• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 18/11/2007
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 122/2007/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kon Tum, ngày 18 tháng 10 năm 2007

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 43/TC-QLCS ngày 31/7/1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc tiếp nhận và bàn giao tài sản giữa các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức kinh tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền

__________________________

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước;

Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi bổ sung một số nội dung của Thông tư số 43 TC/QLCS ngày 31/7/1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc tiếp nhận và bàn giao tài sản giữa các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức kinh tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm a, b mục 1, Phần I như sau:

“a. Đối tượng áp dụng Thông tư này là những tài sản cố định (kể cả nhà, đất) của các cơ quan hành chính,  tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang, các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp) được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản.

b. Thông tư này chỉ áp dụng đối với việc tiếp nhận, bàn giao tài sản khi cả hai bên giao nhận là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm c, mục 2, Phần I như sau:

“a. Mọi tài sản trước khi bàn giao phải kiểm kê về mặt số lượng, phân định rõ nguồn vốn hình thành của từng tài sản và thực hiện bàn giao nguyên trạng theo giá trị sổ sách kế toán. Trong quá trình tiếp nhận, bàn giao nếu có tài sản chưa được theo dõi hạch toán trong hệ thống sổ sách kế toán thì phải thực hiện đánh giá lại tại thời điểm và địa điểm bàn giao để thực hiện bàn giao.”

“c. Khi tiến hành bàn giao phải lập biên bản giao nhận tài sản theo đúng mẫu quy định (kèm theo Thông tư này); ghi chép đầy đủ, chính xác số lượng tài sản, giá trị và kèm theo các tài liệu có liên quan đến tài sản bàn giao. Biên bản bàn giao tài sản phải có sự xác nhận của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và gửi về cơ quan Tài chính cùng cấp 01 bản để phối hợp theo dõi quản lý”.

3. Sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất Phần II xác định giá trị của tài sản bàn giao như sau:

Giá trị tài sản bàn giao được xác định theo giá trị đang theo dõi trên sổ sách kế toán hoặc được đánh giá lại tại thời điểm và địa điểm bàn giao (đối với tài sản chưa được theo dõi hạch toán trong hệ thống sổ sách kế toán).

4. Sửa đổi, bổ sung mục 2 Phần II về tổ chức đánh giá lại giá trị tài sản bàn giao như sau:

"3. Tối đa sau 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định chuyển giao tài sản của cơ quan có thẩm quyền, nếu tài sản bàn giao chưa được theo dõi hạch toán trong hệ thống sổ sách kế toán thì cơ quan có tài sản bàn giao báo cáo cơ quan quản lý chủ quản trực tiếp thành lập Hội đồng xác định giá trị của tài sản để xác định giá trị theo phương pháp quy định tại mục 2 phần này. Thành phần Hội đồng xác định giá trị tài sản gồm có: đại diện của cơ quan có tài sản bàn giao, đại diện cơ quan tiếp nhận tài sản và đại diện của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp”.

5. Bãi bỏ gạch đầu dòng thứ 2 điểm a "Đối với bên giao" và điểm b "Đối với bên nhận " mục 1 phần III Thông tư số 43/TC-QLCS quy định về hạch toán tăng, giảm tài sản và xử lý các khoản chi phí phát sinh trong quá trình bàn giao của các trường hợp hướng dẫn giao, nhận là Doanh nghiệp nhà nước (Công ty nhà nước); đồng thời bãi bỏ các cụm từ “Doanh nghiệp nhà nước” và “Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp” quy định tại Thông tư số 43/TC-QLCS.

Các cụm từ tại Thông tư số 43/TC-QLCS gồm: “Giám đốc Sở Tài chính vật giá” nay được sửa thành “Giám đốc Sở Tài chính".

6. Hiệu lực thi hành:

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Những nội dung không sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 43 TC/QLCS ngày 31/7/1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc tiếp nhận và bàn giao tài sản giữa các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức kinh tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ảnh về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.