Sign In

THÔNG TƯ

Quy định về tổ chức xác định, thẩm định và phê duyệt

 kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư

 

 
 

 

 

 

Căn cứ Luật khoáng sản năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư Quy định về tổ chức xác định, thẩm định và phê duyệt kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết điểm b khoản 1 Điều 9 Quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư được ban hành kèm theo Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp thực hiện việc xác định, thu, quản lý và sử dụng tiền hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng số liệu, thông tin về kết quả đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản của nhà nước để thăm dò, khai thác khoáng sản.

Điều 3. Trình tự xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả

Việc xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư (sau đây gọi chung là xác định chi phí hoàn trả) thực hiện theo trình tự sau:

1. Thu thập số liệu, tài liệu:

Số liệu, tài liệu được thu thập gồm: các báo cáo đánh giá tiềm năng khoáng sản, báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản được lưu trữ theo quy định tại Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg; các quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, kết quả chuyển đổi trữ lượng khoáng sản; giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản và các tài liệu khác có liên quan đến khu vực đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản hoặc khu vực đã được cấp phép khai thác khoáng sản.

2. Khảo sát thực tế:

Việc khảo sát thực tế để thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Kiểm tra tính xác thực về vị trí, diện tích, các công trình địa chất đã thi công trong diện tích đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản hoặc đã được cấp phép khai thác khoáng sản; các yếu tố liên quan đến điều kiện thi công các công trình địa chất;

b) Kiểm tra hiện trạng khai thác khoáng sản;

c) Kết thúc khảo sát, Đơn vị xác định chi phí hoàn trả lập biên bản khảo sát thực tế, trong đó có đại diện của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác hoặc tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác khoáng sản và thể hiện đầy đủ kết quả khảo sát theo các nội dung quy định tại điểm a, điểm b khoản này.

3. Đơn vị xác định chi phí hoàn trả lập Báo cáo kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư (sau đây gọi chung là Báo cáo kết quả xác định chi phí hoàn trả).

4. Họp kỹ thuật:

a) Đơn vị xác định chi phí hoàn trả tổ chức họp kỹ thuật có đại diện tham gia của cơ quan thường trực thẩm định quy định tại khoản 9 Điều 4 Thông tư này để xem xét về cơ sở pháp lý, phương pháp xác định chi phí hoàn trả; khối lượng các hạng mục công trình địa chất, việc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá và trữ lượng khoáng sản;

b) Trên cơ sở kết quả họp kỹ thuật, Đơn vị xác định chi phí hoàn trả hoàn thành Báo cáo kết quả xác định chi phí hoàn trả.

5. Họp Hội đồng thẩm định kết quả xác định chi phí hoàn trả (sau đây gọi tắt là Hội đồng thẩm định). Việc tổ chức họp Hội đồng thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

6. Trình cơ quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả xác định chi phí hoàn trả.

7. Thông báo kết quả xác định chi phí hoàn trả.

Điều 4. Thẩm định kết quả xác định chi phí hoàn trả

1. Việc thẩm định kết quả xác định chi phí hoàn trả được thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thành lập theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đối với hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội đồng thẩm định có số lượng không quá 11 thành viên, gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng thẩm định là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định là lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam;

c) Các Ủy viên Hội đồng thẩm định gồm 01 đại diện các Bộ: Tài chính, Công Thương (hoặc Bộ Xây dựng đối với trường hợp khoáng sản là vật liệu xây dựng); 01 đại diện Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia; 01 đại diện đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính; 02 đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trong đó 01 là Ủy viên thư ký Hội đồng; 01 đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đối với hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản hoặc giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Hội đồng thẩm định có số lượng không quá 09 thành viên, gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng thẩm định là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định là lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường;

c) Các Ủy viên Hội đồng thẩm định gồm 01 đại diện các Sở: Tài chính, Công Thương (hoặc Sở Xây dựng đối với trường hợp khoáng sản là vật liệu xây dựng); 01 đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường là Ủy viên thư ký Hội đồng; 01 đại diện cơ quan thuế cấp tỉnh; 01 đại diện Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có khoáng sản khai thác và một số chuyên gia thuộc lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng thẩm định:

a) Phiên họp chính thức của Hội đồng thẩm định chỉ được tiến hành khi có sự tham gia trực tiếp từ hai phần ba (2/3) trở lên số lượng thành viên Hội đồng thẩm định, trong đó bắt buộc phải có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng trong trường hợp được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền; có đại diện Đơn vị xác định chi phí hoàn trả và có sự tham dự đại diện của tổ chức, cá nhân sử dụng số liệu, thông tin về kết quả đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư;

b) Hội đồng thẩm định tiến hành các phiên họp để xem xét, đánh giá từng Báo cáo kết quả xác định chi phí hoàn trả theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg;

c) Hội đồng thẩm định thảo luận tập thể, công khai, đánh giá và quyết định theo đa số; trường hợp ý kiến đánh giá bằng nhau thì do Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định;

d) Các hoạt động của Hội đồng thẩm định thực hiện thông qua cơ quan thường trực thẩm định. Cơ quan thường trực thẩm định và trách nhiệm của cơ quan thường trực thẩm định quy định tại khoản 9, khoản 10 Điều này.

5. Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy viên Hội đồng thẩm định:

a) Tham gia các phiên họp của Hội đồng thẩm định; xem xét báo cáo kết quả xác định chi phí hoàn trả và các hồ sơ, tài liệu liên quan do cơ quan thường trực thẩm định cung cấp; đánh giá kết quả chi phí hoàn trả theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nhận xét, đánh giá đưa ra đối với Báo cáo kết quả xác định chi phí hoàn trả;

c) Đối thoại trực tiếp với Đơn vị xác định chi phí hoàn trả tại phiên họp của Hội đồng thẩm định; được bảo lưu ý kiến trong trường hợp có ý kiến khác với kết luận của Hội đồng thẩm định.

6. Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng thẩm định:

Chủ tịch Hội đồng thẩm định thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của Ủy viên Hội đồng quy định tại khoản 5 Điều này và các quy định sau:

a) Điều hành các phiên họp của Hội đồng thẩm định;

b) Xử lý các ý kiến được nêu trong phiên họp và kết luận phiên họp của Hội đồng thẩm định;

c) Ký biên bản phiên họp Hội đồng thẩm định theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này; chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả xác định chi phí hoàn trả và trước pháp luật về kết luận đưa ra trong phiên họp của Hội đồng thẩm định;

d) Ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng thẩm định trong trường hợp không tham dự phiên họp.

7. Trách nhiệm và quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định:

Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của Ủy viên Hội đồng quy định tại khoản 5 Điều này và trách nhiệm, quyền hạn của của Chủ tịch Hội đồng thẩm định trong trường hợp được Chủ tịch Hội đồng thẩm định ủy quyền.

8. Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy viên thư ký Hội đồng:

Ủy viên thư ký Hội đồng thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của Ủy viên Hội đồng quy định tại khoản 5 Điều này và các quy định sau:

a) Cung cấp Phiếu đánh giá theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này cho các thành viên Hội đồng thẩm định;

b) Báo cáo Chủ tịch Hội đồng thẩm định về thành phần tham dự phiên họp Hội đồng, những nội dung chính của hồ sơ, kết quả xác định chi phí hoàn trả;

c) Ghi và ký biên bản các phiên họp của Hội đồng thẩm định theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này; chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng thẩm định;

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho hoạt động của Hội đồng thẩm định theo yêu cầu của cơ quan thường trực thẩm định hoặc của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

9. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là cơ quan thường trực thẩm định kết quả xác định chi phí hoàn trả đối với hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực thẩm định kết quả xác định chi phí hoàn trả đối với hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản hoặc giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

10. Trách nhiệm của cơ quan thường trực thẩm định:

a) Dự thảo quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, trình thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này xem xét, quyết định;

b) Tiếp nhận, xem xét hồ sơ đề nghị thẩm định kết quả xác định chi phí hoàn trả hoặc hồ sơ đề nghị phê duyệt kết quả xác định chi phí hoàn trả do Đơn vị xác định chi phí hoàn trả trình. Hồ sơ trình thẩm định hoặc phê duyệt kết quả xác định chi phí hoàn trả gồm: văn bản đề nghị thẩm định hoặc phê duyệt; Báo cáo kết quả xác định chi phí hoàn trả, các bản vẽ và phụ lục kèm theo;

c) Gửi giấy mời Ủy viên Hội đồng thẩm định tham dự phiên họp Hội đồng thẩm định, kèm theo bản sao hồ sơ đề nghị thẩm định kết quả xác định chi phí hoàn trả; mời đại diện tổ chức, cá nhân sử dụng số liệu, thông tin về kết quả đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư và đại diện Đơn vị xác định chi phí hoàn trả tham gia phiên họp;

d) Gửi văn bản yêu cầu Đơn vị xác định chi phí hoàn trả thực hiện theo kết luận Hội đồng thẩm định;

đ) Dự thảo Quyết định phê duyệt kết quả xác định chi phí hoàn trả theo Mẫu số 03, Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Lưu trữ hồ sơ xác định chi phí hoàn trả theo quy định của pháp luật.

11. Trách nhiệm của Đơn vị xác định chi phí hoàn trả:

a) Thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 3, điểm b, c, d khoản 10 Điều 4 Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan đến xác định chi phí hoàn trả;

b) Báo cáo, giải trình trước Hội đồng thẩm định về kết quả xác định chi phí hoàn trả tại phiên họp;

c) Chịu trách nhiệm trước cơ quan thường trực thẩm định, trước pháp luật về kết quả xác định chi phí hoàn trả.

Điều 5. Phê duyệt, thông báo kết quả xác định chi phí hoàn trả

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền kết quả xác định chi phí hoàn trả do cơ quan thường trực thẩm định trình theo quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg.

2. Cơ quan thường trực thẩm định có trách nhiệm gửi Quyết định phê duyệt kết quả xác định chi phí hoàn trả cho tổ chức, cá nhân sử dụng số liệu, thông tin về kết quả đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản nhà nước đã đầu tư.

Điều 6. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08  tháng 01 năm 2019.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Quý Kiên