Sign In

 

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 231/HĐBT NGÀY 31-12-1987

VỀ VIỆC CHUYỂN NGÀNH VẬT TƯ SANG HẠCH TOÁN KINH DOANH

XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ SẮP XẾP LẠI TỔ CHỨC KINH DOANH

VẬT TƯ

Để hoạt động của ngành vật tư theo đúng các chủ trương ghi trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai và ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI); xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Vật tư, Hội đồng Bộ trưởng quyết định:

1. Từ nay, kế hoạch kinh doanh vật tư do các tổ chức kinh doanh vật tư xây dựng, chủ yếu dựa trên cơ sở nhu cầu đặt hàng của các đơn vị sử dụng vật tư. Căn cứ vào nhu cầu và khả năng các nguồn vật tư thuộc ngành hàng phụ trách, các Tổng Công ty ngành hàng lập các cân đối cho các mục tiêu kinh tế - xã hội của Nhà nước. Bộ chủ quản ngành kinh doanh vật tư lập cân đối chung về ngành hàng do Bộ phụ trách. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước căn cứ vào các bản cân đối của các Bộ lập cân đối chung trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định giao chỉ tiêu pháp lệnh cho các Bộ quản lý kinh doanh vật tư; đồng thời thông báo khả năng vật tư cho các Bộ, các địa phương.

Hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh đối với ngành kinh doanh vật tư gồm từ một đến ba chỉ tiêu:

- Doanh số mua vào bán ra,

- Khối lượng vật tư chủ yếu bán ra cho các sản phẩm trọng yếu, xí nghiệp và công trình trọng điểm, tương ứng với nhiệm vụ kế hoạch pháp lệnh hoặc đơn đặt hàng Nhà nước.

- Các khoản nộp ngân sách.

2. Các tổ chức kinh doanh vật tư có trách nhiệm và quyền hạn:

a) Chịu trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ pháp lệnh bán vật tư cho các xí nghiệp sản xuất theo chỉ tiêu pháp lệnh hoặc theo đơn đặt hàng của Nhà nước; đồng thời mở rộng kinh doanh để tạo thêm nguồn đáp ứng ngày càng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vật tư cho các sản phẩm, dịch vụ khác.

b) Được quan hệ trực tiếp với các xí nghiệp, cùng nhau xác định số lượng vật tư cần bán theo sản lượng và định mức vật tư được duyệt theo đúng quy định của Nhà nước; xác định quy cách, chất lượng vật tư và các yêu cầu khác nhằm bảo đảm kế hoạch và tiến độ sản xuất của xí nghiệp để ký kết hợp đồng kinh tế. Trong đó:

- Phần bán cho các xí nghiệp làm sản phẩm theo chỉ tiêu pháp lệnh hoặc đơn đặt hàng của Nhà nước thì bán theo số lượng Nhà nước đã ghi rõ tương ứng khối lượng sản phẩm được giao kế hoạch pháp lệnh hoặc đơn đặt hàng Nhà nước.

- Phần bán theo sự thoả thuận với các xí nghiệp để làm các sản phẩm và dịch vụ khác thì đưa vào kế hoạch kinh doanh chung báo cáo cấp trên biết, và phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các điều khoản mua bán ký kết với các bạn hàng.

Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp thì bán theo hạn mức sử dụng vật tư của Nhà nước.

Các nhu cầu nhỏ, lẻ, kể cả nhu cầu tiêu dùng của nhân dân được cân đối trong kế hoạch và tổ chức bán hoặc giao cho các đại lý bán lẻ.

c) Phát triển các dịch vụ đưa vật tư đi thẳng và đến tận nơi sử dụng.

Bảo đảm cho mỗi loại vật tư bán tại một thời điểm quy định chỉ có một chiết khấu lưu thông. Chi phí phát sinh ngoài điểm chiết khấu do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.

Hai bên mua bán vật tư phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ theo hợp đồng đã ký kết. Nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng làm thiệt hại đến bên kia thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quyết định xét xử của cơ quan trọng tài kinh tế.

d) Đối với những loại vật tư thuộc danh mục Nhà nước định giá thì phải bán theo đúng giá quy định của Nhà nước.

Đối với những loại vật tư ngoài danh mục Nhà nước định giá các tổ chức kinh doanh vật tư được bán theo giá thoả thuận với người mua.

e) Được tính chiết khấu vật tư trên cơ sở bảo đảm bù đắp chi phí cần thiết và trích lập các quỹ. Việc trích lập các quỹ do Đại hội công nhân viên chức quyết định, trong đó phải bảo đảm tỷ lệ tối thiểu lập quỹ phát phát triển kinh doanh theo quy định của Nhà nước.

g) Được trực tiếp nhận chỉ tiêu pháp lệnh do cấp có thẩm quyền giao trong đó ghi rõ khối lượng vật tư phải bảo đảm bán cho các xí nghiệp và công trình trọng điểm được Nhà nước giao nhiệm vụ kế hoạch pháp lệnh hoặc đơn đặt hàng; chủ động sử dụng có hiệu quả kinh tế các yếu tố lao động, vật tư, tiền vốn.... trong quá trình lưu thông; trực tiếp quan hệ với các tổ chức và tư nhân trong và ngoài nước trong phạm vi nhiệm vụ được Nhà nước giao để liên doanh, liên kết chủ động tạo thêm nguồn vật tư, vay và sử dụng ngoại tệ, ký hợp đồng mua, bán vật tư, đại lý mua, bán vật tư;... quyết định việc tham gia các hình thức liên kết với các đơn vị kinh tế khác trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi; kể cả việc gia nhập các liên hiệp sản xuất kinh doanh khác.

h) Được tiến hành các hoạt động kinh doanh như sản xuất, đại lý dịch vụ, v.v... nhưng đều phải đưa vào kế hoạch kinh doanh của đơn vị và phải hạch toán đầy đủ.

3. Việc vận tải vật tư phải được cân đối trong kế hoạch của Nhà nước và giao thành chỉ tiêu pháp lệnh. Ngành giao thông vận tải có trách nhiệm vận chuyển vật tư đường dài đến địa điểm quy định, thể hiện trong hợp đồng kinh tế. Chủ hàng vật tư phải bảo đảm bao bì đóng gói đúng quy cách. chủ phương tiện vận tải chịu trách nhiệm vật chất đầy đủ đối với vật tư trên đường vận chuyển. Các tổ chức kinh doanh vật tư được tổ chức lực lượng vận tải đường ngắn và vận tải một số mặt hàng chuyên dùng cần thiết.

4. Việc giao nhận vật tư ở tất cả các khâu phải được cân, đong, đo, đếm, bảo đảm đủ số lượng, khối lượng. Trường hợp thiếu hụt, hư hỏng, mất phẩm chất, phải lập biên bản, quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể để xử lý.

5. Các Bộ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Nắm chắc chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh Nhà nước giao cho các đơn vị kinh doanh vật tư, kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu pháp lệnh đó.

- Xây dựng (theo phân cấp) các chế độ, chính sách nhằm bảo đảm về quyền chủ động của các đơn vị cơ sở về hạch toán kinh doanh tạo thêm nguồn vật tư đáp ứng yêu cầu sản xuất.

- Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị sử dụng vật tư trực thuộc thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vật tư của Nhà nước, thực hiện tiết kiệm.

6. Bộ Vật tư, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn quy định cho các Bộ quản lý vật tư chuyên ngành nêu ở điểm 5 trên đây, là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng quản lý Nhà nước về vật tư, còn có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc quyết định theo uỷ quyền của Hội đồng Bộ trưởng các chính sách, chế độ về tạo nguồn vật tư, phân phối, lưu thông, bảo quản và sử dụng vật tư, quyết định các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện các chính sách, chế độ đó.

- Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định về hệ thống tổ chức kinh doanh vật tư trong nền kinh tế quốc dân, quy hoạch thống nhất mạng lưới kinh doanh vật tư các hệ thống kho tàng, bảo đảm yêu cầu giảm bớt khâu trung gian, đưa thẳng vật tư đến tay người sử dụng theo kế hoạch và hợp đồng.

- Cùng với Bộ Đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các ngành hữu quan xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật cho hệ thống kinh doanh vật tư;

- Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra các Bộ, ngành và Uỷ ban Nhân dân các cấp, các đơn vị trong cả nước về thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ về tổ chức, quản lý kinh doanh, sử dụng vật tư và thực hiện chế độ quyết toán vật tư. Được yêu cầu các ngành, các cấp sửa đổi những quy định hoặc có biện pháp khắc phục các sai phạm trong việc chấp hành các chế độ, thể lệ về quản lý vật tư. Nếu yêu cầu không được cơ quan hữu quan nhất trí thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét.

7. Để bảo đảm cho ngành vật tư thực sự chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, để vật tư đi thẳng đến nơi sử dụng với chi phí lưu thông thấp nhất, không qua các khâu trung gian, các cấp hành chính không cần thiết; đồng thời để kết hợp chuyên doanh ngành hàng ở cấp Trung ương với kinh doanh tổng hợp trên vùng lãnh thổ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, phải sắp xếp lại hệ thống tổ chức kinh doanh vật tư:

a) Bộ Vật tư tổ chức thành các Tổng Công ty chuyên doanh ngành hàng, trước mắt gồm có:

- Tổng Công ty xăng dầu,

- Tổng Công ty kim khí,

- Tổng Công ty thiết bị và phụ tùng,

- Tổng Công ty hoá chất vật liệu điện và dụng cụ cơ khí,

- Công ty vật tư thứ liệu trung ương.

Các Tổng Công ty trên chịu trách nhiệm nắm nhu cầu vật tư thuộc ngành hàng mình phụ trách trong phạm vi cả nước, trực tiếp đặt hàng trong và ngoài nước, tổ chức tiếp nhận, điều hoà bán vật tư cho các nhu cầu.

Trực thuộc các Tổng Công ty có các Công ty chuyên doanh ở các khu vực kinh tế quan trọng, thay mặt Tổng Công ty chịu trách nhiệm trước Tổng Công ty về việc thực hiện những nhiệm vụ được giao và làm đại lý bán các loại vật tư khác. Các Công ty chuyên doanh hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế, có tư cách pháp nhân.

Vật tư thứ liệu thuộc ngành hàng nào thì Tổng Công ty ngành hàng đó kinh doanh hoặc nhận uỷ thác. Tổng Công ty ngành hàng nào không kinh doanh vật tư thứ liệu của ngành mình có thể bán hoặc uỷ thác cho Công ty vật tư thứ liệu Trung ương.

b) cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện và tương đương:

- Giải thể các công ty, xí nghiệp, trạm vật tư trực thuộc các Sở. Mỗi tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, nếu cần thiết, cũng chỉ được tổ chức một Công ty vật tư tổng hợp thuộc Uỷ ban Nhân dân. Công ty này làm nhiệm vụ kinh doanh theo yêu cầu của địa phương và đại lý bán vật tư cho các tổ chức kinh doanh ngành hàng của Trung ương.

Riêng ở các tỉnh, thành phố đã có các Công ty chuyên doanh ngành hàng của các Bộ quản lý kinh doanh vật tư, thì Công ty vật tư tổng hợp của địa phương chỉ kinh doanh những loại vật tư ngoài nguồn của Trung ương và làm đại lý cho các Bộ, ngành ở Trung ương.

- Bộ Vật tư bàn với Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và đặc khu để chuyển giao Công ty vật tư tổng hợp thuộc Bộ nằm ở tỉnh về cho tỉnh và đặc khu trực thuộc Trung ương quản lý.

- huyện không tổ chức các đơn vị kinh doanh vật tư trực thuộc huyện. Tuỳ theo nhu cầu vật tư từng nơi trên địa bàn huyện hoặc liên huyện mà giao cho hệ thống tổ chức vật tư nông nghiệp làm đại lý bán vật tư cho các đơn vị chuyên doanh khu vực hoặc Công ty vật tư tổng hợp của tỉnh. Bộ Vật tư cùng với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm tổ chức thực hiện.

- Không tổ chức các Công ty vật tư trực thuộc quận. Việc bảo đảm vật tư cho các nhu cầu trên địa bàn quận do Công ty vật tư tổng hợp thành phố đảm nhiệm thông qua các cửa hàng của Công ty.

- Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm sắp xếp các Công ty vật tư trong tỉnh, thành phố, đặc khu để từ tháng 1 năm 1988 các Công ty vật tư ở địa phương hoạt động theo đúng quy định trên đây.

8. Để thực hiện Quyết định này, các Bộ, Uỷ ban Nhà nước cần khẩn trương thực hiện một số công việc sau:

- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng các Bộ quản lý kinh doanh vật tư xây dựng ngay bản danh mục phân công cân đối và kinh doanh vật tư. Khi cân đối kế hoạch hàng năm cần dành một khối lượng vật tư thích đáng làm quỹ dự trữ ở khâu lưu thông.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng quy chế về việc bảo đảm quyền tự chủ trong việc sử dụng ngoại tệ nói ở điểm 2 Quyết định này cho các tổ chức kinh doanh vật tư.

- Bộ Ngoại thương xây dựng quy chế về việc các tổ chức kinh doanh vật tư trực tiếp quan hệ và ký hợp đồng mua, bán vật tư với chủ hàng nước ngoài.

- Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Bộ Tài chính xây dựng các quy chế về quản lý giá và phân cấp định giá, chiết khấu, trích lập các quỹ đối với tổ chức kinh doanh vật tư.

- Bộ Ngoại thương chủ trì cùng Bộ Giao thông vận tải và các Bộ có liên quan nghiên cứu bổ sung, sửa đổi lại các quy định về giao nhận và thanh toán tiền hàng nhập khẩu cho phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế kinh doanh vật tư.

Các vấn đề nói trên phải trình Hội đồng Bộ trưởng quý 1 năm 1988.

9.Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.

Bộ trưởng Bộ Vật tư chịu trách nhiệm hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra việc thi hành Quyết định này.

10. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Hội đồng Bộ trưởng

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt