• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 16/08/2004
Số: 60/2004/QĐ-BCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kon Tum, ngày 15 tháng 7 năm 2004

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 60/2004/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt đề án "Phát triển công nghiệp hóa chất đến năm 2010 phục vụ

công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn"

___________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;

Căn cứ Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản;

Căn cứ Chương trình hành động của ngành công nghiệp thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Cơ khí, Luyện kim và hóa chất và Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án "phát triển công nghiệp hóa chất đến năm 2010 phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn" với những nội dung chính sau đây:

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển

a. Đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế quốc dân, trước hết là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, tác động thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển và nâng cao đời sống của nhân dân;

b. Phát triển có chọn lọc và song song cả hai lĩnh vực tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng trên cơ sở đi thẳng vào công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên vật liệu, bảo vệ môi trường;

c. Huy động tổng hợp và sử dụng có hiệu quả những lợi thế của các nguồn lực trong nước và tranh thủ mọi nguồn lực ngoài nước để phát triển ngành công nghiệp hóa chất, tập trung vào những sản phẩm trọng điểm phục vụ nông nghiệp, nông thôn, như các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cơ bản, sản phẩm chế biến từ các hợp chất thiên nhiên, cao su, chất dẻo v.v...;

d. Ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hóa chất cơ bản, hóa dầu, phân đạm, bột màu, sản xuất các loại pin cao cấp, khí trơ công nghiệp... Tự đầu tư dưới nhiều hình thức như liên doanh trong nước, nhập thiết bị, nhập kỹ thuật v.v...;

đ. Kết hợp một cách chặt chẽ và có hiệu quả giữa phát triển công nghiệp hóa chất phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, củng cố an ninh, quốc phòng.

2. Định hướng phát triển

2.1. Phát triển các sản phẩm hóa chất phục vụ nông nghiệp

a. Phân bón: Phát triển phân bón là một trong những nhiệm vụ trung tâm của ngành công nghiệp hóa chất đến năm 2010 và những năm tiếp theo để phục vụ nông nghiệp. Tăng nhanh về số lượng, đa dạng hóa chủng loại, nhất là các loại hữu cơ, phân vi sinh và nâng cao chất lượng phân bón cho phù hợp với từng loại cây trồng và điều kiện thổ nhưỡng khác nhau.

Đến năm 2005 và 2010, ngành phân bón tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng mới hai nhà máy sản xuất phân đạm, một nhà máy từ khí tại Cà Mau công suất 800.000 tấn urê/năm; một nhà máy tại miền Bắc từ than cám công suất 560.000 tấn urê/năm; một nhà máy sản xuất phân diamino phosphat (DAP) tại Đình Vũ, Hải Phòng công suất 330.000 tấn/năm, một nhà máy sản xuất amon sunphat (SA) công suất 100.000 tấn/năm. Tiếp tục đầu tư mở rộng năng lực sản xuất phân supe lân tại Lâm Thao lên 850.000 tấn/năm; tại Long Thành lên 200.000 tấn/năm, các nhà máy sản xuất phân lân nung chảy lên 500.000 tấn/năm.

Về phân bón hỗn hợp NPK: Không đầu tư mới các cơ sở sản xuất phân NPK theo công nghệ hiện có. Đầu tư chiều sâu, phát triển sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm như hàm lượng dinh dưỡng, độ bền cơ học, khả năng chống hút ẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng thời tăng cường tự động hóa, cơ giới hóa khâu sản xuất.

Về phân bón hữu cơ, vi sinh: Căn cứ nhu cầu và nguồn nguyên liệu tại chỗ để xác định quy mô, sản phẩm thích hợp.

Ngoài các loại phân bón truyền thống nêu trên, tiến hành việc nghiên cứu phát triển một số loại phân bón mới như phân bón lá, phân tan chậm. Nghiên cứu sản xuất các chủng loại vi sinh vật hữu ích để chủ động trong việc sản xuất phân hữu cơ sinh học và phân vi sinh.

Nguyên liệu cho sản xuất phân bón: Đầu tư đồng bộ các dự án khai thác các loại quặng như apatit, secpentin nhằm bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất phân bón.

b. Hóa chất bảo vệ thực vật: Sử dụng các hoạt chất mới có hoạt tính cao, ít độc hại cho người và động vật máu nóng và ít gây ô nhiễm môi trường. Áp dụng công nghệ gia công tiên tiến, sử dụng dung môi nước thay thế các dung môi hữu cơ để có các sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường như sản phẩm huyền phù đậm đặc, vi nhũ tương, hạt phân tán trong nước. Nghiên cứu sử dụng các hoạt chất vi sinh và các hoạt chất chiết xuất từ thảo mộc. Ưu tiên các dự án đầu tư sản xuất các hoạt chất để giảm tỷ lệ nhập khẩu. Đầu tư mới trang thiết bị sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, tự động hóa khâu đóng gói. Đẩy mạnh sản xuất các chế phẩm sát trùng gia dụng, các loại kích thích tố, thuốc trừ nấm, trừ cỏ.

c. Sản phẩm hóa chất thực phẩm, bảo quản sau thu hoạch và phục vụ nuôi trồng thủy sản: Từ nay đến 2010 đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị và tiếp tục đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng các loại hóa chất dùng trong lĩnh vực thực phẩm, hóa chất phục vụ bảo quản sau thu hoạch và nuôi trồng thủy sản nhằm thay thế hàng nhập khẩu. Lựa chọn và tiếp cận công nghệ mới tiên tiến có tính cạnh tranh cao để đầu tư mới. Phát triển sản xuất một số chế phẩm như zeolit và diatomit phục vụ nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu sản xuất một số tác nhân làm lạnh như nitơ lỏng và CO2 rắn từ khí đồng hành của các dự án chế biến dầu khí.

d. Thuốc tăng trọng, thức ăn gia súc: Tăng cường đầu tư sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi như nguồn protein, bột cá, bột thịt xương, khoáng và vitamine,...

đ. Than hoạt tính: Tiếp tục đầu tư chiều sâu kết hợp đầu tư mở rộng để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu than hoạt tính.

e. Hóa phân tích phục vụ nông nghiệp: Phát triển ngành hóa phân tích phục vụ nông nghiệp: phân loại và đánh giá chất lượng của đất, dung tích trao đổi ion của đất, độ mùn của đất, đánh giá chất lượng của phân bón, thuốc trừ sâu, nước nuôi trồng thủy sản đến phân tích chất lượng của thực phẩm, phân tích vi lượng trong cây trồng, v.v....

2.2 Phát triển các sản phẩm hóa chất phục vụ nông thôn

a. Các sản phẩm cao su: Đảm bảo cung cấp các loại lốp máy kéo, lốp ô tô phục vụ cho giao thông và chuyên dùng trong nông nghiệp. Nghiên cứu và triển khai sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật, sản phẩm từ mủ latex.

b. Chất tẩy rửa: Từ nay đến 2010 chủ yếu tập trung hiện đại hóa dây chuyền hiện có, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa chủng loại các sản phẩm chất tẩy rửa, đáp ứng thị trường trong nước, nhất là thị trường nông thôn với giá cả phù hợp sức mua của đa số nông dân.

c. Ắc quy: Tiếp tục phát triển sản xuất các loại ắc quy, pin để phục vụ cho ngư dân và nông thôn vùng sâu, vùng xa theo hướng sản xuất các loại ắc qui không bảo dưỡng chì antimon thấp, chì canxi; giảm định mức nguyên liệu, tăng dung lượng, tăng tuổi thọ, giảm độ tự phóng trong thời gian lưu kho, nâng tổng sản lượng ắc quy đạt 1,5 - 1,9 triệu KWh vào năm 2010. Đầu tư sản xuất một số nguyên liệu cho sản xuất pin như chì hoàn nguyên, kẽm bột,...

d. Hóa dược: Tăng cường xây dựng các cơ sở sản xuất hóa chất và nguyên liệu làm thuốc. Phối hợp với ngành công nghiệp dược phẩm đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa dược, thực hiện mục tiêu sản xuất trong nước đáp ứng 60% nhu cầu thuốc phòng bệnh và chữa bệnh của xã hội, nâng mức tiêu dùng thuốc lên 12-15 USD/người/năm vào năm 2010.

đ. Khí công nghiệp: Đáp ứng toàn bộ nhu cầu về sản phẩm khí công nghiệp như oxy, nitơ, oxyt carbon cho thị trường trong nước. Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất khí công nghiệp đi kèm với các dự án điện - đạm Phú Mỹ và điện - đạm Cà Mau.

2.3. Lĩnh vực tiêu thụ các sản phẩm của nông thôn cung cấp cho ngành hóa chất.

a. Hóa chất cơ bản

Muối công nghiệp: Đầu tư sản xuất xút, clo và sô đa đáp ứng nhu cầu trong nước đồng thời tạo điều kiện cho ngành sản xuất, muối công nghiệp phát triển. Nhằm đáp ứng những đòi hỏi về chất lượng muối để sản xuất xút - clo, ngành muối cần tăng cường đầu tư kỹ thuật và trang thiết bị cho khâu sản xuất cũng như khâu tinh chế,

b. Cây dược liệu: Trên cơ sở nguồn dược liệu tự nhiên, ngành hóa dược tận dụng tiềm năng nội sinh sẵn có để xây dựng công nghiệp nguyên liệu với quy mô công nghiệp, tạo thế chủ động cho sản xuất bào chế thuốc. Phân bố các cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược theo các khu vực có lợi thế và tiềm năng nguyên liệu, nhân lực, môi trường. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển trồng và chế biến các loại dược liệu theo quy hoạch phát triển chung của Nhà nước.

c. Cây nguyên liệu: Đa dạng hóa các sản phẩm sản xuất từ cao su và từ một số loại cây có dầu như dầu trẩu, nhựa chai, nhựa thông, dầu hạt cao su..., qua đó góp phần phát triển các loại cây nguyên liệu. Sử dụng có hiệu quả cao su thiên nhiên và mủ cao su, hạn chế xuất khẩu cao su thô.

d. Cồn: Phát triển nhiên liệu ethanol góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng thời mở ra khả năng tiêu thụ nông sản. Tổ chức thí điểm ở qui mô nhỏ và nhập công nghệ để rút ngắn thời gian nghiên cứu trước khi phát triển loại nhiên liệu này.

2.4. Xây dựng các cơ sở chế biến và dịch vụ: Công nghiệp hóa chất tham gia đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ như bảo quản nông sản, chống mối mọt, dịch vụ cung ứng nhiên liệu và các sản phẩm hóa chất tiêu dùng. Phối hợp với ngành công nghiệp cơ khí xây dựng các cơ sở chế biến dầu thực vật, trên cơ sở một số nhà máy sơ chế dầu trẩu hiện có nâng cấp thành các cơ sở chế biến hiện đại, có qui hoạch vùng nguyêu liệu.

2.5. An toàn hóa chất tại nông thôn: Nâng cao nhận thức về an toàn hóa chất đặc biệt đối với thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất dễ gây cháy nổ cho các hộ nông dân thông qua các hình thức tuyên truyền bằng các lớp phổ biến kiến thức, tờ rơi, áp phích.

3. Giải pháp và chính sách phát triển

Các giải pháp và chính sách phát triển cần phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Phát triển cân đối về cơ cấu sản phẩm;

- Tạo điều kiện tốt nhất để huy động có hiệu quả các nguồn lực trong nước;

- Tạo tốc độ phát triển cao cho các sản phẩm hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn và cho cả ngành công nghiệp hóa chất;

- Phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội chung và điều kiện thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hóa chất đủ mạnh trong tương lai.

Một số giải pháp và chính sách chính:

Giải pháp và chính sách về vốn: Vốn nhà nước sẽ đầu tư tập trung cho những công trình trọng điểm; thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn hiện hành đối với những dự án đầu tư sản xuất phân bón, không đầu tư dàn trải.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là vào những lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, lĩnh vực công nghệ cao và các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến sâu nguyên liệu phục vụ sản xuất hóa chất, phân bón trong nước.

Giải pháp và chính sách về thuế: Nghiên cứu để giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp về giảm thuế VAT cho một số năm đầu đối với các dự án đầu tư mới sản xuất phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất cơ bản và giảm thuế VAT mặt hàng phân bón xuống mức 0% phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp.

Giải pháp và chính sách nâng cao năng lực sản xuất: Huy động tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước, sử dụng có hiệu quả nguồn lực sẵn có để nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm hóa chất nhằm cung ứng đủ, kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất.

Giải pháp và chính sách về khoa học & công nghệ: Đầu tư phát triển theo hướng đi thẳng vào sử dụng các loại công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm mới. Nâng cao năng lực nghiên cứu triển khai và trình độ của đội ngũ quản lý và triển khai công tác khoa học, công nghệ. Hệ thống khuyến nông, khuyến công hỗ trợ về kinh phí và nhân lực cho công tác chuyển giao công nghệ, nghiên cứu triển khai, xúc tiến thị trường của các cơ sở chế biến sản phẩm hóa chất, phân bón phục vụ nông nghiệp.

Giải pháp và chính sách cơ cấu sản phẩm và vùng lãnh thổ: Xây dựng các dự án đầu tư mới gần khu vực nguyên liệu và nơi tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt đẩy nhanh việc phát triển công nghiệp hóa chất tại miền Trung thông qua việc phát triển một số dự án: nhựa alkyd, hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, hóa dầu.

Giải pháp và chính sách về đất đai và sử dụng tài nguyên: Các ngành, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thuê đất xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm hóa chất, phân bón phục vụ nông nghiệp. Khuyến khích sử dụng tài nguyên trong nước hiệu quả và tiết kiệm. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp trong khâu tìm kiếm thăm dò khoáng sản, qui hoạch phát triển các vùng cây nguyên liệu, cây dược liệu phục vụ cho ngành hóa chất.

Giải pháp và chính sách về tổ chức, quản lý: Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với một số sản phẩm như phân bón NPK, phân hữu cơ sinh học, hóa chất bảo vệ thực vật để tránh tình trạng đầu tư tràn lan, vi phạm các qui định về bảo vệ môi trường và chất lượng sản phẩm.

Giải pháp và chính sách về thị trường: Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ thị trường nội địa trong tiến trình hội nhập chủ yếu là sử dụng hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu những sản phẩm kém chất lượng, không an toàn, gây ô nhiễm, ngoài ra cần tăng cường chống hàng nhái, hàng giả.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Công nghiệp:

a. Vụ Cơ khí, luyện kim và hóa chất:

- Phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược - Qui hoạch phát triển công nghiệp hóa chất đến năm 2010 có tính đến năm 2020". Chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện sau khi được ban hành.

- Phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương, các Vụ chức năng thuộc Bộ, các Sở Công nghiệp địa phương theo dõi sát, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh nhằm hỗ trợ các cơ sở hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

- Chỉ đạo Tổng Công ty hóa chất Việt Nam, Tổng công ty dầu khí Việt Nam bố trí sản xuất đủ, đáp ứng nhu cầu của nông nghiệp, nông thôn.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan như Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Hóa học Việt Nam triển khai các dự án cụ thể.

b. Cục Công nghiệp địa phương:

- Phối hợp các Sở Công nghiệp, các Vụ chức năng, các Tổng Công ty thuộc Bộ để triển khai các nội dung của đề án.

- Báo cáo định kỳ về những thuận lợi và vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án cho lãnh đạo Bộ.

c. Vụ Hợp tác quốc tế:

- Phối hợp với các Vụ chức năng thuộc Bộ Xây dựng quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức quốc tế và nước ngoài trong lĩnh vực cung cấp thông tin, tiến bộ KHKT, các hỗ trợ về tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

d. Vụ Khoa học & Công nghệ:

- Phối hợp với các Vụ chức năng thuộc Bộ chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ nâng cao năng lực nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và đề xuất các hàng rào kỹ thuật nhằm bảo vệ thị trường nội địa.

- Chủ trì phối hợp phổ biến tuyên truyền an toàn hóa chất cho nông nghiệp, nông thôn.

2. Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam:

- Theo dõi, chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu các sản phẩm hóa chất cho nông nghiệp, nông thôn.

- Đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy DAP công suất 330.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm.

Đầu tư mở rộng năng lực sản xuất phân lân supe tại Lâm Thao lên 850.000 tấn/năm, tại Long Thành lên 200.000 tấn/năm, các nhà máy sản xuất lân nung chảy lên 500.000 tấn/năm.

- Đầu tư công nghệ thiết bị để đổi mới công nghệ gia công, sản xuất các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư sản xuất hoạt chất công suất 6.000 tấn/năm. Đầu tư đồng bộ các dự án đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất phân bón, như quặng apatit, secpentin.

- Tiến hành lập báo cáo NCKT dự án đầu tư sản xuất soda và xút - clo từ muối công nghiệp.

3. Tổng Cổng ty Dầu khí Việt Nam:

- Vận hành ổn định nhà máy phân đạm Phú Mỹ, phấn đấu từ năm 2005 chạy đạt công suất thiết kế, đồng thời xây dựng mạng lưới phân phối phục vụ nhu cầu sử dụng phân đạm ure của nông dân.

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy phân đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm.

4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các nội dung của đề án phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng địa phương để phát huy tối đa khả năng của ngành công nghiệp hóa chất phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

- Củng cố, kiện toàn bộ máy Sở Công nghiệp để thực hiện tốt vai trò đầu mối tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Công nghiệp trong việc phát triển công nghiệp hóa chất phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

5. Hội Hóa học Việt Nam:

- Hợp tác với các tổ chức hữu quan nhằm hỗ trợ đưa nhanh các tiến bộ khoa học và kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

- Phổ biến các kiến thức khoa học và kỹ thuật hóa chất cho nông dân và những người có các hoạt động liên quan đến công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

6. Hiệp hội Phân bón Việt Nam:

- Phối hợp các doanh nghiệp sản xuất, các nhà nhập khẩu, kinh doanh phân bón trong công tác thông tin, tìm kiếm thị trường, kiểm tra giám sát giá bán sản phẩm, giá nhập khẩu, chất lượng sản phẩm, tham gia cân đối cung - cầu để tránh xẩy ra những biến động về giá cả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng Cục thuộc Bộ, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Hoàng Trung Hải

(Đã ký)

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.