đ khoản 1 của Điều này khi làm nhiệm vụ khẩn cấp không bắt buộc hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, được phép đi qua cả khi đèn báo hiệu báo cấm và bất cứ đường nào mà xe có thể đi được để ứng phó kịp thời với tình hình xảy ra, xe phải phát tín hiệu riêng quy định ở khoản 1 Điều 22 Nghị định này.

Điều 43.

1. Trên đường giao thông công cộng, các xe ô tô khi chạy thành từng đoàn có tổ chức thì mỗi đoàn không được dài quá 250 m xếp theo hàng một, nếu có nhiều đoàn thì khoảng cách tối thiểu giữa hai đoàn là 100m và khoảng cách tối thiểu giữa 2 xe là 20m (điều này không áp dụng với đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường).

2. Xe thô sơ do người kéo đẩy hoặc súc vật kéo đi đoàn phải chia thành từng tốp, một tốp không quá 4 xe, tốp nọ cách tốp kia 25m theo hàng một và xe nọ cách xe kia ít nhất là 5 mét.

3. Cấm các loại xe chạy cắt ngang một đoàn xe, một đám tang hay một đoàn người có tổ chức đi theo hàng ngũ.

Điều 44.

1. Khi đến bến phà, bến cầu phao, cầu treo các loại xe phải xếp hàng có trật tự đúng nơi quy định, không làm cản trở giao thông.

2. Khi lên, xuống phà và đang ở trên phà mọi người trên xe phải xuống xe trừ người điều khiển xe và người mắc bệnh không thể đi được.

3. Các loại xe cơ giới phải xuống phà trước rồi mới đến hành khách và xe cơ giới chỉ được lên bến khi hành khách lên bến hết (trừ loại phà có bố trí chở hành khách lên xuống phà và chỗ ngồi trên phà riêng biệt với các loại xe).

4. Những xe ưu tiên qua phà, cầu phao, cầu treo trước các loại xe khác theo thứ tự sau đây:

a) Các loại xe ghi ở khoản 1 của Điều 42 Nghị định này;

b) Xe chở thư báo;

c) Xe chở khách công cộng;

d) Xe chở thực phẩm tươi sống.

5. Nếu các xe cùng một loại xe ưu tiên như nhau đến bến phà, cầu phao cùng một lúc thì xe nào đến trước sẽ qua trước.

Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp giấy ưu tiên qua phà, cầu phao cho các loại xe.

Điều 45.

1. Một xe ô tô chỉ được kéo theo sau một xe khác khi xe này không còn tự động chạy được và phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Xe được kéo phải có người điều khiển và hệ thống lái của xe đó phải còn hiệu lực;

b) Việc buộc nối giữa xe kéo và xe được kéo phải đảm bảo thật chắc chắn, an toàn; nếu hệ thống hãm của xe được kéo đã mất hiệu lực hoặc là loại hãm rời thì phải dùng thanh cứng làm càng kéo;

c) Phía trước của xe kéo và phía sau của xe được kéo phải có biển báo hiệu.

2. Khi kéo rơ moóc phải có đủ sức kéo đối với tổng trọng lượng của cả xe kéo và rơ moóc và phải có hệ thống hãm có hiệu lực cho rơ moóc.

3. Cấm các hành vi sau đây:

a) Xe kéo rơ moóc, xe sơ mi rơ moóc kéo theo rơ moóc hoặc xe khác;

b) Chở người trên xe được kéo;

c) Xe ô tô kéo xe thô sơ, mô tô 2 - 3 bánh, xe gắn máy hay kéo lê vật trên đường.

Điều 46.

1. Khi tập lái xe cơ giới trên đường giao thông công cộng, người lái xe phải có Giấy phép tập lái và phải có giáo viên dạy lái ngồi bên cạnh.

2. Những xe tập lái chạy trên đường giao thông công cộng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, phải chấp hành chạy đúng tuyến đường, phạm vi cho phép, phải có biển "Tập lái" gắn ở phía trước và phía sau xe theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

3. Các xe ôtô chuyên dùng vào việc dạy lái phải trang bị thêm bộ hãm phụ và gương phản hậu để giáo viên sử dụng khi cần thiết.

Điều 47.

1. Người điều khiển xe thô sơ trên đường bộ phải:

a) Cho xe đi sát mép đường về bên phải chiều đi hoặc đi trong phần đường dành riêng cho xe thô sơ;

b) Nghiêm chỉnh chấp hành các biển báo hiệu trên đường bộ. Cấm xe thô sơ đi vào phần đường dành cho xe cơ giới;

c) Dừng hay đỗ xe sát lề đường hoặc vỉa hè không quá 0,25 mét, súc vật kéo phải buộc cẩn thận trên lề đường.

2. Người điều khiển xe súc vật kéo, phải dọn sạch phân do súc vật kéo thải ra trên đường.

Điều 48. Người đi bộ phải tuân theo các quy định sau đây:

1. Phải đi trên hè phố sát lề đường về bên tay phải của mình, nếu không có hè phố, lề đường thì phải đi sát mép đường về bên tay phải của mình.

2. Tại các đường giao nhau có đèn báo hiệu hoặc có người chỉ huy giao thông, người đi bộ muốn sang đường phải sử dụng lối đi dành riêng và theo báo hiệu bằng đèn màu hay hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông.

3. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường hoặc đi trên đường phải có người lớn dắt dẫn.

4. nơi không có lối dành riêng cho người đi bộ sang đường thì phải quan sát kỹ và tự chịu trách nhiệm khi sang đường. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách hai chiều giao thông.

5. Không được nhảy lên, nhảy xuống hoặc bám vào tàu, xe đang chạy. Không được đặt ngổn ngang, mang vác hay gồng gánh đồ vật trên lòng đường. Nếu mang vác những vật dài (tre, nứa...) phải đi dọc và sát lề đường về bên tay phải của mình, khi quay trở phải quan sát để không gây trở ngại cho các phương tiện và người ở xung quanh.

6. Khi qua đường sắt phải quan sát, nếu không có xe lửa đi tới phải nhanh chóng vượt qua, nếu ở nơi có rào chắn mà rào chắn đã đóng thì phải đi trên cầu vượt (nếu có) hoặc phải dừng lại cách xa rào chắn ít nhất là 1 mét. ở nơi không có rào chắn phải quan sát thận trọng, nếu có xe lửa sắp tới thì phải dừng lại cách ray ngoài cùng ít nhất là 5 mét.

7. Khi người đi theo đoàn dài thì phải có người hướng dẫn, chỉ huy cảnh giới và đoàn người phải đi sát lề đường về bên tay phải của mình, dành phần đường cho xe lưu thông.

8. Người tàn tật, người già yếu sử dụng xe lăn không có động cơ được đi trên hè phố và nơi quy định dành cho người đi bộ.

Điều 49.

1. Súc vật đi từng đàn trên đường giao thông công cộng phải có người coi dẫn, phải cho súc vật đi sát vào lề đường bên phải tay mình; cấm dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

2. Cấm thả rông súc vật hoặc buộc súc vật trên đường kể cả súc vật dùng vào việc kéo xe, thồ hàng hay để cưỡi.

3. Người coi dẫn súc vật đi trên đường giao thông phải dọn sạch phân do súc vật thải ra trên đường.

 

Chương VI

TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Điều 50. Người và phương tiện tham gia giao thông đô thị ngoài việc phải chấp hành các quy định tại các Chương trên đây còn phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định dưới đây và các quy định chi tiết về trật tự an toàn giao thông đô thị do y ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.

Điều 51.

1. Người và phương tiện tham gia giao thông đô thị phải tuân thủ theo sự chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu giao thông đô thị bao gồm: hiệu lệnh bằng tín hiệu đèn, báo hiệu bằng biển, cọc tiêu, dải phân cách, vạch kẻ đường; đi đúng làn xe, phần đường và chiều đường quy định.

2. Nghiêm cấm đi khi phía trước mặt có tín hiệu đèn đỏ đặt ở các đường giao nhau hoặc đã có hiệu lệnh dừng các phương tiện của Cảnh sát giao thông.

3. Người đi bộ phải đi trên hè phố, nơi không có hè phố phải đi sát mép đường về bên phải của mình.

Điều 52.

1. Các loại xe phải chạy đúng luồng, tuyến quy định. Nếu vì lý do đặc biệt cần đi vào khu vực cấm, đường cấm phải có giấy phép của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Trên đường phố người đi bộ và các loại xe phải theo nguyên tắc nhường đường quy định tại khoản 1 Điều 35, khoản 2 Điều 36, Điều 38, Điều 40, Điều 41, Điều 42 và theo nguyên tắc chung sau đây:

a) Người đi bộ phải nhường đường cho các loại xe;

b) Xe thô sơ phải nhường đường cho xe cơ giới;

c) Xe có tốc độ thấp phải nhường đường cho xe có tốc độ cao.

Điều 53.

1. Việc hạn chế lưu hành hoặc cấm các loại xe bông sen, xe lam, xe xích lô và các loại xe thô sơ khác lưu hành trong các đô thị do ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

2. Cấm xe khách đường dài đón khách trên đường phố, ngoài bến xe quy định.

Điều 54.

1. Cấm các loại xe dùng còi hơi, bấm còi liên tục, rú ga trong mọi trường hợp (trừ xe cấp cứu, xe công an, quân đội đi làm nhiệm vụ đặc biệt).

2. Cấm tất cả các loại xe bấm còi từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.

Điều 55. Các loại xe làm vệ sinh môi trường đô thị được vào tất cả các đường phố và chỉ được hoạt động từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

y ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương quy định thời gian và tuyến đường hoạt động của các xe chở đất, các loại vật liệu xây dựng trong đô thị.

Điều 56.

1. Cấm xe đạp, xe gắn máy, xe mô tô lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người đi đường.

2. Cấm đua xe khi chưa được phép của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Cấm sử dụng ô dù che mưa, che nắng hoặc sử dụng điện thoại di động khi điều khiển xe đạp, môtô, xe gắn máy.

4. Mô tô, xe gắn máy, xe đạp chạy từ trong ngõ, hẻm, đường hẹp, trong nhà ra đường chính, từ phà lên phải nhường đường cho các loại phương tiện và người đi bộ từ bất kỳ hướng nào.

Điều 57. Người điều khiển xe đạp phải chấp hành các quy định sau đây:

1. Không được đi xe ở những khu vực và đường có biển cấm xe đạp.

2. Khi điều khiển xe đạp trên đường, không được buông cả hai tay hoặc kéo xe khác, không được phóng nhanh vượt ẩu hoặc có hành động khác gây nguy hiểm, không được đi hàng ngang từ 3 xe trở lên, cấm rẽ bất thường trước đầu xe cơ giới.

3. Chỉ được dừng hoặc đỗ xe sát lề đường hay vỉa hè, ở những nơi quy định phải dừng lại, không được đỗ hoặc dừng xe ở những nơi làm cản trở giao thông.

4. Chỉ được chở một người phía sau và một trẻ em dưới 7 tuổi (do người lớn bế hoặc có ghế ngồi riêng) hoặc hai người lớn khi một người lớn không có khả năng ngồi một mình do điều kiện sức khoẻ.

5. Người điều khiển xe, người được chở trên xe không được mang vác vật cồng kềnh, không được kéo theo vật gì, không được dắt súc vật chạy theo.

6. Trẻ em dưới 12 tuổi không được điều khiển xe đạp có đường kính bánh xe từ 650 mm trở lên.

7. Không được bám vào các xe khác (kể cả xe đạp khác).

8. Cấm đi xe đạp trên hè phố, trong vườn hoa, công viên.

Điều 58. Đối với đường một chiều, xe đạp và xích lô chỉ được đi về nửa đường phía bên phải, xích lô phải đi hàng một. Nếu đường một chiều có vạch sơn phân tuyến thì xe đạp, xích lô đi trên làn đường bên phải, xe cơ giới chạy trên làn đường bên trái (trừ trường hợp phải đi vào phần đường bên phải để dừng đỗ xe hoặc rẽ phải).

Điều 59.

1. Xe xích lô phải có biển số đăng ký, người điều khiển phải có giấy phép hành nghề do cơ quan giao thông công chính cấp; xe xích lô chở người phải có đệm và mui che bảo đảm mỹ quan, sạch đẹp.

2. Các loại xe thô sơ phải có chuông báo hiệu, ban đêm phải có đèn sáng ở phía trước và đèn đỏ hoặc kính đỏ phản quang ở phía sau.

Điều 60.

1. Hàng hoá xếp trên xe thô sơ do người hoặc súc vật kéo đẩy không được để vượt ra phía trước, phía sau xe quá 1/3 chiều dài thân xe. Hàng hoá không được xếp vượt quá chiều rộng thân xe. Riêng xe đạp, xe thồ chở hàng hoá, hành lý không vượt quá 0,4 mét về mỗi bên bánh xe, không vượt ra phía trước, phía sau xe quá 1 mét. Các loại xe trên đây chỉ được hoạt động theo giờ, theo tuyến quy định không làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

2. Khi hàng xếp vượt ra khỏi phía trước và phía sau xe dù chưa tới mức quy định trên đây thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ treo ở điểm đầu và điểm cuối của hàng hoá nhô ra phía trước và sau xe.

3. Việc xếp dỡ hàng hoá lên xuống xe vào ban đêm từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau trong khu đông dân cư không được gây tiếng động lớn.

Điều 61.

1. Cấm chở hàng hoá, hành lý trên mui các loại xe cơ giới 3 bánh kể cả xe lam.

2. Cấm xếp hàng hoá, hành lý nhô ra hai bên thành xe cơ giới 3 bánh kể cả xe lam.

3. Cấm chở hàng hoá, vật dụng vượt quá phía trước và phía sau 1/3 chiều dài thân xe cơ giới 3 bánh kể cả xe lam.

4. Cấm người ngồi cạnh lái xe có càng điều khiển.

Điều 62.

1. Lòng đường và hè phố, chỉ được dùng cho mục đích giao thông. y ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể việc sử dụng một phần phía bên trong vỉa hè của một số đường phố đặc biệt được bày bán các loại hàng hoá.

2. Cấm tụ tập đông người trên vỉa hè, lòng đường, gây ùn tắc, cản trở giao thông. Trường hợp cần thiết phải được Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép.

3. Cấm mọi hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố để họp chợ, trưng bày, bán hàng hoá và treo biển quảng cáo, để vật liệu và các hành vi khác gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

4. y ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể việc bán hàng quán trên vỉa hè các đường phố vào ban đêm, đảm bảo không gây ách tắc giao thông, hợp vệ sinh và bảo đảm mỹ quan thành phố.

Điều 63.

1. Tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân không được tự tiện để phương tiện vận tải ở vỉa hè, lòng đường mà phải để đúng nơi quy định. Khi xây dựng trụ sở, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, các công trình phục vụ công cộng, phải có nơi để xe phù hợp với nhu cầu của từng công trình thì mới được cấp giấy phép xây dựng.

2. Trường hợp chưa xây được chỗ để phương tiện vận tải theo quy định tại khoản 1 Điều này thì phải gửi xe ở những điểm đỗ xe do Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) quy định. Việc quy định điểm đỗ xe thay cho việc cấp phép hiện hành nhưng phải bảo đảm giao thông thông suốt và không làm ảnh hưởng đến các công trình ngầm ở phía dưới các điểm đỗ xe.

Điều 64. Khi cần thiết phải đào đường, hè phố hoặc sử dụng hè phố để vật liệu phải có giấy phép của Sở Giao thông công chính (Sở Giao thông vận tải) và phải hoàn thành đúng thời gian quy định. Trên những đường phố chính chỉ được thi công vào ban đêm từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Khi thi công phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông và người đi lại. Khi hoàn thành công việc phải khôi phục lại ngay mặt đường, hè phố theo nguyên trạng.

Điều 65. Trong trường hợp cây đổ, cột điện đổ, dây điện đứt hoặc các sự cố bất ngờ khác xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, các cơ quan có trách nhiệm quản lý về các lĩnh vực trên phải kịp thời giải quyết hậu quả, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

Điều 66.

1. Cấm đổ rác hoặc các vật dụng hay chất thải khác ra vỉa hè, đường phố. Các xe chở phân, rác, chất thải, vôi vữa, đất, cát, sỏi, gạch, than, xỉ lò... phải được che phủ kín, không được để rơi vãi, tung bụi trên đường phố. Nếu để rơi vãi, người điều khiển xe phải có trách nhiệm thu dọn, xử lý hậu quả kịp thời.

2. Xe chở đất, cát, chất thải từ công trường ra hoặc ngược lại chỉ được hoạt động từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.

3. Chủ công trường phải chịu trách nhiệm làm sạch đường trước 6 giờ sáng hàng ngày.

Điều 67.

1. Súc vật đi trên đường phố, hè phố phải có người chăn dắt và có bịt mõm.

2. Việc dẫn dắt súc vật đi trong nội thành, nội thị phải theo định của Uỷ ban nhân dân thành phố.

3. Cấm thả rông súc vật trên đường phố, hè phố.

4. Người dẫn dắt súc vật phải chịu trách nhiệm thu dọn vệ sinh chất thải do súc vật thải ra trên đường phố, hè phố.

5. Người điều khiển xe súc vật kéo phải luôn đi bên cạnh xe, chỉ người điều khiển xe ngựa chở khách được ngồi trên xe.

Điều 68. Cấm mọi hành vi tự ý tháo mở các nắp cống trên vỉa hè, lòng đường. Khi phát hiện nắp cống bị tháo mở thì người đi đường, người ở ven phố phải đặt báo hiệu và báo ngay với trạm Công an hoặc cơ quan nhà nước gần nhất để thông báo cho Sở Giao thông công chính (Giao thông vận tải) xử lý kịp thời.

Điều 69.

1. Cấm đặt các biển quảng cáo, biển hiệu, pa-nô, áp phích, trồng cây làm che khuất các biển báo hiệu, tín hiệu điều khiển giao thông.

2. những đường phố đông người đi lại không được đặt các quảng cáo, pa-nô áp phích trực diện với tầm nhìn làm phân tán sự chú ý của người lái xe ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Điều 70. Các đơn vị quản lý giao thông và vệ sinh môi trường có trách nhiệm giữ gìn đường phố, vỉa hè sạch; phải kịp thời khôi phục các hư hỏng công trình giao thông, tín hiệu giao thông, sơn kẻ vạch trên đường đảm bảo cho giao thông an toàn thông suốt; phải áp dụng các biện pháp cần thiết để làm sạch mặt đường trước 6 giờ sáng hàng ngày.

Điều 71.

1. Cấm lưu hành trên đường phố các loại xe cơ giới sử dụng xăng pha chì (trừ xe đặc chủng), hoặc xả khói đen làm ô nhiễm môi trường.

2. Các loại xe cơ giới lưu hành trên đường phố phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn về nồng độ khí xả và âm thanh theo quy định của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; phải được làm sạch bùn đất bám ngoài thân vỏ xe.

3. Cấm lưu hành trên đường phố các loại xe cơ giới không có bộ phận giảm thanh.

Điều 72.

1. Tại các đoạn phố, ngả đường giao nhau quá chật hẹp, khuất tầm nhìn phải đặt biển báo hiệu, tín hiệu cần thiết và có lối dành riêng cho người đi bộ sang ngang đường.

2. Tại nơi có trung tâm thương mại, nhà hát, trường học, bệnh viện phải bố trí lối dành riêng cho người đi bộ sang ngang đường thuận tiện cho lối ra vào các cơ sở đó.

 

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 73. Điều lệ này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế cho Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ và Nghị định số 75/1998/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ.

Điều 74. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình trạng thực tế của cầu đường và theo quyền hạn quy định chi tiết để thi hành Điều lệ này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.