Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của quy định tại Quyết định

số 29/2014/QĐ-UBND, ngày 15/9/2014 của UBND tỉnh Lai Châu

về việc ban hành quy định xét, công nhận và quản lý

hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lai Châu

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 13/2012/NĐ-CP, ngày 02/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ về sáng kiến và Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN, ngày 01/8/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số Quy định của Điều lệ Sáng kiến ban hành theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu tại Tờ trình số 686/TTr-SKHCN, ngày 02/12/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của quy định tại Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND, ngày 15/9/2014 của UBND tỉnh Lai Châu về việc ban hành quy định xét, công nhận và quản lý hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cụ thể như sau:

1. Bổ sung vào sau Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 5 nội dung như sau:

“Giao Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở của Ngành Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức tổng hợp, thẩm định lại những sáng kiến cấp cơ sở thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được cấp huyện công nhận và tiếp tục đề nghị công nhận ở cấp tỉnh; gửi văn bản đề nghị xét, công nhận sáng kiến cấp tỉnh đến cơ quan thường trực của Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh”.

2. Bổ sung vào Điều 5 nội dung sau:

“3. Hội đồng sáng kiến chuyên ngành cấp tỉnh

3.1. Thường trực Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ, tổng hợp, rà soát và quyết định thành lập các Hội đồng sáng kiến chuyên ngành thẩm định nội dung sáng kiến. Hội đồng sáng kiến chuyên ngành cấp tỉnh có tối đa 7 thành viên.

3.2. Cơ cấu, thành phần:

- Chủ tịch Hội đồng sáng kiến chuyên ngành cấp tỉnh là lãnh đạo cơ quan Thường trực Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh.

- Các ủy viên gồm: Đại diện các bộ phận/phòng chuyên môn, các chuyên gia am hiểu sâu về chuyên ngành/lĩnh vực của sáng kiến đó.

3.3. Hội đồng sáng kiến chuyên ngành có nhiệm vụ giúp việc cho Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh họp xét những sáng kiến đảm bảo điều kiện theo quy định”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

“Điều 7.  Hồ sơ, trình tự tiến hành xét duyệt sáng kiến

1. Hồ sơ và thời gian tiếp nhận hồ sơ sáng kiến

1.1. Hồ sơ sáng kiến cấp cơ sở

          - Đơn đề nghị công nhận sáng kiến (theo mẫu quy định tại phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quy định này);

          - Thuyết minh sáng kiến (theo mẫu quy định tại phụ lục số 02 ban hành kèm theo Quy định này);

- Văn bản xác nhận sáng kiến đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực (Đối với các đối tượng thuộc Điều 3 trừ khoản 2.2).

- Báo cáo tóm tắt sáng kiến (không quá 1,5 trang giấy A4), gồm các nội dung chính sau đây:

+ Họ và tên, địa chỉ, trình độ văn hóa, chuyên môn, chức vụ, nhiệm vụ được phân công, công việc đang làm của tác giả hoặc đồng tác giả sáng kiến;

+ Tên sáng kiến;

+ Tính mới: Nêu tính mới giải pháp trước và sau khi áp dụng sáng kiến;

+ Hiệu quả do sáng kiến mang lại;

+ Phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến.

- Hồ sơ sáng kiến cấp cơ sở: 01 bộ hồ sơ gốc và 01 hồ sơ bản phô tô qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp về thường trực hội đồng sáng kiến cấp cơ sở.

Riêng đối với văn bản quy phạm pháp luật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện; hồ sơ sáng kiến gồm có: Đơn đề nghị công nhận sáng kiến; Văn bản giao nhiệm vụ soạn thảo và bản sao của văn bản quy phạm pháp luật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.

1.2. Hồ sơ sáng kiến cấp tỉnh:

- Các văn bản được quy định tại Điểm 1.1, Khoản 1 của Điều này.

- Quyết định công nhận sáng kiến cấp cơ sở.

- Văn bản đề nghị xét, công nhận sáng kiến cấp tỉnh của thủ trưởng nơi công nhận sáng kiến cấp cơ sở.

Hồ sơ sáng kiến cấp tỉnh: Gửi 01 bộ hồ sơ gốc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu.

1.3. Thời gian tiếp nhận hồ sơ

- Thời gian tiếp nhận hồ sơ sáng kiến ở cấp cơ sở: Do Thường trực Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở quy định.

- Thời gian tiếp nhận hồ sơ sáng kiến cấp tỉnh theo 02 đợt:

+ Đợt 1: Trước ngày 30/5 hàng năm đối với ngành giáo dục và đào tạo (Bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành).

+ Đợt 2: Trước ngày 15/11 hàng năm, thực hiện đối với các cơ quan, đơn vị còn lại.

2. Cơ sở tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ đơn và các tài liệu kèm theo (nếu có); giữ bí mật thông tin cần được bảo mật theo yêu cầu của tác giả sáng kiến.

 

3. Trình tự xét duyệt

3.1. Thường trực Hội đồng sáng kiến tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, tổng hợp những sáng kiến đủ điều kiện tiêu chí trình Hội đồng sáng kiến họp xét. Đồng thời, gửi báo cáo tóm tắt nội dung, bản chất, hiệu quả của các sáng kiến cho thành viên Hội đồng sáng kiến và các chuyên gia (nếu có) nghiên cứu trước ít nhất 05 ngày, trước khi tổ chức họp Hội đồng.

3.2. Hội đồng sáng kiến tổ chức họp để xem xét, đánh giá, đề nghị công nhận các sáng kiến do cơ quan Thường trực của Hội đồng sáng kiến trình tại phiên họp.

3.3. Nội dung tại phiên họp Hội đồng sáng kiến: Thư ký Hội đồng sáng kiến có trách nhiệm trình bày trước Hội đồng về báo cáo tóm tắt nội dung, bản chất, hiệu quả của sáng kiến và các tài liệu, bằng chứng (có liên quan) về kết quả, lợi ích của sáng kiến mang lại (nếu có).

3.4. Các thành viên Hội đồng tham gia ý kiến nhận xét, đánh giá; Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được uỷ quyền chủ trì cuộc họp) kết luận đánh giá, nhận xét chung.

3.5. Hội đồng sáng kiến tiến hành bỏ phiếu nhận xét, đánh giá (mẫu 03/PĐG-SK).

- Tổ kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và thông qua biên bản kiểm phiếu (Tổ kiểm phiếu do Hội đồng sáng kiến bầu trong đó có thư ký Hội đồng sáng kiến).

-  Sáng kiến được đề xuất công nhận nếu sáng kiến đó có tổng số điểm trung bình của các thành viên hội đồng đạt từ 70/100 điểm trở lên; hoặc có ít nhất 2/3 số thành viên hội đồng có mặt nhất trí đánh giá mức “Đạt”.

3.6. Đối với văn bản quy phạm pháp luật được cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện: Nếu có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 7 của Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND, thì được Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở đề xuất với Thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở đó công nhận là sáng kiến cấp cơ sở (không phải thông qua Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở đánh giá, thẩm định).

3.7. Thư ký thông qua biên bản cuộc họp (mẫu 04/BB-SK)”.

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

“Điều 8. Thẩm quyền công nhận sáng kiến và hồ sơ xét chấp thuận việc công nhận sáng kiến

1. Thẩm quyền công nhận sáng kiến cấp cơ sở là lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện; người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.

2. Thẩm quyền công nhận sáng kiến cấp tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh.

3. Hồ sơ xét chấp thuận việc công nhận sáng kiến do Sở Khoa học và Công nghệ chuẩn bị bao gồm các tài liệu sau đây:

          3.1. Văn bản đề nghị chấp thuận việc công nhận sáng kiến;

          3.2. Biên bản họp đánh giá sáng kiến của Hội đồng sáng kiến.

4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp Hồ sơ yêu cầu xét chấp thuận sáng kiến, cơ quan xét chấp thuận sáng kiến có trách nhiệm xem xét và đánh giá việc công nhận sáng kiến theo các quy định của pháp luật để quyết định về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận việc công nhận sáng kiến”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:

“Điều 17. Nguồn kinh phí và quản lý sử dụng nguồn kinh phí cho các hoạt động sáng kiến

1. Nguồn kinh phí cho các hoạt động sáng kiến

1.1. Cơ quan, tổ chức của Nhà nước tự chủ về tài chính, các đơn vị sự nghiệp có thu được sử dụng nguồn thu của mình để chi cho hoạt động sáng kiến.

1.2. Cơ quan, tổ chức hoạt động bằng tiền ngân sách nhà nước được sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm để chi cho hoạt động sáng kiến (có thể cấp ngoài định mức).

1.3. Việc chi thưởng cho cá nhân có sáng kiến được cấp có thẩm quyền công nhận, được quy định trong quy chế quản lý và sử dụng nguồn tiết kiệm chi (đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước) hoặc từ điều lệ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất (đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh).

 

2. Quản lý sử dụng nguồn kinh phí cho các hoạt động sáng kiến

2.1. Chế độ thù lao cho Hội đồng sáng kiến:

2.1.1. Đối với Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở và Hội đồng sáng kiến chuyên ngành cấp tỉnh: Áp dụng theo định mức chi họp Hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, được cụ thể hóa trong các quy định hiện hành.

2.1.2. Đối với Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh: Áp dụng theo định mức chi họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu chính thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ, được cụ thể hóa trong các quy định hiện hành.

2.2. Kinh phí triển khai thực hiện các hoạt động khuyến khích phong trào thi đua lao động sáng tạo, được trích từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ khác. Các cơ quan có trách nhiệm lập kế hoạch và dự trù kinh phí hàng năm cho hoạt động sáng kiến.

2.3. Chi phí cho việc tạo ra và áp dụng sáng kiến được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp”.  

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Lai Châu và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Tống Thanh Hải