Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải

giai đoạn 2006 - 2020 tỉnh Lai Châu

____________________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 87/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 192/2006/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 519/2002/QĐ-BKH ngày 26/8/2002 về việc ban hành tạm thời khung giá, định mức chi phí xây dựng qui hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội ngành, lãnh thổ;

Căn cứ Quyết định số 1260/QĐ-UBND ngày 03/10/2005 và Quyết định số 1619/QĐ-UBND ngày 06/11/2006 của UBND tỉnh Lai Châu V/v Phê duyệt đề cương, rà soát, bổ sung Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải Tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006-2020;

Xét đề nghị tại Tờ trình số 913/TT-SGTVT ngày 07/8/2007 của Sở Giao thông Vận tải về việc thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải giai đoạn 2006-2020 Tỉnh Lai Châu và văn bản thẩm định số 260/TĐ-KHĐT  ngày 24/8/2007 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải giai đoạn 2006 - 2020 tỉnh Lai Châu, với các nội dung như sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải giai đoạn 2006 - 2020 tỉnh Lai Châu.

2. Cơ quan lập dự án: Viện chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải.

3. Phạm vi xây dựng quy hoạch: Trên địa bàn toàn tỉnh.

4. Nội dung quy hoạch:

4.1.  Mục tiêu của quy hoạch:

1. Mục tiêu tổng quát: Quy hoạch đảm bảo phát triển bền vững, từng bước xây dựng ngành GTVT phát triển đồng bộ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý, tiện nghi, an toàn, nhanh chóng, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh Quốc phòng.

 2. Mục tiêu cụ thể:

- Về vận tải: Phục vụ nhu cầu vận tải của tỉnh một cách đa dạng với mức tăng trưởng ngày càng cao; đảm bảo chất lượng tốt, an toàn và giá thành hạ.

- Về hạ tầng kỹ thuật:

+ Đường bộ: Hệ thống đường Quốc lộ, Tỉnh lộ được đưa vào cấp hạng kỹ thuật phù hợp, được thảm bê tông nhựa hoặc láng nhựa 100% kể cả các đoạn tránh ngập của các nhà máy thủy điện trong khu vực.

+ Đường sông: Xây dựng hệ thống cảng sông, hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu và giải phóng các luồng, lạch, thiết lập hệ thống vận tải thủy nội địa để vận chuyển hàng hóa, hành khách và phục vụ du lịch.

- Về công nghiệp Giao thông Vận tải:

+ Thành lập các trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện vận tải, xe máy công trình, từng bước tiến tới lắp ráp các phương tiện vận tải nhỏ phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn.

+ Đầu tư trung tâm đăng kiểm xe cơ giới của tỉnh, với các thiết bị hiện đại để thực hiện kiểm định phương tiện vận tải đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

4.2. Nội dung quy hoạch:(có biểu kèm theo).

1) Đường bộ:

1.1) Hệ thống đường Quốc lộ: Gồm 5 tuyến: 4D, 12, 100, 32, 279 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, với tổng chiều dài 318,57 km,

- Giai đoạn 2006-2010: Xây dựng, nâng cấp cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp IVMN, riêng những đoạn qua thị xã, thị trấn xây dựng theo qui hoạch thị xã, thị trấn đã được duyệt.

- Giai đoạn 2011-2020: Tập trung thảm bê tông nhựa các tuyến trên; cải tạo, xây mới các cầu trên tuyến đảm bảo tải trọng thiết kế H30-XB80.

1.2) Hệ thống đường biên giới:

 a) Đường hành lang biên giới (vành đai biên giới): Gồm 2 tuyến: Pa Tần - Hua Bum - Mường Tè - Pắc Ma - Mường Nhé, Bát Sát - Phong Thổ với tổng chiều dài 201 km.

- Giai đoạn 2006-2010: Xây dựng mới và nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp VIMN và cấp IVMN, xây mới các cầu trên tuyến đảm bảo tải trọng thiết kế H30-XB80.

- Giai đoạn 2011 - 2020: Toàn bộ tuyến hành lang biên giới chuyển thành đường Quốc lộ.

b) Các tuyến tuần tra biên giới: Gồm 4 tuyến: Đầu nguồn sông Đà - Thu Lũm - U Ma Tu Khoòng, Đầu nguồn sông Đà - Mù Cả, Cửa khẩu Ma Lù Thàng - chợ Sì Choang, Hua Bum - Pa Vệ Sử - cửa khẩu U Ma Tu Khoòng với tổng chiều dài 295,2 km.

- Giai đoạn 2006-2010: Xây dựng mới các tuyến đảm bảo chiều rộng nền đường 2,5m.

- Giai đoạn 2011 - 2020: Nâng cấp các tuyến tuần tra biên giới đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B.

1.3) Hệ thống đường Tỉnh lộ:  Gồm 8 tuyến: Đường Tỉnh lộ 127, 128, 129, 130, 131, 132, 133 và tuyến 132 kéo dài, với tổng chiều dài 438 km.

- Giai đoạn 2006-2010: Xây dựng, nâng cấp cải tạo các tuyến đường tỉnh lộ 127, 128, 129, 132 trên địa bàn tỉnh Lai Châu với tổng chiều dài 216 km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, những đoạn qua thị xã, thị trấn căn cứ theo qui hoạch thị xã, thị trấn được duyệt.

- Giai đoạn 2011-2020: Nâng cấp, cải tạo hoàn chỉnh và đưa một số tuyến giao thông nông thôn quan trọng thành đường tỉnh 130, 131, 133, với tổng chiều dài 222 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, thảm bê tông nhựa; cải tạo, xây mới các cầu trên tuyến đảm bảo tải trọng thiết kế H30-XB80.

1.4) Hệ thống đường đô thị:

- Xây dựng, cải tạo đường đô thị tại trung tâm 6 huyện, thị xã với tổng chiều dài 86,7 km. Qui mô và tiến độ đầu tư căn cứ qui hoạch các thị xã, thị trấn được phê duyệt.

1.5) Hệ thống đường giao thông nông thôn (huyện, xã, thôn bản):

a) Hệ thống đường liên huyện, liên xã, đường đến trung tâm xã: Gồm 74 tuyến, với tổng chiều dài 1.364,9 km.

- Giai đoạn 2006-2010: Ưu tiên, tập trung xây dựng xong đường ô tô đến trung tâm các xã (đặc biệt xã Mù Cả, xã Tà Tổng huyện Mường Tè, xã Nậm Ban huyện Sìn Hồ) và mạng lưới nối trung tâm các cụm xã; mở mới một số đường đến trung tâm kinh tế các huyện.

- Giai đoạn 2011-2020: Đưa toàn bộ các tuyến đường liên huyện, đường liên xã vào cấp kỹ thuật đạt cấp VIMN và loại A, B; nâng cấp mặt đường đạt 80% rải nhựa, còn lại rải cấp phối; hệ thống cầu, cống đạt tiêu chuẩn H13-X60.

b) Hệ thống đường dân sinh, thôn bản:

- Giai đoạn 2006-2010: Trên địa bàn toàn tỉnh tổng chiều dài 1.459km, nâng cấp, cải tạo để đạt bề rộng nền đường từ 1,5m đến 3m.

- Giai đoạn 2011-2020: Dự kiến nâng 10% tổng chiều dài đường dân sinh thành đường xã, nâng cấp mặt đường đạt 100% rải cấp phối.

2) Qui hoạch đường thủy: 

- Giai đoạn 2006-2010: Triển khai đo đạc, khảo sát và lập dự án đầu tư cho hệ thống đường thuỷ.

- Giai đoạn 2011-2020: Xây dựng và nâng cấp 9 bến cảng đường thủy tại các điểm: Cảng Nậm Hàng, Cảng Mường Mô, Cảng Can Hồ, nâng cấp cảng Pô Lếch, Cảng Nậm Khao, Cảng xã Mường Tè, nâng cấp cảng Pắc Ma thuộc địa phận huyện Mường Tè; Cảng Chăn Nưa, Cảng Nậm Tăm thuộc địa phận huyện Sìn Hồ. Những cảng chính được qui hoạch công suất từ 100.000 - 150.000 tấn/năm.

3) Quĩ đất giành cho giao thông:

Thực hiện theo Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong tương lai cần giành quĩ đất cho giao thông ở các đô thị đạt 15% - 20%.

4) Qui hoạch phát triển vận tải:

Phấn đấu mở thêm các tuyến vận tải đi đến các địa phương, các trung tâm kinh tế trong cả nước với tổng số tuyến là 60 tuyến, cụ thể:

- Tuyến liên tỉnh là 30 tuyến.

- Tuyến liên tỉnh liền kề là 20 tuyến.

- Tuyến nội tỉnh là 10 tuyến.

- Tuyến liên vận Quốc tế thị xã Lai Châu - Tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

5) Qui hoạch các cơ sở công nghiệp giao thông:

- Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh trung tâm kiểm định xe cơ giới theo tiêu chuẩn của cục đăng kiểm Việt Nam.

- Đầu tư bổ sung hoàn thiện cơ sở dạy nghề phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực điều khiển phương tiện vận tải bộ, vận tải đường thủy nội bộ...

6) Qui hoạch sân bay và đường sắt:

- Về qui hoạch sân bay dân dụng: Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020,  nghiên cứu xây dựng sân bay dân dụng nhỏ tại Lai Châu phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Về qui hoạch đường sắt: Giai đoạn 2011 - 2020, nghiên cứu khảo sát để xây dựng tuyến đường sắt từ Yên Bái lên Lai Châu để cải thiện điều kiện giao thông giữa Trung ương và địa phương.

4.3. Một số giải pháp cụ thể về phát triển giao thông vận tải:

1. Giải pháp vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư:

Tổng vốn đầu tư là 14.217,24 tỷ đồng. Trong đó: Giai đoạn 2006-2010: 9.845,34 tỷ đồng; giai đoạn 2010-2020: 4.371,9 tỷ đồng.

1.1. Vốn đầu tư đường bộ:

* Giai đoạn 2006-2010: Tổng vốn đầu tư: 9.767,64 tỷ đồng. Trong đó:

+ Đường Quốc lộ: 3.593,38 tỷ đồng.

+ Đường tỉnh lộ: 2.745 tỷ đồng.

+ Đường hành lang biên giới, đường ra biên giới, đường tuần tra biên giới: 2.059 tỷ đồng.

+ Đường huyện, xã, thôn bản:1.169 tỷ đồng.

+ Đường đô thị: 201 tỷ đồng.

* Giai đoạn 2010-2020: Tổng vốn đầu tư: 4.139,5 tỷ đồng. Trong đó:

+ Đường Quốc lộ: 842 tỷ đồng.

+ Đường tỉnh lộ: 564 tỷ đồng.

+ Đường hành lang biên giới, đường ra biên giới, đường tuần tra biên giới: 288 tỷ đồng.

+ Đường huyện, xã: 2.197,7 tỷ đồng.

+ Đường đô thị: 248 tỷ đồng.

1.2. Vốn bảo trì đường.

* Giai đoạn 2006-2010: Tổng vốn bảo trì: 77,7 tỷ đồng.

* Giai đoạn 2010-2020: Tổng vốn bảo trì: 155,4 tỷ đồng.

1.3. Vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bến, bãi giai đoạn 2010-2020: 40 tỷ đồng.

1.4. Vốn đầu tư cho đường thủy, cảng sông giai đoạn 2010-2020: 37 tỷ đồng.

2. Giải pháp về nguồn vốn: 

Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn.

- Vốn Trái phiếu Chính phủ.

- Nguồn vốn Ngân sách Trung ương, nguồn vốn Ngân sách của Tỉnh.

- Nguồn vốn huy động của dân, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tài chính.....

- Nguồn vốn viện trợ từ các nước và tổ chức Quốc tế, vốn vay của WB, ADB…

3. Các giải pháp cụ thể về phát triển giao thông:

- Giải pháp về huy động nguồn vốn: Có các giải pháp, chính sách tạo vốn trên cơ sở phát huy nội lực, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức.

- Giải pháp, chính sách phát triển vận tải: Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải đường bộ, đường sông; khuyến khích doanh nghiệp mở luồng tuyến vận tải lên miền núi, vùng cao. Tăng cường quản lý Nhà nước về nâng cao chất lượng phương tiện chất lượng dịch vụ, giá cả và an toàn giao thông.

- Giải pháp, chính sách phát triển công nghiệp giao thông: Tạo điều kiện về đăng ký kinh doanh, mặt bằng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực chế tạo, lắp ráp các phương tiện vận tải đường bộ, đường sông....

- Giải pháp, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và giao thông nông thôn: Từng bước xây dựng thị xã Lai Châu hiện đại, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đảm bảo đi lại thông thoáng kết hợp chặt chẽ với việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu dân cư; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", mặt khác nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn.

- Giải pháp về công nghệ: Triển khai áp dụng các qui trình, qui phạm trong xây dựng, quản lý bảo trì công trình giao thông; khuyến khích áp dụng công nghệ, vật liệu mới vào xây dựng; áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành; xây dựng các trung tâm kiểm định, quản lý chất lượng xây lắp công trình.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

- Chủ đầu tư: Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu.

- Quản lý thực hiện quy hoạch: Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu.

- Thời gian thực hiện quy hoạch: Từ năm 2006 đến năm 2020.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Các Ông (bà) Chánh Văn phòng UBND Tỉnh; Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tài chính, Xây dựng; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan chịu thi hành Quyết định này./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Văn Phu