NGHỊ QUYẾT
Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ TƯ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch; Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 92/2007/NĐ-CP;
Xét Tờ trình số 2308/TTr-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Nghị quyết phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 499/BC-HĐND ngày 01 tháng 12 năm 2016 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Nghị quyết phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 -2020, như sau:
1. Mục tiêu, chỉ tiêu
a) Mục tiêu chung
Tập trung phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương với các loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ; kết nối sản phẩm nội vùng, liên vùng; đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Lai Châu trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ.
b) Chỉ tiêu
- Khách du lịch: Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2016-2020: 12% - 13%/năm (trong đó khách quốc tế: 12,3%/năm).
- Cơ sở lưu trú du lịch: Năm 2020 có 110 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 2.200 phòng, trong đó có: 02 khách sạn 03 sao, 19 khách sạn 01 - 02 sao và 89 nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, Homestays (ở tại nhà người dân địa phương khi đi du lịch); thời gian lưu trú của khách du lịch trung bình: 1,8 - 02 ngày/người.
- Nguồn nhân lực du lịch: Năm 2020 có 5.500 lao động (trong đó: 1.500 lao động trực tiếp và khoảng 4.000 lao động gián tiếp).
- Doanh thu từ khách du lịch: Năm 2020 đạt 632 tỷ đồng.
(Có phụ biểu số 01 kèm theo)
2. Nhiệm vụ
a) Phát triển thị trường du lịch, dịch vụ và sản phẩm du lịch, tuyến du lịch
- Thị trường du lịch:
+ Khách du lịch nội địa: Phát triển thị trường mục tiêu như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng Trung du và miền núi Bắc Bộ; từng bước tiếp cận thị trường mới: các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
+ Khách du lịch quốc tế: Khách Trung quốc, khách Châu Âu (trong đó tập trung khách thuộc loại hình du lịch sinh thái, tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống: Pháp; Anh; Đức; Nga…), các nước ASEAN; khách Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…).
- Ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chủ lực:
+ Sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh tại khu vực thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường.
+ Sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp với các sản phẩm từ chè, cây ăn quả, làng nghề tại khu vực huyện Tam Đường, huyện Tân Uyên, huyện Than Uyên, huyện Sìn Hồ.
+ Sản phẩm du lịch chợ phiên tại khu vực thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, thị trấn Sìn Hồ với điểm nhấn là sắc màu trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực và sản vật vùng cao.
- Tiếp tục đầu tư khai thác phát triển sản phẩm du lịch hiện có trên địa bàn tỉnh:
+ Thành phố Lai Châu: Đầu tư xây dựng thành phố Lai Châu trở thành khu trung tâm du lịch, dịch vụ của tỉnh trên cơ sở phát huy những tiềm năng lợi thế từ quần thể danh thắng động Pusamcap, khu hang động Gia Khâu gắn với bản văn hóa Gia Khâu, đền thờ Vua Lê Thái Tổ, vùng nguyên liệu chè, hệ thống các trang trại và cảnh quan thành phố Lai Châu. Khu du lịch tâm linh và khu lâm viên thành phố. Quy hoạch xây dựng lại chợ phiên San Thàng thành điểm tham quan, tìm hiểu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng việc phân khu như: Ẩm thực, hàng thổ cẩm, sản vật địa phương, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi truyền thống dân tộc thiểu số...
+ Huyện Phong Thổ: Đầu tư xây dựng bản văn hóa du lịch dân tộc Thái trắng tại Mường So. Tiếp tục khai thác và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại: bản Vàng Pheo, bản Sin Súi Hồ. Xây dựng sản phẩm du lịch theo chuyên đề: Bảo tồn các giá trị văn hóa lễ hội truyền thống dân gian của dân tộc Thái trắng (Kin Lẩu Khẩu Mẩu, Then Kim Pang; Nàng Han…). Xây dựng sản phẩm du lịch chinh phục đỉnh cao Bạch Mộc Nương Tử; tham quan mua sắm tại cửa khẩu Ma Lù Thàng và sản phẩm nông nghiệp nuôi cá nước lạnh… Xây dựng chợ phiên Dào San thành điểm tham quan tìm hiểu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng việc phân khu như: Ẩm thực, hàng thổ cẩm, sản vật địa phương, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi truyền thống dân tộc thiểu số.
+ Huyện Tam Đường: Tiếp tục khai thác và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại: Bản Hon, bản Sì Thâu Chải, bản Nà Luồng. Xây dựng sản phẩm chinh phục đỉnh cao Putaleng; du lịch tham quan danh lam thắng cảnh tại động Tiên Sơn, thác Tác Tình, đèo Hoàng Liên Sơn… Đầu tư khai thác phát triển sản phẩm sinh thái gắn với nông nghiệp trong đó tập trung vào các sản phẩm từ chè (bản Bo, bản Giang…), cây ăn quả (Nùng Nàng, Hồ Thầu, Giang Ma..), nuôi cá nước lạnh khu vực xã Sơn Bình.
+ Huyện Tân Uyên: Đầu tư phát triển du lịch sinh thái kết hợp chữa bệnh và tham quan danh lam thắng cảnh tại khu vực Phiêng Phát, xã Trung Đồng. Đầu tư khai thác phát triển sản phẩm sinh thái gắn với nông nghiệp, các vùng nguyên liệu chè…
+ Huyện Than Uyên: Phát triển sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống (Hợp tác xã Nà Cang); du lịch tham quan di tích lịch sử tại Bản Lướt và sản phẩm du lịch sinh thái lòng hồ tập trung tại Bản Chát…
+ Huyện Nậm Nhùn: Phát triển du lịch sinh thái vùng lòng hồ, du lich lịch sử văn hóa gắn với tâm linh (Đền thờ Vua Lê Thái Tổ) và du lịch sinh thái gắn cộng đồng tại Pú Đao…
+ Huyện Sìn Hồ: Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh tại cao nguyên Sìn Hồ (chú trọng phát triển dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao) gắn với vùng trồng cây dược liệu, cây công nghiệp, cây ăn quả ôn đới, vùng nguyên liệu chè và khu vực núi Đá Ô… Xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái và văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc.
+ Huyện Mường Tè: Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn văn hóa cộng đồng vùng lòng hồ thủy điện Lai Châu; du lịch tâm linh (Hòn Đá Trắng); du lịch nông nghiệp gắn với vùng trồng cây dược liệu…
- Phát triển dịch vụ:
+ Phát triển các dịch vụ, lưu trú, khu vui chơi giải trí chất lượng cao tập trung tại khu vực thành phố Lai Châu.
+ Khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống làm cơ sở sản xuất đồ lưu niệm, quà tặng như: nghề dệt (dân tộc Lự, Thái); rèn, chạm khắc bạc (dân tộc Mông, Dao); nghề thêu, trồng hoa địa lan (dân tộc Mông); nghề miến dong (bản Hoa Vân – Bình Lư); nghề làm bánh (dân tộc Giáy); nghề nấu rượu (Sùng Phài); mây tre đan (hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Bum Nưa)… từng bước xây dựng thương hiệu từ các sản phẩm làng nghề nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, tìm hiểu của du khách.
+ Xây dựng cửa hàng giới thiệu, bán quà lưu niệm, quà tặng, sản phẩm nông nghiệp và các sản vật đặc trưng của địa phương tại trung tâm thương mại tỉnh.
+ Đa dạng dịch vụ ăn uống, trong đó ưu tiên phát triển ẩm thực truyền thống của dân tộc Thái (thành phố Lai Châu, bản Vàng Pheo); dân tộc Lự (Bản Hon); Dân tộc Mông (bản Sin Súi Hồ, bản Gia Khâu); Dân tộc Giáy (bản San Thàng)…; các loại hình lữ hành, vận chuyển và nâng cao chất lượng dịch vụ như: Cho thuê xe ô tô, xe máy, xe đạp…
- Phát triển tuyến du lịch nội tỉnh:
+ Tiếp tục khai thác 02 tuyến du lịch đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận tại Quyết định số 714/QĐUBND, ngày 02 tháng 7 năm 2014: Tuyến 01: Thành phố Lai Châu - Sìn Hồ - Nậm Nhùn - Phong Thổ. Tuyến 02: Tam Đường - thành phố Lai Châu - Phong Thổ.
+ Phát triển tuyến du lịch mới: Tuyến 03: Thành phố Lai Châu - Nùng Nàng (Tam Đường) - Nậm Tăm - Xà Dề Phìn - thị trấn Sìn Hồ. Tuyến 04: Thành phố Lai Châu - Tam Đường - Tân Uyên - Than Uyên. Tuyến 05: Thành phố Lai Châu - Phong Thổ - Nậm Nhùn - Mường Tè.
- Phát triển tuyến du lịch liên tỉnh:
+ Lai Châu - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội và ngược lại.
+ Lai Châu - Lào Cai - Hà Nội và ngược lại.
+ Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội và ngược lại.
+ Tuyến du lịch Sông Đà: Sơn La - Lai Châu - Điện Biên.
- Phát triển tuyến du lịch quốc tế:
+ Lai Châu - Ma Lù Thàng (Phong Thổ) - Côn Minh (Trung Quốc).
+ Lai Châu - Phong Thổ - Mường Lay - Điện Biên - Tây Trang.
+ Lai Châu - Sa Pa - Hà Khẩu - Vân Nam (Trung Quốc).
b) Phát triển nguồn nhân lực du lịch
Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch: 150 lượt người; bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng quan tâm phát triển đội ngũ nghệ nhân: 240 lượt người; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động tại các đơn vị kinh doanh du lịch (số lượng theo nhu cầu doanh nghiệp); Tập huấn đội ngũ hướng dẫn viên thuyết minh viên du lịch: 120 lượt người.
c) Xúc tiến, quảng bá du lịch
- Tiếp tục hoàn thiện các công cụ quảng bá (in các ấn phẩm và băng đĩa hình..). Chú trọng đến chất lượng các hình thức quảng bá như các ấn phẩm, tác phẩm, phóng sự...
- Tham gia, tổ chức các sự kiện, hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch và các hội chợ như: năm du lịch quốc gia, Hội chợ Tây Bắc, Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội (VITM), Hội chợ du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ITE), Liên hoan làng nghề Hà Nội...
- Quảng bá trên hệ thống các trang mạng du lịch trong nước và quốc tế (website TripAdvisor, Agoda); xây dựng biển quảng cáo tấm lớn...
d) Liên kết phát triển du lịch
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch liên kết giữa các tỉnh, vùng, khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng để phát huy lợi thế và đặc điểm tài nguyên tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú; xây dựng các tour tham quan gắn với quảng bá giới thiệu sản phẩm; hình thành các tour du lịch liên hoàn giữa các vùng du lịch trọng điểm, các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.
- Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với các tỉnh thành, các đoàn Famtrip và Mediatrip khảo sát các tuyến, điểm du lịch Lai Châu...
- Thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch quốc tế giữa Lai Châu với du lịch tỉnh Vân Nam (Châu Hồng Hà, Kim Bình) - Trung Quốc bằng các hình thức trao đổi, hỗ trợ, phối hợp đầu tư... Xây dựng quảng bá các sản phẩm du lịch.
đ) Quy hoạch các khu du lịch và đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch
- Quy hoạch chi tiết các khu du lịch: Cao nguyên Sìn Hồ; Sin Súi Hồ; Thác Tác Tình; Mường So; đèo Hoàng Liên Sơn.
- Đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch:
+ Đầu tư nâng cấp tuyến du lịch: Đường Thèn Sin đi Sin Súi Hồ, đường thị trấn Tam Đường đi Sì Thâu Chải, đường vành đai khu vực cửa khẩu...
+ Đầu tư các khu du lịch cao nguyên Sìn Hồ, điểm du lịch: Thác Tác Tình (Tam Đường); Sin Súi Hồ; Suối nước nóng Vàng Pó; Mường So; cửa khẩu Ma Lù Thàng (Phong Thổ); nước nóng Phiêng Phát (Tân Uyên); bản văn hóa cộng đồng Gia Khâu; chợ San Thàng, thị trấn Sìn Hồ, Dào San.
+ Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: Xây dựng các trạm dừng chân trên các tuyến du lịch, nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe, biển báo, biển chỉ đường, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ du lịch tại các điểm du lịch: bản Sin Súi Hồ; bản Hon; bản Hồ Thầu; đèo Hoàng Liên Sơn...
3. Giải pháp
a) Tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền về phát triển du lịch
Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; tăng cường công tác phối hợp kết hợp giữa các cấp, các ngành trong việc cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn, vận động Nhân dân tự giác, tích cực tham gia bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và môi trường phục vụ nhu cầu phát triển du lịch bền vững.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hoạt động phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết. Tăng cường quảng bá cảnh quan, địa chỉ, điểm hấp dẫn về sản phẩm du lịch của tỉnh.
c) Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực làm du lịch
Triển khai, thực hiện các đề án, quy hoạch, kế hoạch về phát triển du lịch đã được phê duyệt bảo đảm chặt chẽ, nhất quán và hiệu quả thông qua hoạt động khai thác nguồn tài nguyên du lịch và nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch.
Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tham mưu về quản lý, phát triển du lịch, tuyển chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ làm du lịch các cấp; đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện cải cách hành chính và tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, kiến trúc, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch…
Thực hiện tốt công tác phân công, phân cấp rõ ràng, hướng dẫn kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch theo đúng quy định của pháp luật, tạo động lực để phát triển du lịch bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, lữ hành, quảng cáo bảo đảm chất lượng phục vụ du khách.
Xây dựng quy chế quản lý phù hợp đối với các khu, tuyến, điểm du lịch đã được công nhận; xây dựng cam kết về quản lý liên ngành tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
d) Xây dựng các cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư phát triển du lịch
Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư phát triển du lịch; lựa chọn để tập trung đầu tư, từng bước hình thành một số khu, điểm, cơ sở du lịch chất lượng cao, có tính đột phá để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Nghiên cứu xây dựng chính sách đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường.
đ) Huy động nguồn lực thực hiện phát triển du lịch
Tăng cường đầu tư kinh phí từ ngân sách Nhà nước kết hợp với huy động các nguồn vốn nhất là kinh phí từ ngoài ngân sách, trong đó:
Nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước: Tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; khôi phục làng nghề; xây dựng các bãi đỗ xe tại một số điểm du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; tuyến du lịch; đào tạo nguồn nhân lực cho người dân tại các điểm du lịch; xúc tiến, quảng bá; liên kết phát triển du lịch và đầu tư xây dựng các trạm dừng chân trên các tuyến du lịch, nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch, biển báo, biển chỉ đường, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ du lịch cho các điểm du lịch…
Nguồn ngân sách tập trung cho quy hoạch các khu du lịch; đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng du lịch cho cơ sở hoạt động du lịch; đầu tư cơ sở vật chất, chuyên ngành (các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, mua sắm quy mô lớn…).
Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, huy động tối đa nguồn lực của Nhân dân tham gia vào đầu tư phát triển du lịch địa phương; thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, dự án, đề án để tăng cường nguồn lực đầu tư như: Các nguồn vốn ODA, BIDV, FDI; chương trình du lịch, các dự án phi chính phủ….để thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch.
Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.
4. Kinh phí và nguồn vốn
a) Tổng kinh phí: 1.133.271 triệu đồng, trong đó:
- Đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch: 1.111.611 triệu đồng
- Kinh phí thực hiện Nghị quyết: 31.660 triệu đồng
b) Phân kỳ đầu tư
- Năm 2016: 15.405 triệu đồng
- Năm 2017: 189.731 triệu đồng
- Năm 2018: 324.955 triệu đồng
- Năm 2019: 303.440 triệu đồng
- Năm 2020: 299.740 triệu đồng
c) Cơ cấu nguồn vốn
- Ngân sách nhà nước: 277.671 triệu đồng
- Vốn ODA: 849.000 triệu đồng
- Vốn BIDV tài trợ: 6.000 triệu đồng
- Vốn huy động người hoạt động trong lĩnh vực du lịch đóng góp đào tạo nguồn nhân lực: 600 triệu đồng
(Có phụ biểu số 02, 03, 04, 05, 06, 07, 08, 09, 10 kèm theo)
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao
1. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu Khóa XIV, Kỳ họp thứ tư thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2016./.