Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy định về thực hiện chính sách chuyển đổi đất và hỗ trợ đầu tư \

phát triển cao su đại điền trên địa bàn tỉnh Lai Châu

_______________________

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 181/2004/NĐ-CP, ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai; số 84/2007/NĐ-CP, ngày 25/5/2012 quy định bổ sung về việc cấp GCNQSDĐ, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất; số 69/2009/NĐ-CP, ngày 13/8/2009 quy định bổ sung về QHSDĐ, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; số 88/2009/NĐ-CP, ngày 19/10/2009 về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và Nghị quyết số 1126/2008/NQ-UBTVQH11, ngày 21/6/2007 của UBTV Quốc hội quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 216/2012/TT-BTC ngày 10/12/2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xác định tiền thuê đất đối với đất trồng cây cao su;

Căn cứ Nghị quyết số 62/2012/NQ-HĐND, ngày 07/12/2012 của HĐND tỉnh về Chính sách chuyển đổi đất và hỗ trợ đầu tư phát triển cao su đại điền trên địa bàn tỉnh Lai Châu;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 543 /TTr-SNN, ngày 26 tháng 12 năm 2012 và Công văn số 478/STP-XD&KTrVB ngày 25/12/2012 của Sở Tư pháp về việc thẩm định dự thảo Quyết định của UBND tỉnh,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thực hiện chính sách chuyển đổi đất và hỗ trợ đầu tư phát triển cao su đại điền trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 23/2008/QĐ-UBND, ngày 30/9/2008 và các quy định khác của UBND tỉnh Lai Châu có liên quan đến chính sách chuyển đổi đất và hỗ trợ đầu tư phát triển cao su đại điền đã ban hành trước ngày Quyết định này có hiệu lực.

Những nội dung không quy định tại Quyết định này thì thực hiện theo các văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và những quy định khác của UBND tỉnh. Các nội dung đã triển khai trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo chính sách tại Quyết định số 23/2008/QĐ-UBND, ngày 30/9/2008 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên & Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện; Giám đốc các Doanh nghiệp đầu tư phát triển cao su đại điền trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Nguyễn Khắc Chử

 

 

 


QUY ĐỊNH

Về thực hiện chính sách chuyển đổi đất và hỗ trợ đầu tư phát triển
cao su đại điền trên địa bàn tỉnh Lai Châu

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 45/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012
 của Uỷ ban nhân dân  tỉnh Lai Châu)

______________

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về việc chuyển đổi đất sang trồng cây cao su; giao đất, cho thuê đất, góp đất trồng cây cao su đại điền; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cao su đại điền trong quy hoạch phát triển vùng cao su đại điền trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

2. Ngoài các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng phát triển cao su theo quy định tại Quyết định này, các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trồng cao su đại điền và chế biến cao su trên địa bàn tỉnh được hưởng các chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư theo quy định hiện hành của Nhà nước, của tỉnh.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư, góp đất vào doanh nghiệp để trồng, phát triển cao su đại điền trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Tiêu chuẩn đất chuyển đổi sang trồng cao su và thủ tục chuyển đổi

1. Tiêu chuẩn đất chuyển đổi sang trồng cao su

Tiêu chuẩn đất chuyển đổi sang trồng cao su là đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp:

- Độ cao nhỏ hơn 600 m so với mực nước biển; một số nơi với những điều kiện cho phép có thể phát triển đến độ cao 700 m.

- Độ dày tầng đất tối thiểu 70 cm.

- Độ dốc dưới 300, những nơi cần liền vùng có thể xem xét đối với diện tích có độ dốc đến 350.

- Nằm trong vùng quy hoạch trồng cao su và phải đảm bảo liền vùng, liền khoảnh, quy mô tập trung từ 30 ha trở lên.

- Đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm hiệu quả kinh tế thấp.

- Đất trống, đồi núi trọc (đất lâm nghiệp trạng thái Ia, Ib, Ic).

- Đất có rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh không thành rừng; đất có rừng tự nhiên trạng thái IIa, IIb, IIIa1 chất lượng kém.

2. Thủ tục chuyển đổi

- Thủ tục chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất trồng cây cao su thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

- Đối với diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên, diện tích khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng đã được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước nhưng kém hiệu quả, nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây cao su, phải làm thủ tục thanh lý rừng, khai thác tận dụng lâm sản (nếu có) theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT trước khi tổ chức khai hoang để trồng cao su.

Điều 4. Giao đất, cho thuê đất và góp đất trồng cao su

1. Giao đất, cho thuê đất

Đất do nhà nước quản lý được giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho doanh nghiệp thuê trồng cao su theo quy định tại Thông tư số 216/2012/TT-BTC ngày 10/12/2012 của Bộ Tài chính và các quy định khác hiện hành.

2. Góp đất trồng cao su

2.1. Đất do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao quản lý được góp đất với doanh nghiệp để trồng cao su (bao gồm cả diện tích đất làm  đường sản xuất, làm nhà đội, vườn ươm và các hạng mục phụ trợ khác).

2.2. Hạn mức góp đất: Đất của các hộ gia đình, cá nhân được tham gia góp đất trồng cao su tối đa không quá 30 héc ta/hộ.

Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp dưới các hình thức nhận chuyển nhượng, thừa kế, nhận tặng cho, xử lý nợ theo thoả thuận trong hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất không quá 50 héc ta/hộ.

3. Quyền và nghĩa vụ của người tham gia góp đất

3.1. Quyền của người tham gia góp đất

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia góp đất trồng cao su được cấp giấy chứng nhận theo quy định; được hưởng các quyền lợi theo hợp đồng góp đất với doanh nghiệp, Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp và các nội dung sau:

- Thời gian góp đất ít nhất một chu kỳ sản xuất cao su (27 năm).

- Sản phẩm được chia của người dân góp đất (năm i) = diện tích đất góp của người dân (năm i) x (năng suất bình quân của toàn doanh nghiệp trên tổng diện tích đất góp năm i) x tỷ lệ chia sản phẩm.

- Tỷ lệ chia sản phẩm là 10% trên sản lượng vườn cây khi khai thác (trước vận chuyển và chế biến).

- Số sản phẩm trên được doanh nghiệp mua theo giá thoả thuận. Giá sẽ được doanh nghiệp thống nhất với cơ quan quản lý giá của địa phương ban hành định kỳ và trả tiền cho người góp đất 2 lần/năm.

- Sau hết chu kỳ, số diện tích vườn cây được thanh lý cũng được chia như hình thức phân chia sản phẩm.

- Người góp đất nếu đủ điều kiện được ưu tiên tuyển dụng vào làm công nhân doanh nghiệp và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Lao động.

3.2. Nghĩa vụ của người tham gia góp đất

 Người tham gia góp đất phải chấp hành nghĩa vụ theo hợp đồng góp đất ký với doanh nghiệp, quy định của pháp luật về đất đai, Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp và các quy định hiện hành khác.

4. Thủ tục đo đạc quy chủ, lập phương án hỗ trợ chuyển đổi đất, lập hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và góp đất đối với hộ gia đình cá nhân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND, ngày 08/01/2010 của UBND tỉnh Lai Châu về việc Ban hành quy định công tác đo đạc thủ công, xây dựng bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất phát triển cao su; các văn bản sửa đổi, bổ sung và quy định khác (nếu có).

Điều 5. Chính sách chuyển đổi đất và hỗ trợ đầu tư phát triển cao su đại điền

1. Chính sách chuyển đổi đất

1.1. Hỗ trợ một lần cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất góp vào doanh nghiệp để trồng cây cao su, mức hỗ trợ như sau:

a) Đất trồng cây hàng năm đang canh tác: 6,0 triệu đồng/ha.

b) Rừng trồng bằng nguồn vốn tự có: 7,2 triệu đồng/ha.

c) Rừng khoanh nuôi, tái sinh bằng nguồn vốn tự có: 2,4 triệu đồng/ha.

d) Rừng trồng bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước: 1,2 triệu đồng/ha.

đ) Rừng khoanh nuôi tái sinh bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước: 0,6 triệu đồng/ha.

e) Rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh bằng nguồn Ngân sách Nhà nước giao cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ hoặc các cơ quan nhà nước khác quản lý thì không được hỗ trợ.

Việc bồi thường hoa màu, vật kiến trúc (nếu có) trên đất góp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân do doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trồng cao su thực hiện theo quy định của pháp luật.

1.2. Hỗ trợ 100% giống cây ngắn ngày (cây họ Đậu, Lúa nương, Bông, Dứa, Gừng, ...) trong 03 (ba) vụ liên tiếp, bắt đầu từ năm trồng mới cho các hộ gia đình trong vùng cao su để trồng xen trong nương cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản theo hướng dẫn và quy trình kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT.

2. Hỗ trợ đầu tư phát triển cao su đại điền

2.1. Hỗ trợ một lần cơ sở hạ tầng vườn giống: Tùy theo quy mô và yêu cầu, mỗi doanh nghiệp trồng cao su được hỗ trợ từ 01 đến 02 vườn giống cố định để sản xuất cây giống, gồm các hạng mục: Đường vào vườn giống, nhà ở công nhân, hệ thống điện, hệ thống cấp nước sinh hoạt. Nội dung và mức hỗ trợ đầu tư cụ thể theo dự án đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt.

2.2. Hỗ trợ đường giao thông phục vụ đi lại của nhân dân trong vùng và phát triển cao su

Hỗ trợ xây dựng đường giao thông nội vùng ở những vùng chưa có đường trục chính; cứ 100 ha cao su thực trồng được hỗ trợ xây dựng 01 km theo tiêu chuẩn đường sản xuất của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/km (chi phí trực tiếp phần mở nền).

2.3. Nhà nước hỗ trợ đầu tư nhà ở, điện, nước sinh hoạt cho các đội công nhân là người địa phương, trong đó: Cứ 300 ha cao su thực trồng được hỗ trợ xây dựng từ 01 đến 02 nhà ở công nhân theo thiết kế định hình; hỗ trợ đầu tư một lần điện lưới sinh hoạt cho các đội chưa có điện lưới, mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/đội; hỗ trợ đầu tư một lần nước sinh hoạt đối với những đội khó khăn nước sinh hoạt, mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/đội.

3. Chi phí quản lý các cấp

- Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: 100 triệu đồng/năm để thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo quy định.

- Ban Chỉ đạo cấp huyện: Hỗ trợ các huyện có diện tích cao su trồng mới trong năm để thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo quy định. Mức hỗ trợ như sau:

+ 150 triệu đồng/năm đối với huyện có diện tích trồng từ trên 1.000 ha cao su trở lên.

+ 100 triệu đồng/năm đối với huyện có diện tích trồng từ 500 ha đến 1000 ha cao su.

+ 50 triệu đồng/năm đối với huyện có diện tích trồng dưới 500 ha cao su.

- Hỗ trợ 30 triệu đồng/năm/xã đối với các xã có trồng mới cây cao su trong năm để thực hiện các nhiệm vụ của Ban vận động cao su xã, trọng tâm là: Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp đất và tham gia làm công nhân (lao động) tại doanh nghiệp cao su; phối hợp cùng tổ công tác của huyện giải quyết các mẫu thuẫn phát sinh giữa người dân và doanh nghiệp cao su trong quá trình triển khai Chương trình và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan.

- Hỗ trợ tổ công tác liên ngành do UBND huyện thành lập để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động; phối hợp với đơn vị thi công lập phương án hỗ trợ cho các hộ gia đình có đất chuyển đổi để góp đất vào doanh nghiệp cao su, công khai phương án tại thôn, bản và giải quyết khiếu nại, đề nghị của nhân dân và các nhiệm vụ khác do UBND huyện giao. Mức hỗ trợ: 200.000 đồng/ha cao su thực trồng hàng năm.

- Chi phí đo đạc quy chủ thủ công, lập phương án hỗ trợ chuyển đổi đất và xây dựng bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất phát triển cao su thực hiện theo Quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 18/01/2010 của UBND tỉnh, dự toán của dự án được duyệt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Điều 6. Nguồn và cơ chế quản lý vốn hỗ trợ đầu tư

1. Xây dựng kế hoạch hàng năm

Căn cứ vào quy hoạch phát triển vùng cao su, vào tháng 6 hàng năm các doanh nghiệp cao su (đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư) lập kế hoạch trồng mới cây cao su năm sau gửi về UBND tỉnh, UBND huyện sở tại và các cơ quan có liên quan của tỉnh để đăng ký.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên & Môi trường và UBND các huyện có liên quan kiểm tra, tổng hợp, trình UBND tỉnh.

UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh và giao kế hoạch trồng mới cây cao su vào tháng 7 hàng năm cho các doanh nghiệp cao su và các sở, ngành, đơn vị có liên quan.

2. Nguồn và cơ chế quản lý vốn

- Chi phí hỗ trợ đối với người góp đất (hỗ trợ chuyển đổi, trồng xen); chi phí quản lý huyện, xã; chi phí tổ công tác liên ngành; chi phí đo đạc quy chủ, xây dựng bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất từ nguồn vốn sự nghiệp được cân đối về Ngân sách huyện.

- Chi phí quản lý cấp tỉnh từ nguồn vốn sự nghiệp được giao cho Sở Nông nghiệp & PTNT.

- Chi phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng: Giao Doanh nghiệp cao su làm chủ đầu tư các nội dung hỗ trợ đầu tư: Đường giao thông nội vùng, nhà ở công nhân và điện, nước sinh hoạt, vườn giống; chủ đầu tư tổ chức lập dự án (hoặc báo cáo KTKT) trình thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.

3. Thanh toán, quyết toán

- Chi phí hỗ trợ đối với người góp đất (hỗ trợ chuyển đổi, trồng xen); chi phí quản lý các cấp (tỉnh, huyện, xã); chi phí tổ công tác liên ngành; chi phí đo đạc quy chủ, xây dựng bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất thực hiện thanh, quyết toán theo quy định hiện hành về quản lý nguồn vốn sự nghiệp.

- Chi phí hỗ trợ đầu tư: Chủ đầu tư thực hiện việc thanh toán, quyết toán theo quy định hiện hành về quản lý nguồn vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.

Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện và doanh nghiệp cao su xây dựng kế hoạch trồng cao su hàng năm; theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cao su trên địa bàn tỉnh, định kỳ 6 tháng một lần báo cáo UBND tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và UBND các huyện trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thanh lý các loại rừng đã đầu tư bằng nguồn Ngân sách Nhà nước để chuyển sang trồng cao su, khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích chuyển đổi sang trồng cao su; tham gia thẩm định các dự án đầu tư và định mức kinh tế kỹ thuật phát triển cao su.

- Tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển cây cao su tỉnh; xây dựng hướng dẫn quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật trồng xen cây ngắn ngày (cây họ Đậu, Lúa nương, Bông, Dứa, Gừng, ...) trên đất trồng cao su trong thời gian kiến thiết cơ bản.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì phối hợp với các ngành, các đơn vị có liên quan tham mưu trình UBND tỉnh việc chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất cho các doanh nghiệp đã có dự án đầu tư phát triển cao su được phê duyệt (hoặc kế hoạch trồng cao su đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

- Chủ trì thực hiện và hướng dẫn UBND các huyện thực hiện đo đạc bản đồ, lập HSĐC, cấp GCNQSD đất cho nhân dân trong vùng trồng cao su và cấp GCN cho các doanh nghiệp trồng cao su theo quy định.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp, UBND các huyện thực hiện các chính sách quản lý sử dụng đất đai, góp đất, bảo vệ môi trường để phát triển cây cao su.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan tổng hợp kế hoạch phát triển cao su vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm; hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng các dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng cao su, tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng cao su hàng năm.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, các đơn vị thẩm định, cấp phép kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển cây cao su.

4. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan tham mưu trình UBND tỉnh kế hoạch vốn, giao dự toán thu, chi ngân sách địa phương hàng năm cho các huyện, các ngành liên quan để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cao su.

- Hướng dẫn về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, ứng vốn, thanh toán, quyết toán vốn hỗ trợ đầu tư phát triển cây cao su.

- Phối hợp với các ngành và UBND các huyện thực hiện các quy định về thanh lý rừng và tài sản trên đất đầu tư bằng nguồn Ngân sách Nhà nước trên diện tích đất chuyển sang trồng cây cao su.

5. Uỷ ban nhân dân các huyện

- Chỉ đạo việc thành lập, củng cố Ban Chỉ đạo huyện, tổ công các liên ngành huyện và Ban Vận động phát triển cao su xã.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các hộ gia đình, cá nhân trong vùng quy hoạch phát triển cây cao su.

- Chủ trì kê khai, kiểm đếm và xác định nguồn gốc đất, lập phương án hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện chuyển đổi đất sang trồng cao su; thực hiện đo đạc thủ công, lập HSĐC, cấp GCN QSD đất phát triển cao su cho hộ gia đình, cá nhân.

- Phối hợp với doanh nghiệp trồng cao su xây dựng kế hoạch trồng cao su, trồng xen canh trong nương cao su, kế hoạch kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su hàng năm, gửi Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài chính để tổng hợp xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện và UBND cấp xã trong việc thực hiện phát triển cao su trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện giải phóng mặt bằng để giao cho doanh nghiệp phát triển cao su theo kế hoạch đã được phê duyệt; phối hợp với doanh nghiệp tổ chức bảo vệ vườn cây cao su. Thực hiện việc thanh lý rừng, khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích rừng chuyển sang trồng cao su theo thẩm quyền.

- Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được giao theo quy định; theo dõi, kiểm tra, đánh giá thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cao su trên địa bàn; định kỳ 6 tháng một lần báo cáo gửi Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6. Đối với các Doanh nghiệp cao su

- Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển cao su được UBND tỉnh phê duyệt, các doanh nghiệp trồng cao su xây dựng dự án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư theo quy định hiện hành.

- Có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định tại Quyết định này; chủ trì phối hợp với UBND huyện, xã công bố công khai các chính sách của doanh nghiệp về trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác cao su, phân chia sản phẩm tới người dân tham gia phát triển cao su.

- Ký kết và thực hiện hợp đồng góp đất, hợp đồng lao động và các nội dung có liên quan đến hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển cao su theo đúng quy định của pháp luật và quy định này.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Căn cứ Quy định tại Quyết định này, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến phát triển cây cao su đại điền trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện.

2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, có khó khăn vướng mắc, phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Khắc Chử