NGHỊ QUYẾT
Về việc thông qua Bảng giá các loại đất năm 2011 trên địa bàn tỉnh Lai Châu
_______________________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 18
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;
Căn cứ Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004;
Căn cứ Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP và Nghị định số 123/2007/NĐ-CP;
Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC ngày 08/01/2010 của liên Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính Hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành bảng giá đất và điều chỉnh bảng giá đất thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Sau khi xem xét Tờ trình số 1416/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê chuẩn bảng giá các loại đất năm 2011 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Bảng giá các loại đất năm 2011 trên địa bàn tỉnh Lai Châu (có Bảng giá các loại đất năm 2011 kèm theo).
Điều 2. Giao cho UBND tỉnh căn cứ Nghị quyết này tổ chức triển khai thực hiện.
Giao cho Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 162/2009/NQ-HĐND ngày 10/12/2009 của HĐND tỉnh khoá XII, kỳ họp thứ 15 về việc phê chuẩn giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2010.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khoá XII, kỳ họp thứ 18 thông qua./.
|
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Giàng Páo Mỷ
|
BẢNG GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT TỈNH LAI CHÂU NĂM 2011
(Có biểu kèm theo)
__________________________________
VIII. QUY ĐỊNH VỀ KHU VỰC, VỊ TRÍ, GIÁ ĐẤT GIÁP RANH VÀ GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT KHÁC
1. ĐỐI VỚI ĐẤT NÔNG NGHIỆP:
a) Vị trí 1: Phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Có từ một yếu tố khoảng cách trở lên:
+ Đất nông nghiệp tiếp giáp khu dân cư đến 500 m;
+ Đất nông nghiệp tiếp giáp chợ đến 1000 m;
+ Đất nông nghiệp tiếp giáp hành lang bảo vệ đường bộ đến 500 m.
- Kết hợp với ít nhất 2/4 yếu tố lợi thế cho sản xuất nông nghiệp (địa hình tương đối bằng phẳng, độ phì nhiêu của đất cao, điều kiện tưới tiêu chủ động, điều kiện khí hậu thuận lợi cho sản xuất kinh doanh).
b) Vị trí 2: Phải đảm bảo các điều kiện: Đất nông nghiệp tiếp giáp vị trí 1 đến 500 m, kết hợp với ít nhất một yều tố lợi thế cho sản xuất nông nghiệp.
Trường hợp vị trí 2, cùng cánh đồng (ruộng lúa), cùng đồi (đất nương) với vị trí 1 và có ít nhất hai yếu tố lợi thế cho sản xuất nông nghiệp được xếp vào vị trí 1.
c) Vị trí 3: Các vị trí đất còn lại.
Trường hợp vị trí 3, cùng cánh đồng (ruộng lúa), cùng đồi (đất nương) với vị trí 2 và có ít nhất một yếu tố lợi thế cho sản xuất nông nghiệp được xếp vào vị trí 2.
2. ĐỐI VỚI ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP LÀ ĐẤT Ở TẠI NÔNG THÔN
2.1 Khu vực 1: Đất có mặt tiền tiếp giáp với trục đường Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, giao thông nông thôn tại trung tâm xã, cụm xã ; tiếp giáp khu thương mại, dịch vụ, chợ, khu du lịch, khu công nghiệp có khả năng sinh lợi cao, có kết cấu hạ tầng tốt, thuận lợi cho sinh hoạt, kinh doanh và cung cấp dịch vụ.
a) Vị trí 1: Đất tiếp giáp vỉa hè hoặc chỉ giới đường giao thông đến 40 m;
b) Vị trí 2: Đất tiếp sau mét thứ 40 của vị trí 1 đến mét thứ 100;
c) Vị trí 3: Đất tiếp sau mét thứ 100 của vị trí 2 đến mét thứ 160.
2.2. Khu vực 2: Đất có mặt tiền tiếp giáp với trục giao thông liên xã, liên thôn, bản; đất tiếp giáp với khu vực 1; khu vực có khả năng sinh lợi, kết cấu hạ tầng và điều kiện sinh hoạt, kinh doanh, cung cấp dịch vụ kém thuận lợi hơn khu vực 1.
a) Vị trí 1: Đất tiếp giáp đường giao thông đến 40 m;
b) Vị trí 2: Đất tiếp sau mét thứ 40 của vị trí 1 đến mét thứ 100; đất tiếp giáp khu vực 1 đến 60 m.
2.3. Khu vực 3: Vị trí đất còn lại trên địa bàn xã.
3. ĐỐI VỚI ĐẤT Ở TẠI ĐÔ THỊ
a) Vị trí 1: Đất tiếp giáp mặt tiền tính từ chỉ giới quy hoạch đến 20 m.
b) Vị trí 2: Đất tiếp giáp vị trí 1 đến 40 m; đất nằm tiếp giáp với mặt tiền ngõ của đường phố, đoạn phố đến 20 m, điều kiện sinh hoạt thuận lợi, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh (mặt đường láng nhựa hoặc xi măng, có hệ thống cấp, thoát nước và thông tin liên lạc).
c) Vị trí 3: Các vị trí còn lại.
- Thửa đất có vị trí tiếp giáp ngã ba, ngã tư đường giao thông, giá đất được xác định bằng 1,2 lần giá đất cùng vị trí đó; trường hợp thửa đất tiếp giáp nhiều đoạn đường thì giá đất được xác định bằng 1,2 lần giá của đoạn đường có giá cao nhất.
4. TÍNH GIÁ ĐẤT GIÁP RANH
a) Đất phi nông nghiệp tại nông thôn khu vực giáp ranh được xác định theo đường địa giới hành chính huyện, thị xã vào sâu mỗi bên 100 m và được xác định trọn thửa đất (trường hợp thửa đất có một phần diện tích nằm ngoài giới hạn khoảng cách), giá đất được xác định như sau:
- Trường hợp thửa đất vùng giáp ranh thuộc đơn vị hành chính có giá đất ở tại nông thôn thấp hơn thì giá đất được xác định bằng trung bình giá đất ở tại nông thôn cùng vị trí và khu vực của hai đơn vị hành chính giáp ranh;
- Trường hợp thửa đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính thì giá đất được xác định bằng giá đất cùng vị trí và khu vực của đơn vị hành chính giáp ranh có giá đất cao nhất;
- Trường hợp các đơn vị hành chính được ngăn cách bởi sông, suối, đồi, núi, đèo thì không xếp loại đất giáp ranh.
b) Đất nông nghiệp khu vực giáp ranh được xác định theo đường địa giới hành chính các huyện, thị vào sâu 200m, và được xác định trọn thửa đất (trường hợp thửa đất có một phần diện tích nằm ngoài khoảng cách giới hạn), giá đât được xác định như sau:
- Trường hợp thửa đất vùng giáp ranh thuộc đơn vị hành chính có giá đất nông nghiệp thấp hơn thì giá đất được xác định bằng trung bình giá đất nông nghiệp cùng vị trí và khu vực của hai đơn vị hành chính giáp ranh;
- Trường hợp thửa đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính thì giá đất được xác định theo giá đất nông nghiệp của đơn vị hành chính có giá đất cao nhất;
- Trường hợp các đơn vị hành chính được ngăn cách bởi sông, suối, đồi, núi, đèo thì không xếp loại đất giáp ra
5. GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT KHÁC:
a) Đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng giá đất bằng 50% giá đất rừng sản xuất cùng vị trí và khu vực.
b) Đất nông nghiệp khác, giá đất được xác định bằng 80% giá đất nông nghiệp liền kề; trường hợp liền kề nhiều loại đất nông nghệp thì căn cứ vào loại đất nông nghiệp có giá thấp nhất.
c) Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp được tính một giá cho toàn bộ thửa đất, giá đất được xác định theo vị trí có giá cao nhất của thửa đất.
d) Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp; đất quốc phòng, an ninh; đất phi nông nghiệp khác, giá đất bằng 80% giá đất ở cùng vị trí và khu vực.
đ) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, giá đất bằng 70% giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (hoặc bằng 56% giá đất ở) cùng vị trí và khu vực.
e) Đất nghĩa trang, nghĩa địa, giá đất bằng 80% giá đất liền kề. Nếu liền kề với nhiều loại đất khác nhau thì căn cứ vào giá của loại đất có mức giá thấp nhất; trường hợp không có các loại đất đã định giá liền kề thì tính bằng 40% giá đất ở cùng vị trí và khu vực.
f) Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng sử dụng vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản, giá đất được xác định bằng 80% giá đất nuôi trồng thuỷ sản; sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng, khai thác thuỷ sản thì giá đất được xác định bằng 80% giá đất phi nông nghiệp cùng vị trí và khu vực.
g) Đất chưa sử dụng khi cần định giá thì giá đất bằng 20% giá đất liền kề. Khi đất chưa sử dụng được cấp có thẩm quyền
cho phép đưa vào sử dụng thì giá đất được xác định bằng giá đất cùng loại, cùng vị trí và khu vực.