• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 06/05/2005
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 15/2005/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 15 tháng 4 năm 2005

CHỈ THỊ

Về các biện pháp xử lý nợ đọng và chống thất thu ngân sách nhà nước

 

Thu ngân sách nhà nước các năm qua đã có chuyển biến tích cực, kết quả thu hàng năm đều vượt dự toán được giao, tỷ lệ động viên thuế và phí đạt bình quân khoảng 21% GDP, góp phần tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia. Đạt được kết quả trên đây, trước hết là do kinh tế phát triển khá; các chính sách thu được sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua đã đi vào cuộc sống; sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các Bộ, ngành trong công tác quản lý thu; nỗ lực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh và chấp hành nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích các chính sách thu của Nhà nước và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế của các cơ quan quản lý thu đã có nhiều cố gắng.

 

Tuy nhiên, tình trạng thất thu thuế, phí, lệ phí,... (sau đây gọi chung là thuế) còn lớn; nhất là đối với khu vực doanh nghiệp dân doanh và thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Một số địa phương chưa quan tâm quản lý, khai thác nguồn lực từ đất đai, chưa thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Tình trạng nợ đọng thuế trên địa bàn một số địa phương còn khá cao và kéo dài, nhất là ở các thành phố lớn. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng với cơ quan quản lý thu chưa thường xuyên, chặt chẽ, tích cực trong việc quản lý các khoản thu của ngân sách nhà nước.

Để tăng cường xử lý nợ đọng và chống thất thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu Nhà nước giao, tạo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đất nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về những giải pháp điều hành kế hoạch và ngân sách nhà nước hàng năm; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh để thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra; phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao.

2. Bộ Tài chính:

a) Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể và tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhanh chóng hiện đại hóa ngành thuế và hải quan nhằm phục vụ thuận lợi cho đối tượng nộp thuế, nâng cao năng lực quản lý và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi gian lận thuế.

b) Chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tổ chức thực hiện thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp nợ đọng, chiếm dụng nguồn thu của ngân sách nhà nước; xây dựng quy trình và biện pháp quản lý nợ, thu nợ; theo dõi chính xác số thuế nợ đọng; phân loại các khoản nợ thuế; trong đó, cần phân tích rõ nguyên nhân và đề ra các biện pháp thu nợ thích hợp, có hiệu quả; nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi.

c) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tổ chức tín dụng và các cơ quan có liên quan thu ngay vào ngân sách nhà nước các khoản nợ đọng có khả năng thu hồi trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến lĩnh vực thuế.

d) Tổ chức một bộ phận trong hệ thống cơ quan thuế, hải quan để chuyên môn hoá việc theo dõi, đôn đốc và phối hợp với các cơ quan có chức năng thực hiện cưỡng chế thu nợ thuế vào ngân sách nhà nước.

đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng quy chế trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan quản lý thu để thu đầy đủ các khoản nợ đọng, các khoản thu phát sinh tại các doanh nghiệp và cá nhân.

 

e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan liên quan xây dựng quy chế cưỡng chế thu nợ thuế; trong đó, cần xác định những hình thức, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan và biện pháp cưỡng chế thuế trình cấp có thẩm quyền ban hành; hướng dẫn các ngành, địa phương triển khai thực hiện quy chế thu nợ thuế có hiệu quả.

g) Tăng cường các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ doanh thu, chi phí của tổ chức và cá nhân nộp thuế, như:

- Áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật để xác định doanh thu tính thuế đối với các đối tượng bán hàng không xuất hóa đơn; nghiên cứu thực hiện việc lắp đặt các máy tính tiền của cơ quan thuế tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh có doanh thu lớn,...

- Khẩn trương ban hành các quy định về phương pháp xác định giá theo nguyên tắc giá thị trường đối với các giao dịch liên kết nhằm ngăn chặn lợi dụng giá chuyển nhượng để trốn thuế; các biện pháp chống gian lận về giá, đặc biệt trong các ngành có lợi thế so sánh; rà soát, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có tỷ trọng lớn về giao dịch quốc tế, giao dịch liên kết để xác định rủi ro về giá chuyển nhượng và có kế hoạch thanh tra, kiểm tra về giá chuyển nhượng.

h) Chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác phổ biến, thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng nộp thuế; cung cấp dịch vụ hỗ trợ để giúp các tổ chức và cá nhân nộp thuế hiểu biết chính sách thuế; giảm thiểu tình trạng đối tượng nộp thuế vi phạm các Luật Thuế, Luật Hải quan do thiếu hiểu biết về chính sách thuế; góp phần nâng cao tính tự giác, ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc tự tính thuế, tự kê khai và nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin có liên quan về thuế cho các cơ quan thông tin, báo chí.

i) Quản lý chặt chẽ chi tiêu của các tổ chức, đơn vị thụ hưởng ngân sách, không duyệt chi và quyết toán đối với các chi tiêu không có chứng từ hợp lệ.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện điểm đ khoản 2 nêu trên và chỉ đạo cơ quan trực thuộc tại các địa phương phối hợp với cơ quan thuế, hải quan để quản lý thu đầy đủ các khoản nợ đọng, các khoản thu phát sinh có liên quan đến các đối tượng nộp ngân sách nhà nước.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều kiện, thủ tục trong việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng thành lập doanh nghiệp để buôn bán hoá đơn, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, các tổ chức và cá nhân.

b) Hướng dẫn, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương phối hợp với cơ quan thuế và cơ quan có liên quan để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

5. Bộ Tư pháp hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan thi hành án các cấp ở địa phương thực hiện nghiêm túc các Quyết định của Toà án nhân dân các cấp để thu hồi nợ đọng trong lĩnh vực thuế.

6. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ và công an các địa phương:

a) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan và các cơ quan hữu quan để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận về thuế, buôn bán hoá đơn bất hợp pháp.

b) Khẩn trương tiến hành điều tra, hoàn chỉnh hồ sơ những vụ trốn thuế, gian lận, chiếm đoạt tiền thuế.

c) Phối hợp với cơ quan thuế và cơ quan hải quan, các cấp chính quyền cơ sở thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu các khoản nợ đọng vào ngân sách nhà nước.

7. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, chỉ đạo Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án liên quan đến lĩnh vực thuế do cơ quan Thuế và cơ quan Công an đã phát hiện chuyển sang.

 

8. Tổng cục Thống kê chỉ đạo các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thống kê cho cơ quan thuế, hải quan cùng cấp.

9. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Đẩy mạnh việc lập và xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đai, thực hiện nhanh các thủ tục giao đất, cho thuê đất; hợp thức hóa quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đối với diện tích đất mà các tổ chức, cá nhân thực tế đang sử dụng để có cơ sở quản lý các loại thuế và các khoản phải thu liên quan đến đất đai.

b) Thực hiện việc giao đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền thuê đất nhằm chống thất thu từ lĩnh vực đất đai.

c) Chỉ đạo cơ quan tài chính, cơ quan thuế và Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý toàn bộ các khoản thu phát sinh ở xã, phường, thị trấn; đẩy nhanh việc ủy nhiệm thu các khoản thuế khoán ổn định đối với hộ kinh doanh công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thuế nhà đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, một số loại phí và lệ phí... cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế phân cấp nguồn thu ngân sách cho các cấp ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo hướng khuyến khích chính quyền cấp xã trong phát triển kinh tế - xã hội và gắn quản lý chi ngân sách nhà nước với quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

d) Chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương phối hợp với cơ quan thuế, hải quan để cưỡng chế thu nợ thuế, điều tra để đưa ra truy tố, xét xử kịp thời các vụ án có liên quan đến lĩnh vực thuế.

10. Các cơ quan thông tin, báo chí:

a) Đẩy mạnh việc tuyên truyền các Luật Thuế, Luật Hải quan để mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc đóng thuế cho Nhà nước; các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm các chính sách thuế; có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan thuế, hải quan để thu thuế.

b) Biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước; đồng thời, phê phán mạnh mẽ các đối tượng có hành vi gian lận hoặc trốn thuế. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các đối tượng vi phạm các chính sách thuế hoặc có số thuế nợ đọng lớn theo thông báo của cơ quan thuế và hải quan.

11. Các tổ chức, cá nhân nộp thuế có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các luật, pháp lệnh thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành trong việc đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế và các quyết định về thuế của cơ quan thuế, hải quan.

12. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm về quản lý thu thuế và phấn đấu không để tình trạng các doanh nghiệp có khả năng nộp thuế nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.

13. Hàng năm, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chỉ thị này.

14. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo và có biện pháp cụ thể, thích hợp trong tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.