• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/11/2011
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 66/2011/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kon Tum, ngày 10 tháng 10 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết một số điều Nghị định số 08/2010/NĐ-CP  ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi

____________________________________

 

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008;

Căn cứ Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số nội dung về quản lý thức ăn chăn nuôi như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết một số điều Nghị định số 08/2010/NĐ-CP
ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam.

Chương II

SẢN XUẤT, KINH DOANH THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Điều 3. Điều kiện đối với cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi

Cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng các điều kiện theo Điều 6 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi. Một số quy định chi tiết về địa điểm, điều kiện cơ sở vật chất và nhân viên kỹ thuật như sau:

1. Địa điểm

a) Có vị trí phù hợp: thuận tiện cho việc sản xuât, kinh doanh; không bị ngập úng; không gần các nguồn hoá chất, vi sinh vật có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm thức ăn chăn nuôi;

b) Có tường bao hoặc hàng rào cố định cách biệt với bên ngoài.

2. Bố trí mặt bằng, nhà xưởng

a) Bố trí mặt bằng nhà xưởng thuận lợi cho việc bốc dỡ, chế biến, bảo quản nguyên liệu và sản phẩm;

b) Có nhà xưởng đủ diện tích cho việc bố trí các trang thiết bị bảo đảm thuận tiện cho việc vận hành sản xuất, làm vệ sinh và an toàn lao động;

c) Dây chuyền sản xuất phải được bố trí hợp lý nhằm hạn chế thấp nhất khả năng gây nhiễm chéo giữa các công đoạn sản xuất;

d) Khu vực xử lý nguyên liệu dạng lỏng phải được thiết kế bảo đảm thoát ẩm, thoát mùi, dễ làm sạch và khử trùng;

đ) Khu xử lý nhiệt phải bảo đảm thông thoáng, thoát nhiệt và an toàn.

3. Kết cấu nhà xưởng sản xuất

a) Nhà xưởng phải có kết cấu vững chắc phù hợp với tính chất và quy mô sản xuất của cơ sở, bảo đảm an toàn và phòng chống cháy nổ;

b) Phải có hệ thống thông gió bảo đảm loại trừ được hơi nóng, hơi nước và khí thải;

c) Tường và mái nhà phải được làm bằng vật liệu bền; nền nhà xưởng phải cứng, phẳng, chịu được tải trọng, không trơn trượt, dễ làm vệ sinh;

d) Cửa ra vào, cửa sổ phải được chế tạo bằng vật liệu phù hợp, ngăn chặn được côn trùng và động vật gây hại, dễ làm vệ sinh và khử trùng.  

4. Thiết bị và dụng cụ

a) Hệ thống máy móc, thiết bị phải được lắp đặt, vận hành bảo đảm an toàn cho người lao động, dễ dàng cho việc vệ sinh, bảo dưỡng và thuận lợi cho công tác kiểm tra;

b) Thiết bị tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải làm bằng vật liệu phù hợp, không độc, không gỉ, bảo đảm vệ sinh thức ăn chăn nuôi;

c) Thiết bị phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ về các thông số kỹ thuật.

5. Khu vực sân bãi và đường đi nội bộ

a) Sân bãi và đường đi phải có mặt bằng đủ rộng thuận tiện cho việc vận chuyển và bốc dỡ hàng hoá;

b) Mặt sân, đường đi phải có độ dốc hợp lý để không đọng nước và thuận tiện cho vệ sinh, khử trùng.

6. Hệ thống kho

a) Hệ thống kho phải thoáng mát, khô ráo bảo đảm thuận tiện cho việc xuất nhập nguyên liệu và sản phẩm;

b) Khu chứa nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi thành phẩm phải tách riêng và phải cách biệt với chất dễ cháy nổ, các loại hoá chất độc hại;

c) Các loại nguyên liệu phải được bảo quản bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để không bị ẩm mốc, mối mọt và sự xâm hại của côn trùng và động vật gặm nhấm;

d) Đối với các chất phụ gia, vitamin và các loại thức ăn bổ sung khác phải được bảo quản trong điều kiện phù hợp với yêu cầu kỹ thuật cho từng loại;

đ) Đối với thức ăn chăn nuôi thành phẩm phải được lưu giữ trên các kệ gỗ hoặc vật liệu có độ cao phù hợp với mặt nền kho, trừ trường hợp nền kho đã được thiết kế chống ẩm.

7. Hệ thống cung cấp điện, nước

Phải có hệ thống cung cấp điện an toàn và có hệ thống cung cấp nước sạch bảo đảm yêu cầu kỹ thuật phục vụ cho quá trình sản xuất.

8. Nhân viên kỹ thuật trong sản xuất và kiểm soát chất lượng:

a) Đối với sản xuất, gia công thức ăn gia súc, gia cầm: nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trở lên về chuyên ngành chăn nuôi, thú y, chế biến thực phẩm, hoá thực phẩm.

b) Đối với sản xuất, gia công thức thủy sản: nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trở lên về chuyên ngành chế biến thực phẩm, hoá thực phẩm, nuôi trồng thủy sản.

Điều 4. Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng các điều kiện theo Điều 7 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi. Một số quy định chi tiết về địa điểm, phương tiện vận chuyển và dụng cụ kinh doanh thức ăn chăn nuôi cụ thể như sau:

1. Nơi bày bán và bảo quản hàng hóa thức ăn chăn nuôi phải thông thoáng, đủ ánh sáng, không ẩm ướt; hạn chế được các ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường để đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi.

2. Có thiết bị cân đo chính xác và được định kỳ bảo dưỡng; dụng cụ chứa đựng và dụng cụ đong, xúc hàng hóa thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh, không bị han gỉ hoặc nhiễm mốc.

3. Nơi bày bán, bảo quản và các phương tiện vận chuyển, dụng cụ kinh doanh hàng hóa thức ăn chăn nuôi phải riêng biệt đối với thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất độc hại khác.

Điều 5. Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam

1. Thức ăn chăn nuôi đưa vào Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Danh mục) phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Đã công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy theo quy định của pháp luật; đã được xác nhận chất lượng bởi Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi;

b) Đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập khẩu tại Quyết định số 90/2006/QĐ-BNN ngày 02/10/2006, Quyết định số 65/2007/QĐ-BNN ngày 03/7/2007, Quyết định số 88/2008/QĐ-BNN ngày 22/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và Danh mục thức ăn thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

c) Đã qua khảo nghiệm, kiểm nghiệm được công nhận của Hội đồng khoa học chuyên ngành do Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi thành lập;

d) Là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học được công nhận bởi Hội đồng khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Thức ăn chăn nuôi đưa ra khỏi Danh mục khi:

a) Trong quá trình sử dụng phát hiện có gây tác hại đến sản xuất, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm;

b) Thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng sau 02 lần kiểm tra liên tiếp;

c) Thức ăn chăn nuôi đã hết thời gian hiệu lực trong Danh mục.

3. Bổ sung, điều chỉnh Danh mục

a) Định kỳ 03 tháng một lần, Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung, điều chỉnh Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam;

b) Nội dung bổ sung, điều chỉnh Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam được quy định tại khoản 1, 2 Điều này.

4. Hồ sơ đăng ký thức ăn chăn nuôi vào Danh mục bao gồm:

4.1. Đối với thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước

a) Đơn đăng ký theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đầu tư (chỉ nộp lần đầu);

c) Bản công bố tiêu chuẩn cơ sở áp dụng;

d) Bản tiếp nhận công bố hợp chuẩn hoặc tiếp nhận công bố hợp quy theo quy định của pháp luật hoặc Quyết định công nhận thức ăn chăn nuôi mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

đ) Mẫu nhãn của sản phẩm.

4.2. Đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu được quy định cụ thể tại Điều 6 Thông tư này.

5. Hiệu lực của Danh mục

Hiệu lực của danh mục thức ăn chăn nuôi là 05 năm kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành có hiệu lực. Trước khi hết thời gian hiệu lực 06 tháng, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi nếu có nhu cầu làm thủ tục đăng ký lại vào Danh mục tại Tổng Cục thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi.

6. Hồ sơ đăng ký lại vào Danh mục bao gồm:

a) Đơn đăng ký theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chứng thực bản công bố tiêu chuẩn cơ sở, bản tiếp nhận công bố hợp chuẩn hoặc tiếp nhận công bố hợp quy theo quy định của pháp luật hoặc Quyết định công nhận thức ăn chăn nuôi mới;

c) Bản sao chứng thực mẫu nhãn của sản phẩm.

7. Trình tự giải quyết hồ sơ đăng ký vào Danh mục (bao gồm cả đăng ký lại):

a) Tổ chức, cá nhân đăng ký thức ăn chăn nuôi vào Danh mục lập 02 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Tổng cục Thủy sản (đối với thức ăn thủy sản) hoặc Cục Chăn nuôi (đối với thức ăn gia súc, gia cầm);

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký, Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi có trách nhiệm kiểm tra nội dung hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho đơn vị đăng ký những nội dung chưa đạt yêu cầu để đơn vị đăng ký thực hiện bổ sung, hoàn thiện.

c) Nếu hồ sơ hoàn chỉnh và sản phẩm đạt các yêu cầu chất lượng, trong thời hạn 07 ngày làm việc, Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi có văn bản đồng ý và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung vào Danh mục. Trong thời gian chờ bổ sung vào Danh mục, thì đơn vị được phép sản xuất và lưu hành sản phẩm.

8. Thay đổi thông tin của thức ăn chăn nuôi đã có trong Danh mục:

Hồ sơ đề nghị thay đổi thông tin sản phẩm lập thành 01 bộ, bao gồm:

- Đơn đề nghị điều chỉnh thông tin sản phẩm (theo mẫu tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này);

- Giấy xác nhận nội dung điều chỉnh của nhà sản xuất.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi có văn bản trả lời đồng ý hoặc không đồng ý về việc điều chỉnh thông tin sản phẩm.

Trường hợp đồng ý điều chỉnh thông tin sản phẩm, Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi sẽ trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh thông tin sản phẩm trong Danh mục. Trong thời gian chờ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa nội dung điều chỉnh và Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam thì doanh nghiệp được phép tiếp tục sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.

9. Thức ăn chăn nuôi dùng chung cho nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm:

a) Các tổ chức, cá nhân khi làm thủ tục đăng ký vào danh mục hay điều chỉnh bổ sung các thông tin có liên quan, gửi hồ sơ tới Tổng cục Thuỷ sản và Cục Chăn nuôi.

b) Trình tự thủ tục và các nội dung xác nhận chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi dùng chung trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng tương tự như quy định đối vơi các loại thức chăn nuôi khác trong Thông tư này

Điều 6. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi

1. Đối với thức ăn chăn nuôi đã có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam, khi nhập khẩu, tổ chức, cá nhân làm thủ tục tại cơ quan hải quan và thực hiện kiểm tra chất lượng theo Chương III Thông tư này.

2. Đối với thức ăn chăn nuôi chưa có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam khi nhập khẩu phải có công nhận chất lượng của Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi và thực hiện kiểm tra chất lượng theo Chương III Thông tư này. Việc công nhận chất lượng thông qua một trong hai hình thức sau:

a) Công nhận chất lượng thông qua thẩm định hồ sơ.

b) Công nhận chất lượng thông qua khảo nghiệm (đối với các loại thức ăn chăn nuôi mới) được quy định tại khoản 7 Điều 3 và khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP và Chương IV Thông tư này.

Tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi chưa có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam phải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị công nhận chất lượng cho Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi.

c) Hồ sơ đề nghị công nhận chất lượng gồm:

- Đơn đề nghị công nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu (mẫu đơn theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này);

- Giấy chứng nhận lưu hành tự do của hàng hoá nhập khẩu (Certificate of free sale) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp;

- Thành phần, chất lượng, công dụng, hướng dẫn sử dụng, nhãn của sản phẩm do nhà sản xuất cung cấp;

- Phiếu kết quả kiểm nghiệm thành phần chất lượng chủ yếu và các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thức ăn chăn nuôi của nhà sản xuất đã có một trong các giấy chứng nhận GMP, HACCP, ISO hoặc giấy chứng nhận tương đương; trường hợp nhà sản xuất không có một trong những giấy chứng nhận trên thì phiếu kết quả kiểm nghiệm phải được cấp từ cơ quan kiểm nghiệm có thẩm quyền của nước xuất xứ hoặc được công nhận bởi tổ chức chứng nhận chất lượng;

- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam của nhà đăng ký nhập khẩu (chỉ nộp lần đầu).

Hồ sơ là bản chính hoặc bản sao chứng thực kèm theo bản dịch ra tiếng Việt có đóng dấu treo của nhà đăng ký nhập khẩu. Nếu bản gốc không phải là tiếng Anh thì bản dịch ra tiếng Việt phải có dịch thuật công chứng.

d) Trong thời hạn 07 ngày làm việc sau khi nhận được Hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi có văn bản trả lời đơn vị nhập khẩu về yêu cầu công nhận chất lượng: đối với những sản phẩm phải thông qua khảo nghiệm, thực hiện theo Chương IV Thông tư này; đối với những sản phẩm không phải khảo nghiệm Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi có văn bản công nhận chất lượng và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung vào Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; đối với những hồ sơ không được công nhận cần nêu rõ lý do. Trong thời gian chờ bổ sung vào Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam thì các doanh nghiệp được phép nhập khẩu và kinh doanh mặt hàng này.

3. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi không có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam để giới thiệu tại các hội chợ triển lãm: Tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để giới thiệu tại các hội chợ triển lãm phải nộp cho Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi đơn đề nghị nhập khẩu, ghi rõ: tên thức ăn chăn nuôi, khối lượng, nguồn gốc xuất xứ, thời gian và địa điểm nhập khẩu; thời gian, địa điểm tổ chức hội chợ triển lãm và phương án xử lý số thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khi kết thúc hội trợ triển lãm. Mẫu đơn theo quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi nhận được đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để giới thiệu tại các hội trợ triển lãm, Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi có văn bản trả lời về việc đồng ý hoặc không đồng ý cho nhập. Trong trường hợp không đồng ý cần nêu rõ lý do.

4. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi không có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam để sản xuất, gia công nhằm mục đích tái xuất: Tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để sản xuất, gia công nhằm mục đích tái xuất theo hợp đồng đã đăng ký với nước ngoài phải nộp 01 bộ hồ sơ cho Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị nhập khẩu, ghi rõ: tên thức ăn chăn nuôi, khối lượng theo hợp đồng, nguồn gốc xuất xứ; thời gian, địa điểm nhập khẩu và tái xuất.

Mẫu đơn đề nghị nhập khẩu theo quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Hợp đồng thực hiện giữa các bên phù hợp với các quy định của Pháp luật Việt Nam về việc nhập hàng gia công, tái xuất.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi nhận được hồ sơ đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để sản xuất, gia công nhằm mục đích tái xuất theo hợp đồng đã ký với nước ngoài, Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi có văn bản trả lời về việc đồng ý hoặc không đồng ý cho nhập. Trong trường hợp không đồng ý   cần nêu rõ lý do.

Chương III

KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Điều 7. Kiểm tra nhà nước về thức ăn chăn nuôi

Việc thực hiện kiểm tra Nhà nước về thức ăn chăn nuôi được quy định tại Điều 17 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi. Chi tiết một số nội dung cụ thể sau:

1. Kiểm tra điều kiện cơ sơ sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi được quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm sản.

2. Kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi

a) Kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng:

- Việc kiểm tra thường xuyên về chất lượng thức ăn chăn nuôi tại cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi mỗi năm không quá 02 lần và có thông báo bằng văn bản trước khi kiểm tra.

- Việc kiểm tra đột xuất về chất lượng thức ăn chăn nuôi tại cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi chỉ được tiến hành khi có sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền, không cần thông báo trước.

- Các chỉ tiêu sử dụng để kiểm tra, đánh giá chất lượng thức ăn chăn nuôi được quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi xuất khẩu, nhập khẩu, bị triệu hồi hoặc trả về.

3. Kết thúc mỗi đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra phải có báo cáo bằng văn bản, nếu có sai phạm, phải chuyển các hồ sơ có liên quan đến cơ quan thanh tra có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Điều 8. Hình thức và đối tượng  kiểm tra chất lượng

1. Kiểm tra theo quy định, áp dụng cho:

a) Thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng;

b) Thức ăn chăn nuôi xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu kiểm tra, xác nhận hoặc chứng nhận chất lượng bởi cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam;

c) Thức ăn chăn nuôi nhập khẩu;

d) Thức ăn chăn nuôi bị triệu hồi hoặc bị trả về;

2. Kiểm tra chất lượng khi có đề nghị của tổ chức, cá nhân.

Điều 9. Căn cứ kiểm tra chất lượng

1. Nhãn hàng hoá (theo mẫu tại Phụ lục 2A và Phụ lục 2B ban hành kèm theo Thông tư này);

2. Tiêu chuẩn công bố áp dụng (các chỉ kỹ thuật tối thiểu bắt buộc phải công bố theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này);

3. Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; các quy định về kháng sinh, chất cấm sử dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

4. Các trường hợp kiểm tra, xác nhận hoặc chứng nhận chất lượng theo đề nghị thì căn cứ theo nội dung yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị.

Điều 10. Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng

1. Doanh nghiệp lập 01 bộ hồ sơ và làm thủ tục đăng ký với cơ quan kiểm tra. Hồ sơ bao gồm:

a) Trường hợp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi:

Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng (03 bản) theo mẫu tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản sao chứng thực các giấy tờ: Hợp đồng mua bán, phiếu đóng gói (Packinglist), hoá đơn mua bán (Invoice), Phiếu kết quả phân tích chất lượng của nước xuất xứ cấp cho lô hàng (Certificate of Analysis).

b) Trường hợp xuất khẩu thức ăn chăn nuôi:

Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng (03 bản) theo mẫu tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này; Bản yêu cầu các chỉ tiêu cần kiểm tra, xác nhận chất lượng;

Bản sao chứng thực các giấy tờ: Hợp đồng mua bán, hồ sơ công bố chất lượng.

c) Trường hợp thức ăn chăn nuôi bị triệu hồi, trả về:

Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng (03 bản) theo mẫu tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản sao chứng thực các giấy tờ: Hợp đồng mua bán, Giấy xác nhận chất lượng của lô hàng trước khi xuất khẩu (nếu có), văn bản triệu hồi hoặc thông báo trả về trong đó nêu rõ nguyên nhân triệu hồi hoặc trả về.

2. Doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký kiểm tra trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Cơ quan kiểm tra.

3. Khi nhận được hồ sơ đăng ký kiểm tra, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Cơ quan kiểm tra xem xét và hướng dẫn Doanh nghiệp bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định;

Trường hợp đầy đủ hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Cơ quan kiểm tra xác nhận vào Giấy đăng ký kiểm tra, trong đó có thông báo cho Doanh nghiệp về nội dung kiểm tra, thống nhất thời gian và địa điểm sẽ thực hiện kiểm tra.

Điều 11. Kinh phí kiểm tra

1. Kiểm tra theo quy định:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Phí, lệ phí theo quy định hiện hành.

2. Kiểm tra theo đề nghị:

Do tổ chức, cá nhân đề nghị chi trả.

Điều 12. Cơ quan kiểm tra 

1. Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cơ quan, đơn vị được Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi uỷ quyền chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong phạm vi địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật và kiểm tra, xác nhận chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi xuất khẩu, nhập khẩu, triệu hồi, bị trả lại.

Điều 13. Giấy xác nhận chất lượng và Giấy thông báo không đạt

1. Giấy xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi (gọi tắt là Giấy xác nhận, theo Phụ lục 10) được Cơ quan kiểm tra cấp cho lô hàng có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu. Giấy xác nhận chỉ có giá trị đối với lô hàng được cấp trong điều kiện vận chuyển, bảo quản không làm thay đổi chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi đã kiểm tra.

Giấy xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi được cấp cho các trường hợp quy định tại điểm b, c, d khoản 1 và khoản 2 Điều 8 của Thông tư này.

2. Giấy Thông báo không đạt chất lượng (gọi tắt là Thông báo không đạt, theo Phụ lục 11) được Cơ quan kiểm tra cấp cho lô hàng có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu.

3. Giấy xác nhận/ Giấy thông báo không đạt được lập thành 03 (ba) bản: 02 bản chính giao cho doanh nghiệp, 01 bản chính lưu tại Cơ quan kiểm tra.

Điều 14. Lấy mẫu và phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi

1. Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi:

a) Phải thực hiện theo phương pháp lấy mẫu ghi trong tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 4325:2007);

b) Người lấy mẫu thức ăn chăn nuôi phải có chứng chỉ do Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi cấp.

2. Phân tích kiểm tra chất lượng mẫu thức ăn chăn nuôi:

a) Thực hiện theo phương pháp phân tích đã ghi trong Công bố tiêu chuẩn áp dụng. Trường hợp Công bố tiêu chuẩn áp dụng không ghi rõ hoặc phương pháp phân tích không còn phù hợp thì việc phân tích áp dụng theo TCVN, nếu không có TCVN thì áp dụng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Phải do các phòng thử nghiệm thức ăn chăn nuôi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định thực hiện.

Điều 15. Nội dung kiểm tra thức ăn chăn nuôi nhập khẩu

1. Xác nhận Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng để làm thủ tục khai hải quan; khi đã được xác nhận Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng doanh nghiệp được phép chuyển hàng về địa điểm ghi trong giấy đăng ký kiểm tra. Giữ nguyên hiện trạng hàng hoá, không được sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn trước khi có kết quả kiểm tra xác nhận chất lượng.

2. Kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, số lượng, khối lượng, xuất xứ của sản phẩm so với đăng ký.

3. Kiểm tra quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, ngoại quan về sản phẩm (Phụ lục 12).

4. Lấy mẫu để phân tích chất lượng theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra nêu trong Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng.

Điều 16. Nội dung kiểm tra thức ăn chăn nuôi bị triệu hồi hoặc trả về

1. Xác nhận Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng để làm thủ tục khai hải quan.

2. Kiểm tra quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, ngoại quan về sản phẩm (Phụ lục 12).

3. Kiểm tra về nguyên nhân thức ăn chăn nuôi triệu hồi hoặc bị trả về.

Điều 17. Nội dung kiểm tra thức ăn chăn nuôi xuất khẩu

1. Xác nhận Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng để làm thủ tục khai hải quan;

2. Kiểm tra hồ sơ công bố chất lượng, hồ sơ hợp chuẩn/hợp quy;

3. Kiểm tra quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, ngoại quan về sản phẩm (Phụ lục 12);

4. Phân tích chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp hoặc nước nhập khẩu và yêu cầu khác (nếu có).

Điều 18. Nội dung kiểm tra thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng

1. Việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy;

2. Việc thực hiện các biện pháp quản lý về chất lượng thức ăn chăn nuôi;

3. Việc thực hiện và kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn, thể hiện dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu đi kèm sản phẩm;

4. Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi phân tích chất lượng để kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 19. Cấp Giấy xác nhận chất lượng

1. Kể từ khi kết thúc kiểm tra tại hiện trường, Cơ quan kiểm tra cấp Giấy xác nhận cho lô hàng có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu theo thời hạn sau:

a) Không quá 07 ngày làm việc đối với thức ăn hỗn hợp, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi;

b) Không quá 10 ngày làm việc đối với chất bổ sung thức ăn chăn nuôi;

c) Trường hợp phải gửi mẫu phân tích tại các phòng kiểm nghiệm bên ngoài thì cơ quan kiểm tra cấp Giấy xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi cho lô hàng không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả phân tích.

2. Nội dung xác nhận phải phù hợp với nội dung kiểm tra; không xác nhận những nội dung chưa kiểm tra hoặc kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu.

Điều 20. Thông báo lô hàng không đạt chất lượng

1. Khi có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu, Cơ quan kiểm tra thông báo bằng điện thoại, fax/ e-mail cho doanh nghiệp về kết quả kiểm tra;

2. Sau thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày được thông báo, nếu doanh nghiệp không khiếu nại về kết quả phân tích, Cơ quan kiểm tra gửi Thông báo không đạt cho doanh nghiệp và gửi văn bản cho cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.

Điều 21. Quy định và xử lý thức ăn không đạt chất lượng

1. Quy định về thức ăn chăn nuôi bị thu hồi tái chế hoặc tiêu hủy:

a) Buộc thu hồi tái chế thức ăn chăn nuôi không đảm bảo chất lượng như đã công bố;

b) Buộc tiêu hủy thức ăn chăn nuôi có thành phần bị cấm, quá hạn sử dụng hoặc không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

2. Việc thu hồi tái chế hoặc tiêu hủy thức ăn chăn nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật; cơ sở và đơn vị thực hiện giám sát phải có văn bản báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi.

3. Thu hồi thức ăn chăn nuôi:

a) Cơ quan kiểm tra ra thông báo không đạt chất lượng, yêu cầu cơ sở sản xuất đình chỉ lưu hành, thu hồi và quy định hình thức xử lý thức ăn không đạt chất lượng; đồng thời thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có thức ăn chăn nuôi bị buộc thu hồi để giám sát việc thực hiện;

b) Cơ sở có thức ăn chăn nuôi bị buộc thu hồi phải chịu mọi trách nhiệm và chi phí thu hồi và khắc phục hậu quả do thức ăn bị thu hồi gây ra.

4. Tiêu huỷ thức ăn chăn nuôi:

a) Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định tiêu huỷ và thông báo cho cơ sở có thức ăn bị tiêu huỷ tiến hành tiêu huỷ;

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có thức ăn chăn nuôi bị buộc tiêu huỷ thành lập Hội đồng giám sát việc tiêu huỷ, thành phần của Hội đồng gồm đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện của các cơ quan có liên quan; 

c) Cơ sở có thức ăn chăn nuôi bị tiêu huỷ chịu trách nhiệm thực hiện tiêu huỷ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan, chịu mọi chi phí cho việc tiêu huỷ thức ăn chăn nuôi vi phạm.

5. Tái xuất thức ăn chăn nuôi:

a) Những loại thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có chứa chất cấm sử dụng, có độc tố hoặc hoá chất gây hại vượt ngưỡng cho phép có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và môi trường thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi quyết định buộc tái xuất các lô hàng vi phạm;

b) Các cơ quan chức năng liên quan thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có thức ăn buộc tái xuất có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi và các cơ quan liên quan tại cửa khẩu giám sát quá trình tái xuất thức ăn chăn nuôi vi phạm;

c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi bị buộc tái xuất phải chịu mọi trách nhiệm và chi phí tái xuất thức ăn chăn nuôi vi phạm.

Chương IV

KHẢO NGHIỆM, CÔNG NHẬN THỨC ĂN CHĂN NUÔI MỚI

Điều 22. Các loại thức ăn chăn nuôi phải khảo nghiệm

Thức ăn chăn nuôi phải qua khảo nghiệm được quy định tại khoản 1, 2 Điều 12 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi.

Việc xác định các loại thức ăn chăn nuôi phải khảo nghiệm và nội dung khảo nghiệm trong từng trường hợp cụ thể do Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi quyết định. Ngoài ra có thể do yêu cầu của người sản xuất, kinh doanh hoặc sử dụng thức ăn chăn nuôi đề nghị được khảo nghiệm.

Điều 23. Hồ sơ đăng ký khảo nghiệm

1. Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi khảo nghiệm nộp 02 bộ hồ sơ về Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn đăng ký khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi phải có văn phòng đại diện hoặc người đại diện tại Việt Nam.

2. Hồ sơ đăng ký khảo nghiệm gồm:

a) Đơn đăng ký khảo nghiệm quy định tại Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Đề cương khảo nghiệm quy định tại Phụ lục 14, Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Hợp đồng khảo nghiệm giữa cơ sở đăng ký khảo nghiệm với đơn vị thực hiện khảo nghiệm có tên trong danh sách được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận;

d) Bản cam kết của doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hoá;

đ) Bản sao chứng thực Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép thành lập văn phòng đại diện.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi nhận được hồ sơ đăng ký khảo nghiệm, Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi có văn bản trả lời về việc đồng ý hoặc không đồng ý cho khảo nghiệm. Khi đã có hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì không quá 15 ngày làm việc Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi thành lập Hội đồng thẩm định hoặc tiến hành soát xét, phê duyệt nội dung đề cương khảo nghiệm.

4. Đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, sau khi được sự đồng ý cho phép khảo nghiệm, tổ chức, đơn vị nộp đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để khảo nghiệm theo mẫu quy định tại Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 24. Thực hiện khảo nghiệm

1. Nội dung khảo nghiệm

a) Xác định chất lượng, thành phần hóa học và các chất độc hại trong sản phẩm tại phòng thử nghiệm được chỉ định;

b) Đánh giá tác động của sản phẩm đối với khả năng sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, thủy sản và môi trường.

2. Yêu cầu khảo nghiệm

a) Thực hiện khảo nghiệm theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan;

b) Đối với thức ăn chăn nuôi chưa có Quy phạm khảo nghiệm, thì có thể tiến hành khảo nghiệm theo Quy trình khảo nghiệm do đơn vị thực hiện khảo nghiệm soạn thảo hoặc kiến nghị áp dụng được thể hiện trong đề cương đăng ký khảo nghiệm và được Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi thông qua. Quy trình khảo nghiệm cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

- Kiểm tra ban đầu: Phân tích trong phòng thí nghiệm về thành phần hoá học, các chất dinh dưỡng và các chất độc hại của thức ăn khảo nghiệm theo tỷ lệ thành phần được thể hiện trên bản công bố chất lượng hoặc trên nhãn hàng hóa.

- Đánh giá chất lượng thức ăn thông qua khảo nghiệm trên vật nuôi:

+ Thời gian khảo nghiệm ít nhất một chu kỳ nuôi đối với gia súc, gia cầm; một vụ nuôi đối với thủy sản từ cỡ giống lên cỡ thương phẩm; số lần lặp lại của mỗi công thức khảo nghiệm tối thiểu là 3 lần.

+ Bố trí khảo nghiệm phải phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi của vật nuôi:

 Đối với động vật trên cạn thực hiện khảo nghiệm trong các trại sản xuất giống, trại nuôi thương phẩm gia súc, gia cầm đủ điều kiện khảo nghiệm;

Đối với thủy sản ở giai đoạn ấu trùng, giống: sử dụng bể xi măng, bể kính, bồn Composite;

Đối với thủy sản nuôi thương phẩm thực hiện khảo nghiệm trong lồng, bè, ao, đầm.

+ yếu tố kỹ thuật cần được bảo đảm thống nhất trong quá trình khảo nghiệm:

Đối với gia súc và gia cầm: Chất lượng con giống đưa vào khảo nghiệm phải đạt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; mật độ nuôi đúng theo tiêu chuẩn hoặc quy trình kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành; các lô thí nghiệm và đối chứng có cùng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng. Khác biệt lô thí nghiệm và đối chứng là thức ăn chăn nuôi khảo nghiệm.

Đối với động vật thủy sản: Chất lượng con giống phải bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; mật độ thả nuôi đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; các yếu tố môi trường: độ trong, nhiệt độ nước, pH, độ mặn, hàm lượng oxy hòa tan, BOD, COD, NH3-N, NO2-N, độ cứng tổng cộng, lưu tốc nước đối với cá nuôi lồng bè; các lô thí nghiệm và đối chứng có cùng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng. Khác biệt lô thí nghiệm và đối chứng là thức ăn chăn nuôi khảo nghiệm.

c) Các chỉ tiêu theo dõi, bao gồm:

-  Đánh giá tốc độ tăng trưởng của động vật nuôi;

- Tỷ lệ nuôi sống, trạng thái sức khỏe qua các giai đoạn phát triển của vật nuôi;

- Hệ số chuyển hóa thức ăn;

- Dư lượng kháng sinh, chất độc hại khác trong thức ăn tồn dư trong sản phẩm vật nuôi và môi trường;

- Các chỉ tiêu khác có liên quan.

Điều 25. Đơn vị khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi

1. Điều kiện đối với đơn vị khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi:

a) Có chức năng khảo nghiệm hoặc nghiên cứu về thức ăn chăn nuôi;

b) Có cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để thực hiện khảo nghiệm;

c) Về nhân sự, có hoặc thuê ít nhất 02 nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản.

2. Trách nhiệm của đơn vị khảo nghiệm:

a) Xây dựng đề cương và tiến hành khảo nghiệm;

b) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi khảo nghiệm thực hiện các nội dung trong Quy trình khảo nghiệm;

c) Chịu trách nhiệm về các kết luận đối với sản phẩm thức ăn đưa vào khảo nghiệm; có trách nhiệm bảo mật theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi khảo nghiệm về công nghệ đối với sản phẩm thức ăn mới trong và sau quá trình khảo nghiệm; lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm.

Trường hợp kết quả khảo nghiệm không chính xác, gây thiệt hại cho sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi khảo nghiệm và người sử dụng thức ăn chăn nuôi thì đơn vị khảo nghiệm phải chịu trách nhiệm bồi thường kinh phí khảo nghiệm do tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi khảo nghiệm chi trả và bồi thường thiệt hại trong quá trình sản xuất do khảo nghiệm sai gây ra;

d) Chậm nhất là 15 ngày sau khi khảo nghiệm xong, đơn vị khảo nghiệm phải báo cáo kết quả theo mẫu Phụ lục 17 ban hành kèm theo Thông tư này về Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi và tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi khảo nghiệm.

Điều 26. Kiểm tra và giám sát hoạt động khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi

1. Kiểm tra khảo nghiệm:

a) Kiểm tra định kỳ: Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi theo định kỳ ít nhất là 01 lần trong thời gian khảo nghiệm. Nội dung và thời gian kiểm tra được thông báo trước cho đơn vị khảo nghiệm và tổ chức, cá nhân có thức ăn đăng ký khảo nghiệm.

b) Kiểm tra đột xuất: Trường hợp cần thiết, không cần báo trước, Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi tổ chức đoàn kiểm tra trực tiếp công tác khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi.

2. Giám sát khảo nghiệm: 

a) Cơ quan giám sát: Việc giám sát khảo nghiệm giao cho đơn vị, cơ quan quản lý về thuỷ sản hoặc chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương nơi được bố trí khảo nghiệm tiến hành thực hiện. Tên và địa chỉ của đơn vị giám sát phải được thể hiện trong Đề cương khảo nghiệm và được Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi thông qua.

b) Nội dung giám sát:

- Kiểm tra sự phù hợp của các thủ tục cần thiết trong Hồ sơ đăng ký khảo nghiệm trước khi tiến hành khảo nghiệm.

- Căn cứ vào Hồ sơ đăng ký khảo nghiệm phù hợp đã được Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi chấp nhận, tiến hành kiểm tra các nội dung sau:

+ Địa điểm khảo nghiệm;

+ Thời gian khảo nghiệm;

+ Loại  thức ăn chăn nuôi khảo nghiệm;

+ Đối tượng vật nuôi, thủy sản khảo nghiệm;

+ Quy trình khảo nghiệm;

+ Cán bộ kỹ thuật và sổ sách, tài liệu theo dõi thí nghiệm.

Chậm nhất sau 07 ngày làm việc từ khi kết thúc quá trình khảo nghiệm cơ quan giám sát gửi báo cáo kết quả giám sát về Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi để Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá.

c) Xử lý và khắc phục sau kiểm tra, giám sát:

- Căn cứ vào báo cáo đề xuất của đoàn kiểm tra, giám sát. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản hoặc Cục trưởng Cục Chăn nuôi quyết định việc chỉnh sửa các nội dung, biện pháp khắc phục, quy định thời gian khắc phục;

- Đơn vị khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi và tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi thực hiện việc chỉnh sửa, khắc phục các nội dung do Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản hoặc Cục trưởng Cục Chăn nuôi quyết định, báo cáo kết quả khắc phục về Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi theo đúng thời gian quy định;

- Tổ chức kiểm tra lại việc thực hiện các nội dung cần chỉnh sửa, khắc phục trong khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi do Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản hoặc Cục trưởng Cục Chăn nuôi quyết định;

- Hồ sơ kiểm tra, giám sát khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi được lưu giữ tại Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi và được đưa vào hồ sơ khi thẩm định công nhận thức ăn chăn nuôi mới để Hội đồng khoa học chuyên ngành có căn cứ đánh giá.

Điều 27. Đánh giá kết quả khảo nghiệm

1.  Hồ sơ đề nghị đánh giá và công nhận thức ăn chăn nuôi mới:

Sau khi kết thúc khảo nghiệm, tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi khảo nghiệm gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị đánh giá và công nhận thức ăn chăn nuôi mới về Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị đánh giá và công nhận thức ăn chăn nuôi mới (Phụ lục 18);

- Báo cáo kết quả khảo nghiệm;

- Ý kiến xác nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quá trình khảo nghiệm, khả năng sử dụng của loại thức ăn chăn nuôi khảo nghiệm tại địa phương;

- Báo cáo giám sát và các biên bản kiểm tra khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi và báo cáo hoặc hồ sơ khắc phục của đơn vị khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi sau kiểm tra, giám sát.

2. Đánh giá kết quả khảo nghiệm

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị đánh giá công nhận kết quả khảo nghiệm thức ăn, Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi thành lập Hội đồng khoa học chuyên ngành để đánh giá kết quả khảo nghiệm và hoàn tất các thủ tục công nhận thức ăn chăn nuôi mới.

Điều 28. Kinh phí khảo nghiệm

1. Toàn bộ kinh phí khảo nghiệm do tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi yêu cầu khảo nghiệm chi trả, bao gồm: kinh phí thẩm định đề cương khảo nghiệm, khảo nghiệm, giám sát khảo nghiệm, đánh giá nghiệm thu và chi phí khác liên quan đến khảo nghiệm.

2. Kinh phí kiểm tra khảo nghiệm do cơ quan Nhà nước tiến hành kiểm tra chi trả.

Điều 29. Công nhận thức ăn chăn nuôi mới

Sau khi được Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá và có kết luận đạt yêu cầu về chất lượng, trong thời hạn 07 ngày làm việc, Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi ban hành quyết định công nhận thức ăn chăn nuôi mới.

Chương V

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN

Điều 30. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi

1. Trách nhiệm:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi phải chấp hành đầy đủ các quy định sản xuất, kinh doanh, sử dụng an toàn, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thức ăn chăn nuôi. Chấp hành việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước.

b) Thực hiện việc công bố và kiểm soát chất lượng theo quy định;

c) Thực hiện việc đăng ký kiểm tra và xác nhận chất lượng theo quy định;

d) Chấp hành việc kiểm tra về chất lượng theo quy định của Thông tư này;

đ) Cung cấp tài liệu kỹ thuật, hồ sơ có liên quan và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan kiểm tra trong khi làm nhiệm vụ;

e) Chịu trách nhiệm trước Pháp luật về chất lượng thức ăn chăn nuôi do cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, bị triệu hồi, trả về;

g) Nộp phí, lệ phí kiểm tra, xác nhận chất lượng theo quy định của nhà nước, kể cả trong trường hợp không nhận Giấy xác nhận hoặc lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng;

h) Chấp hành quyết định xử lý thức ăn không đạt chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

i) Không làm thay đổi đặc tính của sản phẩm, thông tin ghi nhãn khác với nội dung đã đăng ký và được kiểm tra, chứng nhận chất lượng;

k) Thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp đối với thức ăn chăn nuôi không đạt chất lượng, thức ăn bị trả về hoặc triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra và cơ quan có thẩm quyền.

l) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo:

- Định kỳ 6 tháng hoặc khi có yêu cầu phải báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi của đơn vị mình về Tổng Cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi đặt trụ sở chính theo mẫu Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Hàng quý hoặc khi có yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải báo cáo về chủng loại, số lượng, nguồn gốc và giá các loại nguyện liệu và thức ăn chăn nuôi xuất, nhập khẩu về Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi theo mẫu Phụ lục 21 ban hành kèm theo Thông tư này.

m) Tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi phải tuân thủ đúng các quy trình sử dụng thức ăn chăn nuôi theo khuyến cáo của nhà cung cấp và chấp hành việc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước.

2. Quyền hạn

a) Có quyền yêu cầu Cơ quan kiểm tra cung cấp các thông tin, các quy định, mẫu biểu liên quan đến việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng theo quy định của pháp luật;

b) Có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền các cấp xem xét, giải quyết.

Điều 31. Trách nhiệm và quyền hạn của người thực hiện công tác kiểm tra

1. Trách nhiệm

a) Thực hiện việc kiểm tra theo đúng quy định trong phạm vi được phân công và theo quy định của pháp luật;

b) Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục kiểm tra; đảm bảo tính chính xác, trung thực và khách quan khi kiểm tra;

c) Bảo mật các thông tin liên quan đến sản xuất, kinh doanh của Cơ sở được kiểm tra;

d) Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra và trước pháp luật khi tiến hành kiểm tra và kết quả kiểm tra do mình thực hiện.

2. Quyền hạn

a) Yêu cầu Cơ sở cung cấp hồ sơ, mẫu vật liên quan phục vụ cho công tác kiểm tra; được chụp ảnh, sao chép, ghi chép các thông tin cần thiết để phục vụ cho công tác kiểm tra;

b) Ra vào nơi sản xuất, kinh doanh, chu chuyển và sử dụng thức ăn chăn nuôi để kiểm tra;

c) Lập biên bản và niêm phong mẫu vật trong một thời gian cần thiết để gửi hoặc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện bằng chứng cho thấy Cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật;

d) Đề xuất, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm về chất lượng, ghi nhãn sản phẩm, hồ sơ liên quan đến sản phẩm.

Điều 32. Trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan kiểm tra

1. Trách nhiệm:

a) Thực hiện việc kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi theo đúng quy định trong phạm vi được phân công, phân cấp; đảm bảo tính chính xác, trung thực và khách quan khi kiểm tra và xác nhận;

b) Cung cấp mẫu biểu và hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký kiểm tra (nếu có) đúng theo quy định cho các doanh nghiệp/cơ sở;

c) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra, tổ chức việc kiểm tra, lấy mẫu (nếu cần), kiểm nghiệm, cấp Giấy xác nhận hoặc Thông báo không đạt theo đúng trình tự, thủ tục và các quy định của pháp luật;

d) Lưu giữ hồ sơ kiểm tra, xác nhận trong thời hạn ít nhất là 02 (hai) năm và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

đ) Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng quy định các khiếu nại của doanh nghiệp/cơ sở đối với việc kiểm tra do cơ quan mình tiến hành;

e) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra; nội dung của Giấy xác nhận/Thông báo không đạt;

g) Định kỳ hàng quý và hàng năm gửi báo cáo về hoạt động kiểm tra, xác nhận chất lượng cho Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi (nếu là cơ quan được ủy quyền);

h) Thu phí, lệ phí kiểm tra và xác nhận;

i) Chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên và trước pháp luật về kết quả kiểm tra do đơn vị đưa ra.

2. Quyền hạn

a) Yêu cầu doanh nghiệp/cơ sở cung cấp các hồ sơ có liên quan đến việc kiểm tra;

b) Yêu cầu doanh nghiệp/cơ sở tiến hành các biện pháp xử lý lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng theo quy định, theo dõi việc xử lý;

c) Lập biên bản và niêm phong sản phẩm trong một thời gian cần thiết để gửi hoặc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện bằng chứng cho thấy Cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật;

d) Kiến nghị các cơ quan có liên quan xử lý đối với doanh nghiệp/cơ sở không thực hiện đúng quy định về kiểm tra.

Điều 33. Trách nhiệm và quyền hạn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thức ăn chăn nuôi trong phạm vi địa phương.

2. Thống nhất quản lý Nhà nước về thức ăn chăn nuôi tại địa phương;

3. Kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về chất lượng thức ăn chăn nuôi, nhãn hàng hoá; các hình thức quảng cáo và sử dụng thức ăn chăn nuôi theo phạm vi quản lý của địa phương; báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra về Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Chăn nuôi;

4. Thực hiện việc quản lý về thức ăn chăn nuôi theo chức năng nhiệm vụ được giao;

5. Kiểm tra và xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi xuất, nhập khẩu khi được uỷ quyền;

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra;

7. Báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn cho Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi định kỳ hàng quý, 6 tháng hoặc khi có yêu cầu và sau các đợt thanh, kiểm tra về thức ăn chăn nuôi.

Điều 34. Trách nhiệm và quyền hạn của Tổng cục Thuỷ sản

1. Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến hoạt động kiểm tra và xác nhận chất lượng thức ăn thủy sản của các Cơ quan kiểm tra; tập huấn và cấp Chứng chỉ lấy mẫu thức ăn thuỷ sản.

2. Thực hiện kiểm tra và xác nhận chất lượng thức ăn thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu hoặc uỷ quyền cho các đơn vị thực hiện.

3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra về hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng  và các hoạt động quản lý Nhà nước về thức ăn thuỷ sản trong phạm vi cả nước.

4. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký, đánh giá và công nhận Phòng thử nghiệm đủ điều kiện phân tích các chỉ tiêu hóa học, lý học, vi sinh, chất lượng thức ăn thủy sản.

5. Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thức ăn thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra do mình đưa ra.

Điều 35. Trách nhiệm và quyền hạn của Cục Chăn nuôi

1. Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến hoạt động kiểm tra và xác nhận chất lượng thức ăn gia súc, gia cầm của các Cơ quan kiểm tra; tập huấn và cấp Chứng chỉ lấy mẫu thức ăn gia súc, gia cầm.

2. Thực hiện kiểm tra và xác nhận chất lượng thức ăn gia súc, gia cầm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc uỷ quyền cho các đơn vị thực hiện.

3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra về hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng và các hoạt động quản lý Nhà nước về thức ăn gia súc, gia cầm trong phạm vi cả nước.

4. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký, đánh giá và công nhận Phòng kiểm nghiệm đủ điều kiện phân tích các chỉ tiêu hóa học, lý học, vi sinh, chất lượng thức ăn gia súc, gia cầm.

5. Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thức ăn gia súc, gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam.

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra do mình đưa ra.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

2. Thay thế Thông tư số 08/NN/KNKL/TT ngày 17/9/1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thi hành Nghị định số 15/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi và Thông tư số 02/1998/TT-BTS ngày 14/3/1998 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thi hành Nghị định số 15/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi;

3. Bãi bỏ Quyết định số 104/2001/QĐ-BNN ngày 31/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành một số quy định kỹ thuật tạm thời đối với thức ăn chăn nuôi và Quyết định số 113/2001/QĐ-BNN ngày 28/11/2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Danh mục các chỉ tiêu kỹ thuật tối thiểu bắt buộc phải công bố khi xây dựng tiêu chuẩn cơ sở là hàng hóa thức ăn chăn nuôi. Bãi bỏ nội dung liên quan đến khảo nghiệm thức ăn thuỷ sản tại Quyết định số 18/2002/QĐ-BTS ngày 03/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về việc ban hành Quy chế khảo nghiệm giống thuỷ sản, thức ăn, thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thuỷ sản.

4. Thông tư này thay thế những nội dung có liên quan đến kiểm tra, chứng nhận chất lượng thức ăn thủy sản quy định tại “Quy chế Kiểm tra và Chứng nhận Nhà nước về chất lượng hàng hóa thủy sản” ban hành theo Quyết định số 650/2000/QĐ-BTS ngày 04/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Điều 37. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi, bổ sung ./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Diệp Kỉnh Tần

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.