QUYẾT ĐỊNH
V/v: Ban hành quy định về thực hiên công tác khai hoang ruộng bậc thang, nương cố định trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2005-2010
________________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ban hành ngày 10 tháng 12 năm 2003, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp;
Căn cứ Quyết định số: 120/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển Kinh tế-Xã hội tuyến biên giới Việt-Trung đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số: 190/2003/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư giai đoạn 2003-2010;
Căn cứ Quyết định số: 134/2004/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;
Căn cứ Quyết định số: 60/2005/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch dân cư các xã Biên giới Việt-Trung đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số: 58/2004/QĐ-UB ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu về phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo giai đoạn 2004-2010;
Xét đề nghị của ông Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số: 114 TTr/NN-TC Liên ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn-Tài chính ngày 23 tháng 9 năm 2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về thực hiện công tác khai hoang ruộng bậc thang, nương cố định áp dụng trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2005-2010.
Điều 2. Giao cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực chương trình khai hoang, kết hợp với sở Lao động-TBXH; Sở Kế hoạch & Đầu tư ; Sở Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác khai hoang ruộng bậc thang, nương cố định giai đoạn 2005-2010.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Ông Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch & Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Lao động-Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện; thị; UBND các xã; Thủ trưởng các ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Đăng Đạo
|
QUY ĐỊNH
VỀ TÁC KHAI HOANG RUỘNG BẬC THANG, NƯƠNG CỐ ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2005-2010
(Kèm theo Quyết định số: 81/2005/QĐ-UBND ngày 10/10/2005 của UBND tỉnh)
________________________
Để nâng cao hiệu quả quá trình quản lý, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch khai hoang Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về thực hiện công tác khai hoang ruộng bậc thang, nương cố định.
I. QUI ĐỊNH CHUNG
1. Các từ trong qui định này được hiểu như sau:
Khai hoang phục hoá: là quá trình tác động nhằm biến đổi từ quỹ đất chưa sử dụng hoặc mất khả năng sử dụng do thiên tai lũ lụt thành quỹ đất sản xuất phục vụ lợi ích con người.
Trong hướng dẫn này ta hiểu khai hoang theo nghĩa hẹp hơn.
- Khai hoang: là quá trình chuyển đổi đất hoang hoá thành ruộng bậc thang, nương cố định để canh tác lúa nước, lúa cạn, trồng cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả.... và các loại cây trồng, vật nuôi khác nhằm phục vụ cuộc sống con người ngày càng tốt hơn.
- Phục hoá: là quá trình khôi phục lại khả năng canh tác của đất đai sau khi bị thiên nhiên tàn phá, hoặc do phương thức canh tác lạc hậu gây ra.
Có 2 loại hình khai hoang chủ yếu ở Lai Châu là:
+ Ruộng bậc thang được hiểu là hệ mặt bằng được tạo ra nhờ quá trình san ủi được giới hạn bởi các bờ chắn, kè chắn, thành bờ giữ nước. Chống xói mòn và bảo vệ đất, nhằm mục đích canh tác lúa, màu và cây công nghiệp khác phục vụ lợi ích con người. Đối với những nơi có lớp đất canh tác dày từ 60 cm trở lên, độ dốc N≤ 25° đều có thể khai hoang thành ruộng bậc thang.
+ Nương cố định là diện tích đất có độ nghiêng nhất định cho phép canh tác các loại cây trồng được tạo bởi hệ thống bờ chắn, vật cản như bờ đá, băng cây xanh cản nước chống xói mòn, bảo vệ đất vv. Để trồng lúa nương, ngô, khoai, sắn... hoặc các loại cây ăn quả khác.
- Diện tích khai hoang được tính bao gồm cả bờ bao, mương thoát nước (trong trường hợp cần thiết) và diện tích gieo trồng.
- Mục đích sử dụng đất khai hoang:
+ Cây ngắn ngày gồm: Lúa, cây màu... và các loại cây khác có chu kỳ sinh trưởng nhỏ hơn một năm (cây thân thảo).
+ Cây lâu năm gồm: Cây ăn quả, cây cảnh... và một số loại cây công nghiệp khác (cây thân gỗ).
+ Hình thức khác: Như đất đồng cỏ, đất sử dụng chăn nuôi thuỷ sản, đất trồng cây cảnh, xây dụng các trang trại hoặc phát triển thành khu du lịch...
2. Đối tượng, phạm vi áp dụng.
Áp dụng cho các hộ đồng bào thuộc diện đói nghèo, đời sống khó khăn trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2005-2010.
3. Hình thức khai hoang
- Khai hoang xây dựng ruộng bậc thang tập trung thành diện rộng. (Tập thể, thôn bản, thanh niên làm thanh toán theo công, sau đó phân chia ruộng cho hộ nghèo).
- Khai hoang xây dựng ruộng bậc thang nhỏ lẻ theo từng hộ.
- Khai hoang làm nương cố định nhỏ lẻ theo các hộ gia đình.
II. HỆ THỐNG QUẢN LÝ
1. Cấp tỉnh:
Giúp việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh bao gồm các thành viên sau:
- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Là cơ quan thường trực xoá đói giảm nghèo, thống nhất quản lý nguồn vốn về xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm, trong đó có chương trình khai hoang.
- Sở Nông nghiệp &PTNT (Chi cục Hợp tác xã & PTNT): là cơ quan thường trực về công tác khai hoang, phục hoá chịu trách nhiệm chính về quản lý nhà nước, hướng dẫn qui trình qui phạm, đôn đốc, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, tham mưu kế hoạch khai hoang hàng năm và 5 năm trên địa bàn toàn tỉnh.
- Sở Kế hoạch & Đầu tư: Cân đối và bố trí nguồn vốn theo kế hoạch khai hoang hàng năm trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
- Sở Tài chính: Là cơ quan quản lý và theo dõi các nguồn vốn trong đó có nguồn vốn dành cho khai hoang hàng năm theo kế hoạch đã được phê duyệt. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn về nghiệp vụ thanh, quyết toán kinh phí theo quy định.
- Sở Tài nguyên-Môi trường: Có trách nhiệm hướng dẫn các Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên Môi trường đo, vẽ, lập hồ sơ địa chính. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng hộ.
2. Cấp huyện, thị xã
Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm tổ chức điều hành thực hiện kế hoạch khai hoang hàng năm, giúp việc cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã gồm:
- Phòng Kinh tế:
Là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, thực hiện kế hoạch khai hoang, cùng UBND các xã thực hiện công tác nghiệm thu đánh giá kết quả khai hoang.
+ Kết hợp với UBND xã khảo sát địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân về chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
+ Xây dựng kế hoạch khai hoang hàng năm đến từng hộ dân, bản, xã (quý III hàng năm phải gửi đăng ký kế hoạch khai hoang năm sau của toàn huyện, thị về Chi cục Hợp tác xã & PTNT để tổng hợp kế hoạch khai hoang toàn tỉnh).
+ Tham mưu giúp chủ đầu tư về thủ tục, lập, báo cáo đầu tư, khảo sát, thiết kế và lập dự toán.
+ Tổng hợp dự toán khai hoang hàng năm (bao gồm cả chi phí trực tiếp và gián tiếp) trên địa bàn toàn huyện.
- Phòng Tài nguyên-Môi trường:
Phối hợp với Phòng Kinh tế, UBND các xã đo vẽ, lập hồ sơ khai hoang, đến từng hộ, bản, xã, tham mưu cho UBND huyện, thị cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Phòng Tài chính-Kế hoạch:
+ Tham mưu cho UBND huyện, thị ra quyết định phân bổ và quyết toán chi phí khai hoang hàng năm.
+ Cùng với Phòng Kinh tế tổ chức nhiệm thu, thanh, quyết toán kinh phí cho các hộ khai hoang.
+ Lập kế hoạch tài chính hàng năm cho khai hoang của các địa phương.
3. Cấp xã:
Là chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng cấp trên trực tiếp tổ chức thực hiện kế hoạch khai hoang hàng năm đã được phê chuẩn trên địa bàn.
Giúp việc cho Uỷ ban nhân dân xã : Ban chỉ đạo khai hoang do Uỷ ban Nhân dân xã quyết định thành lập và phân công trách nhiệm, trong ban chỉ đạo khai hoang bao gồm các thành phần:
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã làm Trưởng ban, các thành viên khác là đại diện Hội đồng nhân dân, cán bộ Địa chính, Khuyến nông và các đại diện của đoàn thể.
- Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo khai hoang xã:
+ Xây dựng kế hoạch và hồ sơ khai hoang. Việc xây dựng kế hoạch khai hoang hàng năm phải chi tiết đến từng hộ, bản, xã.
+ Tuyên truyền vận động các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về khai hoang đến từng hộ. Cùng với cán bộ Khuyến nông xã hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng Quyết định số 35/QĐ-SNN ngày 01 tháng 4 năm 2002 của Sở Nông nghiệp &PTNT Lai Châu (cũ) về quy trình hướng dẫn kỹ thuật xây dựng ruộng bậc thang và nương cố định trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
+ Hàng tháng, quý, năm phải báo cáo kết quả thực hiện khai hoang về Phòng Kinh tế huyện, thị. Đầu quý III hàng năm phải xây dựng xong kế hoạch khai hoang năm sau gửi về Phòng Kinh tế huyện, thị.
+ Tổ chức xét duyệt hồ sơ khai hoang cho các hộ trong xã (có biên bản rõ ràng và danh sách trích ngang; danh sách trích ngang phải có tên chủ hộ, tổng số khẩu trong hộ, khối lượng diện tích được xét duyệt).
+ Là thành viên của Hội đồng nghiệm thu, đánh giá kết quả khai hoang, trực tiếp cấp phát vốn đến từng hộ theo khối lượng được nghiệm thu.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo kịp thời về Phòng Kinh tế.
III. NGHIỆM THU,CẤP PHÁT, THANH, QUYẾT TOÁN
1. Công tác nghiệm thu:
a/ Thành lập Hội đồng nghiệm thu thành phần gồm:
- Đại diện Phòng Kinh tế huyện.
- Đại diện Phòng Tài nguyên-Môi trường (nếu có).
- Đại diện Phòng Tài chính-Kế hoạch (nếu có).
- Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu là Chủ tịch UBND xã.
- Các thành viên gồm:
+ Đại diện Hội đồng nhân dân xã.
+ Cán bộ Địa chính xã.
+ Cán bộ Khuyến nông.
+ Đại diện các đoàn thể: ( Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân...)
b/ Trách nhiệm của Hội đồng nghiêm thu:
Hội đồng nghiệm thu phải lập biên bản nghiệm thu cho từng hộ. Trong biên bản phải nêu đầy đủ các nội dung: Ngày, tháng, năm nghiệm thu, thành phần Hội đồng nghiệm thu, tên cánh đổng, bản, xã. Số diện tích, số thửa, sơ đồ thửa ruộng (Đông, Tây, Nam, Bắc giáp những hộ nào phải ghi rõ). Hình thức khai hoang: ruộng bậc thang, nương cố định, ruộng phục hoá, nương phục hoá. Mục tiêu sử dụng đất sau khi khai hoang.
Biên bản nghiệm thu phải đầy đủ các chữ ký đại diện các bên tham gia của hội đồng nghiệm thu; không thể thiếu các xác nhận sau: (chính quyền địa phương, đại diện Phòng Kinh tế, cán bộ Khuyến nông xã, cán bộ Địa chính xã, trưởng bản và chữ ký của chủ hộ khai hoang). Cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường (nếu có).
Diện tích nghiệm thu phải: Trong chỉ tiêu kế hoạch được giao có đầy đủ hồ sơ khai hoang gồm: Đơn xin khai hoang của các chủ hộ, bản cam kết thực hiện của chủ hộ về việc sử dụng đất lâu dài đúng mục đích (có xác nhận của UBND xã, xác nhận của trưởng bản, chữ ký của chủ hộ);
Trên cơ sở hồ sơ nghiệm thu Phòng Kinh tế kết hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường tham mưu cho UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho từng hộ.
2. Cấp phát vốn:
UBND huyện căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch được giao hàng năm ra quyết định phân bổ cụ thể chỉ tiêu đầu tư kế hoạch hàng năm cho các xã.
3. Thanh, quyết toán:
Trên cơ sở hồ sơ nghiệm thu Phòng Kinh tế chỉ đạo UBND các xã (chủ đầu tư) thanh toán một lần theo chính sách của Nhà nước cụ thể:
3.1. Diện tích tối đa được hỗ trợ:
- Đối với những xã không thuộc diện biên giới (các xã còn lại trừ 21 xã biên giới), cho một hộ có chỉ tiêu kế hoạch khai hoang hàng năm là:
+ ≤ 0,15 ha ruộng 2 vụ hoặc.
+ ≤ 0,25 ha ruộng 1 vụ hoặc.
+ ≤ 0,50 ha nương cố định.
- Đối với dân tộc Mảng và La Hủ diện tích hỗ trợ cho một hộ có chỉ tiêu kế hoạch khai hoang hàng năm là: 0,5 ha ruộng bậc thang.
- Đối với các xã sát biên giới có danh sách 21 xã kèm theo ( nếu có danh sách cụ thể các bản sát biên giới thì áp dụng chính sách này đối với các bản sát biên giới). Diện tích hỗ trợ cho một hộ có chỉ tiêu kế hoạch khai hoang hàng năm là: 1-1,5 ha đất nông nghiệp (trong đó có 0,30-0,50 ha ruộng bậc thang).
3.2. Mức hỗ trợ kinh phí khai hoang mới hoặc mua lại ruộng, nương của các hộ không thuộc diện các xã biên giới (các xã không có tên trong danh sách 21 xã biên giới)
- Ruộng bậc thang: 5 triệu đồng/ha.
- Nương cố định: 2 triệu đồng/ha.
Riêng đối với các hộ gia đình thuộc 21 xã biên giới Việt -Trung áp dụng mức hỗ trợ:
- Ruộng bậc thang: 7 triệu đồng/ha
- Nương cố định: 3 triệu đồng/ha.
Đối với hộ gia đình không có đất để khai hoang, phải mua lại ruộng, nương của các hộ khác: cần có xác nhận của chính quyền địa phương, đại diện Phòng Kinh tế và giấy tờ chuyển nhượng do 2 bên mua, bán ký tên mới được xem xét hỗ trợ.
Chủ đầu tư trực tiếp quyết toán với Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện, thị sau khi có đầy đủ hồ sơ nghiệm thu và chứng nhận của Phòng Kinh tế về kết quả khai hoang trong năm kế hoạch. Phòng Tài chính-Kế hoạch tổng hợp và quyết toán chi phí hàng năm theo kế hoạch phân bổ.
4. Nguồn vốn:
Căn cứ vào Quyết định số 190/2003/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 09/2004/TTLT-BNN-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Nông nghiệp và PTNT-Bộ Tài chính. Nguồn kinh phí qui định tại Thông tư này do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Đối với các xã biên giới Việt-Trung:
- Căn cứ Quyết định số: 60/2005/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt qui hoạch dân cư các xã biên giới Việt-Trung đến năm 2010; Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số: 57/2004/TT-BNN ngày 01 tháng 01 năm 2004 của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Nguồn kinh phí được bố trí cùng với nguồn kinh phí thực hiện dự án ổn định dân cư và xây dựng vùng kinh tế mới các xã nghèo trong chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm theo kế hoạch hàng năm.
- Sở Kế hoạch-Đầu tư: tham mưu UBND tỉnh phân bổ chi tiết nguồn vốn khai hoang hàng năm đến các huyện, thị sau khi đã thống nhất với các ngành hữu quan.
IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Cấp huyện: Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã đôn đốc Phòng Kinh tế hàng quý phải tập hợp báo cáo tiến độ thực hiện, kết quả nghiệm thu, thanh, quyết toán vốn chương trình khai hoang của các xã về UBND huyện, thị. Sở Nông nghiệp & PTNT (Chi Cục Hợp tác xã & PTNT), Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Lao động-TBXH.
Hàng tháng vào ngày 25 báo cáo nhanh số liệu thực hiện về Chi Cục Hợp tác xã để làm tổng hợp.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc cần phải báo cáo, phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi Cục Hợp tác xã) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết.
2. Chi phí hoạt động của Ban chỉ đạo:
+ Cơ quan quản lý chỉ đạo cấp tỉnh: 1,5 %.
+ Cơ quan quản lý chỉ đạo cấp huyện: 2 %.
+ Cơ quan quản lý chỉ đạo cấp xã: 2%.
Các nội dung chi phí bao gồm:
- In ấn tài liệu.
- Hướng dẫn xây dựng hồ sơ khai hoang và thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Kiểm tra đôn đốc thực hiện kế hoạch.
- Hỗ trợ công tác phí.
- Nghiêm thu, đo đạc, sơ, tổng kết đánh giá công tác khai hoang.
- Xây dựng kế hoạch khai hoang hàng năm.
Trên đây là toàn bộ nội dung quy định về thực hiện công tác khai hoang, phục hoá trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2005-2010. Các đơn vị thực thi căn cứ hướng dẫn tổ chức thực hiện.