QUYẾT ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh lai châu ban hành kèm theo quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 26/3/2015 của ubnd tỉnh lai châu
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ Quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CPngày 24/02/2010 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu ban hành kèm theo Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 26/3/2015 của UBND tỉnh Lai Châu như sau:
1. Sửa đổi Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 như sau:
“2. Hành lang an toàn đường bộ được quy định tại Điều 4 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải.
3. Phạm vi quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại Điều 14 đến Điều 24 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ; Điều 5, Điều 7, Điều 9 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 và Khoản 1, Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông Vận tải”.
2. Sửa đổi tên Điều 6 như sau:
“Điều 6. Sử dụng, khai thác phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”
3. Bổ sung Điều 6a như sau:
“Điều 6a. Công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”
“Công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 và Khoản 5, Điều 1 Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông Vận tải”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác
1. Sở Giao thông Vận tải chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp giấy phép thi công công trình thiết yếu như sau:
a) Xây dựng công trình thiết yếu có liên quan đến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện được giao quản lý (trừ trường hợp quy định tại Điểm 1, 2, Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông Vận tải.
b) Chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu cùng thời điểm với cấp phép thi công công trình thiết yếu áp dụng đối với dự án sửa chữa công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác; công trình đường dây tải điện, thông tin, viễn thông vượt phía trên đường bộ có cột nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ nhưng phải bảo đảm quy định về phạm vi bảo vệ trên không, giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ theo chiều ngang quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ; Điều 6, Điều 7, Điều 9 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 và Khoản 1, Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông Vận tải.
2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi công công trình thiết yếu trên các tuyến đường trong phạm vi địa giới hành chính của huyện, thành phố được giao quản lý.
3. Hồ sơ đề nghị chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi công công trình thiết yếu được thực hiện theo quy định tại Khoản 6, Điều 1 Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông Vận tải.
4. Trình tự, cách thức thực hiện; thời gian giải quyết thủ tục hành chính và thời hạn của văn bản chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi công theo quy định tại Điểm 5, 6 và 7 Khoản 1, Điều 1 Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông Vận tải”.
5. Bổ sung Điều 7a như sau:
“Điều 7a. Cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác”
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép thi công công trình thiết yếu là Sở Giao thông Vận tải; UBND các huyện, thành phố được giao quản lý các tuyến đường.
2. Hồ sơ đề nghị cấp phép thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác theo quy định tại Điểm 2, 3, 4 và 5, Khoản 7, Điều 1 Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông Vận tải”.
6. Bổ sung Điều 7b như sau:
“Điều 7b. Trách nhiệm của Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng công trình thiết yếu
“Trách nhiệm của Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng công trình thiết yếu theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 và Khoản 8, Điều 1 Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông Vận tải”.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
a) Sửa đổi tên Điều 9 như sau:
“Điều 9. Chấp thuận, cấp phép thi công xây dựng biển quảng cáo tạm thời trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đang khai thác”
b) Bổ sung Khoản 5, Khoản 6 Điều 9 như sau:
“5. Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cấp phép thi công xây dựng biển quảng cáo tạm thời trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đang khai thác như sau:
a) Sở Giao thông Vận tải chấp thuận, cấp phép thi công xây dựng biển quảng cáo đối với tuyến đường địa phương được giao quản lý.
b) UBND các huyện, thành phố chấp thuận, cấp phép thi công xây dựng biển quảng cáo đối với các tuyến đường thuộc địa giới hành chính của các huyện, thành phố được giao quản lý.
6. Trình tự, cách thức thực hiện hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận xây dựng, thủ tục cấp phép thi công thực hiện như đối với công trình thiết yếu”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
a) Sửa đổi tên Điều 10 như sau:
“Điều 10. Chấp thuận, cấp phép thi công xây dựng công trình đường bộ trong phạm vi đất dành cho đường bộ đang khai thác”
b) Sửa đổi Khoản 1, Khoản 2 Điều 10 như sau:
“1. Trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo công trình đường bộ trong phạm vi đất dành cho đường bộ (trừ dự án do Uỷ ban nhân dân tỉnh là cấp quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư), Chủ đầu tư dự án gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận quy mô, giải pháp thiết kế đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền (Sở Giao thông Vận tải; UBND các huyện, thành phố) để được xem xét giải quyết.
2. Chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công công trình đường bộ trên các tuyến đường bộ đang khai thác phải đề nghị Sở Giao thông Vận tải hoặc UBND các huyện, thành phố được giao quản lý tuyến đường cấp Giấy phép thi công”.
c) Bổ sung Khoản 4, Khoản 5 Điều 10 như sau:
“4. Hồ sơ đề nghị cấp phép thi công; trình tự, cách thức thực hiện và thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Khoản 3, 4 và 5 Điều 18 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải.
5. Đối với các dự án nâng cấp, cải tạo đường bộ đang khai thác do Sở Giao thông Vận tải; UBND các huyện, thành phố là Chủ đầu tư không phải đề nghị cấp giấy phép thi công; nhưng trước khi thi công, Ban Quản lý dự án hoặc nhà thầu thi công phải gửi đến cơ quan quản lý đường bộ (Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố,...) hồ sơ có liên quan gồm: Quyết định duyệt dự án, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt kể cả phương án thi công, biện pháp tổ chức giao thông bảo đảm an toàn giao thông để cơ quan quản lý đường bộ xem xét, chấp thuận bằng văn bản về thời gian thi công, biện pháp tổ chức giao thông bảo đảm an toàn giao thông trước khi thi công.
Trường hợp đối với các dự án cải tạo, nâng cấp đường bộ đang khai thác do Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố quản lý; nhưng cơ quan có thẩm quyền giao cho cơ quan khác làm Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công công trình đường bộ trên các tuyến đường đang khai thác phải đề nghị cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền (Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố,…) được giao quản lý tuyến đường cấp Giấy phép thi công trước khi triển khai thi công dự án theo đúng quy định”.
9. Sửa đổi Khoản 2, Điều 11 như sau:
“2. Các cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường bộ đã xây dựng, tồn tại theo chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trước khi có quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và có chủ trương đầu tư phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, được tiếp tục tồn tại nhưng phải hoàn thành việc điều chỉnh theo quy định hoặc xóa bỏ trước ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Các cửa hàng xăng dầu xây dựng tự phát, đấu nối trái phép hoặc nằm trong hành lang an toàn đường bộ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp cùng với các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”.
10. Sửa đổi Khoản 1, Điều 13 như sau:
“1. Đấu nối đường nhánh vào quốc lộ.
a) Đường nhánh đấu nối vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận và được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt.
b) Trình tự thực hiện việc đấu nối đường nhánh vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh, được thực hiện theo quy định tại Chương IV, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải.
c) Đường nhánh đấu nối vào quốc lộ bao gồm:
- Đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị;
- Đường chuyên dùng gồm: đường lâm nghiệp, đường khai thác mỏ, đường phục vụ thi công, đường khu công nghiệp;
- Đường gom, đường nối từ đường gom;
- Đường dẫn ra, vào cửa hàng xăng dầu, đường nối trực tiếp từ các công trình đơn lẻ”.
11. Sửa đổi Điều 15 như sau:
“Điều 15. Chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông nút giao đường nhánh đấu nối vào đường địa phương”
“1. Trước khi nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới nút giao, chủ công trình, chủ dự án được cơ quan có thẩm quyền giao sử dụng điểm đấu nối, căn cứ tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế đường ô tô hiện hành, lập và gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý đường bộ để được xem xét chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào đường bộ.
2. Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thiết kế kỹ thuật nút giao đấu nối vào đường bộ:
a) Sở Giao thông Vận tải chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông, lưu giữ hồ sơ của các nút giao đấu nối liên quan đến các tuyến đường được giao quản lý;
b) UBND các huyện, thành phố chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông, lưu giữ hồ sơ của các nút giao đấu nối liên quan đến các tuyến đường thuộc địa giới hành chính của các huyện, thành phố được giao quản lý.
3. Trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, 4, 5, 7 Điều 26 Thông tư số50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 và Khoản 12, Điều 1 Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông Vận tải.
4. Các dự án đường bộ xây dựng mới có đấu nối vào đường tỉnh, đường huyện đã được Sở Giao thông Vận tải; UBND huyện, thành phố thẩm định hoặc phê duyệt thiết kế kỹ thuật không phải thực hiện bước đề nghị chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông”.
12. Sửa đổi Phụ lục 5 như sau:
“Phụ lục 5: Giới hạn Hành lang an toàn đường bộ của hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Căn cứ vào cấp kỹ thuật của từng tuyến đường, phạm vi đất dành cho đường bộ và giới hạn hành lang an toàn đường bộ được quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Các nội dung khác không được sửa đổi tại Quyết định này vẫn thực hiện theo quy định của Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 26/3/2015 của UBND tỉnh Lai Châu về việc Ban hành Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Giao thông Vận tải) xem xét, sửa đổi cho phù hợp.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tư pháp; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.