QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
V/v ban hành Quy định tạm thời về quy trình quản lý việc sử dụng,
mua sắm, sửa chữa và thanh lý xe ô tô con
trong các đơn vị HCSN và DNNN.
___________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND, ngày 26-11-2003;
Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP, ngày 06-3-1998 của Chính phủ Về quản lý tài sản nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 101/1999/QĐ-BTC, ngày 28-8-1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính V/v ban hành quy chế quản lý, sử dụng phương tiện đi lại tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước.
Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 40/TTr-QLCS, ngày 07-4-2005 V/v đề nghị sửa đổi quy định về quy trình quản lý việc sử dụng, sửa chữa xe ô tô trong các đơn vị HCSN và Doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bảng quy định tạm thời về quy trình quản lý việc sử dụng, mua sắm, sửa chữa và thanh lý xe ô tô trong các đơn vị HCSN và DNNN trên địa bàn tỉnh Kon tum.
Điều 2: Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Giám đốc các DNNN và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ./.
|
TM/UBND TỈNH KON TUM
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Trần Quang Vinh
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
Về quy trình quản lý việc sử dụng, mua sắm, sửa chữa, thanh lý xe ô tô trong các đơn vị
HCSN và DNNN trên địa bàn tỉnh kon tum
(Kèm theo Quyết định số 14/2005/QĐ-UB,
ngày 19 tháng 4 năm 2005 của UBND tỉnh Kon tum)
_______________________
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Nguyên tắc về quản lý xe ô tô trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước:
Xe ô tô phục vụ công tác được áp dụng theo quy định này bao gồm các đơn vị Hành chính sự nghiệp (HCSN), các tổ chức đoàn thể, Khối đảng, các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động công ích và các Ban quản lý có sử dụng vốn do ngân sách Nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước là tài sản của Nhà nước phải được quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định. Các đơn vị được giao quản lý, sử dụng xe ô tô tuyệt đối không được sử dụng vào mục đích khác ngoài nhiệm vụ công tác được giao. Việc thanh lý, mua bán, thay đổi, nâng cấp phương tiện phải tuân theo quy trình quản lý của cơ quan Tài chính và các quy định hiện hành.
Quy trình này không áp dụng đối với các trường hợp sửa chữa xe ô tô do Bảo hiểm chi trả.
CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 2: Thời gian sử dụng xe ô tô:
Thực hiện theo Quyết định số 351/TC/QĐ/CĐKT, ngày 22-5-1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính V/v ban hành chế độ quản lý, sử dụng và tính hao mòn tài sản cố định trong các đơn vị HCSN.
Các đơn vị sử dụng phương tiện phải thường xuyên bảo trì, sửa chữa, đại tu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản.
Điều 3: Hình thành quỹ mua sắm sửa chữa xe ô tô:
Hàng năm, căn cứ vào số lượng xe đã đến thời hạn sửa chữa theo quy định và nhu cầu sử dụng phương tiện thực tế phát sinh trên cơ sở tiêu chuẩn, chế độ quy định của Nhà nước, Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu trang bị, sửa chữa xe ô tô bao gồm chủng loại số lượng và danh sách các đơn vị có nhu cầu mua sắm, sửa chữa trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Đồng thời khi lập dự toán chi ngân sách, UBND tỉnh sẽ bố trí một khoản kinh phí riêng để lập quỹ mua sắm, sửa chữa tập trung để chi cho công tác mua sắm, sửa chữa xe ô tô. Khoản kinh phí này được thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 4: Quản lý việc mua sắm xe ô tô:
Trên cơ sở kế hoạch mua sắm chi tiết được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Tài chính cân đối trình UBND tỉnh xuất ngân sách từ nguồn vốn mua sắm, sửa chữa tập trung của tỉnh cấp cho các đơn vị thực hiện. Việc thực hiện mua sắm xe ô tô phải theo đúng các quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Đồng thời đơn vị chịu trách nhiệm về giá cả, chất lượng, chủng loại và kỹ thuật của phương tiện.
Điều 5: Quản lý việc sửa chữa xe ô tô con:
Phương tiện đi lại phục vụ nhu cầu công tác của các đơn vị HCSN, đoàn thể, Khối đảng, DNNN hoạt động công ích, các Ban quản lý phải được bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên phương tiện (gọi chung là sửa chữa thường xuyên) và sửa chữa lớn định kỳ (trung tu, đại tu) theo đúng quy định về quản lý kỹ thuật của từng phương tiện.
5.1/ Duy tu sửa chữa thường xuyên (sửa chữa nhỏ):
Thủ trưởng các cơ quan được giao quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên. Toàn bộ kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô đơn vị sử dụng từ kinh phí chi thường xuyên đã được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm.
5.2/ Sửa chữa lớn (trung tu, đại tu):
5.2.1 Điều kiện để sửa chữa lớn xe ô tô được quy định như sau:
Nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng xe ô tô, quy định thời hạn và số Km của xe ô tô khi xem xét về chủ trương sửa chữa lớn như sau:
- Thời gian sử dụng trên 4 năm và số Km sử dụng trên 120.000Km (kể từ ngày mua sắm, tiếp nhận hoặc sửa chữa lớn lần trước).
- Đối với một số trường hợp hư hỏng đột xuất do khách quan, phải được Sở Giao thông - Vận tải và Sở Tài chính xem xét thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét cho chủ trương sửa chữa.
5.2.2 Quy trình sửa chữa lớn:
- Hàng năm, căn cứ vào điều kiện sửa chữa và tình trạng kỹ thuật xe ô tô, đơn vị lập Tờ trình xin sửa chữa gửi Sở Tài chính (dự kiến tổng chi phí sửa chữa và các khoản mục cần sửa chữa). Sở Tài chính kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương sửa chữa.
- Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, đơn vị mời Sở Giao thông - Vận tải và Sở Tài chính đánh giá trình trạng kỹ thuật và xác định các hạng mục sửa chữa. Đơn vị lập dự toán sửa chữa gửi Sở Tài chính thẩm định.
+ Nếu tổng mức sửa chữa từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đổng, đơn vị lập thủ tục thẩm định giá theo quy định hiện hành.
+ Nếu tổng mức sửa chữa từ 100 triệu đồng trở lên, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện đấu thầu sửa chữa. Việc đấu thầu sửa chữa xe ô tô được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về đấu thầu mua sắm tài sản.
- Khi tổ chức sửa chữa xong, đơn vị tiến hành tổ chức nghiệm thu, thành phần gồm: Thủ trưởng đơn vị, kế toán, công đoàn, kỹ thuật. Trong trường hợp cần thiết, chủ phương tiện có thể mời các tổ chức, chuyên gia kỹ thuật để đánh giá chất lượng xe ô tô sau sửa chữa.
Sau khi nghiệm thu xong, đơn vị gửi toàn bộ hồ sơ sửa chữa xe ô tô gửi Sở Tài chính để quản lý.
Điều 6: Quản lý việc thanh lý xe ô tô khi đến hết thời hạn sử dụng:
Khi xe đến hết thời hạn sử dụng, đơn vị lập Tờ trình gửi Sở Tài chính xem xét trình UBND tỉnh cho chủ trương xử lý.
Sau khi có chủ trương cho phép thanh lý của UBND tỉnh, Sở Tài chính mời Sở Giao thông - Vận tải cùng với đơn vị tiến hành xác định giá trị còn lại, định giá và thu hồi xe ô tô tổ chức bán đấu giá theo quy định. Tiền thu được từ việc bán thanh lý xe ô tô, sau khi trừ các chi phí hợp lý có liên quan, số còn lại bổ sung vào quỹ mua sắm sửa chữa tập trung của tỉnh.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỤC HIỆN
Điều 7: Sở Tài chính có trách nhiệm giúp UBND tỉnh:
Hướng dẫn, theo dõi giám sát các cơ quan HCSN, đoàn thể, khối đảng, các DNNN hoạt động công ích và các Ban quản lý thực hiện việc quản lý mua sắm, sửa chữa ô tô theo đúng quy định. Phối hợp Sở Giao thông - Vận tải thẩm định mức độ hư hỏng xe ô tô theo đề nghị của các đơn vị.
Thẩm định dự toán sửa chữa xe ô tô của các đơn vị.
Điều 8: Sở Giao thông - Vận tải có trách nhiệm:
Phối hợp Sở Tài chính thẩm định mức độ hư hỏng xe ô tô theo đề nghị của các đơn vị để làm cơ sở cho việc lập dự toán sửa chữa; tham gia giám định hiện trạng xe ô tô hết thời gian sử dụng để xử lý theo quy định; tham gia đánh giá hiện trạng xe ô tô khi có quyết định điều chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác.
Điều 9: Các đơn vị sử dụng xe ô tô có trách nhiệm:
Căn cứ vào các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính về quản lý sử dụng xe ô tô và các nội dung hướng dẫn tại quy định này, Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thực hiện quản lý sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô theo đúng quy định./.