Sign In

THÔNG TƯ

Quy định việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước

_________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 123/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội;

Căn cứ Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26/08/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng được tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước

Kho bạc Nhà nước được tạm ứng vốn cho các đối tượng sau:

- Ngân sách trung ương;

- Ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là ngân sách cấp tỉnh);

Điều 2. Phạm vi tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước

1. Việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời, đáp ứng các nhu cầu chi đột xuất khi ngân sách nhà nước chưa tập trung kịp nguồn thu.

2. Việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh để thực hiện các dự án, công trình sau:

2.1. Các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong kế hoạch năm cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội được Hội đồng nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân tỉnh) phê duyệt;

2.2. Các dự án, công trình đầu tư cơ sở hạ tầng tạo được nguồn thu hoàn trả vốn tạm ứng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thu hút vốn đầu tư của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.

Điều 3. Nguyên tắc tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước

- Việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ thanh toán, chi trả của Kho bạc Nhà nước.

- Các khoản tạm ứng sử dụng không đúng mục đích đã được phê duyệt sẽ bị thu hồi.

- Việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước được thực hiện tại Kho bạc Nhà nước và Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kho bạc Nhà nước quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh không được phép thực hiện tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước.

- Mọi khoản tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước đều phải hoàn trả đúng hạn, đúng quy định. Trường hợp khoản tạm ứng không được hoàn trả đúng hạn, đúng quy định thì Kho bạc Nhà nước có quyền trích tồn quỹ ngân sách để thu hồi đủ số vốn đã tạm ứng, phí tạm ứng và phí tạm ứng quá hạn (nếu có).

Điều 4. Trách nhiệm của các đơn vị tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước

Các đơn vị được tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích được duyệt, hoàn trả tạm ứng đầy đủ, đúng hạn được duyệt và thanh toán cho Kho bạc Nhà nước khoản phí trên số vốn đã tạm ứng theo quy định tại Thông tư này. Ngoài ra, đối với khoản tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản (theo quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 2 Thông tư này) thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân tỉnh) chịu trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước theo đúng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Thủ tục tạm ứng vốn

1. Thủ tục tạm ứng vốn cho ngân sách trung ương

Căn cứ tổng mức tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước đã được Bộ Tài chính phê duyệt từ đầu năm, khi phát sinh nhu cầu tạm ứng, Vụ Ngân sách nhà nước lập giấy tạm ứng theo Mẫu 01. Trên cơ sở giấy tạm ứng do Vụ Ngân sách nhà nước lập và căn cứ vốn Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước thực hiện tạm ứng vốn cho ngân sách trung ương.

2. Thủ tục tạm ứng vốn cho ngân sách cấp tỉnh

- Khi phát sinh nhu cầu tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các thủ tục sau:

+ Trường hợp tạm ứng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản (theo quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 2 Thông tư này): Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước. Trong công văn nêu rõ danh mục dự án tạm ứng vốn; tiến độ tạm ứng vốn; tiến độ hoàn trả tạm ứng vốn; tổng dư nợ các nguồn vốn đã huy động (kể cả các nguồn vốn huy động theo phương thức khác như phát hành trái phiếu, vay ngân hàng, ...) và cam kết sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, hiệu quả, hoàn trả đúng thời hạn, các cam kết khác để Bộ Tài chính xem xét, quyết định.

+ Trường hợp tạm ứng để đầu tư các dự án thu hút vốn đầu tư (theo quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 2 Thông tư này): Ủy ban nhân dân tỉnh có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị được tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước. Trong công văn nêu rõ danh mục dự án tạm ứng vốn; mức vốn đầu tư của từng dự án; tiến độ tạm ứng vốn; nguồn và tiến độ hoàn trả tạm ứng vốn và cam kết sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, hiệu quả, hoàn trả đúng thời hạn, các cam kết khác để Bộ Tài chính xem xét, quyết định.

- Sau khi có văn bản chấp thuận cho tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh lập giấy tạm ứng theo Mẫu 02 gửi Kho bạc Nhà nước để tạm ứng vốn theo quy định.

- Căn cứ giấy tạm ứng của Ủy ban nhân dân tỉnh đã được Kho bạc Nhà nước ký duyệt, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh) thực hiện tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh.

Điều 6. Mức tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước

1. Mức tạm ứng vốn cho ngân sách trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

2. Mức tạm ứng vốn cho ngân sách cấp tỉnh

2.1. Căn cứ xác định mức tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước

- Đối với các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong kế hoạch năm thuộc ngân sách cấp tỉnh theo quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 2 Thông tư này: mức tạm ứng phải đảm bảo nguyên tắc dư nợ vốn huy động hàng năm của ngân sách tỉnh (bao gồm vốn tạm ứng của Kho bạc Nhà nước và các nguồn huy động khác) không vượt quá 30% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh (riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không vượt quá 100%). Trong đó, tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh bao gồm:

+ Vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong nước trong cân đối của ngân sách cấp tỉnh;

+ Vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn thu tiền sử dụng đất;

+ Các nguồn bổ sung có mục tiêu về đầu tư xây dựng cơ bản có tính chất ổn định từ ngân sách trung ương (nếu có).

+ Vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn thu xổ số kiến thiết.

- Đối với các dự án, công trình đầu tư cơ sở hạ tầng có nguồn thu hoàn trả vốn tạm ứng theo quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 2 Thông tư này: mức tạm ứng được xác định theo từng phương án cụ thể trên cơ sở khả năng vốn của Kho bạc Nhà nước và nhu cầu cụ thể của ngân sách cấp tỉnh.

2.2. Mức tạm ứng vốn cụ thể do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Điều 7. Thời hạn tạm ứng và thời hạn rút vốn

1. Thời hạn tạm ứng cho ngân sách trung ương: không quá 12 tháng kể từ ngày tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước.

2. Thời hạn tạm ứng và rút vốn của ngân sách cấp tỉnh:

- Đối với các khoản tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản các dự án đã ghi trong kế hoạch năm của tỉnh, thành phố (theo quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 2 Thông tư này):

+ Thời hạn tạm ứng: tối đa 12 tháng kể từ ngày Kho bạc Nhà nước ký duyệt tạm ứng tại giấy tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước.

+ Thời hạn rút vốn: trong năm ngân sách mà khoản tạm ứng được Bộ Tài chính phê duyệt. Sau thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách năm đó, khoản tạm ứng hết hiệu lực rút vốn.

- Đối với các khoản tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng để thu hút vốn đầu tư (theo quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 2 Thông tư này):

+ Thời hạn tạm ứng: do Bộ Tài chính quyết định.

+ Thời hạn rút vốn: tối đa 12 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính phê duyệt khoản tạm ứng; trường hợp rút vốn nhiều lần thì thời hạn trên áp dụng đối với lần rút vốn cuối cùng. Sau thời hạn rút vốn, khoản tạm ứng sẽ hết hiệu lực rút vốn.

Điều 8. Thu hồi tạm ứng

1. Thu hồi tạm ứng khi đến hạn

- Đối với ngân sách trung ương: Trước khi đến hạn thu hồi tạm ứng 15 ngày, Kho bạc Nhà nước thông báo với Vụ Ngân sách Nhà nước để sắp xếp nguồn hoàn trả tạm ứng.

- Đối với ngân sách cấp tỉnh:

Trước khi đến hạn thu hồi tạm ứng 15 ngày, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thông báo với cơ quan tài chính để sắp xếp nguồn hoàn trả tạm ứng.

Khi đến hạn mà khoản tạm ứng chưa được hoàn trả, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh có văn bản gửi cho Ủy ban nhân dân tỉnh biết khoản tạm ứng đã quá hạn hoàn trả và mức phí tạm ứng quá hạn.

Sau 1 tháng kể từ ngày đến hạn hoàn trả mà khoản tạm ứng chưa được hoàn trả, Kho bạc Nhà nước báo cáo Bộ về việc trích tồn quỹ ngân sách tỉnh, thành phố để thu hồi tạm ứng, phí tạm ứng và phí tạm ứng quá hạn. Trên cơ sở phê duyệt của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh về việc trích tồn quỹ ngân sách để thu hồi tạm ứng và phí tạm ứng quá hạn; Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh tính phí tạm ứng quá hạn và thực hiện trích tồn quỹ ngân sách cấp tỉnh để thu hồi tạm ứng và phí tạm ứng quá hạn.

2. Thu hồi tạm ứng sử dụng không đúng mục đích:

2.1. Các trường hợp sử dụng vốn tạm ứng Kho bạc Nhà nước không đúng mục đích đã được Bộ Tài chính phê duyệt sẽ bị thu hồi trước hạn.

2.2. Căn cứ vào thông báo, kết luận sử dụng vốn tạm ứng không đúng mục đích của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo cáo tình hình sử dụng vốn tạm ứng Kho bạc Nhà nước của đơn vị được tạm ứng vốn đối chiếu với danh mục đề nghị tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước; Kho bạc Nhà nước thực hiện thu hồi khoản tạm ứng sử dụng không đúng mục đích. Quy trình thu hồi tạm ứng sử dụng không đúng mục đích đối với ngân sách địa phương như sau:

Kho bạc Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính và thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân tỉnh về khoản tạm ứng sử dụng không đúng mục đích và số vốn tạm ứng chưa rút vốn còn lại bị hủy bỏ (nếu có); đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn hoàn trả ngay số vốn đã tạm ứng. Thời hạn hoàn trả chậm nhất là sau 1 tháng kể từ ngày ra văn bản thông báo.

Hết thời hạn hoàn trả mà Ủy ban nhân dân tỉnh chưa hoàn trả khoản tạm ứng, Kho bạc Nhà nước báo cáo Bộ về việc trích tồn quỹ ngân sách tỉnh, thành phố để thu hồi tạm ứng, phí tạm ứng và phí tạm ứng quá hạn. Trên cơ sở phê duyệt của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh về việc trích tồn quỹ ngân sách để thu hồi tạm ứng, phí tạm ứng (nếu có) và phí tạm ứng quá hạn; Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thực hiện tính phí tạm ứng (nếu có), phí tạm ứng quá hạn và trích tồn quỹ ngân sách để thu hồi tạm ứng, phí tạm ứng và phí tạm ứng quá hạn. Phí tạm ứng quá hạn được tính từ ngày ra văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh về khoản tạm ứng sử dụng không đúng mục đích.

Điều 9. Phí tạm ứng và phí tạm ứng quá hạn

1. Mức phí:

- Mức phí tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước được áp dụng thống nhất là 0,15%/tháng (30 ngày) tính trên số dư nợ tạm ứng.

- Mức phí tạm ứng quá hạn được tính bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm tính phí tạm ứng quá hạn. Phí tạm ứng quá hạn được tính theo mức phí tạm ứng quá hạn và số ngày quá hạn.

2. Thanh toán và quản lý phí:

- Phí tạm ứng được thanh toán định kỳ hàng tháng cho Kho bạc Nhà nước và được tính trên số dư nợ tạm ứng và số ngày thực tế tạm ứng.

- Phí tạm ứng quá hạn được thanh toán khi thu hồi khoản tạm ứng quá hạn và được tính trên số dư nợ tạm ứng quá hạn và số ngày tạm ứng quá hạn.

- Kho bạc Nhà nước quản lý, sử dụng phí tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước và phí tạm ứng quá hạn theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 10. Hạch toán kế toán, báo cáo

- Các khoản tạm ứng, hoàn trả tạm ứng, phí ứng vốn (gồm phí tạm ứng và phí tạm ứng quá hạn) Kho bạc Nhà nước hạch toán theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành và theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

- Định kỳ (tháng, quý, năm) Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh báo cáo tình hình tạm ứng, thu hồi tạm ứng và số thu phí tạm ứng, phí tạm ứng quá hạn gửi Kho bạc Nhà nước trước ngày 15 của tháng, quý sau đối với báo cáo tháng, quý, trước ngày 20/2 của năm sau đối với báo cáo năm. Nội dung, mẫu biểu báo cáo do Kho bạc Nhà nước hướng dẫn cụ thể.

- Định kỳ 6 tháng và 1 năm, Kho bạc Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính tình hình tạm ứng, thu hồi tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước và các đơn vị có liên quan

1. Vụ Ngân sách Nhà nước chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước xây dựng kế hoạch tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách trung ương hàng năm trình Bộ Tài chính xem xét, quyết định; chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước thực hiện tạm ứng và hoàn trả các khoản tạm ứng của ngân sách trung ương, thanh toán phí tạm ứng của ngân sách trung ương cho Kho bạc Nhà nước.

2. Kho bạc Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Ngân sách Nhà nước và các đơn vị có liên quan trình Bộ Tài chính xem xét quyết định tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng vốn tạm ứng cho Kho bạc Nhà nước theo Mẫu 03 định kỳ hàng quý (truớc ngày 15 của tháng đầu quý sau).

4. Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải phối hợp chặt chẽ trong việc kế hoạch hóa các khoản thu, chi ngân sách, đôn đốc thu nộp, đảm bảo việc tạm ứng và sử dụng vốn hợp lý, kịp thời, có hiệu quả, hoàn trả các khoản tạm ứng và thanh toán phí tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước đầy đủ và đúng hạn.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 và thay thế Thông tư số 49/2005/TT-BTC ngày 09/6/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách nhà nước. Các quy định trước đây của Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước về việc tạm ứng vốn cho ngân sách nhà nước trái với Thông tư này đều không có hiệu lực thi hành./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Sỹ Danh