Sign In

PHÁP LỆNH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ PHỤC VỤ

CỦA SĨ QUAN CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG

Để đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang, tăng cường việc bảo vệ an ninh nội địa, bảo vệ biên giới và bờ biển của Tổ quốc;

Để xác định nhiệm vụ, quyền hạn, vinh dự cho cán bộ Công an nhân dân vũ trang, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức và ý thức kỷ luật của cán bộ và chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang;

Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang như sau:

Điều 1

Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang phục vụ theo chế độ đã được quy định trong luật ngày 29-4-1958 về chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, trừ những điểm không thích hợp thì theo những quy định dưới đây:

Điều 2

Những người sau đây được bổ sung vào đội ngũ sĩ quan Công an nhân dân vũ trang tại ngũ:

a) Sĩ quan quân đội nhân dân và quân nhân tốt nghiệp các trường đào tạo sĩ quan của Bộ Quốc phòng được chuyển sang Công an nhân dân vũ trang;

b) Cán bộ công an và cán bộ các ngành khác được chuyển sang Công an nhân dân vũ trang;

c) Những người tốt nghiệp các trường đào tạo cán bộ của Bộ Công an;

d) Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang dự bị được gọi ra từng người hoặc được tổng động viên;

đ) Hạ sĩ quan và binh sĩ Công an nhân dân vũ trang trong khi chiến đấu đã tỏ ra anh dũng, linh hoạt, lập được chiến công, hoặc trong công tác đã có thành tích xuất sắc.

Điều 3

Việc xét phong cấp bậc sĩ quan Công an nhân dân vũ trang cho cán bộ căn cứ vào phẩm chất chính trị, năng lực, cấp bậc, chức vụ hiện tại, thành tích phục vụ và công lao đối với cách mạng của từng cán bộ.

Những người tốt nghiệp các trường đào tạo sĩ quan của Bộ Quốc phòng, trường đào tạo cán bộ của Bộ Công an, những hạ sĩ quan và binh sĩ trong khi chiến đấu đã tỏ ra anh dũng, linh hoạt, lập được chiến công, hoặc trong công tác đã có thành tích xuất sắc, thì có thể được phong thiếu uý.

Những cán bộ công an và cán bộ các ngành khác được chuyển sang Công an nhân dân vũ trang, tuỳ đức tài, có thể được phong thiếu uý hoặc phong cấp bậc cao hơn.

Điều 4

Về việc phong cấp bậc, thăng hoặc giáng cấp bậc đối với sĩ quan Công an nhân dân vũ trang, nay quy định như sau:

a) Việc phong cấp bậc từ thượng tá trở lên theo như quy định đối với cấp bậc tương đương trong Quân đội nhân dân; việc phong cấp bậc từ trung tá trở xuống thì do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định;

b) Việc thăng lên các cấp bậc từ thượng tá trở lên theo như quy định đối với cấp bậc tương đương trong quân đội nhân dân; việc thăng lên các cấp bậc đại uý, thiếu tá và trung tá thì do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định; việc thăng lên các cấp bậc trung uý và thượng uý thì do Tư lệnh và Chính uỷ Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang quyết định;

c) Cấp có thẩm quyền cho thăng lên cấp bậc nào thì có thẩm quyền giáng cấp bậc đối với cấp bậc ấy.

Điều 5

Mỗi lần thăng hoặc giáng cấp bậc của sĩ quan, nói chung chỉ được thăng hoặc giáng một bậc.

Trong trường hợp đặc biệt cần thăng vượt bậc lên các cấp bậc từ thượng tá trở lên thì theo như quy định đối với cấp bậc tương đương trong Quân đội nhân dân; từ thiếu uý cho đến trung tá thì do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Trong trường hợp phải giáng xuống nhiều bậc thì từ thượng tá trở lên theo như quy định đối với cấp bậc tương đương trong Quân đội nhân dân; từ trung tá trở xuống thì do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Điều 6

Tiêu chuẩn và niên hạn tối thiểu của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang tại ngũ để xét thăng cấp bậc theo như tiêu chuẩn và niên hạn quy định đối với sĩ quan Quân đội nhân dân.

Thời hạn học tập tại các trường quân sự, chính trị và nghiệp vụ được tính vào niên hạn thăng cấp bậc của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang.

Điều 7

Mỗi cấp bậc sĩ quan Công an nhân dân vũ trang có một chức vụ trương đương trong biên chế của Công an nhân dân vũ trang do Hội đồng Chính phủ quy định.

Điều 8

Về việc bổ nhiệm, giáng chức và bãi chức đối với sĩ quan Công an nhân dân vũ trang, nay quy định như sau:

a) Đối với những chức vụ tương đương với các cấp bậc từ thượng tá trở lên thì theo như quy định đối với sĩ quan cấp bậc tương đương trong Quân đội nhân dân;

b) Đối với những chức vụ tương đương với các cấp bậc từ trung tá trở xuống thì do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Bộ trưởng Bộ Công an có thể uỷ quyền cho Tư lệnh và Chính uỷ Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang quyết định đối với các chức vụ tương đương với các cấp bậc từ đại uý trở xuống.

Điều 9

Trong trường hợp khẩn cấp, thủ trưởng đơn vị từ cấp đại uý trở lên có quyền quyết định đình chỉ chức vụ của sĩ quan thuộc dưới quyền mình hai bậc và chỉ định người thay thế, đồng thời phải báo cáo ngay lên cấp trên để xét duyệt.

Điều 10

Điều kiện cho sĩ quan Công an nhân dân vũ trang tại ngũ được xuất ngũ, chuyển sang ngạch dự bị hoặc giải ngạch dự bị theo như điều kiện quy định đối với sĩ quan Quân đội nhân dân; riêng điều kiện tuổi thì theo điều 13 của pháp lệnh này.

Điều 11

Về việc chuẩn y cho sĩ quan Công an nhân dân vũ trang xuất ngũ, chuyển sang ngạch dự bị hoặc giải ngạch dự bị, nay quy định như sau:

a) Đối với sĩ quan cấp bậc từ thượng tá trở lên thì theo như quy định đối với sĩ quan cấp bậc tương đương trong Quân đội nhân dân;

b) Đối với sĩ quan cấp bậc đại uý, thiếu tá và trung tá thì do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định;

c) Đối với sĩ quan cấp bậc thiếu uý, trung uý và thượng uý thì do Tư lệnh và Chính uỷ Bộ Tư lệnh công an nhân dân vũ trang quyết định.

Điều 12

Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang dự bị sẽ đăng ký vào hệ thống dự bị chung của Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng phụ trách việc bồi dưỡng và huấn luyện cho họ về quân sự. Bộ Công an phụ trách việc bồi dưỡng và huấn luyện cho họ về nghiệp vụ và quyết định việc sử dụng, thăng thưởng và kỷ luật.

Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang dự bị có nhiệm vụ tham gia những lớp huấn luyện quân sự và nghiệp vụ theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Tuỳ theo nhu cầu công tác, trong thời bình, sĩ quan Công an nhân dân vũ trang dự bị có thể được gọi ra phục vụ tại ngũ theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc của cấp chỉ huy được Bộ trưởng Bộ Công an uỷ quyền.

Điều 13

Hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang tại ngũ, dự bị hạng 1 và dự bị hạng 2 quy định như sau:

 

Cấp bậc

Tại ngũ

Dự bị hạng 1

Dự bị hạng 2

Thiếu uý

38 tuổi

43 tuổi

48 tuổi

Trung uý

38 -

43 -

48 -

Thượng uý

43 -

48 -

53 -

Đại uý

43 -

48 -

53 -

Thiếu tá

48 -

53 -

58 -

Trung tá

53 -

58 -

63 -

Thượng tá

53 -

58 -

63 -

Đại tá

55 -

58 -

63 -

Thiếu tướng

58 -

60 -

65 -

 

Tuỳ theo sự cần thiết của Công an nhân dân vũ trang, Bộ trưởng Bộ Công an có quyền kéo dài thời hạn tại ngũ của từng sĩ quan Công an nhân dân vũ trang từ cấp bậc đại tá trở xuống; đối với thiếu tướng thì việc kéo dài thời hạn tại ngũ do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an.

Pháp lệnh này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua ngày 9 tháng 8 năm 1961.

                                                                 Hồ Chí Minh

                                                                                                            (Đã ký)

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hồ Chí Minh