• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 07/05/2018
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
Số: 113/2013/TTLT-BTC-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kon Tum, ngày 15 tháng 8 năm 2013

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện

Chương trình mục tiêu quốc gia y tế giai đoạn 2012-2015

____________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 phê duyệt Danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015 và số 1208/QĐ-TTg ngày 04/9/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012-2015;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012-2015:

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Phạm vi áp dụng:

a) Thông tư này quy định việc quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012-2015 (sau đây viết tắt là Chương trình) quy định tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 04/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quyết định số 1208/QĐ-TTg).

b) Thông tư này không áp dụng đối với các nguồn kinh phí sau:

- Nguồn vốn viện trợ không hoàn lại; trừ trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thỏa thuận về mức chi thì áp dụng theo mức chi quy định tại Thông tư này.

- Nguồn vốn đầu tư phát triển.

2. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình.

Điều 2. Kinh phí thực hiện Chương trình

1. Nguồn ngân sách trung ương:

a) Bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ do Bộ, cơ quan trung ương trực tiếp thực hiện.

b) Bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để triển khai các Dự án của Chương trình theo quy định tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg.

2. Nguồn ngân sách địa phương:

a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg.

b) Thực hiện lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ khác có liên quan trên địa bàn, huy động tối đa nguồn lực của địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp để thực hiện các chế độ, chính sách của địa phương nhằm triển khai các hoạt động bền vững và nâng cao hiệu quả của Chương trình.

Điều 3. Nội dung và mức chi chung của Chương trình

1. Chi xây dựng chương trình, giáo trình; viết, biên soạn và dịch tài liệu tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến các Dự án, các hoạt động thuộc Dự án của Chương trình. Nội dung và mức chi cụ thể như sau:

a) Chi viết và biên soạn tài liệu thông thường: 75.000 đồng/trang chuẩn 350 từ.

b) Xây dựng tài liệu, chương trình, giáo trình cho các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Nội dung và mức chi áp dụng đối với trường hợp xây dựng chương trình môn học, giáo trình cho các ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

c) Dịch tài liệu (bao gồm cả tiếng dân tộc). Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước (sau đây viết tắt là Thông tư số 01/2010/TT-BTC).

2. Chi tập huấn kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho cộng tác viên, tình nguyện viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; chi đào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cô đỡ thôn, bản không hưởng lương từ ngân sách nhà nước (nếu có), cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện dự án của Chương trình theo quyết định của Giám đốc Sở Y tế: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Thông tư số 97/2010/TT-BTC) và Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 139/2010/TT-BTC). Trường hợp đào tạo cô đỡ thôn bản theo các Chương trình, dự án khác được vận dụng nội dung, mức chi tại khoản này.

3. Chi hội nghị, hội thảo chuyên môn: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

4. Chi hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực và triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Chương trình do cấp có thẩm quyền quyết định: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí và Thông tư số 01/2010/TT-BTC.

5. Chi mua thuốc, trang thiết bị y tế, sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao, dụng cụ, vật dụng đặc thù, trang thiết bị truyền thông (sau đây gọi tắt là hàng hoá) dùng cho hoạt động chuyên môn của từng Dự án (bao gồm cả mua phục vụ các lớp đào tạo, tập huấn để học viên thực hành lâm sàng và tiền lâm sàng (nếu có)) thuộc Chương trình. Số lượng, định mức hàng hóa bảo đảm phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật của đơn vị và quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

6. Chi tiêu hủy bơm kim tiêm; thuốc, vắc xin, mẫu bệnh phẩm, vật tư, hóa chất hết hạn sử dụng (nếu có) thuộc Chương trình. Mức chi căn cứ hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp.

7. Chi sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì định kỳ và hiệu chỉnh các trang thiết bị y tế, kho chứa thuốc, sinh phẩm, mẫu bệnh phẩm, vật tư, hóa chất phục vụ hoạt động chuyên môn của từng Dự án thuộc Chương trình.

8. Chi vận chuyển: hàng hoá; mẫu bệnh phẩm, mẫu xét nghiệm từ nơi lấy mẫu về cơ sở thực hiện xét nghiệm để phục vụ hoạt động chuyên môn của từng dự án theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế về phân vùng chuyển mẫu; trang thiết bị, cán bộ y tế, người phục vụ, cộng tác viên và đối tượng trong các đợt khám sàng lọc, phát hiện và triển khai các chiến dịch:

a) Trường hợp vận chuyển bằng các phương tiện công cộng: Mức hỗ trợ theo giá cước thực tế.

b) Trường hợp vận chuyển theo đường bưu điện: Mức hỗ trợ theo giá cước dịch vụ bưu chính hiện hành.

c) Trường hợp tự túc hoặc thuê phương tiện vận chuyển đường bộ (nếu cần thiết): Mức chi theo hợp đồng trên cơ sở mức giá thuê trung bình thực tế ở địa phương trong phạm vi dự toán được giao hoặc hỗ trợ tối đa bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm sử dụng. Trường hợp vận chuyển nhiều hàng hoá, trang thiết bị, mẫu bệnh phẩm và con người trên cùng một phương tiện thì mức thanh toán tối đa không quá mức quy định nêu trên.

d) Trường hợp vận chuyển tại các địa bàn đi lại khó khăn (vùng núi cao, biên giới, hải đảo): thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi dự toán được giao.

9. Chi điều tra, thống kê theo nội dung chuyên môn của từng Dự án theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 10 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/2/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê. Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê. Trường hợp thực hiện các cuộc Tổng điều tra thống kê theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 53/2012/TT-BTC ngày 09/4/2012 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí các cuộc Tổng điều tra thống kê do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

10. Chi triển khai các hoạt động mang tính chất nghiên cứu khoa học phục vụ nội dung chuyên môn của Chương trình theo đề cương nghiên cứu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

11. Chi thuê chuyên gia trong nước: Căn cứ vào mức độ cần thiết triển khai các hoạt động của Chương trình và dự toán ngân sách được giao, thủ trưởng cơ quan quản lý Chương trình quyết định việc thuê chuyên gia trong nước theo hình thức ký "Hợp đồng giao khoán công việc, sản phẩm". Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án/chương trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và Thông tư số 192/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2009/TT-BTC.

12. Chi công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật tại các tuyến và hướng dẫn thực hiện các hoạt động chuyên môn thuộc Chương trình. Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC và Thông tư số 06/2007/TT-BTC ngày 26/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Đối với đoàn công tác kiểm tra, giám sát đánh giá liên ngành, liên cơ quan: cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác chịu trách nhiệm chi phí cho chuyến công tác theo chế độ quy định (tiền tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc) cho các thành viên trong đoàn. Để tránh chi trùng lắp, cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, giấy triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người đi công tác không phải thanh toán các khoản chi này.

13. Chi khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn Luật.

14. Chi bồi dưỡng cán bộ y tế đi giám sát dịch tễ học, giám sát các bệnh, tật, giám sát dinh dưỡng, giám sát điều kiện, vệ sinh trường học thuộc phạm vi của các Dự án: Ngoài chế độ quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC, được hỗ trợ mức 30.000 đồng/người/ngày đi giám sát.

15. Chi thù lao cho cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) thực hiện các Dự án thuộc Chương trình:

Hàng năm, căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế công bố danh sách các xã trọng điểm đối với từng loại bệnh thuộc Dự án 1 và đối với từng Dự án khác quy định tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg làm cơ sở pháp lý cho việc điều hành, giám sát chi tiêu của Chương trình; phối hợp với Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho các xã; cụ thể như sau:

a) Mức 400.000 đồng/xã/tháng đối với xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo danh mục hiện hành do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (sau đây gọi là xã đặc biệt khó khăn) và là xã trọng điểm của một loại bệnh thuộc dự án 1 hoặc xã trọng điểm thuộc một trong các dự án 2, 3 và 4.

b) Mức 300.000 đồng/xã/tháng đối với các xã còn lại và là xã trọng điểm của một loại bệnh thuộc dự án 1 hoặc xã trọng điểm thuộc một trong các dự án 2, 3 và 4.

c) Đối với xã trọng điểm của nhiều loại bệnh thuộc dự án 1 hoặc các dự án 2, 3 và 4: Ngoài mức chi quy định tại điểm a, b khoản này, được hỗ trợ thêm 50.000 đồng/xã/tháng/bệnh (hoặc dự án).

Ví dụ:

- Xã A là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời vừa là xã trọng điểm của bệnh phong thuộc dự án 1 và dự án 3 về Chăm sóc sức khỏe và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em. Theo quy định tại điểm a, xã được hỗ trợ 400.000 đồng/tháng vì là xã đặc biệt khó khăn và là xã trọng điểm của bệnh phong. Ngoài ra, do là xã trọng điểm của dự án 3 nên theo quy định tại điểm c, xã được hỗ trợ thêm 50.000 đồng/tháng. Tổng cộng, xã được hỗ trợ 450.000 đồng/tháng để chi thù lao cho cán bộ xã.

- Xã B thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và là xã trọng điểm của bệnh tăng huyết áp, sốt xuất huyết và dự án 2 về tiêm chủng mở rộng. Theo quy định tại điểm b, xã được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng vì là xã trọng điểm của bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, do là xã trọng điểm của bệnh sốt xuất huyết và dự án 2 nên theo điểm c, xã được hỗ trợ thêm 100.000 đồng/tháng. Tổng cộng, xã được hỗ trợ 400.000 đồng/tháng để chi thù lao cho cán bộ xã.

d) Mức 250.000 đồng/xã/tháng đối với xã đặc biệt khó khăn nhưng không phải là xã trọng điểm.

đ) Mức 200.000 đồng/xã/tháng áp dụng đối với các xã còn lại.

16. Chi thù lao cộng tác viên tại xã, phường, thị trấn tham gia thực hiện các Dự án thuộc Chương trình:

- Cộng tác viên xã trọng điểm: 150.000 đồng/người/tháng.

- Cộng tác viên khác: 100.000 đồng/người/tháng.

Tùy vào nhu cầu, tính chất của từng loại bệnh, từng dự án và điều kiện địa lý của từng xã, Giám đốc Sở Y tế quyết định số lượng cộng tác viên của từng xã trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và trong phạm vi dự toán được giao.

17. Chi tổ chức thực hiện các buổi tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phòng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh theo phương pháp thực hành tâm lý tại cộng đồng. Nội dung và mức chi bao gồm:

a) Chi tài liệu phục vụ buổi tư vấn: Mức chi theo thực tế và phù hợp với nội dung tư vấn.

b) Chi nước uống các đối tượng tham gia buổi tư vấn: 10.000 đồng/người/buổi.

c) Chi thù lao người thực hiện tư vấn trực tiếp cho đối tượng: Mức chi 10.000 đồng/đối tượng được tư vấn nhưng tối đa không quá 350.000 đồng/người tư vấn/tháng.

18. Chi tổ chức khám, sàng lọc phát hiện, quản lý sàng lọc tại cộng đồng các bệnh thuộc các dự án của Chương trình (riêng đối với dự án Tiêm chủng mở rộng chỉ thực hiện đối với các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, rubella, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, thương hàn). Nội dung và mức chi bao gồm:

a) Chi phí xét nghiệm, thủ thuật lấy bệnh phẩm sinh thiết, làm tiêu bản mô bệnh học và các dịch vụ kỹ thuật y tế khác theo chuyên môn y tế (nếu có). Mức chi thực hiện theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập hiện hành.

b) Chi hỗ trợ cho những người trực tiếp tham gia công tác khám sàng lọc phát hiện bệnh; quản lý sàng lọc một số bệnh thuộc Chương trình; lồng ghép khám bệnh, chữa bệnh với khắc phục hậu quả thiên tai và củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn thuộc phạm vi dự án kết hợp quân dân y; khám sàng lọc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại cộng đồng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế ngoài chế độ công tác phí hiện hành:

- Đối với bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên xét nghiệm: Mức chi 100.000 đồng/người/ngày đối với xã đặc biệt khó khăn; 70.000 đồng/người/ngày đối với các xã còn lại. Trường hợp khám sàng lọc kết hợp chuyển giao kỹ thuật cho địa phương áp dụng mức chi thù lao cho giảng viên quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC.

- Đối với người phục vụ: Mức chi 50.000 đồng/người/ngày đối với xã đặc biệt khó khăn; 30.000 đồng/người/ngày đối với các xã còn lại.

c) Chi thù lao cộng tác viên tham gia phát phiếu mời và triển khai các hoạt động trước đợt khám (tối đa không quá 03 ngày) và trong thời gian khám tại cộng đồng (nếu có): 50.000 đồng/người/ngày.

d) Chi thuê địa điểm, bàn, ghế, phông, bạt (nếu có); thanh toán tiền nhiên liệu, điện, nước, vật tư y tế phục vụ công tác khám sàng lọc. Mức chi căn cứ theo giá thị trường tại địa phương và chứng từ chi tiêu hợp pháp.

Thời gian thực hiện một đợt khám tại một cụm khám (xã, phường) tối đa 05 ngày; riêng khám, phát hiện bệnh phong tối đa 07 ngày. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể số lượng đối tượng tham gia khám tối thiểu/ngày bảo đảm phù hợp với từng loại bệnh.

19. Chi hỗ trợ một lần chi phí đi lại (chiều đi và về) cho bệnh nhân thuộc hộ nghèo đến kiểm tra tình hình bệnh tại cơ sở y tế chuyên khoa từ tuyến huyện trở lên (đối với các bệnh không thuộc danh mục bệnh được cơ quan Bảo hiểm y tế chi trả và chưa được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác) theo chỉ định của bác sĩ sau khi khám, sàng lọc phát hiện tại cộng đồng: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều này.

20. Chi xây dựng và triển khai mô hình điểm mới lần đầu thực hiện theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Y tế. Nội dung và mức chi như sau:

a) Xây dựng đề cương: 500.000 đồng/đề cương được duyệt.

b) Thuê chuyên gia tư vấn đánh giá mô hình điểm, hướng dẫn thiết lập chương trình, giám sát mô hình: Mức chi theo quy định tại khoản 11 Điều này.

c) Tổ chức hội thảo, tập huấn, phổ biến kiến thức về việc áp dụng mô hình: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

21. Chi hỗ trợ cơ sở y tế lần đầu xây dựng, triển khai mô hình quản lý bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và tâm thần (lập hồ sơ, theo dõi định kỳ bệnh nhân) trong 12 tháng đầu: Mức hỗ trợ tối đa 200.000 đồng/bệnh/cơ sở y tế/tháng.

22. Chi hỗ trợ người cho và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định về chuyên môn y tế để xác định các bệnh thuộc Chương trình (riêng đối với dự án Tiêm chủng mở rộng chỉ áp dụng đối với các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, rubella, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, viêm phổi/viêm màng não mũ do Hib, thương hàn) trong các cuộc điều tra, giám sát trọng điểm, bao gồm:

a) Chi hỗ trợ người lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu máu hoặc mẫu phân: 7.000 đồng/mẫu.

b) Chi hỗ trợ người lấy mẫu dịch não tủy (nếu có): 30.000 đồng/mẫu.

c) Chi hỗ trợ người cho mẫu máu: 30.000 đồng/mẫu.

23. Chi thù lao người dẫn đường địa phương trong các đợt kiểm tra, giám sát, điều tra tại địa bàn đi lại khó khăn hoặc khó tiếp cận cộng đồng theo quyết định của Giám đốc Sở Y tế (nếu cần thiết): Mức chi theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.

24. Chi thuê phiên dịch tiếng dân tộc (nếu cần thiết) trong các đợt khám, sàng lọc phát hiện, quản lý sàng lọc tại cộng đồng và chiến dịch truyền thông. Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC.

25. Chi quản lý Chương trình:

a) Nội dung chi thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

b) Mức chi thực hiện theo các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.

c) Đối với cấp xã, mức hỗ trợ công tác quản lý Chương trình: 1.200.000 đồng/xã/năm.

Điều 4. Nội dung và mức chi đặc thù của từng Dự án

Ngoài những nội dung và mức chi chung quy định tại Điều 3 Thông tư này, từng Dự án được chi những nội dung và mức chi đặc thù như sau:

1. Dự án 1: Phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng:

1.1. Bệnh phong:

a) Chi mua, sản xuất vật dụng đặc thù để trang cấp cho bệnh nhân phong theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Mức chi căn cứ hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp.

b) Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế trực tiếp cấp phát thuốc và theo dõi bệnh nhân phong đa hóa trị liệu tại nhà, ngoài chế độ công tác phí hiện hành:

- Đối với bệnh nhân nhóm ít vi khuẩn, điều trị đủ liều từ 6-9 tháng: 200.000 đồng/bệnh nhân/đợt điều trị đủ liều.

- Đối với bệnh nhân nhóm nhiều vi khuẩn, điều trị đủ liều từ 12-18 tháng: 400.000 đồng/bệnh nhân/đợt điều trị đủ liều.

c) Bệnh nhân phong thuộc hộ nghèo được hỗ trợ:

- Chi phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong bị tàn tật theo quy định tại tiết b, điểm 5.5, khoản 5, Điều 4 Thông tư này.

- Trường hợp bệnh nhân nạo vét lỗ đáo điều trị tại trạm y tế xã, cơ sở y tế khu vực được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, thời gian hỗ trợ không quá 20 ngày.

- Trường hợp bệnh nhân phong bị cơn phản ứng phong nặng hoặc tai biến điều trị được hỗ trợ tiền thuê phương tiện vận chuyển từ nhà đến trạm y tế xã, khu điều trị phong hoặc bệnh viện đa khoa khu vực theo mức chi quy định tại khoản 8, Điều 3 Thông tư này.

d) Chi thù lao cho người phát hiện bệnh nhân phong mới và giới thiệu hoặc đưa được họ đến cơ sở y tế khám chẩn đoán:

- Bệnh nhân ở xã đặc biệt khó khăn: 300.000 đồng/bệnh nhân.

- Bệnh nhân ở các xã còn lại: 200.000 đồng/bệnh nhân.

1.2. Bệnh lao:

a) Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế làm công tác khám, phát hiện nguồn lây chính (lao phổi AFB+) tại cộng đồng: 30.000 đồng/bệnh nhân lao AFB+.

b) Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế xã trực tiếp khám và đưa bệnh nhân lao tới tổ chống lao:

- Đối với xã đặc biệt khó khăn: 50.000 đồng/xã/tháng.

- Đối với các xã còn lại: 30.000 đồng/xã/tháng.

c) Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế trực tiếp cấp phát thuốc, kiểm tra, giám sát bệnh nhân lao trong thời gian 8 tháng điều trị tại cộng đồng hoặc theo dõi điều trị dự phòng lao trẻ em bằng Rimifon 6 tháng tại gia đình:

- Đối với xã đặc biệt khó khăn: 170.000 đồng/bệnh nhân/đợt điều trị 8 tháng hoặc 150.000 đồng/trẻ em/đợt điều trị 6 tháng.

- Đối với các xã còn lại: 120.000 đồng/bệnh nhân/đợt điều trị 8 tháng hoặc 100.000 đồng/trẻ em/đợt điều trị 6 tháng.

1.3. Hoạt động phòng, chống sốt rét:

a) Chi mua màn cấp một lần cho gia đình thuộc diện hộ nghèo ở vùng sốt rét. Số lượng hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo được cấp màn hàng năm do Giám đốc Sở Y tế quyết định trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.

b) Chi hỗ trợ cán bộ tại điểm kính hiển vi: 150.000 đồng/điểm kính hiển vi/tháng.

c) Chi trả công người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm: 100.000 đồng/người/đêm.

d) Chi trả công người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi: 100.000 đồng/người/ngày.

e) Chi hỗ trợ cán bộ thực hiện các xét nghiệm phát hiện sốt rét (nếu có) trong các chiến dịch phòng, chống sốt rét:

- Xét nghiệm để định loại véc tơ truyền bệnh: 5.000 đồng/mẫu.

- Xét nghiệm xác định độ nhạy cảm với hóa chất và hiệu lực diệt muỗi của từng loại hóa chất (từ khâu bắt muỗi, nuôi muỗi và phát triển cho đủ số lượng muỗi của một mẫu và xét nghiệm): 600.000 đồng/mẫu.

- Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán sốt rét (từ khâu lấy máu, vận chuyển đến bảo quản và xét nghiệm): 25.000 đồng/mẫu.

- Xét nghiệm PCR, giải trình tự gen: 30.000 đồng/mẫu

1.4. Hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết:

a) Chi hỗ trợ cán bộ thực hiện các xét nghiệm phát hiện bệnh sốt xuất huyết tại gia đình hoặc trong các chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết:

- Xét nghiệm để định loại véc tơ truyền bệnh: 5.000 đồng/mẫu.

- Xét nghiệm xác định độ nhạy cảm với hóa chất và hiệu lực diệt muỗi của từng loại hóa chất (từ khâu bắt muỗi, nuôi muỗi và phát triển cho đủ số lượng muỗi của một mẫu và xét nghiệm): 600.000 đồng/mẫu.

- Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán sốt xuất huyết (từ khâu lấy máu, vận chuyển đến bảo quản và xét nghiệm): 25.000 đồng/mẫu.

- Xét nghiệm PCR, giải trình tự gen: 30.000 đồng/mẫu

b) Chi hỗ trợ cán bộ thực hiện nuôi cấy, phân lập vi rút: 40.000 đồng/mẫu.

c) Chi hỗ trợ người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi: 100.000 đồng/người/ngày.

d) Chi trả công cho người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và trong các đợt tổ chức chiến dịch (không kể thành viên của hộ gia đình): 2.000 đồng/hộ/lần nhưng không quá 50.000 đồng/người thực hiện/ngày.

1.5. Bệnh đái tháo đường:

Chi công tác khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân đái tháo đường tại cộng đồng (ngoài mức chi chung quy định tại khoản 18, Điều 3 Thông tư này), bao gồm:

- Chi hỗ trợ cán bộ thực hiện quy trình lấy máu tĩnh mạch và ly tâm mẫu máu lấy huyết thanh xét nghiệm: 20.000 đồng/mẫu.

- Chi hỗ trợ cán bộ thực hiện quy trình lấy mẫu xét nghiệm mao mạch: 5.000 đồng/mẫu.

- Chi nước uống cho đối tượng làm nghiệm pháp tăng đường máu: 7.000 đồng/người.

1.6. Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em:

a) Chi phát hiện, quản lý và điều trị sớm cho bệnh nhân tâm thần:

- Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế lập phiếu sàng lọc bệnh nhân tâm thần: 10.000 đồng/bệnh nhân; làm bảng phỏng vấn bệnh nhân: 15.000 đồng/bệnh nhân.

- Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế làm các test Beck hoặc test đánh giá trầm cảm khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế: 15.000 đồng/test.

- Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế lập bệnh án cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng: 50.000 đồng/bệnh án.

b) Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế tuyến xã được phân công cấp thuốc định kỳ cho bệnh nhân tâm thần tại gia đình: 50.000 đồng/xã/tháng.

c) Chi hỗ trợ nhân viên y tế thôn, bản tham gia phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng: 20.000 đồng/bệnh nhân/tháng ở khu vực đồng bằng và thành thị, 25.000 đồng/bệnh nhân/tháng ở khu vực miền núi, vùng cao và hải đảo nhưng không quá 100.000 đồng/thôn, bản/tháng.

1.7. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản:

Chi hỗ trợ cán bộ y tế cơ sở hướng dẫn tập, phục hồi chức năng một lần cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại cộng đồng: Mức hỗ trợ 15.000 đồng/bệnh nhân. Trường hợp hướng dẫn nhiều bệnh nhân tại cùng một địa điểm, mức bồi dưỡng tối đa 100.000 đồng/cán bộ y tế/ngày.

2. Dự án 2: Tiêm chủng mở rộng

a) Chi hỗ trợ cán bộ y tế cho trẻ uống hoặc tiêm vắc xin đủ 8 liều theo quy định:

- Đối với xã đặc biệt khó khăn: 12.000 đồng/trẻ uống hoặc tiêm đủ liều.

- Đối với các xã còn lại: 6.000 đồng/trẻ uống hoặc tiêm đủ liều.

b) Chi hỗ trợ cán bộ y tế tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế; tiêm một trong các loại vắc xin: viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, sởi mũi 2, DPT4 cho trẻ 18 tháng tuổi; cho trẻ tiêm/uống vắc xin trong các chiến dịch tiêm chủng bổ sung:

- Đối với xã đặc biệt khó khăn: 4.000 đồng/trẻ/liều (lần tiêm, uống).

- Đối với các xã còn lại: 2.000 đồng/trẻ/liều (lần tiêm, uống).

c) Chi hỗ trợ cán bộ đã tiêm đủ liều vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ:

- Đối với xã đặc biệt khó khăn: 4.000 đồng/người được tiêm đủ liều.

- Đối với các xã còn lại: 2.000 đồng/người được tiêm đủ liều.

d) Chi giám sát, điều tra một trường hợp liệt mềm cấp từ ngày phát hiện bệnh đến ngày thứ 60, lấy và chuyển bệnh phẩm theo quy định:

- Đối với xã đặc biệt khó khăn: 400.000 đồng/ca bệnh.

- Đối với các xã còn lại: 300.000 đồng/ca bệnh.

3. Dự án 3: Chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em

3.1. Chăm sóc sức khỏe sinh sản:

a) Chi thuê chuyên gia tham gia thẩm định các ca tử vong mẹ, tử vong trẻ em tại cộng đồng trong trường hợp cần thiết theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Nội dung và mức chi theo quy định tại khoản 11, Điều 3 Thông tư này.

b) Chi hỗ trợ cộng tác viên là cô đỡ thôn bản chưa được hưởng mức phụ cấp nhân viên y tế thôn bản theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp của nhân viên y tế thôn bản: 200.000 đồng/người/tháng.

3.2. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em

a) Chi hoạt động thực hành dinh dưỡng, kỹ thuật chế biến thức ăn cho bà mẹ có thai, bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì: 6.000 đồng/bà mẹ/lần.

b) Chi hỗ trợ công tác cân nặng, đo chiều cao trẻ em dưới 5 tuổi tại các xã, phường, thị trấn trong ngày Chiến dịch 01/6:

- Đối với xã đặc biệt khó khăn: 800.000 đồng/xã/chiến dịch.

- Đối với các xã còn lại: 500.000 đồng/xã/chiến dịch.

c) Chi mua, vận chuyển các sản phẩm dinh dưỡng cấp miễn phí cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thuộc hộ gia đình nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn.

Giám đốc Sở Y tế quyết định số lượng sản phẩm cụ thể phù hợp với nhu cầu và dự toán ngân sách được giao.

d) Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế trong các đợt cho trẻ em từ 6 - 60 tháng tuổi uống vitamin A tại cộng đồng: Mức chi theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều này.

4. Dự án 4: Quân dân y kết hợp

a) Chi hỗ trợ một lần sửa chữa, bổ sung trang thiết bị y tế thiết yếu của các cơ sở y tế quân dân y khu vực biên giới, hải đảo.

b) Chi hỗ trợ công tác huấn luyện, diễn tập lực lượng y tế cơ động nhằm đáp ứng yêu cầu can thiệp nhanh trong các tình huống khẩn cấp, bao gồm:

- Bồi dưỡng diễn tập: 200.000 đồng/người/ngày.

- Chi thuê mướn trang thiết bị y tế, phương tiện và các chi phí khác phục vụ công tác huấn luyện, diễn tập (nếu có). Mức chi căn cứ theo giá thị trường tại địa phương và chứng từ chi tiêu hợp pháp.

5. Dự án 5: Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

5.1. Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình:

a) Thông tin, truyền thông thực hiện Chương trình:

Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ truyền thông chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền, chương trình truyền thông đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên công tác truyền thông qua đài phát thanh huyện, xã, phường, thị trấn trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Nội dung và mức chi cụ thể như sau:

- Chi tổ chức các sự kiện truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí) về các nội dung thuộc Chương trình, bao gồm:

+ Chi sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí) thực hiện theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

+ Chi mua, nhân bản và phát hành các ấn phẩm truyền thông.

+ Chi thuê hội trường, phông, bạt, bàn ghế, thiết bị loa đài (nếu có): Mức chi thực hiện theo hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hóa đơn (trong trường hợp thuê dịch vụ).

+ Làm mới, sửa chữa pa nô, áp phích, khẩu hiệu: Mức chi theo giá thị trường tại địa phương và chứng từ chi tiêu hợp pháp.

+ Chi hỗ trợ hoạt động truyền thanh tại cộng đồng: Biên tập tài liệu phát thanh: 75.000 đồng/trang 350 từ; bồi dưỡng phát thanh viên: 15.000 đồng/lần, trường hợp phát thanh bằng tiếng dân tộc: 20.000 đồng/lần.

+ Chi phí xăng xe hoặc thuê phương tiện (trong các chiến dịch), trang trí, ảnh tư liệu và các hoạt động khác: Mức chi theo giá thị trường tại địa phương và chứng từ chi tiêu hợp pháp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chi tổ chức các buổi giao lưu, các lớp giáo dục truyền thông, nói chuyện chuyên đề: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

- Chi tổ chức chiến dịch truyền thông, truyền thông lồng ghép: Ngoài các nội dung chi tại gạch đầu dòng thứ nhất và thứ hai, tiết a, điểm 5.1, khoản 5, Điều 4 Thông tư này, đơn vị tổ chức chiến dịch được chi:

+ Hỗ trợ những người tổ chức, giám sát thực hiện chiến dịch, vận động và tư vấn (ngoài chế độ công tác phí hiện hành): 30.000 đồng/người/ngày.

+ Bồi dưỡng người trực tiếp tham gia chiến dịch: 50.000 đồng/người/ngày. Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ truyền thông quyết định số lượng người tham gia chiến dịch trong phạm vi dự toán được giao.

+ Bồi dưỡng phát thanh viên: 100.000 đồng/người/ngày.

- Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chính sách, pháp luật, kiến thức liên quan đến Chương trình, bao gồm:

+ Chi đăng báo và thông tin trên các phương tiện truyền thông để phát động và thông báo thể lệ cuộc thi: Mức chi theo chứng từ chi tiêu hợp pháp thực tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Biên soạn đề thi và đáp án (nếu có); thể lệ cuộc thi: Mức chi tối đa 500.000 đồng/đề thi hoặc thể lệ cuộc thi.

+ Bồi dưỡng chấm thi, Ban giám khảo cuộc thi, xét công bố kết quả thi. Mức chi tối đa 300.000 đồng/người/ngày.

+ Bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức, Ban thư ký. Mức chi tối đa 200.000 đồng/người/ngày.

+ Chi giải thưởng: Giải tập thể từ 500.000 đồng đến 4.000.000 đồng/giải thưởng; giải cá nhân từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/giải thưởng.

+ Chi nước uống cho Ban Tổ chức, Ban Thư ký, Ban giám khảo: 10.000 đồng/người/buổi.

Căn cứ dự toán ngân sách được giao, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức cuộc thi quyết định mức chi giải thưởng cụ thể tùy theo quy mô tổ chức cuộc thi (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở) trong khung mức chi nêu trên.

+ Cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức cuộc thi được sử dụng kinh phí của Chương trình để hỗ trợ chi phí đi lại, tiền ăn, thuê phòng nghỉ cho người dự thi ở xa nơi tổ chức. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

+ Các khoản chi khác phục vụ cuộc thi (nếu có) như: thuê hội trường, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, trang trí; bồi dưỡng cho người phục vụ, người dẫn chương trình (MC); văn phòng phẩm; xăng xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển. Mức chi căn cứ vào dự toán được cấp có thẩm quyền duyệt, hợp đồng, hóa đơn và các chứng từ chi tiêu hợp pháp. Trường hợp chưa có quy định mức chi, Thủ trưởng cơ quan tổ chức cuộc thi quyết định mức chi trong phạm vi dự toán được giao.

b) Chi công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Thông tư này.

5.2. Truyền thông về y tế học đường:

a) Chi hỗ trợ lồng ghép giảng dạy các kiến thức phòng chống bệnh, tật học đường trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân:

- Chi hỗ trợ soạn bài truyền thông về y tế học đường: 75.000 đồng/trang chuẩn 350 từ.

- Chi bồi dưỡng báo cáo viên nói chuyện, giảng dạy chuyên đề về y tế học đường: 200.000 đồng/buổi.

b) Chi hỗ trợ cộng tác viên tham gia tuyên truyền, giáo dục sức khỏe trong trường học: Mức chi: 150.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 cộng tác viên/trường.

c) Các nội dung chi truyền thông khác nếu có phát sinh thực hiện theo quy định tiết a, điểm 5.1, khoản 5, Điều này.

5.3. Truyền thông về vận động hiến máu tình nguyện:

a) Chi hỗ trợ cộng tác viên làm công tác vận động tuyên truyền hiến máu tình nguyện.

- Đối với xã đặc biệt khó khăn: 200.000 đồng/xã/tháng.

- Đối với các xã còn lại: 150.000 đồng/xã/tháng.

Giám đốc Sở Y tế quy định số lượng cộng tác viên làm công tác vận động tuyên truyền hiến máu tình nguyện tại các xã.

b) Chi hỗ trợ tổ chức sự kiện về hiến máu tình nguyện:

- Lập kế hoạch, chương trình, viết báo cáo: tối đa 500.000 đồng đối với cấp xã, huyện; 1.000.000 đồng đối với cấp tỉnh; 2.000.000 đồng đối với cấp Trung ương.

- Chi bồi dưỡng ban tổ chức: 100.000 đồng/người/ngày (tối đa 3 ngày).

c) Chi hỗ trợ hoạt động xây dựng lực lượng hiến máu dự bị.

- Lập kế hoạch, chương trình, viết báo cáo: tối đa 500.000 đồng đối với cấp xã, huyện; 1.000.000 đồng đối với cấp tỉnh; 2.000.000 đồng đối với cấp Trung ương.

- Chi bồi dưỡng cán bộ lấy mẫu xét nghiệm cho người hiến máu dự bị: 7.000 đồng/mẫu nhưng không quá 100.000 đồng/cán bộ/ngày hiến máu dự bị tập trung.

- Chi bồi dưỡng cho cán bộ tư vấn về hiến máu dự bị tại cộng đồng: 150.000 đồng/người/tháng.

- Chi khám sàng lọc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế: Nội dung và mức chi theo quy định tại khoản 18, Điều 3 Thông tư này.

d) Các nội dung chi truyền thông khác nếu có phát sinh thực hiện theo quy định tiết a, điểm 5.1, khoản 5, Điều này.

5.4. Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi:

a) Chi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên ngành lão khoa cho đội ngũ cán bộ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC.

b) Chi tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; hướng dẫn người cao tuổi kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi.

5.5. Phục hồi chức năng cho người khuyết tật:

a) Chi hỗ trợ khám sàng lọc, phẫu thuật - chỉnh hình cho người khuyết tật thuộc hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi (sau đây gọi chung là người khuyết tật) trong trường hợp không được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán:

- Nội dung, mức chi khám sàng lọc, phẫu thuật chỉnh hình thực hiện theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành của cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

- Chi hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình: Tùy theo mức độ khuyết tật của bệnh nhân để cấp dụng cụ chỉnh hình cho phù hợp, tối đa 500.000 đồng/bệnh nhân.

b) Chi hỗ trợ phục hồi chức năng, tăng cường sức khỏe cho người khuyết tật tại cộng đồng:

- Mua dụng cụ tập phục hồi chức năng phù hợp với người khuyết tật: Tối thiểu 1.000.000 đồng/bệnh nhân.

- Chi hỗ trợ cho nhân viên y tế đến hướng dẫn tập luyện, chăm sóc người khuyết tật tại nhà:

+ Bồi dưỡng người hướng dẫn tập luyện: 35.000 đồng/ngày/người khuyết tật, tối đa không quá 20 ngày/người khuyết tật. Trường hợp hướng dẫn nhiều người khuyết tật tại cùng một địa điểm thì mức bồi dưỡng tối đa 100.000 đồng/nhân viên y tế/ngày.

+ Chi phí đi lại (lượt đi và về) trong trường hợp không thanh toán tiền đi lại theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC: Mức hỗ trợ theo quy định tại khoản 8, Điều 3 Thông tư này.

Điều 5. Lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí

1. Việc lập, phân bổ dự toán kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012-2015 theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật, văn bản về quản lý, điều hành chương trình mục tiêu quốc gia và các quy định liên quan hiện hành.

2. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:

a) Tập trung ưu tiên phân bổ kinh phí cho các xã trọng điểm, các xã đặc biệt khó khăn.

b) Việc trang cấp hoặc cấp miễn phí các vật dụng, sản phẩm dinh dưỡng chỉ áp dụng đối với các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa được hỗ trợ từ các chương trình, đề án, dự án khác của Nhà nước.

c) Thực hiện phân cấp cho các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông và mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động của Chương trình. Trường hợp đặc biệt, đối với tài sản, hàng hóa mà địa phương không có khả năng mua sắm hoặc cần mua sắm tập trung, Bộ Y tế trực tiếp thực hiện mua sắm và phân bổ bằng hiện vật cho các Bộ, ngành, địa phương. Thủ tục bàn giao hiện vật thực hiện theo quy định hiện hành.

d) Thực hiện giao dự toán trực tiếp cho cơ quan, đơn vị thực hiện hoạt động truyền thông trên cơ sở nhiệm vụ truyền thông, định mức kinh tế kỹ thuật và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. Trường hợp cơ quan, đơn vị được giao dự toán để thực hiện hoạt động truyền thông nhưng cần sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị khác thực hiện hoạt động truyền thông thì được thực hiện đặt hàng theo quy định nhưng tối đa không quá 100.000.000 đồng/cơ quan, đơn vị/năm.

4. Việc mua sắm hàng hóa, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Dược và các văn bản hướng dẫn Luật. Đối với hàng hoá, dịch vụ đặt hàng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg. Đối với việc sửa chữa cơ sở y tế kết hợp quân dân y thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

5. Kinh phí Chương trình phân bổ và giao cho cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán theo chế độ quy định. Đối với các hoạt động do cơ quan, đơn vị được giao dự toán ký hợp đồng với các cơ quan, đơn vị khác thực hiện thì chứng từ làm căn cứ thanh, quyết toán được lưu tại cơ quan, đơn vị được giao dự toán, gồm: Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ (kèm theo dự toán chi tiết được cơ quan chủ trì phê duyệt), biên bản nghiệm thu công việc, biên bản thanh lý hợp đồng, ủy nhiệm chi hoặc phiếu chi và các tài liệu có liên quan khác. Các hóa đơn, chứng từ chi tiêu cụ thể do cơ quan trực tiếp thực hiện hợp đồng lưu giữ theo quy định hiện hành.

Cơ quan, đơn vị thực hiện hợp đồng có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình đã ký kết, trực tiếp sử dụng kinh phí theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành (không phải quyết toán với ngân sách cơ quan, đơn vị mình nhưng phải mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi); ngay sau khi kết thúc hợp đồng, có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán số kinh phí được cấp theo quy định, gửi cơ quan, đơn vị chủ trì để tổng hợp chung vào quyết toán của cơ quan, đơn vị đó.

6. Chế độ báo cáo: Định kỳ hàng quý, năm, các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Chương trình (kinh phí và chỉ tiêu chuyên môn) theo quy định hiện hành.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2013.

2. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 147/2007/TTLT-BTC-BYT ngày 12/12/2007 của liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006-2010 và Thông tư liên tịch số 36/2010/TTLT-BTC-BYT ngày 17/3/2010 của liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các dự án: phòng, chống sốt xuất huyết; phòng, chống bệnh đái tháo đường và phòng, chống bệnh tăng huyết áp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006-2010.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Y tế để nghiên cứu giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Y tế
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Thị Xuyên

Nguyễn Thị Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.