• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/05/2007
UBND TỈNH KON TUM
Số: 03/2007/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kon Tum, ngày 10 tháng 4 năm 2007

CHỈ THỊ

V/v cấm sản xuất, đưa vào tham gia giao thông xe ba gác máy

__________________________

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 550 xe ba gác máy đang lưu hành (địa bàn thị xã Kon Tum có khoảng 350 xe, địa bàn các huyện có khoảng 200 xe). Các xe này do các cơ sở sửa chữa xe ô tô, mô tô tự lắp ráp, không có thiết kế được duyệt theo quy định; thiết bị, phụ tùng chủ yếu lắp ráp từ những bộ phận của các loại xe khác; không đủ tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định. Toàn bộ xe ba gác máy hiện nay không có đăng ký. Đặc biệt, từ trước đến nay kết cấu kỹ thuật của loại xe này chưa được Bộ Giao thông Vận tải quy định. Việc tự sản xuất, đưa vào tham gia giao thông xe ba gác máy như trên là vi phạm nghiêm trọng các quy định hiện hành về quản lý phương tiện xe cơ giới đường bộ. Loại xe này khi tham gia giao thông có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Để loại trừ nguy cơ gây tai nạn giao thông do loại xe ba gác máy gây ra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; bảo vệ môi trường, mỹ quan, văn minh đô thị trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Chỉ thị:

1. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, đưa xe ba gác máy vào tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh. Nếu tổ chức, cá nhân đưa xe ba gác máy vào tham gia giao thông sẽ bị xử phạt theo quy định và tịch thu phương tiện sung công quỹ Nhà nước.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung sau:

2.1. Sở Giao thông Vận tải: Chuẩn bị sân bãi đảm bảo đủ diện tích tập kết xe ba gác máy vi phạm khi cơ quan chức năng tạm giữ chờ xử lý.

2.2. Công an tỉnh: Chỉ đạo Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự các cấp phối hợp với Thanh tra Giao thông Vận tải tuần tra, kiếm soát, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định khi xe ba gác máy tham gia giao thông.

2.3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đề xuất phương án xử lý phương tiện xe ba gác máy bị tịch thu bán đấu giá, theo quy định của pháp luật.

2.4. Sở Công nghiệp: Liên hệ với các cơ sở sản xuất ô tô trong nước tham khảo mẫu, mã, tính năng kỹ thuật các loại xe đảm bảo các điều kiện theo quy định, phù hợp với điều kiện địa phương hướng dẫn cho các chủ phương tiện khi có nhu cầu mua sắm để thay thế xe ba gác máy; chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thị xã kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất loại xe ba gác máy.

2.5. Ban An toàn giao thông tỉnh: Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh xã hội, Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ các chủ phương tiện có xe ba gác máy đế chuyển đổi ngành nghề, trình UBND tỉnh xem xét.

2.6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã: Tổ chức thông báo rộng rãi để tất cả các chủ cơ sở sản xuất, chủ phương tiện xe ba gác máy và nhân dân trên địa bàn biết, thực hiện Chỉ thị này; chuẩn bị sân bãi đảm bảo đủ diện tích tập kết số xe vi phạm trên địa bàn mình quản lý, khi cơ quan chức năng tạm giữ chờ xử lý.

2.7. Sở Văn hóa Thông tin, Báo Kon Tum, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh: Thông báo, tuyên truyền Chỉ thị này cho nhân dân biết, cùng hưởng ứng thực hiện.

3. Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; các chủ cơ sở sản xuất và chủ xe ba gác máy nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này. Giao Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh theo dõi, đôn đôc việc thực hiện Chỉ thị và hàng tháng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2007./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đào Xuân Quí

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.